|
- Bỏ rượu Đức uống rượu đế chứ gì?
- Thầy này! Tui nói thiệt! Tại quý mến
thầy… Vả lại, lâu lâu gặp nhau nên mới nhấp nhấp lại vài ly cho đỡ buồn…
Nhìn môi lão Tư mấp máy, hai khóe mắt
đỏ dần lên, tôi đoán chắc điều mà Tư Xỉn định gửi gắm thật hệ trọng, nghiêm túc,
chứ không phải tếu táo, suồng sã như thuở nào. Tôi chưa kịp cất tiếng xin lỗi
Tư Xỉn vì hiểu lầm thì lão nói tiếp:
- Sau Tết này, tui quyết định lên
Sài Gòn sum họp với tụi nhỏ và bà xã. Vườn tược, nhà cửa và hầm cá, tạm thời gởi
cho Ba Nheo kế bên, nên an tâm. Nhưng lo nhứt một chuyện.,,
- Chuyện gì vậy?
- Con chó ở nhà không biết gởi cho
ai! Giống này lai Nhựt, lông xù. Khôn đáo để…
- Thì sẵn tiện gởi cho Ba Nheo luôn
đi! - Tôi vô tư đề nghị.
- Đâu được thầy! Ba Nheo mê ăn thịt
chó lắm! Mỗi lần hắn và tụi bạn nhậu thịt cầy bên ấy là con Lai - tên con chó
do lão Tư đặt - chạy vòng vòng khắp nhà, sủa rền rền, tru tréo, nghe mà nổi cả
da gà. Ba Nheo hăm nó muốn mẻ răng luôn. Gởi cho hắn, chẳng khác nào gởi trứng
cho ác!
Nhìn con chó đang nằm ngoan ngoãn dưới
chân Lão Tư, chốc chốc ngóc đầu lên, đôi mắt đảo lia, liếc người khách để dò chừng
và đề phòng, tôi hỏi:
- Lông con chó này xếp re sao gọi là
chó xù?
- Hồi mới về sống với tui, lông của
con Lai lù xù trông dễ cưng và sang trọng lắm! Nhưng bây giờ xoắn lại ôm sát
mình. Nhìn hai cái lỗ tai lòng thòng với đôi hàm răng ba xía ba tú, chìa hô như
cái nạo dừa thì đoán biết liền. Bạn của Ba Nheo đặt tên cho nó là Bích La. Còn hắn thì tróc tróc tay, gọi
con Lai là Bích Lừ.
- Nghĩa là sao? Hổng hiểu?
- Bích La là ba lít, còn Bích Lừ
là mười lít đó thầy ơi! Bảy Nheo là tay nhậu ghiền có tiếng. Chỉ một miếng thịt
cầy trong chén, uống đến tàn cuộc vẫn còn y chang!
- Trời đất! Nhậu kiểu đó chắc mau chết
lắm!
- Thấy có chết chóc bệnh tật thằng Tây
nào đâu! Sống nhăn răng ra đấy!
- Ừ để rồi xem!
- Biết thầy giáo sợ chết nên tui mới
có ý định gởi con Lai cho thầy mang về Tháp Mười nuôi giúp. Nếu nó qua đời thì
chôn xác giùm, chứ đừng ăn thịt mà tội nghiệp!
- Ủa, chuyện chết chóc, bệnh hoạn có
liên quan gì đến việc nuôi giữ con chó của lão nè? - Tôi ngạc nhiên hỏi Tư Xỉn.
- Liên quan mật thiết nữa đằng khác!
Chỗ thân quen, tui nói đừng giận: tướng thầy càng ngày bụng càng bự, hai chân lều
khều thì hổng mắc bệnh tiểu đường cũng vướng bệnh gút. Mà ba cái thứ gout
hay good, tiểu ngoài đường hay trong
bụi cây gì đó, nghe nói, nếu ăn thịt chó là nó hành, nó quậy dữ lắm!
- Đừng tưởng bở! Thấy vậy đó mà lầm
chết! Có chân bị gút nhưng cũng có
chân very good à nghen! - Vừa nói tôi
vừa lấy tay vỗ vỗ vô mấy cái chân của mình.
- Thầy giáo giỡn với Tư hoài. Tánh
thầy vẫn lạc quan, yêu đời…
Tôi định nói: Sống vô tư, lạc quan cho lâu già. Có nhiều điều trong cuộc đời này ta
suy nghĩ đến rụng cả tóc, trắng cả đầu nhưng cũng không giải quyết được. Đôi
khi còn tùy thuộc vào duyên kiếp con người. Nhưng nhìn thấy dáng vẻ lù khù,
chậm chạp, hai bàn tay thô ráp, đôi mắt sâu thẳm, có quầng đen đậm rịt và đặc
biệt là làn da có vẻ nhăn nhúm, đang dần tái sậm lại của Tư Xỉn nên tôi im lặng.
Tính ra, tuổi của lão chỉ nhỉch hơn tuổi của tôi đôi chút mà sao thấy một trời
một vực.
- Thôi thì con Lai có được thầy mang
về Tháp Mười hay không còn tùy vào duyên số của nó… - Tư Xỉn trầm tư nói với giọng điệu giàu chất
triết lí, tin vào may rủi cuộc đời.
Đúng rồi! Duyên số… Tư Xỉn hình như
đã đọc được suy nghĩ của người đối diện. Lão đưa ánh nhìn xa xăm ra ngoài cánh
đồng khoai lang, bông tím đỏ, đang chờ cắt dây, đào củ mang đi bán sang tận bên
Trung Quốc, rồi đột ngột cúi xuống gầm bàn, lấy tay vuốt nhè nhẹ lên đầu con
chó, cất giọng yêu thương: Như mầy nè, mầy
sống với tao cũng là do duyên số. Con chó hếch bộ răng hô lịa xịa, cái đầu
lắc lia, rung rinh đôi tai ra vẻ đồng tình, hiểu lời của người chủ vừa tâm sự với
nó.
*
* *
Trưa hôm ấy, đoán biết bên nhà Ba
Nheo có khách, nên khi làm đồng về, Tư Xỉn vác cuốc, len lén đi vô nhà bằng ngõ
đằng hè. Trốn nhậu. Chiều còn phải lên luống trồng khoai cho xong miếng đất còn
lại. Giá khoai lang tím Nhật lên vùn vụt, thương lái tìm mua sốt vó. Người ta
mướn đất để làm. Còn mình có đất nên cũng nhét đại nhét càng. Biết đâu trúng
mùa, trúng giá. Còn bằng không, vợ con ở trên Sài Gòn biết mình cực khổ làm lụng
cũng thương chồng, nhớ quê. Tư Xỉn mới trờ tới gốc nhãn đã thấy một bàn nhậu
chình ình ở cháy bếp sau nhà Ba Nheo, sát hàng rào của mình, có mấy tay bụng phệ,
cởi trần trùi trụi, ở ngoài chợ Sa Đéc vô, dân thị thành thường khoái chơi dân
dã, đồng quê, nên lấy tay chỉ chỉ lên nhánh nhãn chìa sang và nói to:
-
Sao Ba Nheo không hái mấy chùm nhãn chín thơm mà đãi khách quý?
Ba Nheo cầm ly rượu, nheo nheo con mắt
đúng ba cái rồi mới nói:
- Có mồi bén rồi! Lão Tư cho tụi này
mượn nhờ cái hầm bên đó nghen!
- Muốn ăn cá vồ kho lạt hả? Cứ bắt
thoải mái! Cá này, mấy thầy chùa ăn cũng được. Vì tụi nó ăn toàn đồ chay chứ
không ăn đồ mặn như: mận, rau muống, chuối, khoai lang…
- Tụi tui trấn nước con chó trong
bao, đặt ở dưới mé đó! Thấy chưa? Con này lai Nhựt rất hiếm, nhưng có tiền án,
tiền sự rồi. Phải xử thôi! Ông bạn của tui lúc đầu cưng nó dữ lắm, nhưng chịu hết
nỗi, đành mang vô đây bán rẻ cho tụi này giết thịt.
- Trời đất, bây giờ mới mần, biết chừng
nào có ăn!
- Củi lửa, nồi nước bắc sẵn rồi, chỉ
cần đạp cái bao kia xuống ao. Mười lăm phút sau, thấy lên tim mẳn, vớt lên cạo
lông là có ăn liền. Chiều nghỉ đi làm đồng, nhậu với tụi này một bữa nghen!
- Đâu được, còn hơn nửa công đất
chưa lên luống. Kêu mấy bà bên sông sáng mai dăm dây khoai hết rồi. Làm lề mề,
người ta chửi chết!
- Vậy tụi này chừa cái đầu với bốn
cái dụm cho ông, tối về hốt cốt nhe!
Tư Xỉn bỏ ngoài tai mấy lời xầm xì của
bè bạn Ba Nheo: nghe nói lão này hồi xưa nhậu ghiền mà ta, nhậu lên bờ xuống ruộng,
lần ôm bụi cỏ, bụi lúa về nhà, mà giờ đổi tánh. Lão đi ngang qua cái bao, nghe
tiếng gầm gừ, rên ư hử ở trong đó nên dừng lại một chút, rồi vác cuốc đi thẳng
vô nhà. Đang nằm thiêm thiếp trên võng, định vỗ giấc trưa, lấy lại sức, Tư Xỉn
phải bật nhỏm dậy bởi tiếng la lớn, tiếng bước chân chạy thình thịch.
- Con chó mất tiêu rồi! Chỉ còn cái
bao nổi lều phều trên mặt nước trong hầm kia…
- Đã kêu buộc cho chắc lại mà không
chịu nghe!
- Sao biết không buộc chặt? Thấy hai
hàm răng hô của con chó bén ngót, cắn một cái là rách cái bao, nên tụi này còn
khớp cái mỏm của nó lại luôn.
- Tại mấy ông làm những chuyện không
hên không hà! Ông bà mình hay nói, chó chưa chết chưa bắc nồi nước sôi, đang đi
chài đừng hỏi mua cá, mới mang gà đi đá đã đòi chia cái xác là hỏng chuyện hết!
Tính trước bước không qua thiệt mà!
Chịu không nổi bởi những tiếng bàn
tán ì xèo ngày một căng thẳng, Tư Xỉn bỏ lên nhà trên. Mới bước tới khe của cái
tủ thờ với vách nhà trước, lão đã nghe tiếng grừ grừ. Trong ánh sáng mờ mờ, Lão chỉ thấy hai tròng trắng của mắt
chó đảo chớp liên tục, bởi màu lông đen sậm của nó hòa chung với màu của bóng tối
và mạng nhện. Kể từ khi vợ lão lên nuôi giữ mấy đứa cháu trên thành phố, lão sống
một mình, nhà cửa rộng thênh, u vắng. Đêm đến, bật đèn lên thắp mấy nén nhang
cho bàn thờ tổ tiên, xong rồi tắt. Có bữa xỉn quá, chui đại vô cái mùng giăng sẵn
ở trong buồng, hay cái chõng đặt bên hiên nhà. Biết chắc đó là con chó trong
bao bị trấn nước dước ao đã xổng, thoát chạy trốn vào đây, lão Tư lấy ngón tay
đưa lên miệng: suỵt, suỵt. Nó im ru.
Lão vớ lấy cái nùi giẻ quăng nhanh xuống nền gạch, trong chớp nhoáng đã lau sạch
mấy vết chân dơ, giọt nước văng tung tóe từ thân mình sũng ướt của con chó. Xóa
đi dấu tích.
Ba Nheo đứng ngoài cửa sổ tự bao giờ
chẳng rõ, hỏi vọng vào, làm lão Tư không khỏi giật mình, muốn đứng tim luôn:
- Lão Tư ơi?
- Cái gì vậy cha nội? Qua đây hồi
nào mà đứng lù lù ngoài ấy. Hết hồn!
- Lão có thấy con chó lông xù, màu đen
chạy vô nhà không? Con chó trong bao hồi nảy trấn nước chưa chết đã chạy trốn mất
rồi…
- Không thấy! Có con chó nào đâu! À
hình như tui có nghe tiếng sột soạt ở ngoài hè. Có khi nào nó chạy ra hướng
ngoài đồng…
Ba Nheo vừa quay về bên nhà vừa nói
lầm rầm:
- Đồng rộng
bao la, biết đâu mà tìm. Tiền mất tật mang. Mất trắng chục ngàn tiền hùn mua
con chó. Tao mà gặp mầy ở đâu, sẽ thấy cái cảnh.
Tư Xỉn hớn hở chạy ra hiên, nói với
theo:
- Có thiếu mồi nhậu xách chài bắt cá
vồ dưới ao nghen Ba Nheo. Còn cả rổ khoai lang bi dưới bếp. Củ tuy nhỏ nhưng nướng
hay luộc, đều ngọt bùi.
Rồi đợi cho dáng ông bạn khuất tầm
nhìn, lão Tư đi vô nhà chỉ chỉ vào con chó:
- Cố mà nằm im ở đây nghen, ra ngoài
là chết chắc. Chiều tao đi làm đồng về rồi sẽ tính mầy…
Nó ngoe nguẩy đuôi thể hiện sự mừng
vui, mắt chớp lia lịa ra vẻ xúc động lắm.
Chiều hôm ấy, Tư Xỉn vừa cuốc đất
lên luống khoai vừa nghĩ cách để nuôi giữ con chó hụt chết từ tay mấy bợm nhậu.
Lo nhất là Ba Nheo ở gần nhà, mọi động tĩnh hắn đều biết hết. Nhiều lần lão Tư
đã ôm cuốc, chống cằm, mắt nhìn xa xăm về một phương trời vô định, rồi thở dài
thậm thượt. Ủa, lạ kì, sao mình lại rước của nợ vô nhà? Nghe Ba Nheo nói ở
trong bao có đựng con chó lai Nhựt là Tư Xỉn thấy khoái trong bụng. Đến khi
nghe tiếng rên rỉ, đau đớn của con chó bị giam cầm, sắp bị trấn nước thì lòng
thương xót của lão trỗi dậy. Hồi xưa còn phong độ, Tư Xỉn đã từng chung hội
chung thuyền với tụi Ba Nheo. Càng lớn tuổi, ăn ngủ thất thường, mỗi khi mộng mị,
lão lại thấy hàng chục đầu chó há miệng, nhe răng, nước miếng chảy lòng thòng,
táp táp vô mặt, vô áo quần. Bật ngồi dậy, mồ hôi mồ kê tuôn chảy ròng ròng. Lồm
cồm vén mùng, đun nước châm trà, ngồi uống một mình tới sáng bét. Từ đó, Tư Xỉn
quyết tâm sẽ dần bỏ ăn thịt cầy. Loài chó cũng có nghĩa tình, quăng một khúc
xương cầy cho gặm, chúng vẫy đuôi, mắt sáng rỡ chạy nhanh lại ngửi ngửi mấy cái
rồi bỏ đi. Có con còn thể hiện cảm xúc mạnh bằng cách đứng dang hai chân trước,
dồn khí lực, tru lên một hơi dài thậm thượt như người thổi kèn đám ma, thổi
khúc tống biệt hành đưa tiễn người đi, đi mãi, không về.
Tư Xỉn có ý định nuôi một con chó để
hủ hỉ với mình từ rất lâu rồi. Có lẽ từ những ngày mà đứa con gái duy nhất của
lão đi du học du hiếc gì đó chả rành bên Nhật. Má nó tối ngày chạy đôn chạy đáo
lo ăn uống, sinh hoạt và giấy tờ. Còn lão chúi đầu vô miếng đất trên chục công
tầm cắt bên kia sông mà trồng khoai lang, để dành dụm số tiền lớn, đến lúc cần
xài thì có ngay, khỏi phải vay ngân hàng. Vợ chồng bao năm gắn bó, giờ đây tự
dưng mỗi người một thế giới riêng. Đứa con gái lãnh tháng lương đầu tiên mua
quà tặng cho má nó một cái Ipad. Vậy là đêm đêm, bà xã lão Tư chúi mũi vô đó. Mỗi
lần đứa con gái ở bên kia hỏi:
- Ba đâu rồi má?
- Ôi, ổng làm mệt, chiều nào cũng nhậu
với bạn bè hàng xóm và Ba Nheo, xỉn nên ngủ sớm rồi!
- Kêu ba ít nhậu lại… Lớn tuổi rồi!
Bệnh mà phát lên, không chữa được đâu!
- Khuyên rồi mà chẳng chịu nghe!
Không nhậu nhức mình nhức mẩy, ngủ không ngon…
Những lúc ấy, Tư Xỉn nằm trong mùng
nghe hết. Nhưng đành im lặng. Hơi thở theo cục tức bự tổ chảng chạy ngược vô
tim gan phèo phổi. Lão lăn qua lăn lại mấy vòng. Nuôi đứa con gái cực khổ biết
xiết bao, lớn lên là rời quê, bỏ cha, bỏ xứ, còn kéo theo mẹ nó rời xa mình.
Chưa hết nguôi ngoai nỗi buồn của một
kẻ cảm thấy như mình bị bỏ rơi thì đùng một cái, lão Tư nghe tin con gái nói với
má nó là sẽ lấy chồng. Chồng của nó là người nước ngoài đàng hoàng, tự tìm hiểu,
yêu nhau, rồi cưới nhau. Chứ không phải cái kiểu lấy chồng ngoại quốc thông qua
mai mối, bị chúng nó ăn một khúc, đến
khúc cuối về bên ấy, nhiều khi vỡ mộng,
đời không như là mơ. Bà con xóm làng mừng cho Tư Xỉn có được chàng rể người Nhật.
Con gái của lão chịu khó ăn học, có sự phấn đấu lại khôn ngoan nên gặp chỗ ngon
lành. Chứ nhiều đứa khác ở xứ này, sớm nghỉ học, mới dậy thì một chút là theo
chồng, vớ phải mấy thằng lười nhác, không có chí tiến thân, lập nghiệp, cứ bám
mãi mấy công ruộng rẫy khai hoang của cha ông chúng đời trước, rồi vênh cái bản
mặt.
Ai cũng mừng, chỉ riêng Tư Xỉn thì
ngược lại. Giữa thằng rể và ông già vợ có nhiều điều không hạp cho lắm. Mỗi lần
thằng rể về quê vợ chơi, lão Tư mang rượu đế chính hiệu của bà Bảy xóm Cầu Vĩ
ra đãi. Nó cầm lên ngửi ngửi mấy cái, rồi nhăn mặt bỏ xuống. Nhập gia thì phải
tùy tục chứ. Nhờ rượu của bà Bảy Cầu Vĩ mà Tư Xỉn mới bám trụ lại vùng đất này,
gầy dựng cơ ngơi như ngày hôm nay và quan trọng là sanh ra được một đứa con gái
rượu vừa đẹp người, lại đẹp nết cho cái thằng ngoại quốc đang ngồi trước mặt đến
rinh rước về bên ấy. Nuôi con kiểu này có khác gì trồng khoai lang tím Nhật. Trồng
cực khổ, chăm sóc công phu đến ngày lấy củ, tụi thương lái đến lựa chọn loại
ngon nhất bán ra nước ngoài, còn ba cái thứ hàng dạt, hàng bỏ đi lại tiêu thụ
trong nội địa. Tự ái vô cùng!
Hồi đó xứ Tân Phú này là vùng giãn
dân, vùng kinh tế mới, hay còn gọi là đất của nông trường khai hoang. Ai về đây,
được cấp cho khoảng trăm tấm lá, vài chục cây tràm để cất tạm cái chòi ở hai
bên bờ kênh Tầm Vu dậy phèn chua, nước đục ngầu ngầu. Mỗi nhân khẩu cứ đo ngang
ba chục mét, rồi ai phá sậy, chặt đế, đào bỏ gốc năn, cây dại vô sâu bao nhiêu
sẽ sở hữu phần đất bấy nhiêu. Mới những ngày đầu, người người tứ xứ, đủ mọi
thành phần, từ Nam chí Bắc về đây lập nghiệp với mong ước đổi đời. Nhưng độ hơn
tháng, ăn hết hai chục kí gạo nông trường cấp tặng thì cuộc chiến giữa đi hay ở
lại nổ ra. Cái xứ gì đâu mà ban ngày nắng cháy da, ban đêm nghe tiếng con cá
táp phằm phặp mấy trái bần, bình bát… nghe lạnh cả xương sống. Đụng vô bụi lùm,
thọc vô hốc cây nào cũng chạm phải rắn, phải rết. Chiều chiều nghe tụi chim vịt,
chim cò kêu râm ran, buồn não ruột, thấu tim gan. Chạng vạng không chui vô mùng
là làm mồi cho tụi mù mắt và muỗi mòng hút máu. Gieo lúa giống xuống đất, gặp
phèn, cứ quéo mầm, nếu lên cao khoảng gang tay thì vàng chạch, càng ngày càng lụn
tàn. Bỏ đất chạy lấy người thôi.
Ai đi cứ đi, Lão Tư cứ ở lại tiếp tục
khai khẩn đất hoang. Đợi đến mùa nước tràn về, lão lấy xuồng chở đất đắp đê,
tôn nền nhà và miếng vườn trồng cây ăn trái. Để lặn sâu và trầm nước được lâu,
lão Tư phải uống nước mắm cốt, mắm nhỉ. Hết nước mắm thì chuyển sang uống rượu
mạnh, rượu đế. Lão Tư đến với rượu là để chống lại sự giá lạnh, buồn vắng, cô tịch
nơi vùng kinh tế mới khắc nghiệt, nhưng dần, không có nó là tay run, tim đập.
Bà xã lão Tư lúc đầu cự dữ lắm, dần dần về sau đành cắn răn chịu đựng. Có lần
đi làm đồng về, ngang Cầu Vĩ thì tới cữ, lão Tư tạt vô quán bà Tám làm liên tục
mấy hớp rượu nóng mới ra lò. Biết là quá trớn, lão vội đi tắt bờ đê về nhà. Đi
được một đoạn thì không còn biết trời trăng mây nước gì cả. Tay chân quờ quạng,
đụng đâu nắm đó để giữ thăng bằng. Mấy khách vãng lai ngồi trong quán nhìn xa xa
thấy gã nông dân mới ngồi uống rượu, giờ lồm cồm trên bờ đê nên vọt miệng khen:
- Công nhận anh hồi nãy giỏi thiệt, uống nhiều
rượu như vậy mà vẫn ra đồng nhổ cỏ lúa.
Bà Tám ở trong quán chạy ra ngóng
xem, tủm tỉm cười:
- Nó xỉn
quá, lần bụi cỏ để về nhà đó mấy cha nội ơi!
Từ đó lão Tư có biệt danh là Tư Xỉn.
*
* *
Đang chống cuốc kê cằm, miên man
trong suy nghĩ, Tư Xỉn nghe có thứ gì đó nhột nhột dưới chân. Lão cúi xuống thì
thấy con chó mực lông xù của tụi bạn Ba Nheo đang lấy cái mỏm bị kiềng trong
khung sắt cà cà vô bắp chân mình. Trời đất! Sao nó biết đường mà lén chạy ra
ngoài đồng. Lão Tư ngóng vô hè, không thấy động tỉnh gì. Chắc cuộc nhậu đã tan,
mọi người về hết. Họ về trong tiếc nuối vì đã để sổng mất miếng mồi ngon đang sắp
dâng tới miệng. Lão Tư dùng sức mạnh đôi tay run run để tháo banh khung sắt.
Con chó chắc cũng đau đớn lắm, mắt nhắm lại, đứng trân ra. Tháo xong, Tư Xỉn vuốt
ve lên đầu, mắng yêu nó:
- Hồi trưa,
nhờ tao lấy chân mở hờ mối dây buộc miệng bao. Nếu không là mầy
toi đời rồi! Số còn hên mới gặp được Tư Xỉn này!
Con chó sủa gâu gâu trong cuống họng, rồi bất ngờ bỏ
chạy. Nó chạy thẳng ra hướng gò mả cạnh miếng đất Tư Xỉn. Lão Tư thấy vậy cũng
vác cuốc đuổi theo. Tưởng chỗ nào lạ, chứ chỗ này, lão Tư thường hay ngồi nghỉ
mệt. Trong nhà mồ mát mẻ và yên tĩnh, Tư Xỉn nhìn dáo dác không thấy con chó ở
đâu, rồi cúi khom người định vạch bụi bông trang to đùng, um tùm trước mặt. Bỗng
con chó từ trong đó nhảy vụt ra, chồm lên liếm liếm vào mắt, vào môi, vào má Tư
Xỉn.
Lão Tư sung sướng
ôm chằm con chó, vỗ vỗ vô lưng, vuốt đầu, vấu cái lỗ mũi hỉnh hỉnh trông mà
phát ghét của nó. Đặc biệt là hai cái lỗ tai chảy xệ hòa hợp với bộ lông xù
trông sang trọng, lãng tử và bay bổng. Bất chợt, Tư Xỉn nhớ thằng cháu ngoại
kinh khủng. Lúc đứa con gái mang bầu, bà xã lão Tư nhất quyết kêu về Tân Phú dưỡng thai và sanh
con. Không phải sợ tốn tiền mà muốn nó về đây để được yên tĩnh, cuộc sống thanh
bình, hòa hợp với thiên nhiên, khí trời. Còn sinh đẻ thì bệnh viện chăm sóc
theo nhu cầu đã mở đầy ở Sa Đéc và Vĩnh Long, công nghệ phục vụ hiện đại không
thua gì bệnh viện quốc tế. Thằng rể lúc đầu cự quyết liệt, nhưng vì thương vợ,
thương con nên cũng chiều theo ý của ba mẹ vợ. Nó bỏ công ăn việc làm ở bên ấy,
theo về Việt Nam sống hơn một năm trời. Đến ngày đứa nhỏ cứng cáp, thằng rể rù
rì với vợ, đòi cuốn gói về lại bên Nhật. Dù không hạp với nó, nhưng cháu ngoại
thì đích xác là cháu ruột của mình, nên Tư Xỉn ngăn lại. Thằng rể ngoại quốc xí
xô xí xào để cho vợ nó dịch lại:
- Ảnh nói chuyển
vợ con về bên Nhật vừa đi làm vừa nuôi con. Bên ấy đầy đủ tiện nghi hơn. Sống ở
đây, có nhiều thứ, ảnh và thằng nhỏ không thích nghi được.
- Con hỏi nó có
khoái ăn khoai lang tím Nhựt ở Tân Phú này trồng không?
- Ảnh nói khoai
lang xứ của vợ, trồng ăn còn ngon hơn ở bên quê nhà. Hèn chi, một số nước khoái
ăn khoai lang tím Nhật do người miền Tây Việt Nam trồng đến như vậy.
- Con nói với
chồng con rằng khoai lang tím Nhựt ở xứ này dù có nguồn gốc từ bên ấy, nhưng
khi được hấp thụ khí trời, đất đai thổ nhưỡng và qua bàn tay chăm sóc của người
dân nơi đây thì nó không còn là khoai lang Nhựt nữa rồi!
Thấy thằng rể gật
gật đầu ra vẻ đồng tình qua lời thông dịch của con gái, lão Tư bồi thêm một
phát nữa cho thấm thía:
- Khoai lang Nhựt
ở xứ này có vị thơm bùi, ngọt béo bởi sự trần trụi, chịu nhiều cực khổ, gian
truân chứ không phải được bao bọc trong môi trường vô trùng, đầy đủ công nghệ
hiện đại như bên nước nó.
- Ảnh nói: Dạ con hiểu.
- Giống như đứa
con của nó!
- Chỗ này ảnh
chưa hiểu ba ơi! Đang nói củ khoai lang sao ba lại bắt chuyện sang đứa con của
tụi con?
- Đứa con của tụi
bây rồi cũng quen với vùng đất này thôi. Như ba ngày xưa ở xứ khác về khai
hoang, lập nghiệp, sống cực khổ cơ hàn, bao nhiêu người bỏ đi hết, nhưng ba quyết
chí ở lại. Giờ vẫn sống phây phây nè! Chồng con và con có thể về bên ấy đi làm
tiếp, còn cháu ngoại để ở đây cho ba mẹ chăm sóc!
Đứa con gái Tư
Xỉn và thằng chồng há hốc miệng. Chắc bất ngờ vì thấy hôm nay Tư Xỉn rất bình tỉnh
mà còn nói nhiều, nói những điều chí lí. Cuộc tranh luận giữa ông già vợ và
chàng rể ngoại quốc chỉ kết thúc khi mỗi bên chịu nhượng bộ một phần. Chồng đứa
con gái của Tư Xỉn đồng ý xin chuyển về làm ở công ty của Nhật có chi nhánh đặt
ở Sài Gòn. Tư Xỉn cũng chơi đẹp bán luôn miếng đất bên kia sông cho tụi nó làm
vốn, gọi là của hồi môn. Ngày vợ chồng đứa con gái khăn gói về thành phố, lão
Tư bịn rịn, không biết làm gì, chỉ biết ôm đứa cháu ngoại vào lòng, hôn chùn chụt
lên má, lên trán, lên đùm dái của nó. Thằng cháu ngoại lai Nhật của Tư Xỉn cười
nắc nẻ không phải vì cảm thấy hạnh phúc, vui sướng chi đâu. Mà tại vì cái bộ
râu sớm bạc, cứng như rễ tre của lão cà cà, chạm vô thịt non, còn ửng hồng của
đứa trẻ. Đến khi mọi người lên xe khuất dạng, Tư Xỉn mới cảm thấy mình cô độc,
buồn chán. Đúng là sanh dưỡng một đứa con gái mất nhiều thứ thiệt. Nó theo chồng,
lão Tư không chỉ mất luôn mảnh đất bên kia sông mà bà xã của lão còn xin theo để
chăm sóc đứa cháu ngoại khi còn nhỏ. Không thể mãi vùi đầu vào rượu giải sầu
khi tuổi già đang dần lấy đi sức khỏe của lão Tư. Cần một thứ khác để bầu bạn
khi người thân dần rời xa lão. Đó là quy luật của vòng xoáy cuộc đời.
Cho nên khi gặp
được con chó lai thoát chết trong tình cảnh này, Tư Xỉn mừng vô hạn, nhưng kèm theo đó là niềm lo nỗi
lắng. Lo nhất là làm cách nào nuôi nó mà không bị tụi Ba Nheo phát hiện, bắt
làm thịt trở lại. Lão Tư nhìn dáo dác khung cảnh xung quanh ngôi nhà mồ rồi thốt
lên thành lời:
- Thôi thì mầy
tạm ở đây nghen Lai!
Con chó nhảy cẩng
lên, đi bằng hai chân, rồi hạ mình chui vô bụi bông trang. Lão Tư nhìn vô chỉ
thấy hai con mắt của nó chớp chớp. Mày đừng buồn, trước tiên cũng do mày không
biết thân phận mình là loài chó lai. Nguồn gốc, ông bà tổ tiên không phải ở nơi
này mà bày đặt gây tiền án, tiền sự để người ta ghét, người ta viện cớ để thịt
mày. Thôi thì ở với người còn sống không yên thì tạm thời mày ở với người chết
nơi gò mả lạnh lẽo, vắng tanh này. Chắc sẽ ổn…
Lão Tư vác cuốc
vô nhà khi trời đã nhá nhem tối. Thời gian của ngày hôm nay trôi nhanh thật.
Đêm hôm ấy, Tư Xỉn nhiều lần thức giấc, ngóng sang bên nhà Ba Nheo thấy tối
thui. Hồi chiều nhậu nên tối thường ngủ sớm, ngủ say như mấy thằng xỉn. Lão định
xách cây đèn pin ra ngoài gò mả nhưng sợ người ta phát hiện. Khoai lang chưa trồng
sao viện cớ là đi thăm ruộng. Đêm nay, chắc có lẽ là đêm đầu tiên con Lai sống
xa nhà, sống vất vơ nơi đồng hoang, xứ lạ quê người.
Mới tờ mờ sáng,
Tư Xỉn lụm cụm xách cuốc ra đồng, hướng thẳng đến ngôi nhà mồ để thăm con Lai.
Không thấy nó đâu, chỉ thấy nhiều vết chân chó hòa với vết chân chuột to đùng
in hằn trên nền mả, vách mộ. Linh cảm báo cho lão Tư biết là đêm qua nơi đây diễn
ra trận chiến dữ dội giữa chó và chuột. Lão lo lắng cho con Lai mới chập chững
ra đời. giống như một công tử tài hoa, từ nhỏ chỉ sống trong nệm ấm chăn êm,
chưa biết nhiều đến sự khắc nghiệt của chốn giang hồ hiểm ác. Xứ này chuột cống
to bằng con mèo. Hai cái răng dài nhọn hoắt của nó cắn một phát vô cần cổ con
gà trống thiến, giẫy đành đạch, máu me lênh láng. Con Lai nghe bước chân người
nên cong rúm thân mình, thu gọn trong hốc của bụi bông trang. Đến khi nghe tiếng
gọi the thé của ân nhân: Lai ơi, mầy ở
đâu rồi, nó tức tốc chạy vọt ra ngoài, ngoe nguẩy đuôi, liếm liếm vào chân
Tư Xỉn, rồi nằm phịch xuống đất. Ôi, con Lai còn sống! Lão Tư mừng rơi cả nước
mắt, môi mím chặt, cúi xuống, mới dang hai tay định ôm con chó vào lòng thì nó
bật chạy ra hướng lùm cây hoang um tùm, sủa liên tục. Lão Tư vội đuổi theo thì
phát hiện ra xác con chuột cống to đùng, đang nằm phơi bụng. Con Lai chiến thắng
con chuột cống là phải rồi. Răng của nó hô cả hàm, trong khi răng của chuột chỉ
chìa ra có hai chiếc. Nhưng con chó cũng nhận lấy hậu quả của trận chiến hồi
hôm là mấy vết thương rỉ máu, sứt lông, lòi cả da thịt trên thân hình của nó. Đặc
biệt là bộ lông bung xõa, xoắn dợn ra vẻ công tử, đầy chất lãng mạn của con Lai
dần tan biến vào gió sương dạn dày.
Trải qua từng
cuộc chiến, con Lai trở nên bản lĩnh và khôn ngoan hơn. Ở ngoài gò mả, con chó
của lão Tư không chỉ đấu tranh giành lấy mạng sống cho mình với loài chuột to
xác mà còn với bầy chó nhà bứt xích, thoát khỏi sự ràng buộc của gia chủ, lâu
lâu đi hoang ra đồng để tìm cảm xúc lạ. Con Lai đến mùa tháng bảy cũng xao xuyến,
rạo rực mỗi khi thấy trăng lên. Điều này với một kẻ từng uống rượu, tuổi đang hồi
xuân, vắng vợ thiếu đàn bà trong nhà như Tư Xỉn là hiểu thấu nhất. Thi thoảng sung ba khía, con Lai rời nơi ẩn nấp vô
cùng kín đáo, men theo bờ đê đầy hoa đồng gió nội, thọc sâu vô xóm nhỏ dọc bên
bờ kinh Tầm Vu đi tìm tụi chó cái để giải quyết sinh lí. Những chuyến đi như vậy
chẳng bình yên chút nào. Nó đụng phải sự bảo vệ và chống trả quyết liệt của tụi
chó làng. Ý là chó nội địa ở xóm bên sang đây muốn gạ tình tụi chó cái mới lớn,
non mơn mởn, rởn đực mà còn bị đập cho te tua, huống hồ gì nó chẳng qua chỉ là
con chó lai, chó hoang bị người đời ruồng bỏ, đòi giết thịt. Lũ chó làng không
chỉ ghét con Lai ở bộ răng hô lịa xịa bộc lộ bản chất không phải là kẻ có ngôn
phong đàng hoàng, chân thật mà còn ở bộ lông xù bung xỏa đen huyền trông rất bảnh,
sành sỏi và đầy bản lĩnh. Gà ghét nhau vì tiếng gáy, chó ghét nhau vì tiếng sủa.
Con Lai biết thân phận mình nên khiêm nhường, mỗi lần vô gặp chó làng thường im
lặng vẫy đuôi, miệng ngậm câm như hến. Bộ lông tạo nên cái mã hào nhoáng rất
ngoại quốc của con Lai ngày càng ngắn lại, ít xoăn và ôm sát thân mình, một phần
là từ hậu quả của những trận chiến giành lấy mạng sống cho mình. Một phần là do
phải lễ, biết sống thích nghi cho giống ngoại hình của tụi chó làng của vùng đất
này.
Hôm bữa nhậu với
Ba Nheo và mấy ông hàng xóm, Tư Xỉn muốn con Lai sống đường hoàng trong nhà chứ
không còn chui rúc ở ngoài gò mả, nên huýt sáo gọi nó vô, miệng mỉm mỉm cười giới
thiệu đây là con chó lão mới xin về nuôi, khôn đáo để. Ba Nheo liếc sơ qua liền
nói:
- Xạo
nghen ! Gạt lừa ai thì được, chứ tui thì không ! Nhìn sơ qua là biết
ngay liền…
- Biết gì nào?
Tư Xỉn hỏi lại
cộc lốc, nhưng đầy vẻ thách thức. Và trong đầu đang nghĩ cách để chống chế bảo
vệ cho con chó. Dịp may là lúc đó, dưới kinh Tầm Vu có một chiếc ghe hàng chạy
bằng máy kohler 4, sìn sịt khói xám, phát ra tiếng rao vang vọng cả vùng sông
nước:
- Chó đổi chiếu
hôn bà con cô bác ơi?… Chó đổi chiếu hôn bà con cô bác ơi?…
Tư Xỉn như mở cờ
trong bụng nói to:
- Chó đổi chiếu
xưa lắm rồi! Chó đổi mấy con cá vồ, hơn hai cân khoai lang bi và mấy chùm nhãn
chín thơm mới dữ! Phải hông Ba Nheo nè?
Ba Nheo hiểu ý
ngầm của Tư Xỉn nên im ru. Được sự hậu thuẫn của người chủ, con Lai mừng quá, từ
dưới đất nhảy cẩng vô lòng Tư Xỉn, liếm liếm vô má lão, rồi chĩa hàm răng hô
sang Ba Nheo, lườm mắt gằng mạnh từng tiếng một, nghe chắc nịch: gâu, gâu, gâu… Ba Nheo hết hồn, làm rơi
miếng mồi mới gắp, sắp đưa vô miệng, xuống sạp tre. Hắn nhỏm dậy, quýnh quánh
không kịp xỏ dép định bỏ chạy. Tư Xỉn vỗ vô đầu con Lai rầy:
- Bậy mầy, chiến
hữu… Bạn tốt của tao đó! Ừ, mà nhờ Ba Nheo, ta mới gặp được nhau chứ bộ !
Con chó bị nhắc
nhở nên rụt đầu, thu cái mỏm hô chìa lịa xịa lại. Nhưng con mắt vẫn đảo điên,
dò chừng.
*
* *
Tháng Tư, mùa hạ
tràn về, mùa của những công việc cuối năm ở trường. Tôi đang bận rộn, tập trung
vào công tác ôn thi cho tụi học trò, thì bất ngờ nhận được cú điện thoại của Ba
Nheo:
- Tư Xỉn mất rồi !
Đang chở xác từ Sài Gòn về. Thầy giáo tranh thủ về Tân Phú nghen ! Tiện thể
mang con Lai theo luôn !
Cúp máy. Trời,
cuộc sống vô thường. Mới gặp nhau mà giờ đây đã chia xa vĩnh viễn. Đúng rồi, hồi
Tết tôi quan sát thấy thần sắc của Tư Xỉn rất tệ. Nhớ lúc lão buộc chặt cái bao
có đựng con chó vô chiếc xe máy của tôi, giọng buồn buồn tâm sự:
- Tụi nhỏ và bà
xã đòi bán miếng đất còn lại mà về Sài Gòn sinh sống mấy năm nay rồi. Tui viện
cớ ở lại chăm sóc nhà cửa, vườn tược để sau này khi Tết nhứt, lễ lộc, con cháu
có chỗ, có nơi mà về. Dẫu không phải gốc gác ở đây, nhưng từ lâu tui xem Tân
Phú là quê hương mình. Vả lại, tui cũng thương và quyến luyến con Lai lắm !
Về trên ấy, nó sống với ai?
- Sao lão không
mang nó theo luôn?
- Tui có đề cập
với con cái và vợ tôi chứ ! Nhưng họ không thích, họ nói đồ chó hoang, chó
lai. Sài Gòn đất chật, người đông, mang nó lên trên ấy biết nuôi ở đâu. Con Lai
cũng quen sống ở đồng quê này rồi, lỡ lên trên ấy nó trở chứng gây tiền án, tiền
sự với mấy đứa cháu và mọi người xung quanh thì rõ khổ.
Đám tang của Tư
Xỉn được tổ chức rầm rộ, có cả dàn kèn Tây được thằng rể ngoại quốc mướn ở tận
thành phố chở xuống. Trong buổi lễ, mọi người đang ngất ngây xúc động thưởng thức
bài hòa tấu Tình cha mùi mẫn thâm kim
thì bất ngờ có tiếng tru dài của con chó, ngân vang nghe lạnh cả xương sống. Mọi
người dáo dác kiếm tìm xem nó ở nơi đâu. Ba Nheo cất lời:
- Tiếng tru của
con Lai đó mà ! Ông giáo mang con chó về để đưa tiễn Tư Xỉn lần cuối…
- Con này bản lĩnh
thiệt! Chứ chó thường mà nghe kèn Tây là cụp đuôi chạy trốn, phải không thầy
giáo?
Trật hết rồi… Mọi
người chỉ biết rằng Tư Xỉn có nhờ tôi mang con chó yêu quý của lão về Tháp Mười
nuôi hộ. Nhưng đi giữa đường thì nó giẫy mạnh, xé toạc cái bao, thoắt vọt ra giữa
ruộng. Chựng nhìn tôi, sủa vang mấy tiếng, rồi quay đầu chạy miết về lại hướng
Tân Phú. Lúc đầu tôi rất buồn lo vì mình không làm tròn trách nhiệm mà ông bạn
già giao phó và sợ nhất là con chó sẽ bị lạc đường. Nhưng nghĩ kỹ, con chó kia
cũng không nỡ rời xa mảnh đất này. Dù đây không phải là nơi sinh ra, nhưng là
nơi nó từng đổ máu bởi những trận chiến sinh tồn, nơi có những người bạn lúc đầu
xem nhau như kẻ thù, cắn nhau đau, để rồi thân nhau hơn. Và có thể trong số những
lứa chó trên quê hương Tân Phú là con, là cháu của con Lai.
Cách ngày sau
đám tang Tư Xỉn, người ta thấy xác con Lai nằm rũ chết bên mộ của lão Tư. Người
phát hiện đầu tiên là đứa cháu ruột của lão. Trong một buổi chiều, nó một mình
lén ra ngôi mộ của ông ngoại, thích thú nhìn ngắm cảnh đồng quê có ráng mây đỏ
quạnh, tiếng dế kêu ran, từng đàn cò trắng bay rập rờn tìm chốn ngủ.
Mộ con chó được
chôn cạnh ngôi mộ của Tư Xỉn cho bớt đi sự cô quạnh, lẻ loi. Bởi rồi đây con
cháu, người thân của lão cũng lần lượt cuốn gói về thành phố, tiếp tục một hành
trình đi tìm cuộc sống mới. Và có khi, họ vĩnh viễn không trở lại vùng đất này…
Tháp Mười, tháng Tư, 2019
HỒ VĂN
|
|