|
Nghề thọc huyết heo theo ông nội vợ xuống mồ. Những
câu chuyện thêu dệt càng thêm bi đát. Người ta nói nhà vợ anh Thừa mắc nợ heo
nên phải theo nó đời này qua đời khác. Đến đời cha vợ, chẳng biết thế nào lại
làm nghề nuôi heo nọc. Chủ nhân của nó lại nổi tiếng đào hoa, sát gái. Nọc đi đến
đâu ông theo đến đó. Biết bao cô gái không thoát nổi vòng tay từng trãi, đàn bà
có chồng cũng mấy phen nghiêng ngửa bởi ánh mắt đa tình của ông. Vợ ông có kiểu
ghen lạ, hễ nghe người ta méc ông ăn nằm với ai ở đâu đó thì việc trước tiên là
bà té ngang mà xỉu, sau khi tỉnh lại thì làm việc thứ hai: Bà mài dao! Mài đi
mài lại đến bén ngót. Không biết bà có hăm he gì ông không, cũng không rõ bà có
đâm con nào bị thương chưa, chỉ thấy lâu lâu qua cơn ghen tuông như cơm bữa đó,
bà lại đẻ cho ông một đứa nữa. Hết thảy sáu đứa. Miệng đời cay độc rằng ông thất
đức nên vợ đẻ toàn con gái, mà con cái lãnh nợ thay cha. Đứa chết yểu, đứa dị tật
bẩm sinh, đứa hung hăng dữ dằn như cọp. Còn mỗi vợ anh Thừa là đẹp gái sáng sủa
nhưng cũng bị mát mát sau cái bận nhảy sông tự vẫn!
Cô Thắm không tự dưng
mà đi tự vẫn. Tới tuổi dậy thì, cô biết yêu đương và cũng biết xấu hổ. Khi đám
con gái trong xóm trạc lứa với nhau ganh bồ ganh bịch thì xấu miệng lắm. Mấy cổ
hè nhau ăn hiếp cô Thắm, ăn hiếp cái kiểu tàn nhẫn vô cùng. Gặp cô ở đâu, bọn họ
cũng chửi: Cha mầy là heo nọc! Con gái
ông heo nọc đẹp nhứt xứ! Thằng người yêu mặt còn non choẹt của cô nghe
không chịu được, bỏ cô luôn. Cô gái mới lớn lúc đó quẫn trí nhảy sông tự vẫn.
Người ta xôn xao rằng xác cô nổi phía đầu cồn, cha cô bơi xuồng ra vớt thì cái
xác lặn bên này lại nổi bên kia! Đám thanh niên hồn vía lên mây, xanh mặt dòm
nhau không đứa nào món mén ra bờ sông trong buổi chiều đó. Vậy mà anh Thừa, lúc
đó cũng đương thất tình, dám một mình ra, đứng trên bờ rống họng kêu cô Thắm về.
Chỉ có ảnh mới rành, chuyện cô Thắm biết bơi, nhảy xuống sông thì nổi phình, chết
chìm sao được. Hai đứa từng lội đua khi đi dắt nọc qua sông kia mà!
Vợ anh Thừa tuổi Dần,
thầy lại coi không tự mình nuôi heo được. Gặp lúc heo bỏ nọc, heo đẻ, heo đau
gì gì đó cũng phải tránh càng xa càng tốt. Kỵ nhứt là vô chuồng mở miệng nói tầm
bậy tầm bạ là heo chết liền. Anh Thừa tuổi gì, có hạp với tuổi vợ không, chẳng
ai thèm coi, miễn hạp với heo là được! Nhớ cái đêm động phòng, ảnh nói: “Giờ Thắm
làm vợ tui rồi, hông có nghĩ tới cái vụ đi chết nữa nghe!”. Chị Thắm cúi mặt lỏn
lẻn, rồi nảy người lên, né cái chọt lét của chồng. Anh Thừa vừa định chọt thêm
cái nữa vào cái rốn sâu hoắm của vợ thì tiếng bà già vợ kêu vọng vô: “Thừa
ơi!Thằng Thừa đâu rồi, khoan ngủ bây! Ra canh nái tiếp má chút coi!”. Con nái đương
đau bụng, cứ đi lòng vòng quanh chuồng, rồi nằm xuống thở hì hộc, xoay tới trở
lui. Theo lời bà Tư chỉ, anh Thừa ngồi đó, thi thoảng phải lấy hai ngón tay xe
xe đầu vú con heo, kiểm tra xem có giọt sữa nào tứa ra không, nếu có là nái sắp
đẻ. Nái đẻ đêm thì người và heo phải thức cả đêm. Lỡ may heo hết sức rặn, người
phải tiếp hơi cho nó, không thôi heo con bị ngộp, uổng lắm. Mỗi con khi tẻ bầy
tệ gì cũng hơn triệu bạc chứ ít đâu. Miếng cơm manh áo từ đó mà ra, học hành
thuốc men từ đó cả, tiền đâu tự dưng mà có, chẳng thầy nào dạy, nghề dạy nghề
thôi... Anh Thừa thức canh heo, vừa ngáp vừa nghe bà già vợ rỉ rả. Vậy là cái
hôm anh Thừa cưới vợ thì thứ đầu tiên ảnh sờ tới là cái vú lòng thòng, dai
nhách của con nái già...
*
Câu hỏi thứ hai: Các người về đây đóng đồn trên miếng đất
ngon nhứt của xã, dân nuôi heo cũng cắt ruột nhường đất cho các người đầu tư,
mà bây giờ các người đi thu mua ở đâu? Không giúp bà con trong xã mình lúc khốn
khó được thì thất đức quá! Mọi người sốt ruột nhấp nhỏm. Còn anh Thừa cứ
trơ người nghĩ ngợi đi đâu. Hai câu hỏi
đại ý như vậy chuẩn bị kỹ càng đêm qua rồi mà lúc đó lưỡi anh Thừa cứ như bị đớ,
chữ nghĩa trong đầu cứng đông, nãy giờ đâu có mở miệng được.
Chị Thảo cậy người quen cũ động viên bà con
trong xóm ra về, mọi chuyện tính sau. Anh Thừa được chị mời vô phòng làm việc
riêng uống trà, bàn công chuyện. Cái gì là hợp tác thì sống, riêng lẻ thì chết.
Cái gì là chuỗi giá trị, là quy luật thị trường. Trước nay có hợp tác hợp tiếc
gì đúng là có chết ai đâu, nhưng xu thế bây giờ nó khác. Chị Thảo học nhiều, đi
đông đi tây thấy mình phải thay đổi cung cách làm ăn cho tiến bộ như người ta.
Anh Thừa thì nghĩ đèn nhà ai nấy sáng quen rồi, nhà mình lo không xuể, hơi đâu
đi chỉ cho nhà khác, họ làm được họ còn hách với mình. Thiệt tình anh Thừa cũng
có nghe người ta nói nhiều về chuyện liên kết sản xuất, nào đầu ra đầu vào, nào
quy trình khép kín gì đó để giảm chi phí, để chống bị ép giá, để buôn bán đỡ bắp
bênh… Nhưng cái hôm qua sân đình họp dân, ngồi nghe tuyên truyền thấy ngán. Khi
anh chủ tịch nông dân xã đọc một lèo hết cái luật hợp tác kiểu mới gì đó, anh
Thừa nghe không kịp, phủi đít về luôn. Phải chi họ nói đơn giản, như kiểu là vô
hợp tác xã để bán heo cho công ty Thảo Hiền thì được rồi! Giờ nghe chị Thảo nói
mới rõ thêm ngọn ngành. Doanh nghiệp người ta muốn ký tên vô hợp đồng với một
người đại diện hợp tác xã chứ không chịu ký với hàng trăm hộ nhỏ lẻ ngoài kia đâu
phải chỉ vì sợ mỏi tay mỏi cẳng! Bữa đó anh Thừa được dịp nhìn cho kỹ gương mặt
khả ái của người xưa. Chao ơi, giọng nói ấy sao cứ nhẹ hều, ngọt ngào như đang rót cái thứ trà gì mà thơm phức, thanh
thao trong miệng. Không biết do chỉ nói dễ nghe nên nghe tới đâu hiểu tới đó,
hay vì cái miệng của chỉ lúc nào cũng như đang cười, hết sức có duyên.
*
Kết thúc cái cuộc đàm phán đó vẫn không bắt công ty Thảo Hiền giải quyết
đầu ra cho xóm heo được. Lại có tin chị chủ công ty vì tình nghĩa riêng mà mua
mỗi heo cho nhà anh Thừa. Đương lúc lửa bỏng, ai châm dầu vô thêm ác thiệt. Báo
hại hôm sau anh hùng heo xứ này vô tình bị cả xóm heo chửi té nước. Người đầu
tiên chửi ảnh mà chửi dai như đỉa nữa lại là thằng bạn đang ở đậu bên hông nhà.
Hắn chửi anh Thừa dại gái mà phản lại anh em. Chị Thắm bắt ngay cái tứ đó, nhảy
dựng lên: “Gái nào, gái nào ở đây?”. Chị Thắm không biết gái nào hết, nhưng nết
chỉ thì giống má của chỉ. Tức quá không biết làm gì, chỉ chạy vô chạn bếp rút
cái dao ra mài! Bên kia, anh Lắm tiếp tục chửi. Ảnh chửi anh Thừa ngu, dại gái
mà ngu đần ngu độn! Anh Thừa không nhịn nổi, chửi thề mấy tiếng rồi quát lên: “Phải,
tao ngu tao mới cho mầy ở đậu đất nhà tao!”.
Chuyện chỉ có vậy thì
thôi nếu như đêm đó không có thêm chuyện thằng Tèo con anh Lắm. Nó dụ con gái lớn
anh Thừa ra đám sậy bên hông nhà máy chế biến thực phẩm chơi trò tò he. Bà Ba
cháo lòng biết chuyện nhưng mải bán cháo khuya nên để vãn tuồng mới nói. Nửa
đêm, chị Thắm xách đèn đi lôi đầu con gái về, anh Thừa xách chổi chà đi kiếm thằng
kia. Mới hay cha con anh Lắm cuốn gói đâu mất, chòi lá trống huơ còn treo mấy
cái áo rách như nùi giẻ. Bầy heo bốn con nhà ảnh chết dịch từ đời nào.
Sáng ra, hàng xóm nghe
tiếng đàn bà tru tréo bên nhà anh Thừa. Ghé qua mới biết là chuồng heo nạt hai
chục con nhà ảnh cũng lăn ra chết một lượt. Có người tạt ngang hỏi thăm cho có:
“Tới lượt heo nhà anh rồi à? Uổng thiệt uổng hen!”. Người khác thì kín đáo trề
môi, lầm bầm trong họng: “Tưởng giỏi hơn người ta chớ, cho hết xạo! Anh hùng
cái khỉ gió!”.
Xóm nghèo bỗng chốc rần
rần người ta. Thú y đi lấy mẫu kiểm dịch, bắt đầu từ chuồng heo của anh Lắm. Kết
quả dương tính được thông báo khẩn. Chuồng nhà anh Thừa kế bên, lây lan cái chắc
rồi. Từ đầu xóm đến cuối xóm, bộ đội, dân quân, xe tải, ba gác, cuốc xẻng, bình
xịt, cân kéo…có dò có dọc hành quân đi dập dịch. Heo chết heo sống, heo mạnh
heo yếu chất chồng lên nhau dưới những cái hố to đùng. Đến nhà anh Thừa, thấy kẻ
đứng người ngồi không yên. Chị Thắm đầu tóc rối bệt, miệng mồm lu loa. Bà Tư
chân cẳng yếu ớt cũng ráng lết ra ngồi hàng hiên than đất than trời. Con Thùy đứng
tựa cột, tay bụm miệng bụm mũi, mắt ầng ậng nước. Mấy đứa em nó gom lại một
góc, trân trân nhìn người ta bắt heo ở mấy chuồng còn lại trong nhà mình đem
đi, không dám hó hé tiếng nào. Anh Thừa phải tiếp một tay cho trai tráng đến
thu gom heo đi tiêu hủy mà lòng dạ đau như ai thọc, tim gan cay rát như bị tạt
rượu vô mắt. Xót của một chuyện, nhục nhã là chuyện khác. Ông chuồng bà chuồng,
ông hèm bà hèm không độ anh nổi qua mùa dịch này nữa hay sao! Vợ anh vừa khóc
heo vừa xiên xéo chồng có phải vì ba cái
vụ gái gú nào đâu đó mà nên chuyện vậy không. Anh Thừa thẫn thờ không màng cự lại
vợ. Tính anh có hay hằn học nhưng chưa ai thấy anh đánh vợ bạt tay nào. Vợ ảnh
hơi thất thường một chút nhưng cũng chưa bữa cơm nào bỏ đói chồng con. Anh Thừa
lo nghĩ bắt đầu ngày mai có thể chính ảnh là người bỏ đói vợ con mình. Anh luôn
kiêu hãnh với tay nghề nuôi heo trời cho mà giờ đây bất lực đến chết được. Nợ
ngân hàng nằm đó chờ lứa heo mới, tiền heo đợt trước theo anh Xá lái mất dạng. Trong
một đêm, thứ dịch ngoại quốc đó mon men đến trại heo nhà anh. Anh Thừa im lặng
để giấu nỗi sợ hãi xâm lấn trong lòng. Ngày mai mà heo chết hết, vợ con anh phải
sống làm sao đây. Giờ mới thấy rõ trước nay mình tài cáng gì, chẳng qua mần
theo kiểu hên xui may rủi mà thôi. Cái danh hão anh hùng nuôi heo gì đó cũng chỉ
do thằng bạn tào lao tên Lắm rảnh quá gọi chơi cho vui vậy.
Lực lượng dập dịch làm
đến xế chiều thì ngưng. Do phải chia quân đi gom heo khắp xã, người lẫn phương
tiện không đủ nên ai cũng mệt đừ. Cộng thêm vợ chồng anh Thừa xót dạ, năn nỉ
cán bộ xin giữ lại chuồng nái tám con, chờ mai hãy tính. Chờ thời vậy thôi,
không hy vọng gì hết. Chỉ là nhìn mấy con nái sắp đến ngày cắn ổ, thấy tội nghiệp quá trời. Chị Thắm thôi
khóc sụt sùi, đi pha chút cám với hèm đổ vô máng. Chúng vẫn ăn mạnh cùi cụi, ai
biết ngày mai có lăn đùng ra chết, hay còn sống đó cũng bị người ta vác đi
chôn.
Anh Thừa một đêm thức
trắng, cùng với chai rượu gạo trong tay. Vừa uống vừa đổ, bốn chai nửa lít nằm
cùng ảnh lăn lóc quanh chuồng heo. Gần sáng, nhà anh Thừa lại nhốn nháo chuyện
gì. Một lát, thấy có người chở ảnh đi cấp cứu bằng chiếc xe ba gác dập dịch.
Người ta xì xào rằng
anh Thừa uống rượu tự tử.
*
…Trong cái chết say ngầy ngật, anh Thừa thấy người
nhẹ hều, đầu óc lâng lâng, tâm trí bay bổng. Anh cũng đang bay, đến một nơi vừa
quen vừa lạ. Anh gặp một ông già đầu vấn khăn rằng. Vía anh nói đó là ông nội của
chị Thắm. Ông nội không nói câu gì, chỉ đứng nhìn cháu rể chảy nước mắt. Anh hỏi
ông nội có khỏe không, rồi quay lưng nói thầm trong bụng với mình: “Mẹ nó, ai
cũng ăn thịt heo, mà chỉ thằng đâm heo có tội, thằng nuôi heo cực thấy ông bà
ông vãi!”. Ông nội cứ chảy nước mắt như vậy rồi tan biến dần trong lớp khói dày.
Anh Thừa gặp người thứ hai, khuôn mặt này có ảnh trên bàn thờ nên anh biết. Ông
ấy nói với anh Thừa: “Đàn ông đàn ang, làm khổ vợ khổ con thì nhục lắm, tía hối
hận muộn rồi. Bây ráng lo cho con cho cháu của tía nghe hông!”. Rồi ông già vợ
cũng mất dạng trong sương khói mờ ảo...
Hồn anh đang phiêu diêu
thì gặp một người phụ nữ. Chị đó có nước da trắng mướt, cái miệng lúc nào cũng
cười rất có duyên. Trời ơi, Thảo ơi, sao em cũng ở đây? Em chết rồi sao? Sao em
lại chết?... Anh Thừa cũng không hiểu mình sao gặp chị Thảo thì mở miệng kêu
gào ỏm tỏi, mà chết rồi mới lần đầu gọi Thảo là em! Giọng người đàn bà trẻ vẫn
nhẹ hều dễ nghe y cái hôm ngồi uống trà với ảnh. “Anh chỉ cần nghĩ khác đi một
chút, không những giúp được mình mà còn giúp được bà con mình!”. Ai biểu Thảo
lúc nào cũng nói ý nói tứ, tui là dân nuôi heo, có hiểu được bao nhiêu đâu. Chị
Thảo vẫn nhẹ nhàng từ tốn: “Tại anh cố chấp như vậy, cố tình không hiểu đó
thôi!”. Chị Thảo cười. Nụ cười hiền queo, lung linh, bung gió mát rượi. Theo
làn gió ấy, anh Thừa nghe được mùi hèm. Cái mùi hèm bình thường cộng với mùi
cám, mùi phân ra thứ mùi đặc trưng chỉ xóm nấu rượu nuôi heo mới có, sao hôm
nay thơm tho kỳ lạ. Phải chăng nó tỏa ra từ cái áo trắng tinh tươm kia hay từ nụ
cười đương sáng bừng trước mặt… Đẹp quá Thảo ơi! Cái bóng trắng của chị Thảo bỗng
mờ dần, mờ dần… Không, không, Thảo ơi… Thảo ơi…Anh Thừa đuổi theo, băng qua làn
khói xám, gọi mãi Thảo ơi Thảo!
Làn khói tản dần, một bầu
trời sáng mở ra.
Ông
ơi, ba nó ơi, mau tỉnh dậy đi, heo nhà mình sống rồi, sống rồi! Ai kêu heo sống rồi
làm anh Thừa lập tức choàng mắt. Lời chị Thắm như có luồng điện giật kéo hồn
anh trở lại với cái xác gầy gò quặt quẹo vì rượu. Mùi từ cái áo hai ngày chưa
thay của chỉ đúng là cái mùi hèm hôi truyền thống. “Tỉnh rồi à?”. “Tui chưa chết
sao má nó?”. “Ham chết lắm hả cha nội! Say thôi hổng chết nổi đâu!”. Vợ lúc nào
cũng nói cái giọng đó. Nhưng giọng sau thì nghe được hơn. “Ông đó, chết rồi mẹ
con tui sống với ai?”. Anh Thừa mĩm cười, trong bụng chợt thấy thương vợ. Chị toe
toét báo với anh rằng heo nhà anh không có nhiễm bệnh gì hết, chỉ heo chuồng
anh Lắm bị dịch thôi. Sao ông trời ác nhơn vậy, khi đàn heo gần trăm con đang
sân sẩn mà bị chôn sống gần hết, thì người ta mới phát hiện có bã chuột trong
cái miễn vùa cạnh chuồng heo nạt. Công an xã xuống chưa kết luận gì. Nhưng nghe
vợ kể, anh Thừa biết chắc vụ này có liên quan đến cha con anh Lắm. Trớ trêu hơn
là người ta cho kiểm dịch lại, kết luận heo nhà anh Thừa chưa bị làm sao. Thấy
mừng thì ít mà thấy tức thì nhiều. Đời đôi khi nó khốn nạn vậy đó.
Con Thùy đem nước vào cho cha, ngược lại với má
nó, câu đầu nghe được lắm: “Tía bị trúng gió hả tía? Tía khỏe rồi con mừng ghê!”.
Câu sau thì như tạt nước vô mặt cha: “Tía ơi, tía gả con cho anh Tèo nghe! Ảnh
dìa tiếp tía gầy heo lại, ảnh nói với con vậy đó tía!”. Nghe nhắc thằng kia, xém
chút nữa anh Thừa đòi đánh chết mẹ nó, nhưng ngưng kịp. Anh nghĩ tới chuyện con
gái lớn rồi suốt ngày áo quần dính tấm dính cám như má nó, chẳng biết đến phấn
đến son. Anh nghĩ tới cái xóm heo đang tiêu điều vì dịch tả, chỉ nhà anh thoát
thì có vui vẻ gì. Anh lại nghĩ đến giấc mơ kỳ lạ ban nãy, cố nhân dường như bắt
anh phải nhớ đến sứ mệnh mà anh mặc nhận rằng số phận đã sắp cho mình. Rồi anh
Thừa len lén nhìn vợ, dường như ảnh sợ chị Thắm biết trong mơ ảnh còn gặp người
đàn bà quen đó nữa. Xin bệnh viện cho về nhà
đi má nó ơi, về coi tính lại nhà cửa, heo cúi liền! Không ai biết anh đang say
sưa với cảm giác đó. Thứ cảm giác mơ hồ mới mẻ, ngọt ngào và dịu mát như nụ cười
bung gió trước mặt. Ngày mai, can đảm mà nghĩ theo cách khác đi một chút, coi
thử cuộc đời nó thay đổi ra sao!
MS103
______________
(1)
Cái hoa: Chỉ
âm hộ con heo nái.
(2)
Sờ mát phôn: Smartphone (điện
thoại thông minh).
|
|