|
Tiền thân của Hội Văn học Nghệ thuật
tỉnh Đồng Tháp (VHNT) ngày nay là phòng Văn hóa - Văn nghệ, tọa lạc tại đường
Nguyễn Huệ sát vách Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - đối diện với chợ Sa Đéc cũ ngày xưa.
Nói là phòng, nhưng biên chế chỉ có mấy người, diện tích vài chục mét vuông,
bàn ghế thô sơ, phương tiện vật chất thiếu thốn… Duy chỉ chiếc đàn Pi - a - nô
là kỷ vật đáng giá nhất và cũng ấn tượng nhất đối với tôi! Chiếc đàn được đặt
bên cạnh cửa sổ đối diện với Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, nơi có cây sung treo những
chùm trái đỏ, mà mỗi lần xuống Sa Đéc công tác, tôi thường đến đây tập đàn và
hát cho nhạc sĩ Phi Long đàn. Hồi ấy, đơn vị tôi đặt tại thị xã Cao Lãnh (nay
là thành phố Cao Lãnh). Vốn rất thân với chị bạn trong ngành nên mỗi lần xuống
Sa Đéc công tác, tôi thường tới Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nghỉ ngơi (những năm 1980 -
1990 là nơi đóng quân của đơn vị phòng Bảo vệ chính trị I Công an tỉnh Đồng
Tháp). Mỗi tối trăng lên, tôi thường ra sân ngồi hóng mát. Gió từ dòng sông Sa
Giang thổi lên dịu nhẹ, nghe tiếng dương cầm thanh thoát từ bên phòng văn nghệ
vọng qua… Cảnh khuya yên tĩnh hòa với hương thơm thoang thoảng của mùi hoa nhất
chi mai thật dễ chịu. Rồi mỗi khi phòng Văn hóa - Văn nghệ có mở trại sáng tác
hay sinh hoạt văn, thơ, kịch bản sân khấu... tôi đều được mời tham dự. Thế là, không
biết từ lúc nào, tôi đã trở thành người bạn thơ, văn thân thiết của phòng lúc
ấy!
Ngày 17/9/1984, Ban vận động Hội
VHNT tỉnh Đồng Tháp chính thức được thành lập và được công nhận về mặt Nhà nước
cho Ban vận động: có con dấu và kính phí hoạt động riêng, do ông Nguyễn Thanh
Phong (ông Bảy Phong) - Nguyên Phó Chủ tịch UNND tỉnh ký: Phân công chú Nguyễn
Đắc Hiền (Mười Long) - Phó Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy làm Trưởng ban và các
chú: Nguyễn Văn Xứng, Lê Quốc Việt, Nguyễn Khắc Thận làm Phó Trưởng ban, cùng
12 đồng chí là lãnh đạo các ngành, đoàn thể trong tỉnh. Riêng tôi, được cơ cấu
vào Ban vận động là để vận động thêm hội viên Công an tỉnh tham gia hoạt động.
Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi không khỏi
bồi hồi và ngưỡng mộ công sức của các chú vô cùng! Vì để có một Hội Văn học
Nghệ thuật mạnh mẽ về cơ sở vật chất và lực lượng văn nghệ sĩ hùng hậu đủ các
chuyên ngành như ngày nay, phải nói là cả một quá trình gian nan, bền bỉ và hết
sức tâm huyết của lãnh đạo tỉnh, các ngành, đoàn thể và lãnh đạo Hội VHNT của
tỉnh qua các thời kỳ. Tôi làm sao quên được chú Nguyễn Đắc Hiền (Mười Long) -
Phó Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy lúc ấy, ông là người có công khởi xướng vận
động thành lập Ban vận động thành lập Hội VHNT tỉnh Đồng Tháp ngày nay; chú
Nguyễn Nam (Năm Nam) Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin; chú Lê Ngọc Rạng (Quốc
Việt) - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin; chú Nguyễn Khắc Thận (Chín Hương -
Nhà thơ Lý Thuận Khanh) - Hiệu trưởng Trường Đảng tỉnh; chú Lê Quang Vũ (Chín
Vũ) - Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy; chú Nguyễn Văn Xứng (Tám Hoa) Giám đốc sở
xây dựng - sau này có thời gian chú là Chủ tịch Hội VHNT; chú Nguyễn Văn Phàn
(Sáu Chung) - Giám đốc Sở Lâm nghiệp; anh Trần Lăng Hiển - Giám đốc Đài Phát
thanh, truyền hình Đồng Tháp; anh Nguyễn Hải Quân - Phó Bí thư Đoàn thanh niên
cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh; anh Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng Đoàn văn công Đồng
Tháp... Nhìn lại những gương mặt thân quen qua tấm ảnh chụp chung trong ngày ra
mắt Ban vận động ngày 17/9/1984, tôi không khỏi bồi hồi khi nhớ đến chú Chín
Hương, chú Chín Vũ, chú Sáu Chung, chú Tám Hoa… nay đã không còn nữa!
Ngày 21/6/1986, Hội VHNT tỉnh Đồng
Tháp được chính thức thành lập trong niềm hân hoan phấn khởi của văn nghệ sĩ
tỉnh nhà. Tuy nhiên, vẫn cái điệp khúc cơ sở vật chất thiếu thốn, phòng làm
việc tạm bợ… Ban lãnh đạo Hội vẫn ráo riết tìm kiếm đào tạo nhân tài, trân
trọng hạt nhân văn hóa, văn nghệ; nhiều trại sáng tác văn, thơ, ca, múa, nhạc,
họa, sân khấu…đã được tổ chức. Cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng chính nơi đây
đã sản sinh ra nhiều cây bút có tên tuổi trong Làng VHNT Việt Nam và tỉnh Đồng
Tháp, điển hình như: nhà thơ Thu Nguyệt, Trần Quốc Toàn, họa sĩ Việt Hải, nhạc
sĩ Phạm Khiêm - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp ngày nay; sau
này có nhà thơ Thai Sắc, Hữu Nhân - Hội viên, Hội Nhà văn Việt Nam; họa sĩ
Nguyễn Thành Thu, nhà báo Huỳnh Công Trường, Nguyễn Trọng Quí, nghệ sĩ Bạch
Phần, Thanh Hà, Hoàng Dũng, Ti62n Duyên…, tất cả đều là Hội viên của các chuyên
ngành VHNT Trung ương…..Và còn rất nhiều những cây bút trẻ tâm huyết, tích cực
đóng góp những sản phẩm VHNT trên các lĩnh vực: Văn, thơ, sân khấu, nhiếp ảnh, mỹ
thuật, văn nghệ dân gian, Lý luận phê bình … xứng đáng là những mốc son kết nối
truyền thống, làm rạng rỡ nền văn học, nghệ thuật tỉnh nhà!
Trải qua bao thăng trầm, với nhiều đời lãnh
đạo, Hội VHNT vẫn là mái nhà chung ấm áp nghĩa tình, nơi khơi nguồn sáng tạo,
hâm nóng chất men, nơi các hội viên có thể trải lòng với thơ ca, nhạc, họa… Tuy
rằng, có những lúc “Văn mình, vợ người”, nhưng cái tình, cái nghĩa, cái chất
nghệ sĩ rất riêng, rất Nam bộ, vốn chân chất, thiệt thà, giận thì nói, nhưng
không ghét ai… từ Ban lãnh đạo đến các hội viên… lâu nay đã trở thành bản chất
truyền thống của Hội VHNT tỉnh Đồng Tháp. Đây là một Hội VHNT hiền hòa, không
dao to búa lớn, đi đúng tôn chỉ mục đích của Đảng, xứng đáng là một hội “chính
trị, nghề nghiệp”, có nhiệm vụ quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách của
Đảng và pháp luật của nhà nước thông qua các loại hình văn học nghệ thuật
truyền tải đến công chúng. Đó chính là chất keo làm cho tôi không thể bỏ nghề
viết, bỏ Hội VHNT được. Mặc dù công việc chuyên môn của ngành luôn thúc giục,
rồi cơm, áo, gạo, tiền… có những lúc tưởng chừng không làm thơ, sáng tác nổi
nữa…, nhưng vì cái tình, cái nghĩa với Hội, với anh chị em mà hễ gặp đề tài thì
tôi lại viết. Vì sợ đồng đội hiểu nhầm, mình bớt xén thời gian nhà nước cho
sáng tác, nên tôi phải sắp xếp công việc rất khoa học, chỉ tranh thủ sáng tác
những lúc đi công tác, thời gian ban đêm, thứ bảy, chủ nhật, có khi phải thức
suốt đêm để viết, nhưng khi tác phẩm hoàn thành thì lòng vui phơi phới. Tôi đam
mê như thế, không phải vì mấy trăm ngàn tiền nhuận bút, còn in sách cũng không dễ
phát hành… Nhưng “Trót mang cái nợ văn chương, mang ơn của các chú lãnh đạo đã đào
tạo, dìu dắt, nên tôi nguyện làm việc thật tốt và cống hiến suốt đời vì sự
nghiệp VHNT để trả ơn.
Đời tôi, sẽ không bao giờ quên ơn
chú Nguyễn Nam
- nguyên Giám đốc Sở VH&TT những năm 1980 - 1985. Lúc ấy phương tiện đi lại
khó khăn lắm, nhưng chú vẫn dùng xe cơ quan chở tôi lên huyện Thanh Bình tìm cô
Kim Nhụy (Nghệ sĩ Kim Nhụy - lúc đó đã trên 70 tuổi) để học Hò Đồng Tháp. Chú nói
với tôi: “Bạch Phần phải học cho đúng, hò
cho tốt, vì Hò Đồng Tháp là di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh, không thể để
mai một, mất đi!”. Bây giờ chúng ta mới bắt đầu đi sưu tầm, nhưng các bạn
có biết đâu, cách đây 30 năm, các vị lãnh đạo của tỉnh đã nhìn ra điều đó!; Chú
Võ Thái Hòa nguyên Giám đốc Sở Công an ngày ấy, và nhiều chú lãnh đạo tỉnh đã dành
thời gian quý báu đến dự tiệc liên hoan tiễn đoàn văn nghệ quần chúng tỉnh Đồng
Tháp lên đường tham dự “Liên hoan tiếng
hát từ Làng Sen” lần thứ nhất năm 1985 - tổ chức tại thành phố Vinh - Nghệ
An quê Bác! Chúng tôi đi thi văn nghệ mà mang đầy trọng trách vinh quang cao
cả, là phải làm sao xứng danh là quê hương Đồng Tháp - nơi cụ Phó Bảng Nguyễn
Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn nơi yên nghỉ cuối cùng. Tôi mang
những câu hò Đồng Tháp của chú Nguyễn Nam
viết “Nắm đất miền Nam con gởi ra
quê Bác. Trên mảnh đất này con nguyện canh giữ ngôi mộ Người thân sinh. Bác ơi,
Bác cứ yên lòng, chúng con thay Bác đáp đền…công …ơn”…Tôi hò say sưa giữa Làng Sen quê Bác trong
những ngày tháng năm lịch sử và với cùng đoàn mang danh dự về cho tỉnh nhà,
trong một chuyến đi không đơn giản chỉ là diễn văn nghệ!
Có người hỏi: “Đề tài đâu mà chị viết hoài
vậy?”. Tôi nói: “Cứ sống đi rồi sẽ có đề tài!”. Đúng vậy, các bạn ạ! Có lẽ nhờ
những năm khó khăn thiếu thốn, những năm theo Đội chiếu bóng Công an tỉnh phục
vụ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào vùng sâu, vùng biên giới…cả tháng mới về, nên
từng ngõ ngách, đời sống, sinh hoạt của bà con tôi đều hiểu rõ. Nặng cái nghĩa
tình nhường cơm sẻ áo của bà con vùng sâu đối với đội chiếu bóng Công an trong những
năm khó khăn, nợ đồng đội và các chú lãnh đạo tỉnh, Ban lãnh đạo Hội VHNT các
thời kỳ mà tôi viết. Tôi thường tự nhủ với lòng: “Nếu không có ngành Công an
tôi sẽ không lớn thêm, và nếu không có Hội VHNT Đồng Tháp sẽ không có Bạch Phần
ngày nay!”.
Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập
Hội VHNT tỉnh Đồng Tháp (21/6/1986 - 21/6/2016), tôi xin được bày tỏ nỗi lòng
và xin có vài dòng tâm sự, xin gởi đến các hội viên của chúng ta. Đừng xem VHNT
thuật và một trò giải trí đơn thuần, mà hãy xem đó là một trọng trách khi cầm
bút: Viết cái gì, viết cho ai, viết như thế nào…, để xứng đáng với công lao gầy
dựng, đào tạo, chăm chút của những người đi trước. Vì đây là một Hội có pháp
nhân quản lý của Nhà nước, có chủ trương, đường lối lãnh đạo rõ ràng chớ không
phải là Hội tự phát! Xin đừng mượn danh hội viên Hội VHNT mà làm sai lệch tôn
chỉ mục đích và phủ nhận công lao gầy dựng, sáng lập của các chú, các anh chúng
ta!./
Tháng
5/2016 -B.P
|
|