|
Dáng anh dong dỏng cao, nước da ngăm
ngăm, khỏe khoắn, trung thực, dễ tính và chịu khó. Mang “vóc dáng thư sinh”
nhưng anh giúp ba mọi chuyện nặng nhọc trong nhà nên ba mẹ càng yêu quý anh
nhiều hơn. Như quan niệm của người xưa “Mẹ
cha bú mớm nâng niu/ Tội trời đành chịu không yêu bằng chồng”, câu
ca dao đã nói khá rõ về vai trò của con gái trong nhà. Vậy nên con trai được
nâng niu, cưng chiều hơn con gái. Nói thì nói vậy thôi chứ đã là con rứt ruột
đẻ ra thì ba mẹ nào chẳng yêu thương. Bản tánh anh vốn hiền lành, ít giành giật
để chiếm lợi cho mình dù anh đã ngoài ba mươi tuổi. Nhất là rất yêu mến và
nhường nhịn các em nên ba mẹ ít cho anh đi chơi, tụ tập la cà quán xá hoặc ở nhà
bè bạn.
Ở một chỗ hoài cũng cảm thấy tù túng,
cuồng chân. Anh xin ba mẹ đi làm công nhân, mẹ đắn đo rất nhiều, ba quặn thắt
cơn đau đêm ngày. Mà nỗi đau xiết chặt để giày vò ba chính là chuyện anh Hiếu dở
dang việc học. Ba càng khổ tâm hơn như chính ba tiếp tay làm méo mó, lệch lạc tương
lai của đứa con ba đặt nhiều niềm tin và tâm huyết. Đêm thao thức, nhức nhối
không chợp mắt được, ba chà dầu lên những chỗ đau nhức mà vỗ bành bạch rồi nằm
xuống giường để cố lấy lại giấc ngủ. Ngày ba ngó mông lung như chờ đợi một phép
màu huyền diệu nào đó. Giờ nghe anh Hai xin đi làm công nhân, ba vừa xót thương vừa ai oán cho thân phận con mình. Đành
thôi, ba gật đầu miễn cưỡng!
Đi làm được hơn ba tháng, nghe lời
Kiên, anh bỏ xưởng rong chơi tận Vĩnh Long. Không xin ý kiến ba mẹ, anh Hiếu đi
một nước hơn hai tuần liền. Ở nhà, ba lo lắng, mẹ vào ra ngóng trông. Dù đã nhờ
người dò la tin tức, tìm anh, nhưng mọi thông tin đều bế tắc.
Mẹ nghe phong thanh anh đang ở nhà cô Ba
Sốc. Vào một đêm trăng thanh vời vợi, trái tim người mẹ thôi thúc mong gặp con,
mẹ nôn nao không ngủ được, lén ba lấy chiếc xe đạp cà tàng đi tìm anh. 
Anh Hiếu không biết hút thuốc hay uống
rượu gì, nhưng lần này, mẹ nhìn thấy anh rít một điếu thuốc rồi phì phà nhả làn
khói trắng cuộn xoáy bay bỗng như làn bụi trắng đục sau đuôi chiếc ô tô rú ga
lăn bánh. Hai mắt anh sung sướng nhắm nghiền, đến khi mở mắt ra, hai tròng mắt
lườm lườm đỏ ké. Say sưa với men rượu và hương khói thuốc xông lên mũi làm anh
ngây dại nên không biết mẹ đứng đó tự lúc nào. Anh Kiên khều nhẹ vai, anh xoay
người lại. Miệng há hốc - Mẹ! (Rồi điếu thuốc trên kẽ ngón tay anh rơi xuống tự
lúc nào, như cố tình thiêu hủy chứng cứ trước mặt mẹ).
Mẹ nhìn anh trân trân bằng thái độ vừa
ngạc nhiên vừa chua xót. Rồi đôi mắt mẹ cụp xuống như để nuốt ngược vào tim nỗi
đau đang giằng co quyết liệt. Mẹ bước tới, dịu giọng - Con ra xe về với mẹ!
Thằng bạn nhậu của anh ngăn lại khiêu khích - Mày uống hết li này mới được về.
Mẹ tôi van lơn - Cháu ơi cho nó về nhà đi, nếu ba nó gặp con trong tình trạng
say mèm thế này, ông ấy sẽ bệnh càng thêm nặng! Mặc kệ lời lẽ của một người mẹ
đáng thương đã tìm con trong hoàn cảnh trớ trêu này.
- Không uống hết tao không cho mày về -
người bạn nhậu lớn tiếng quát tháo và kéo vai anh Hiếu ấn xuống ghế.
Men rượu làm cho con người thay đổi
hẳn bởi tính khí nóng và cuồng trí không thể kìm chế được hành vi và lời nói
của bản thân. Lúc này thân tâm bị thần
men ám ảnh và say khiến nên người say sẽ
dễ mất sai lầm nhất.
Anh Hiếu hiểu được tâm lí, nên ôn hòa
với bạn - Đừng nóng, ổn ngay thôi! Anh Hiếu vừa đưa một thứ men đắng vào cơ thể
một cách khó khăn vừa chào vui vẻ các bạn để tạ từ…
Bước lên xe nhưng thần trí đang
cuồng theo luồng gió đang lấn quấn dưới chân. Mắt anh Hiếu như đang phản bội
anh mà nhắm nghiền hai mí mắt lại. Ánh đèn xe tải sáng hơn cả ánh trăng, làm
chói cả mắt, tay run lẩy bẩy, xe loạng choạng. Anh cố giữ thăng bằng vì anh
biết mẹ đang ngồi phía sau. Trong lúc này anh cố nhớ lại tên mình là Hiếu. Một
cái tên theo đúng nghĩa của nó - trọng chữ hiếu, sống hiếu thảo…
Rồi loáng thoáng như trong một giấc
mơ, anh nghe tiếng rầm từ phía sau xấn tới. Khi tỉnh lại, anh đang được truyền
dịch. Nghe nói người điều khiển chiếc xe máy chạy cùng chiều cũng bị ánh sáng
đèn xe tải làm lóa mắt đã chết trên đường chuyển đi bệnh viện cấp cứu.
Miệng anh mếu máo gọi mẹ như trẻ lên
ba - Mẹ đang ở đâu?
Tôi trả lời cho anh yên tâm - Mẹ đi
chụp hình rồi, lát mẹ quay lại.
Trong cái rủi vẫn còn sự may mắn. Anh
với mẹ không bị ảnh hưởng đến mạng sống. Cả nhà tôi mừng khôn xiết. Vụ tai nạn
đó khiến cho cái chân bên phải của mẹ không đi lại được bình thường như trước. Những
bước đi khập khiễng, mỏi mệt in dáng mẹ liêu xiêu như cánh đồng chiều vặn vẹo
theo gió. Kể từ đó, chân của mẹ yếu xìu. Và chúng tôi lấy ngày mười ba tháng
bảy âm lịch hàng năm làm ngày giải hạn và cũng là ngày chúng tôi tạ ơn đất
trời, tổ tiên, ông bà đã từ bi cứu độ. Để bây giờ chúng tôi vẫn còn có mẹ cận
kề bên. Gia đình tôi thường cúng rằm tháng bảy là hai ngày: ngày mười ba bày
mâm hoa, quả, trà, rượu, nước cúng bốn phương tám hướng đến hết ngày rằm mới
thu dọn bàn. Còn ngày mười bốn thì nấu chè, xôi, canh kiểm cúng tổ tiên, gia
tộc họ nội, họ ngoại…
Thời gian thấm thoát thoi đưa cho đến ngày
ba tôi không thể tiếp tục lao động nặng nhọc được nữa, ba đâm ra bực bội,
thường la rầy anh em tôi. Một lần trong bữa cơm, ba nói - Hết giờ làm thì về
phụ giúp mẹ bây chăm sóc bầy heo, đu đưa cùng bạn bè làm chi rồi mẹ bây cực
nhọc loay hoay nhà cửa có một mình. Ba thường hay trò chuyện, nhắc nhở anh em
tôi trong bữa cơm sum họp hàng ngày. Anh Hiếu không thích như vậy nên phản
kháng - Anh em chúng con đã lớn rồi mà… Ba tôi và vội cho hết chén cơm, ông đi
lại bàn, rót li trà nóng (lúc này tôi nhìn sắc mặt của ba nóng hơn nước trong
li trà vừa rót) - Nếu mày cảm thấy không thể sống nổi được ở cái nhà này thì cứ
việc khăn áo ra đi. Ba tôi càng giận dỗi bao nhiêu, anh Hiếu càng tự ái, mặc
cảm bấy nhiêu. Rồi anh quả quyết bôn ba lên Bình Dương, quyết xa xứ, xa gia
đình để mưu sinh. Anh làm phụ bếp trong một nhà hàng, lương chỉ đủ sống. Nhưng
anh chi tiêu dè sẻn để dành dụm chút đỉnh tiền về quê.
Ngày hội Vu Lan sắp đến, anh muốn xin
bà chủ nghỉ về nhà một tuần để xin lỗi ba. Anh biết, dẫu có giận bầm gan tím
ruột đi nữa, nhưng ba vẫn luôn ngóng anh về. Cứ mỗi lần nhận được điện thoại
của mẹ, anh đều khóc nghẹn vì hành động nông nổi, thiếu nghĩ suy khiến ba mẹ
buồn phiền.
Trời tháng bảy mưa về thấm đất như
chàng Thủy Tinh xưa nổi trận cuồng phong làm tôi nhớ tới câu nói dân gian “Rằm tháng
bảy nước nhảy lên bờ”. Giữa một buổi trưa trời không trong, nắng nhạt, gió lay
lay. Ba tôi ngồi tâm sự với mẹ về bốn đứa con thì ba than thở - Thằng Hiếu là
anh lớn trong nhà mà chưa có nơi nào ưng thuận về làm vợ nó, các em của nó cũng
đã đến tuổi lập thành gia thất mà vẫn đợi anh Hai. Tôi có chết cũng không sao
yên lòng nhắm mắt được. Mẹ tôi an ủi - Ba nó ráng thuốc men cho mạnh khỏe rồi
mới lo đến chuyện dựng vợ gả chồng cho các con được!
Rồi đột ngột ba kêu mẹ - Mẹ nó ơi, tôi
cảm thấy chóng mặt quá! Ba tôi vịn cột nhà, đứng lên. Mẹ tôi đỡ ba lên chiếc
giường ngủ, nhưng không kịp. Trán ông đập vào cạnh giường. Ba bị đột quỵ và qua
đời. Bốn anh em tôi không ai gặp được mặt ba mình trước lúc lâm chung…
Mẹ dừng võng, bước đến bên bàn vẫn còn
tươi hoa quả, châm một nén nhang khác rồi xá, rồi quỳ, rồi lạy, rồi xá và cắm
vào chân hương. Mẹ nói - Các con mặc áo dài tay và thành tâm khấn nguyện. Anh
Hiếu đọc bài Sám Vu Lan rành rẽ lắm: “…/ Lòng
càng áo não/ Nhớ nghĩa thân sanh…/
Ba năm nhủ bộ/ Chín tháng cưu mang…/ Cậy có
công cha/ Chẳng quản yếu già/ Sanh nhai lam lũ…”. Anh đọc như thể một
cuốn băng đặt trong cái máy catset, muốn
nghe đoạn nào là xả băng nghe đoạn đó. Tôi nói - Anh Hai nhớ thiệt hay! Còn mẹ
tôi thì khấn nguyện bằng tấc lòng thành kính “… Lạy các chư phật, Hoàng thiên/ Nguyền xin Tam giới thánh hiền chứng
minh …”. Tôi nhớ ba da diết. Nhớ công ơn nuôi dưỡng, giáo dục của ba: Biết
sống hiếu thảo với ba mẹ mới có được cuộc sống an nhàn, mới hưởng được cội
phước về sau!
Mẹ đến cái võng lúc nãy, ngả lưng nằm
xuống tấm vải dù, mẹ nói - Anh Hai bây đã tìm được người tâm đầu ý hợp, tháng
sau mẹ chuẩn bị mâm lễ sang bên nhà gái rồi ngỏ lời dạm hỏi luôn...
- Anh Hai bây yên bề gia thất thì xin
về công ty Hùng Cá mà làm để tiện chăm lo gia đình, ở Bình Dương xa xôi quá!
Nói
đến đây, mẹ nhìn lên di ảnh trên bàn thờ của ba. Khói hương nghi ngút làm mắt
mẹ cay xè hay giọt nước mắt yêu thương, hạnh phúc làm ánh mắt mẹ nhòa mờ, từ đó
rỉ ra dòng nước bò xuống hõm má hằn rõ những vết nám. Mẹ ơi mẹ là đêm trăng rằm
soi sáng cuộc đời của chúng con. Mẹ là đức phật trong lòng con. Con yêu mẹ bằng
cả tấm lòng thành kính!
|
|