|
Lại la chói lói, mà vị trí trước cửa
quán cà phê nhỏ của cô gái hết thời bay bướm. Chắc là ghen tuông nữa rồi. Mọi
người, bao gồm đàn bà, con nít chạy cả ra, rầm rập, bóng người loang loáng dưới
trăng. Tiếng la kia thì vẫn xé nát đêm thôn quê đẹp đẽ và yên tĩnh. Chị Sáu nhận
ra trước tiên: - Trời, con Hà vợ thằng Hai, sao mà la dữ vậy?
Chị Hà không để ý câu hỏi, thoáng
cái, chị đã lăn uỵch xuống đất, giãy đành đạch. Anh chồng đang rượt đuổi đánh phía
sau hơi khựng lại bất ngờ vài giây. Chắc mắc cỡ vì có quá đông người nhìn. Anh lầm
bầm quay về, như chạy trốn những ánh mắt hiếu kỳ.
Ánh trăng mười sáu sáng ngời ngợi xuyên
qua cành cây, ngọn cỏ, chiếu xuống hình hài người đàn bà ốm nhom, mắt chị dại
đi, nhòe nhoẹt nước. Trăng chiếu vào song của quán cà phê vườn. Chủ quán lặng
yên, bước ra khép cửa nghỉ bán, vẻ vô can. Nhưng chị ta biết, lại ghen, đàn ông
tới đây uống nước và buông lời sàm sỡ, chị ta cũng đẩy đưa qua lại, mặc kệ họ,
chuyện thường, có sức thì ghen, đây hổng thèm chấp. Hồi còn hương sắc chị ta bán
quán ở thị thành, nay hơi tàn héo về vườn câu khách quê kiếm chút cháo, mà cũng
vui, đỡ nhớ không khí quán xá.
Chị Hà nằm đó, vật vã, kể lể. Chị Sáu
chạy tới, miệng hỏi tay dìu chị Hà về. Cái dáng ốm nhom của chị liêu xiêu, lệt
bệt đổ dài trên đường đất. Những người hàng xóm tốt bụng nói vài câu khuyên nhủ,
kèm theo phê bình ông chồng có tính vũ phu để làm dịu cơn giận của chị. Đám con
nít la: - Dô dô, đánh lộn.
Có tiếng nạt của ai đó: -Vui lắm sao
mà cười?
Bọn trẻ nín bặt, chỉ còn tiếng chân
bước phình phịch và giọng nức nở của người đàn bà giận chồng. Chuyện gây gổ như
vầy ở thôn quê được xem là bình thường, có khi còn khuấy động cho không khí ở đây
bớt tĩnh lặng. Xóm này giờ đất cát trồng tỉa còn quá ít ỏi, cá sông cạn kiệt,
họa hoằn mới có vài chiếc xuồng nhỏ ra sông thả lưới. Xóm buồn hiu. Nhà có con
trai, con gái lớn thì kiếm đường đi làm ăn. Cái từ “đi Bình Dương” đã quen đến
nỗi nghe là biết có người rời quê, dù là đi bất cứ nơi nào.
Chị Hà có con nhỏ, vợ chồng bám gần
hai ngàn mét vuông đất vườn. Mấy năm nay thất bát, chị phải bươn bã đi làm
thuê. Anh chồng ở nhà chăm sóc vườn, việc ít rảnh nhiều nên sinh ra bê tha. Cái
nhà vắng đàn bà trở thành “Phủ thần tiên” của mấy tay vô công rổi nghề trong xóm.
Chị Hà hậm hực lấy chiếu gối, dắt
đứa con gái nhỏ qua sau hè nhà mẹ chồng giăng mùng ngủ. Bà già bệnh rề rề, vén
mùng ngó ra thở dài “Gịân nữa hả bây?”, chị lầm lủi đi khỏi căn nhà có anh
chồng vừa đưa võng vừa gầm gừ như con thú hoang. Lâu lâu, không thấy vợ trả lời,
vung tay đánh vào khoảng không hoài cũng mỏi, anh ra ngoài ngó tới ngó lui, khi
phát hiện ra cái mùng sau vườn, anh làm thinh vô nhà đưa võng tiếp.
Trong mùng ngoài vườn có tiếng thút
thít nho nhỏ. Có đứa nhỏ cầm đèn pin rọi vô mùng, là con bé Lài, hàng xóm, “liên
lạc” của chị Hà mấy lúc như vầy, chị hỏi:
- Lài đó hả, vô đây. Ổng đang làm gì
bển vậy?
Lài đáp: - Con hổng có để ý. Hình như
chú….
Chị thì thầm: Nói nhỏ thôi. Chạy qua
bên nhà coi dùm thím.
Con Lài đi một lát rồi về báo cáo như
là một nhiệm vụ quan trọng, vẻ vang lắm vậy. Có khi, chị sụt sịt với nó:
- Mai mốt thím bỏ ổng, làm mướn nuôi
con.
Lài con nít mà cũng bắt chước cái
giọng của bà Năm, chị Sáu:
- Kệ ổng thím ơi, mình lo con mình
đi, tội nghiệp nó. Đừng để ý tới ổng nữa.
Chị Hà nhìn con nhỏ vài giây rồi phì
cười với cái giọng người lớn của nó, nét mặt giãn ra, đôi mắt mọng nước như
cũng cười. Bất giác thấy chị đẹp hơn.
***
Sáng, gởi con cho bà nội, chị Hà chạy
chiếc xe đạp cà tàng đi phụ hồ như thường lệ. Mắt vẫn sưng húp. Trong bụng còn
tức hết sức, chuyện đêm qua chị vẫn nhớ mồn một. Đi làm từ sáng tới chiều mới
mệt mỏi đạp xe về. Lòng háo hức muốn gặp mặt chồng con. Vậy mà, không hổ danh là
phủ thần tiên, bên chái nhà, mấy tay tiên ông đang ngồi rung đùi, một chai rượu
để kế mí chiếu, có nồi lẩu cá linh bốc khói kế bên. Tiếng chồng chị:
- Mình vầy sướng như tiên thiệt chớ.
Chiều lai rai, rượu ngon, gió mát còn gì bằng mấy cha.
Thằng Hùng, cháu họ xa của anh Hai
cũng có mặt, nó cười dễ ghét, cứ ha há, hô hố. Nó gầy đét, có hai vợ mà cả hai chạy
dài vì cái tật rượu chè, ai hỏi thì nó rao “xứ này mần cái gì bây giờ, thả lưới
thì hết cá, đi làm mướn ít ai kêu, lên Bình Dương thì làm hổng nổi, biết sao giờ,
vay vốn nuôi bò, cắt cỏ lai rai ngày vài bó rồi nhậu, khoẻ re”. Cái vụ nuôi bò
cũng lắm giai thoại, có bữa nó bơi xuồng đi cắt cỏ bò, bò ở nhà đói muốn rã ruột,
chiều mới xỉn mẹp bơi xuồng không về. Cũng có bữa, chạy xe đạp đi cắt cỏ, chạng
vạng về nhà, miệng đỏ lòm, gãy mất hai cái răng cửa. Nó lè nhè kể đang thả dốc
cầu ngon trớn thì đứt thắng, lấy chân rà bánh xe ghìm lại mà không kịp, văng tuốt
vô cây cột nhà của bà Tám bán bún. Cha không nên thân thì con khổ, thằng con
trai của Hùng thì gởi bà nội nuôi, học tới lớp ba nghỉ ở nhà đi giăng lưới, mót
lúa.
Sau một tràng cười đặc trưng hô hố, thằng
Hùng phụ hoạ:
-
Chú Hai nói phải, Phủ thần tiên mà, xong lên quán bà Tuyết, bả mê chú hết ý.
Chồng chị cười tươi rói:
- Tao có vườn xoài này vài năm trái
sai oằn, làm chơi chơi nhậu xả láng.
Thằng Tám vỗ đùi cái bốp:
- Hay, vậy Phủ thần tiên này lúc nào
cũng sẵn rượu cho tụi mình.
Tám con nhà khá giả nhưng cũng là
một tay ăn không ngồi rồi, rượu uống như nước lã. Chuyện của nó cũng nổi như cồn.
Nhứt là vụ chôm chỉa tiền nhà. Riết rồi má nó không dám để tiền trong tủ nữa. Có
bữa, sáng dậy súc miệng vài xị xong, nó kể bữa trưa nằm cái võng giăng dưới sàn
nhà. Mắt nhắm hờ nhưng nó nghe rõ ràng có ai đó trả tiền cho má nó. Bà già ngó
tới ngó lui, thấy thằng con ngủ mới rón rén vô buồng cất tiền. Vậy mà lát sau,
nó lén ngắt một khúc, mà kiếm trúng phóc mới tài.
Ai cũng ngạc nhiên: - Mầy nằm dưới sàn,
bà già thì giấu trong nhà, sao thấy được?
Thằng Tám cười khì:
- Hổng thấy thì nghe. Bà già đi vô
trong, tao đếm bước chân trên ván sàn nhà. Mười ba bước. Vậy là tao độ chừng, đúng
y chang, tiền giấu trong cái bao đựng đồ cũ.
Trong tiếng cười khà có ai đó xuýt
xoa:
- Tội nghiệp bà già, chắc tức mình lắm.
Thằng Tám thôi cười:
- Chiều đó, biết mất tiền, má tao lên
huyết áp tưởng đứt rồi chớ. Chậc! phải chi đừng làm bậy. Qua vụ đó tao tu lại một
chút, nhưng còn nhậu là không bỏ được, nhứt là ở cái phủ thần tiên gió lộng này.
Vừa mệt, vừa đói, lại nghe dân nhậu
nói cười ra vẻ sung sướng lắm. Chị Hà tím gan, dựng xe đạp vô vách cái rột, bỏ
vô nhà nhúm lửa hâm ơ cá, nồi canh, kêu đứa con gái nhỏ ra lu nước tắm rửa rồi
mẹ con ngồi ăn cơm. Chị nhìn xuống bàn tay chai sần, bị xi măng, cát đá rỉa rói
từng ngày của mình. Đôi chân đạp xe mỗi ngày hơn hai chục cây số mỏi nhừ để
kiếm ngày hơn trăm ngàn, nước mắt bất chợt ứa ra. Nhớ lại những lần khuyên nhủ,
anh chồng nạt ngang:
- Giày dép còn có số, em sao léo nhéo
hoài, bộ tính trù cho tui chết đặng kiếm thằng khác hả?
Hai năm nay, chị phải bươn bả kiếm việc làm,
phụ hồ, rửa chén lo cho con kèm ông chủ “phủ quỷ” này. Chị ước mình có gan hất tan
xác cái mâm rượu, dẹp bỏ cái tên phủ thần tiên chết tiệt để kéo anh trở lại là
người chồng hiền lành, giỏi giắn, biết lo cho gia đình như hồi trước. Chị nhớ
có ông Mười xóm dưới, thích đờn ca tài tử, ngày nào cũng tụ tập hát xướng, đàn
ông đàn bà tán dương lẫn nhau làm vợ ngứa mắt. Một bữa, ai nấy đang vui vẻ ăn
uống, hát hò, khen ông đờn mùi quá, bà tức anh ách, ngồi phía trong bùng một
câu làm ai nấy hết hồn:- Đờn mùi muốn rụng... Tất nhiên, ông chồng tài tử xấu
hổ cự một trận nên thân, bà tức mình bỏ về nhà mẹ hết hai năm trời. Chuyện đó
trở thành chuyện cười trong xóm cả năm trời. Vì vậy, chị không dám đụng vào cái
sĩ diện của anh chồng. Bao nhiêu bực
tức giấu hoài trong bụng.
Lát sau, xỉn mềm, cả nhóm kéo nhau
lên quán bà Tuyết thiệt. Chị tưởng tượng bà Tuyết má phấn môi son, bưng cà phê
cho chồng chị, rồi ngồi kế bên lả lướt. Chồng chị sẽ cười hết cỡ. Khi anh chồng
liêu xiêu đi về nhà, miệng hát lè nhè thì chị thấy cục giận nó trườn từ bụng
lên chẹn ngay cổ họng. Lời qua tiếng lại một hồi, cuối cùng là trận chiến long trời
lở đất giữa đêm trăng đẹp.
Nhớ lại còn tức, chị nhấn mạnh chân,
chiếc xe đạp vượt lên. Cơn giận này mà không xả bớt chắc nó bùng như quả bom.
Chị Hà tự nhủ, sẽ dắt con gái đi luôn, tay làm hàm nhai sợ gì đói.
Tối, mệt phờ người trở về, tắm rửa
cho con, vô nhà má chồng nấu ăn qua quýt ba hột cơm rồi lỉnh kỉnh ôm mùng chiếu
ra hè, chỗ cái nền nhà củi cũ bằng xi măng giăng mùng ngủ.
Đêm thứ hai, thứ ba, thứ bảy, thứ tám….
***
Gió thổi
mạnh. Cái mùng trắng cũ kỹ lất phất giữa hư không. Bé Hạnh thỏ thẻ nói chuyện
với mẹ, mỗi lần người lớn cãi nhau là nó lại sợ mẹ bỏ. Ngó quanh, nhà ai cũng đỏ
đèn, tiếng chuyện trò tíu tít. Chị ôm chầm lấy con, thở dài, dỗ dành nó và dỗ cả
mình.
Con Lài, liên lạc bất đắc dĩ, chạy
qua chạy lại như con thoi, bí mật báo tin:
- Ổng đang nằm đưa võng hút thuốc,
hát như mèo gừ. Nhà tối thui, chỉ có bóng đèn cà na trong buồng.
Chị đáp thờ ơ: - Vậy hả, kệ ổng.
- Chắc chú Hai buồn hay gì đó. Lài nói.
- Ông chủ Phủ
thần tiên mà buồn gì - Chị nói lẫy rồi giũ mùng chiếu chuẩn bị ngủ. Con Lài giỡn
với bé Hạnh một chút rồi rọi đèn pin về nhà.
Lát sau, người chồng bị vợ giận xuống
võng rảo cẳng ra vườn, giả bộ tằng hắng mấy lần. Anh lên tiếng: - Hạnh à, con làm
gì đó? Con nhỏ dạ. Anh không nói gì nữa, dường như kêu để nghe tiếng thưa của
nó cho đỡ buồn. Anh về nhà. Không gian lại yên tĩnh, chỉ còn tiếng côn trùng.
***
Trong đêm
khuya, chị kéo cái mền đắp lại cho con rồi suy nghĩ mông lung. Cơn giận làm chị
muốn hụt hơi. Tưởng như có thể bỏ chồng cái một, bao nhiêu oan ức từ hồi nảo
hồi nào được xâu chuỗi lại, nặng trình trịch như cái thùng bê tông chị xách ban
ngày.
Hồi chiều, đi làm về, bé Hạnh nói ba
hỏi thăm mẹ, biểu mẹ con về nhà, ngoài đó sương lạnh. Chị nói liều: - Mẹ không
thèm về. Nhớ hồi chiều, chị xúc gạo, nấu cơm ở lều của mình, chợt tay vướng vật
gì trong thùng gạo. Chị kéo ra sáng coi. Mấy tấm hình anh với chị chụp hồi chưa
sanh bé Hạnh, anh choàng vai chị, miệng cười tươi, rồi tấm hình hồi anh chị và
con đi chơi Noel ở tỉnh. Anh đạp xe chở chị và con gái vượt chừng chục cây số
để ngắm phố phường, chụp tấm ảnh ở gần bưu điện tỉnh, nơi người ta dựng cảnh
tuyết rơi, ông già Noel, và cả nhà ghé ăn cây kem chuối ở cái quán nhỏ gần cầu
Đúc, rồi về. Chị ngồi sau xe anh, ôm con trong lòng, quàng tay qua lung chồng
nghe niềm vui len lén chảy tràn trong tim.
Kèm với mấy bức hình, là lá thơ có
hơn mười dòng, anh gởi chị. Những dòng chữ hơi ngã ra trước của anh làm chị nhớ
tới những ngày đầu cùng nhau hò hẹn, anh cũng viết thư, cũng tâm tình và mơ ước
rất nhiều, về ngôi nhà nhỏ có tiếng trẻ thơ. Chữ “xin lỗi” trong thư làm chị
bật khóc! Lẽ nào ngôi nhà nhỏ mà hai người mơ ước sẽ vĩnh viễn mất đi. Bé Hạnh
ôm chị, bàn tay ấm áp, trong mơ, con nhoẻn miệng cười.
Vài ngày,
cái thùng tâm sự cũng nhẹ bớt, chị suy nghĩ có khác hơn. Nhưng chị cũng không
về. Con Lài vẫn làm giao liên. Anh làm vườn, chăm sóc xoài, bỏ phân tưới nước,
ra sông đón xuồng lưới mua cá về kho, kêu con Hạnh về ăn cơm. Thằng Hùng, thằng
Tám lảng vảng hoài, anh lắc đầu. Mấy ngày liền Phủ thần tiên vắng vẻ, anh cũng không lên quán cà phê bà Tuyết mà nằm
gác tay lên trán, đưa võng toòng teng. Nhưng chị Hà biết, trong lòng anh không
dễ gì quên được, năm ngoái, hai vợ chồng cùng vít đất đắp gốc xoài, anh học ghép
cành lụi hụi ghép mấy gốc xoài lai. Anh cười cười “vài năm vườn này lớn là bé Hạnh
vô lớp một, vợ chồng kiếm đứa nữa cho vui”. Nay anh lầm lì, chị cũng làm thinh.
Đêm. Gió mang hơi nước lành lạnh từ
sông Cái thổi vào. Vầng mây đen đặc lướt qua vừng trăng mờ ảo làm cảnh vật hiu
quạnh thêm. Cái mùng của mẹ con chị Hà lay động bởi ngọn gió nghịch ngợm lòn
qua căn lều. Ngoài kia, anh đi tới đi lui, ngó ngó, nghiêng nghiêng, mấy lượt
mới buông một câu:
- Bữa nay mưa đó nghe! - Trong lều êm
ru, anh tần ngần quay về.
Mưa thật! mới đầu lắc rắc, sau thì
ào ào. Cái chòi che vội bằng mấy tấm bạt cũ bay phần phật trong mưa gió. Chị
tốc con dậy, mẹ con cuốn mùng, ôm chiếu gối chạy te. Anh để cửa mở như chờ sẵn.
Đứa nhỏ kêu: - Ba ơi. Anh đi ra, dắt con vô nhà, nói mát:
- Sao hai mẹ con hổng ở ngoải luôn
đi.
Chị hứ một cái rõ to rồi thong thả vô
nhà. Anh đóng cửa, gài lại cẩn thận, miệng mỉm cười một mình.
Hôm sau chủ nhật, chị được nghỉ làm,
gom quần áo giặt ở bến sông, cả đống đồ làm vườn của anh, chị cười lỏn lẻn hỏi chị
Sáu:
- Bữa nay trời trong há! chị có làm
gì hông?
Chị Sáu cũng sốt sắng trả lời: Ừ,
nay chị làm cỏ vườn, thím coi xoài chú Hai nó ra bông bộn rồi à. Chú ở nhà làm
vườn, giữ con nhỏ, còn thím bươi quào thêm thì đâu đến nỗi.
Chị Hà nói: - Em không sợ cực, chỉ
lo ổng bắt chước mấy Tiên ông xóm này thì khổ con cái.
Chị Sáu chép miệng: - Ừ, hổng làm thì
biết chừng nào mới hết nghèo.
Con Lài từ đâu chạy tới, tài lanh:
Thím Hai ơi, chú Hai đang uống trà với bác Bảy ở bển, hình như bàn làm vườn gì
đó thím….. Chị cười, ngập ngừng:
- Con nhỏ này, thôi khỏi dòm chừng ổng
nữa, thím biết rồi. - Quay qua chị Sáu, chị nói như phân trần: cũng tại… thương
con bé ngủ ngoài này mưa lạnh. Mai mốt ổng còn biến nhà thành cái “phủ quỷ” nữa
là em bỏ luôn cho mà coi.
Con Lài tài khôn: - Sao thím hổng cho
ổng bài học.
Chị cười tủm tỉm: - Xời ơi, nói y như trong
phim hỏng bằng. Ổng hứa chắc rồi, con khỏi lo nghen!.
Con bé Hạnh xen vô: - Ba hứa mai mốt ba bán xoài
mua cho em cái áo đầm thiệt đẹp nữa. Nói chị nghe, hồi tối lúc trời mưa chạy vô
nhà, ba còn ôm “hun” mẹ một cái nữa.
Chị Hà nạt yêu con một tiếng, cúi mặt
giấu vẻ thẹn thùng. Sóng nước lao xao, ánh nắng đầu ngày chiếu hồng khuôn mặt người
đàn bà lam lũ. Dưới là nước xanh, trên là trời trong mây trắng. Cơn giận tưởng
như xé nát cả gia đình đã tan rồi, như cơn mưa tạnh thì trời hửng nắng. Nhưng mà,
ai biết cái Phủ thần tiên gió lộng mai này còn mở cửa đón khách thường xuyên nữa
không. Cũng hổng biết chắc là còn hay hết cái điệp khúc giận hờn giữa đêm trăng
miền thôn dã.
Thanh Bình
|
|