|
Trước khi
trình bày sơ lược
về cuộc đời và sự nghiệp của soạn giả - liệt sĩ Thanh Nha mà giới sân khấu cả
nước đã biết, xin nhắc
vài kỷ niệm nhỏ mà tôi đã gặp ông. Tuy ngắn ngủi, nhưng để lại
trong tôi dấu ấn khó phai mờ.
Năm
1965, Đoàn Văn công Tiền Giang tỉnh Kiến Phong thường ở căn cứ ấp Bình Mỹ A, xã
Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, vùng đất cù lao đã được giải phóng. Lúc đó tôi còn
rất trẻ, vào Đoàn Văn công chỉ mới hơn hai năm, làm diễn viên thanh nhạc. Hôm
ấy vào buổi tối, tại nhà bác Tám Tiều, Đoàn Văn công tổ chức cuộc họp. Buổi họp
Đoàn, ngoài các chú, các anh chị em trong đơn vị mà tôi đã thân quen, còn có
một người khách lạ. Nhìn qua dáng vẻ, nếu bỏ chiếc khăn rằn quấn cổ, thì người
khách giống như ông Hai Quởn, một thầy
thuốc nam - ông Ba
Thoạt thầy giáo làng ở xóm tôi trong vùng sâu Đồng Tháp Mười. Với bộ đồ bà ba
đen cũ kỹ, khăn rằn quấn cổ, dáng người ốm cao, nước da hơi xanh tái giống như
người thường sống trong rừng (vì tôi có kinh nghiệm chín tháng đi học ở rừng “R”- năm 1963-1964), gương
mặt đẹp phúc hậu toát lên vẻ thông minh, hiền từ, tạo cho người đối
diện sự cảm mến ngay từ đầu. Tôi đoán mò, chắc đây là ông cán bộ Ban Tuyên huấn tỉnh (vì tôi là
lính mới nên chưa quen biết hết các chú trong Ban) xuống thăm và làm
việc với Đoàn Văn
công. Chú Tư Đức, Trưởng đoàn đứng
lên giới thiệu: “Đây là tác giả Trần Ngọc đến công tác với chúng ta, để giúp Đoàn
của mình về chuyên môn”,
sau đó chú giới thiệu anh em diễn viên với tác giả Trần Ngọc, xong chú ra lịnh
cho đoàn giải tán.
Để đảm
bảo an toàn, thời kỳ nầy chúng tôi ở phân tán rải rác trong dân, mỗi nhà từ hai
đến bốn người. Đội tân nhạc chúng tôi ở nhà anh Hai Lành và chú Chín Biên, còn
tác giả Trần Ngọc ở đâu tôi không rõ. Hôm sau, sáng sớm lúc ngồi công sự để
“phòng động” anh Phương Đông, đội trưởng tân nhạc hỏi tôi: “Mầy biết tác giả
Trần Ngọc là ai không?”. Tôi trả lời: “Không biết”. Anh Phương Đông nói:
“Ổng là soạn giả Thanh Nha có nhiều tác phẩm nổi tiếng trên Đài Phát thanh Tiếng
nói Việt Nam và Đài Phát
thanh Giải phóng mà mình
nghe hoài đó. Bài ca “Đêm trăng nhớ bạn”
mà đoàn đang ca cũng là của ổng”. Tôi rất ngạc nhiên: “Sao ổng lại về đây?”.
Anh Phương Đông nói tiếp: “Ổng là cán bộ Mùa Thu vượt Trường Sơn về, người
quê Cao Lãnh của mầy đó”.
Tôi hỏi: “Sao bác ấy lại đổi tên là Trần Ngọc?”. Thì cũng như mầy,
sao không kêu Tổng mà gọi là Tùng. Chỉ đơn giản là giữ bí mật mà cũng hỏi”. Rồi anh nói
tiếp: “Tao chỉ nói cho mầy biết, mầy không được nói ra ngoài nghe!”. Tôi “dạ” nhưng
trong lòng rất mừng,
muốn gặp bác Thanh Nha - Trần Ngọc để làm quen và học hỏi. Lần dò tìm hiểu, tôi
biết bác đang ở nhà anh Chín Đằng, cách đây gần cây số.
Mấy hôm
sau chúng tôi lại tập trung tại nhà bác Tám Tiều để nghe bác Trần Ngọc - Thanh
Nha giới thiệu tuồng cải lương mới sáng tác. Đó là vở “Tình phụ tử”. Dưới ánh đèn dầu, diễn viên cùng lãnh đạo Đoàn Văn công ngồi quây quần
trong nhà và cả ngoài sân. Tác giả Trần Ngọc ngồi ở chiếc bàn tròn giữa nhà,
vừa đọc kịch bản, vừa hát nho nhỏ, vừa diễn tả các nhân vật trong tuồng cải
lương, có lúc tác giả đứng lên ra bộ. Cả Đoàn theo dõi rất say sưa và
hứng thú. Sau đó tác giả phân tích nội dung vở diễn, hình tượng và tính
cách nhân vật, gợi ý
việc phân vai, dàn dựng. Với trình độ lúc bấy giờ, tôi thấy cái gì cũng mới mẻ,
hấp dẫn và bổ ích như một cuộc tập huấn vậy. Sau đó Đoàn phân vai để
dàn dựng vở cải lương nầy. Đây là vở đầu tiên tác giả Trần Ngọc viết cho Đoàn Văn công Tiền
Giang tỉnh Kiến Phong trình
diễn.
Tôi nhớ một lần ở xã Thanh Mỹ đoàn
diễn vở nầy, anh Tâm Lực đóng vai đứa con phản lại cha mình và hàng xóm, dẫn
quân giặc về khui hầm bí mật để giết cán bộ. Đang diễn đến cao trào, một ông
nông dân cầm cây chạy lên sân khấu đánh anh Tâm Lực mấy cái té nhào. Ông hét
lớn: “Đồ con bất hiếu, phản bội! Tao giết mầy!”. Khán giả ngơ ngác không biết
chuyện gì xảy ra. Đoàn nhanh chóng đóng màn và thông báo với bà con: “Đây là
Đoàn Văn công diễn cải lương chớ không phải thật, xin bà con trật tự”.
Thời gian
tác giả Trần Ngọc ở Đoàn Văn công chỉ hơn hai tháng nhưng bác đã sáng tác cho
Đoàn năm vở cải lương: Tình phụ tử, Bám
đất, Chông gài sai chỗ, Chiếc máy đuôi tôm và Anh sui chị sui. Bên cạnh đó, bác cũng lưu lại trong lòng chúng
tôi một tình cảm thân thương sâu đậm. Qua mấy lần bác phân tích
kịch bản, có một chi tiết lý thú mà đến nay tôi vẫn nhớ. Hôm ấy anh Minh Luân đạo diễn, phó Đoàn
Văn công hỏi bác: “Đường lối cách mạng miền Nam là tiến hành hai chân (quân sự,
chánh trị) và ba mũi (quân sự, chánh trị, binh vận), kịch bản nầy không đề cập
đầy đủ các nhiệm vụ đó, vậy có đúng không?”. Bác Trần Ngọc - Thanh Nha trả lời
ngắn gọn, dễ hiểu: “Tác phẩm văn học nói chung thường giống như cái chài, rải
bắt được tất cả cá lớn, cá nhỏ; kịch bản sân khấu giống như mũi chỉa, chỉ lựa
con cá bự mới đâm”. Tôi nghe thấm thía vô cùng!
Một kỷ niệm khác tôi không thể quên,
đó là tốc độ viết kịch bản quá nhanh của bác. Chỉ hơn hai tháng mà viết xong
năm kịch bản thật tôi không hiểu nổi. Nghe gia đình anh Chín Đằng nói, hầu như
ông Ba (Trần Ngọc) ngồi viết tối ngày, sáng đêm, chỉ trừ những ngày bị giặc càn
quét. Lúc bác ở nhà anh Chín Đằng có vài lần tôi cùng anh Phương
Đông đến thăm bác. Thấy bác Ba vui tính, hiểu biết rất nhiều về cuộc sống, về cách
mạng, về miền Bắc Xã
hội Chủ nghĩa, về chuyên môn... nên tôi rất ngưỡng mộ và kính
trọng. Ít lâu sau, bác theo giao liên rời khỏi Bình Thạnh lúc nào tôi không rõ. Nghe nói bác trở về “R”.
Không rõ lúc ở nhà anh Chín Đằng, ảnh hưởng của bác với gia đình ra sao, mà khi
lớn lên hai đứa con của anh đều theo Đoàn Văn công tỉnh. Hoàng Nam làm nhạc
công ghi ta cổ, Thanh Xuân làm diễn viên cải lương. Khoảng gần cuối
năm 1968 tôi lại lên “R” học tiếp chuyên môn thanh nhạc, năm 1969 cũng lên “R”
để học lớp sáng tác ca khúc và hòa thanh. Hai lần nầy có điều kiện được gặp bác
Ba nhiều hơn.
Xin nói
qua một chút về chuyện ở “R” lúc ấy. Đối với tôi đã quen sống ở đồng bằng, lên
“R” là tôi rất ngán. Nào là đi bộ hơn nửa tháng trời mới tới, nào sợ bị sốt rét
rừng lần nữa (tôi đã bị sốt rét lần đi học trước đến nay chưa hết), ngán nhất
là thay đổi môi trường sống mà mình chưa quen. Ví dụ: ở đồng bằng ta
thường gặp dân, năm ba tháng cũng nhắn được gia đình vào thăm, còn ở rừng chỉ có ta với cây và khỉ;
nhất là ban đêm, nằm trên võng một mình nghe tiếng mưa rơi lộp bộp
trên mái che ni-lon mà
buồn rã ruột. Việc ăn
uống cũng kham khổ hơn ở đồng bằng rất nhiều. Ở đồng bằng dù gì anh em cũng bắt
được cá, tôm, chuột, cua, ốc, ngặt lắm thì hái bông lục bình, rau tai tượng,
cù đèn, rau muống... luộc chấm muối ớt. Còn ở rừng thì trường kỳ đậu phộng rang muối, ăn với cơm
gạo mốc trộn đậu xanh. Ngồi trên lớp học đến giờ nấu cơm nghe anh nuôi rang đậu
phộng rồ rồ, rột rột dưới bếp mà ngán tới “bản họng”. Việc tránh né bom đạn cũng khác hơn ở đồng bằng.
Ở đồng bằng pháo đài B52 thường “bừa” theo bờ kinh, rạch, hoặc rặng cây, qua
loạt bom đầu nếu còn
sống ta chạy nhanh ra đồng để tránh những đợt “bừa” sau. Con ở rừng, mấy lần bị
B52 “bừa” gần nơi ở, đến đỗi nghe thấy mùi khói bom, nhưng phải nằm
chịu trận, không biết chạy đi đâu vì bốn phía đều là rừng, không biết B52 sẽ “bừa” tiếp ở đâu
để tránh.
Thời
gian học ở “R” hễ rảnh là tôi đến thăm bác Ba. Thứ nhất là để sưởi ấm tình thương, vì bác là người đồng hương
mà tôi xem như cha, chú của mình. Thứ hai là để học hỏi trường đời và chuyên môn của bác. Vì lần trước đây
quen bác ở Đoàn Văn
công, tôi biết bác rất giỏi chuyên môn. Qua những lần ở gần bác Thanh Nha, tôi
nhận ra bác là người ít nói, trầm lặng, nhưng khi nói thường pha trò mà người nghe không
thể nín cười một cách thú vị được. Tuy chuyên ngành sân khấu, nhưng biết tôi
học lớp sáng tác tân nhạc, bác đã chỉ những kinh nghiệm sáng tác ca khúc, nhất là vần điệu,
hình tượng nghệ thuật và cách tu từ lời ca. Bác hỏi tôi: “Cháu
có biết vì sao người ta
gọi thơ, ca, nhạc, họa không?”. “Dạ, do nó là bốn môn nghệ thuật.” - Tôi trả lời.
Bác cười giải thích: “Cháu nói chỉ đúng phân nửa. Đó là trong cái nầy có cái
kia. Về mặt hình tượng
nghệ thuật, trong thơ ca có nhạc họa, trong nhạc họa có thơ ca. Là người học
sáng tác cháu phải nhớ.”.
Lời dạy ấy làm cho tôi bắt đầu tìm hiểu âm nhạc cải lương. Thời gian học
tập rất bận rộn, không có điều kiện cho tôi đến thường xuyên với bác Ba, vì chỗ
ở của bác cách xa nơi tôi học khoảng hai tiếng đi bộ đường rừng. Xong
lớp học trước khi trở về đồng bằng, bác có đãi một bữa chè đậu xanh và dặn dò tôi cố gắng công tác, học
tập, và trung thành với cách mạng, vì lúc nầy chiến trường đã đến hồi ác liệt.
* * *
Về cuộc đời và
sự nghiệp của cố soạn giả Thanh Nha, các nghệ sĩ bậc thầy, các nhà cách mạng
tiền bối đã nói nhiều. Là kẻ hậu sinh,
với lòng kính trọng một nghệ sĩ, một nhà cách mạng tài năng đức độ, tôi xin nêu
tóm tắt những ý kiến ấy, để bạn đọc trẻ hiểu thêm về nghệ sĩ Thanh Nha, người con
ưu tú của quê hương Đồng Tháp.
Soạn
giả Thanh Nha sinh năm 1919 tại làng Mỹ Trà, nay là phường II, thành
phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng
Tháp. Ông tham gia cách mạng năm 1945, hy sinh năm 1972 ở chiến trường miền
Đông Nam bộ, được nhà nước truy tặng liệt sĩ ngày 28 - 7 - 1982. Qua hai cuộc trường
chinh chống Pháp và Mỹ, trong đội ngũ văn nghệ tỉnh Đồng Tháp, soạn giả Thanh
Nha nổi lên như một ngôi sao sáng trên bầu trời quê hương. Soạn giả đã đóng góp công lao to lớn vào sự
nghiệp phát triển sân khấu nói riêng, sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật nói chung,
góp phần vào cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Trong hai mươi bảy
năm hoạt động, soạn giả Thanh Nha có những đóng góp nổi bật như sau:
Về tài năng của một nghệ sĩ sân
khấu, Soạn giả am hiểu sâu nhiều bộ môn nghệ thuật trong đó nổi bật trên ba
lĩnh vực:
- Về mỹ thuật, sau khi tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Gia
Định, tham gia kháng chiến chống Pháp, ông làm Trưởng ban Mỹ thuật Phòng Chánh trị Quân khu 8; phụ trách Nhà
in Quân khu; cán bộ Phòng Chánh trị Liên khu miền Đông Nam bộ. Trong các nhiệm
vụ chung mà Quân khu giao cho Phòng, ông và tập thể hoàn thành tốt, nổi bật là
ông trực tiếp vẽ giấy bạc giả tiền Đông Dương của Pháp, mệnh giá 20 đồng và 5
đồng, để dùng cho cuộc kháng chiến; trong lúc tình hình kinh tế của ta vô cùng
khó khăn.
- Về nhạc dân tộc (cải lương và đàn ca tài tử) ông sử dụng
nhiều loại nhạc cụ tranh, gui - ta, gáo, kìm. Riêng tiếng đàn kìm của ông rất điêu luyện, mà giới nghệ
sĩ thời kỳ ấy đánh giá là huyền biến, thiết tha, ngọt ngào, độc nhất vô nhị. Do
am hiểu sâu bài bản cổ nhạc, nên những năm tập kết ra Bắc, ông đã nghiên cứu
biên soạn một công trình khoa học về âm nhạc dân tộc. Đó là quyển sách: “Những
bản đàn cải lương do vụ nghệ thuật - Bộ Văn hóa xuất bản, để hướng dẫn nghệ sĩ cải lương trên toàn quốc
sử dụng thống nhất, trong lúc loại hình nghệ thuật nầy có sự chênh nhau giữa ba miền Bắc, Trung,
Nam.
- Về soạn giả, năm 1952 và 1953 ông sáng tác hai vở cải lương
cho Đoàn Văn công
Ngũ Yến khu 8 biểu diễn. Đó là vở: “Chung
sức diệt thù” và “Thoát vòng đau khổ,”
hai vở nầy là chủ lực của Đoàn thời bấy giờ. Lúc ở miền Bắc ông có: “Tiếng sấm Tây Nguyên”, Thế Lữ nhuận sắc,
đạt huy chương vàng hội diễn sân khấu toàn miền Bắc. Vở “Tình riêng nghĩa cả” được Đoàn Cải lương Nam bộ
diễn trích đoạn ở thủ đô của Pháp, phục vụ hội nghị Pa-ri; Chuyển thể
vở “Khuất Nguyên” của Quách Mạc Nhược, Trung Quốc,
biểu diễn phục vụ hai đoàn đại biểu cán bộ cao cấp của hai Đảng, hai nhà nước
Việt Nam và Trung Quốc, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Quốc khánh Trung Quốc (01-10-1949 - 01-10-1959) ở
Thủ đô Hà Nội,
được Bác Hồ và Nguyên
soái Diệp Kiếm Anh, Trung
Quốc khen và đại biểu hoan hô nồng nhiệt.
Những năm chống Mỹ từ 1964 đến 1972,
ông sáng tác rất nhiều vở cải lương và chập ngắn: “Tía má ơi ở lại, Anh
sui chị sui, Ông già Út Châu, Chiếc máy đuôi tôm, Trong lửa đỏ, Giờ vui tột bực, Chông gài sai
chỗ, Tình phụ tử, Bám đất, Tính sao bây giờ, Lay tỉnh bớ
ông Đại diện, Lòng mẹ, Xông ra diệt Mỹ, Nước mắt người thân, Em đi sắm tết, Má, Với kẻ ra đi...”. Một số bài ca cổ lẻ như: “Anh
hùng Nguyễn Văn Trỗi, Đêm trăng nhớ bạn, Người Nam dạ Bắc, Nhắn bạn thanh niên và nhiều
bản vắn theo các điệu Bắc, Nam, Oán...”. Vở cải lương “Tía má ơi ở lại” được Đoàn nghệ thuật
sân khấu cải lương của ta trình diễn tại hội trường Mutualites ở Pa-ri và nhiều địa
phương khác trên đất Pháp. Các tác phẩm khác được phát sóng qua Đài Phát thanh Tiếng
nói Việt Nam, Đài Phát
thanh Giải phóng, các đoàn nghệ thuật của Trung ương và tỉnh biểu diễn thường
xuyên thời kỳ đó.
Tài năng của ông có thể nói, cả thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, ở Đồng Tháp
chưa có nghệ sĩ sân khấu nào đa tài như soạn giả Nguyễn Thanh Nha, do đó ông vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước năm
2012, do Chủ tịch
nước Cộng hòa Xã hội
Chủ nghĩa Việt Nam trao tặng.
Công lao và tài năng của ông được
giới nghệ sĩ, nhà hoạt đông văn học - nghệ thuật nhận xét: “Đặc điểm nổi bật
thứ nhất về sáng tác của đồng chí Thanh Nha: Luôn bám sát nhiệm vụ chánh trị
của Đảng, đem hết tài năng nghệ thuật của mình làm cho chủ trương,
chính sách của Đảng đến tận quần chúng. Đặc điểm thứ hai là: Trong hầu hết
các tác phẩm của đồng
chí dù dài hay ngắn, hình
ảnh của người nông dân già, trẻ, trai, gái đều được khắc họa và
giới thiệu với một thái độ trân trọng và một tình cảm trìu mến... Đồng chí mất đi là ngành nghệ
thuật sân khấu cải lương mất cây cột cái...” (Trích điếu văn
của Giáo sư - Nhạc sĩ Huỳnh Minh Siêng - Lưu Hữu Phước,
Ủy viên Ban Tuyên
huấn, Trưởng Tiểu ban
Văn nghệ, Chủ
tịch Hội Văn nghệ
Giải phóng miền Nam, đọc trong buổi lễ truy điệu đồng chí Thanh Nha,
ngày 10 - 11 - 1972).
Còn Nghệ sĩ ưu tú Ngô Văn DZU, Nhạc sĩ - Giảng viên đàn
tranh Trường Cao đẳng Nghệ thuật Sân khấu II Bộ Văn hóa Thông tin bình luận về tiếng đàn kìm của ông:
“Từ trước đến giờ, chưa được nghe tiếng đàn nào mượt mà, mùi
mẫn như vậy... Bất kỳ
đi đàn ca ở đâu dù xa, dù gần trong dàn tài tử cũng phải có đủ những người nầy
(Thanh Nha đàn kìm, Sáu
Uốt đàn cò, Út DZU đàn tranh, Út Mo ca.) Nhất là Thanh Nha, luôn là người cầm
càng bằng cây đàn kìm
với ngón đàn tươi mượt, nguồn lực kích động chủ yếu với các cây đàn khác
và người ca...”. Nghệ sĩ
Ngô Văn DZU
cũng nhận xét ở góc độ ông là soạn giả: “Về phần học thuật, ai dám bảo rằng
người không biết nhạc cải lương mà viết cải lương hay. Tôi xin nói lại điểm nầy
cho rõ hơn.
Không phải hễ biết nhạc cải lương thì viết cải lương hay, còn cộng rất nhiều yếu tố. Nhưng
hiểu rành nhạc cải lương mà viết kịch bản cải lương thì phần thuận lợi đã chiếm 50%. Anh
Thanh Nha là người am hiểu sâu sắc âm nhạc cải lương. Do đó, kỹ thuật
viết bài ca, cách thiết kế bài bản cho các nhân vật, thậm chí đến văn lối cũng
rất suôn sẻ, làm hấp dẫn người nghe, gây hứng cho người diễn. Tấm gương anh
Thanh Nha đáng soi rọi lại cho các tác giả viết cải lương. Hễ muốn viết cải
lương, điều trước tiên là phải học nhạc cải lương...”.
Nghệ sĩ ưu tú - Đạo diễn Hoàng Sa thì nhận xét: “Về văn phong cách anh
viết rất bình dân, dễ hiểu, không cầu kỳ bay bướm cho nên với
thành phần nào cũng tiếp thu dễ dàng. Anh áp dụng lối viết Nam bộ, thiết kế bài
ca trong các vở rất phù hợp với tính cách nhân vật, dễ ca, dễ mùi, vì anh đã chơi đàn ca tài
tử từ nhỏ...”.
Tác giả Thanh Hiền, Chủ tịch Hội Liên
hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh từng sống chung ở “R” với ông đã viết: “Chú
dạy tôi phải nhún cho được chữ xang, xê, xể của Mười Dõng (tức Mười Đờn, Trưởng Đoàn Văn công Giải
phóng) tay đó khét tiếng Sa Đéc với nhóm Năm Phàn (tức Sáu Chung) đó. Chú dạy
tôi trong ngón kìm -
chữ xư (y) thế ngón (Mesthode) ở phím nào, chữ lịu nhấn ở phím nào, bản gì
v.v..., chú ý nghe và nhìn chú Mười Đờn mà học lấy, không ai rảnh mà ngồi dạy cháu đâu! Tôi dạ và
học! Chú dạy tôi những dị biệt bài bản miền Đông, miền Tây, bản đàn tranh, bản
đàn kìm... Đêm đêm với cây đàn có được, chú dạy những chữ “mứt gừng” trong ngũ cung của ngón đàn kìm từ hò nhứt, hò nhì, ba, tư, năm, nhứt là chữ hò ba biến tấu - dây Bắc, dây Nam...”.
Anh Tâm Lực, năm 1965 là nhạc sĩ tân
nhạc, Phó Đoàn Văn công Tiền Giang tỉnh Kiến Phong (nay là Đồng Tháp) kể lại: “Chú
Ba là người học sâu hiểu rộng, vốn sống rất dồi dào. Về nhạc cổ
theo âm giai ngũ cung thì chú đã rành, còn nhạc tân bấy giờ
chú cũng không kém. Tôi còn nhớ, lần đó khoảng
mười giờ sáng, tôi đang ngồi chép sạch lại ca khúc: “Bài ca người dân công” của tôi mới sáng tác để kịp gởi về Tiểu ban Văn nghệ tỉnh,
thì chú đến và đưa cho
tôi kịch bản “Chông gài sai chỗ”. Chú
chưa kịp nói gì, thấy
trên bàn để bài nhạc chú liền lấy lên xem qua một chút rồi chú bật hút gió từ
đầu cho đến hết bài. Tôi chăm chú theo dõi từng tiếng hút gió của chú, thật
chính xác cả cao độ lẫn trường độ. Tôi ngầm kính phục tài xướng âm
bậc thầy của chú.
Soạn giả Hùng Tấn, một đồng nghiệp
với soạn giả Thanh Nha nhận xét tay nghề bậc thầy của ông: “Mỗi khi tôi tới với
chú Ba Thanh Nha, chú đều ôm đàn kìm dợt cho tôi ca và dù không chánh thức “bái
sư”, tôi đã coi chú
Ba Thanh Nha là người thầy. Mỗi lần dợt ca cho tôi chú hay dừng lại
giải thích: luyến láy, phân nhịp lòng bản, chẻ nhịp, dồn chữ, ngân nga... sao cho câu có hồn,
có khoan nhặt, giàu ngữ điệu...”.
Nhà văn Trang Thế Hy lại có những
nhận xét tinh tế: “Anh ít sử dụng nhịp chỏi hay nhịp chẻ, nhưng khi anh sử dụng
nó thì đó là những cái bẫy hiểm ác
với những tay đàn trường canh yếu. Khi tôi nhận xét rằng cách để nhịp
hiểm hóc đó không hợp với tính khí anh, anh giải thích: “Những tay đờn
nhà nghề gọi nó là đờn phá. Tôi là người không chuyên, khi đờn tôi cũng thỉnh
thoảng đùa cho vui giống như khi tôi nói chuyện vậy!”. Anh đặc biệt
thích đàn dây mềm. Khi hòa
đàn với ai, hài thanh cao của đàn anh
ngang bằng hài thanh trầm của cây đàn
kia. Còn sợi dây trầm của anh, khi anh khảy nó ở tư thế buông
không có bấm, thì nó
phát ra không phải một tiếng đàn trầm, mà là tiếng rền của một nỗi thê lương
không có tên từ một cõi mịt mù nào vang vọng đến. Cái ma lực gợi buồn của nó đối với một thính giả tri âm là không sao
cưỡng lại nổi...”.
Nguyễn Tường Nhẫn,
nguyên Trưởng
Đoàn Ca kịch
bài chòi nói về vở “Tiếng sấm Tây Nguyên” của soạn giả Thanh
Nha như là một trong những bệ phóng nâng tầm vóc của Đoàn bay
lên đỉnh cao nghệ thuật. Ông viết: “Trong những năm 1960 - 1966, trên sân khấu miền Bắc chỉ có
hai vở kịch về đề tài miền Nam được giới nghệ sĩ và khán giả đánh giá cao về
nội dung và nghệ thuật là Tiếng sấm Tây
Nguyên và Võ Thị Sáu.
Trong hội diễn sân khấu toàn miền Bắc, Tiếng
sấm Tây Nguyên được huy chương vàng. Cùng với Thoại Khanh - Châu Tuấn, Tiếng
sấm Tây Nguyên đã giúp cho Đoàn doanh thu mấy năm liền, được nhận cờ thi
đua...”.
Nghệ sĩ ưu tú Công
Thành (cùng thời với Tấn Đạt, Thanh Vy) là diễn viên nổi tiếng trong thập niên
sáu mươi của thế kỷ XX ở miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, đã nói về vở cải lương “Tình riêng nghĩa cả” của soạn giả Thanh Nha như sau:
“Thử quay nhìn lại ba mươi năm kháng
chiến, trong đó có hơn hai mươi năm ác liệt chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo truyền thống
chống ngoại xâm của đân tộc, nhân tố quyết định mọi thắng lợi đều chính ở “lòng dân”. Nội dung vở cải lương Tình riêng nghĩa cả đã nói lên được tầm vĩ đại đó”.
Về lập trường cách mạng và đạo đức lối
sống của ông, Giáo sư - Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã viết: “Trung kiên vế ý chí cách
mạng, nhiệt tình trong lao động sáng tạo nghệ thuật, đồng chí Thanh Nha trong
mối quan hệ nội bộ, trong cuộc sống bình thường là một cán
bộ gương mẫu luôn luôn noi theo những lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Cần,
kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” để tu dưỡng bản thân. Có thể nói rằng nhắc
đến đồng chí Thanh
Nha là nhớ đến con người sống giản dị và tràn đầy tình thương, dù ở
cương vị nào đồng chí cũng
gây được cảm tình gắn
bó giữa mình với mọi người”.
Còn đạo diễn nghệ sĩ ưu tú Hoàng Sa
là người sống với ông ở Đoàn Văn công Ngũ Yến thời chống Pháp bồi hồi nhớ lại: “Hôm nay
anh đã đi rồi, một nghệ
sĩ, một chiến sĩ, một Đảng viên suốt đời vì sự nghiệp cách mạng. Ở gần dân thì
được dân thương dân nhớ, ở gần bạn thì được bạn mến, bạn thương, Đối với vợ
tình nghĩa chung thủy đậm đà...”.
Nhà văn Anh Đức tuy không cùng nghề
sân khấu cải lương với ông, nhưng có nhận xét sâu sắc của người sống
chung một cơ quan: “Anh Ba Thanh Nha vừa là một soạn giả sân khấu có tài, là
một Đảng viên văn nghệ gương mẫu có đầy đủ phẩm chất và tư cách lãnh đạo phong trào văn nghệ và cơ quan.
Nhìn chung anh là một
con người trầm lặng, nhưng từ con người có vẻ trầm lặng ấy lại
tỏa ra sức hấp dẫn khá đặc biệt, có khi cả buổi anh không nói một câu nào,
nhưng khi mở lời thì
lời nào cũng đều có ý gẫm, lời nào
cũng có pha chút hài. Cái tố chất hài
hước ấy ở nơi anh tuồng như cuộc sống kháng chiến gian khổ, thiếu thốn đầy
bom đạn tựa như không, thành ra ở cái
cơ quan đóng giữa rừng, khi anh phụ trách cơ quan và làm bí thư chi bộ, dẫu có
sự cố gì gay go căng
thẳng, ví dụ như có sự va chạm mất đoàn kết trong nội bộ, hoặc khi có B 52 đánh
bom trúng căn cứ gây thương vong, anh Ba Thanh Nha đều xử lý bình tĩnh, rất mau
chóng đưa cơ quan trở lại sinh hoạt bình thường”.
Về đức tính khiêm tốn đối với soạn
giả Thanh Nha, ông đã rèn luyện thành bản chất của người Đảng viên cộng sản chân
chính. Lúc ở miền Bắc chuyện về tên tác giả vở Tiếng sấm Tây Nguyên, nhà thơ Bảo Định Giang viết như sau: “Vở Tiếng sấm Tây Nguyên là vở Thanh Nha để
nhiều tâm huyết nhất và công phu nhất. Sau khi viết xong, do đức tính khiêm tốn
của anh, anh đã đưa cho
nghệ sĩ Thế Lữ xem và nhờ nhuận sắc chứ không phải đồng tác giả. Các báo đăng
nhầm là đồng tác giả, nhưng Thanh Nha im lặng, ngại đụng chạm. Là Ủy viên Đảng
đoàn Văn nghệ lúc đó, nay tôi xin cải chính và trả lại cho Thanh Nha “Tiếng sấm Tây Nguyên”.
Cống hiến của nghệ sĩ Thanh Nha
trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc thể hiện qua việc làm cụ thể hàng
ngày đối với công việc, với đồng đội, đồng nghiệp và đồng bào. Với công việc
thì ông luôn tận tụy làm hết sức mình, không ngại khó khăn gian khổ, thiếu
thốn, dù cho sống ở rừng, ở Đồng Tháp Mười hay ở miềm Bắc Xã hội Chủ nghĩa. Đối
với đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp và cấp dưới ông luôn
thân ái giúp đỡ và chia sẻ khó khăn để cùng nhau cống hiến công sức cho cuộc
kháng chiến. Đối với nhân dân ông luôn kính trọng, thương yêu thực hiện tốt “đi dân mến, đến dân thương” và “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” bằng lối sống
hòa đồng và tác phong
giản dị.
Nếu trước kia, quê
hương Đồng Tháp tự hào với những đóng góp to lớn của cố soạn giả Thanh Nha cho
nền Văn học - Nghệ thuật Việt Nam trong kháng chiến, thì ngày nay, chúng ta càng phải trân
trọng giữ gìn giá trị mà ông đã để lại cho cuộc đời và cho quê hương
Đồng Tháp. Đó là thể hiện văn hóa của chúng ta đối với vong linh ông và là
trách nhiệm của chúng ta đối với các thế hệ hôm nay và mai sau. Hơn thế nữa, chúng ta không chỉ nhớ ơn, trân trọng
giữ gìn những giá trị
đó mà quan trọng hơn là phát huy những giá trị ấy, để góp phần xây
dựng con người mới hôm nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa thân yêu của chúng
ta.
Tháng
7 năm 2018
NSUT Thanh Tùng
|
|