|

Nhà ga Đại Lải
Có khác và hơn hẳn
mấy hãng máy bay giá rẻ là tàu hỏa chạy rất đúng giờ. Và hơn ở chỗ nhà tàu ưu
tiên cho hành khách từ 60 tuổi trở lên được nằm giường tầng 1, tầng thấp nhất
và tiền mua giảm tới 15% giá vé so với những đối tượng khác. Trên tàu có bình
nước nóng lạnh, cạnh vòi nước là nơi hơ tay cho khô. Lên tàu tôi thường đi tham
quan tìm “đầu ra” cho yên tâm! Phải khẳng định chẳng khác gì máy bay với hệ thống
vệ sinh phải nói là ô kê, ngay cả cuộn giấy vệ sinh cũng là loại giấy mịn mỏng
dai như ở sân bay.
Tàu dập duềnh, dập
duềnh mải miết xuyên đêm đưa hành khách hướng về phía Bắc. Tới ga Quảng Ngãi,
ngày xưa bà con ta hay gọi Ga Gà. Chúng tôi “thử lại” cảm giác “gà” của ngày
xưa. Con gà ta khoảng 1,2-1,3kg luộc chín vàng ươm, da rất giòn và dai giá 250
ngàn đồng một con; Xôi gà nấu bằng nước luộc gà vừa dẻo, vừa ngọt, ngon thật
khó cưỡng chỉ 10 ngàn một hộp. Hơi tiếc, ngày xưa đi tới ga nào, một bài hát về
địa danh đó được cất lên, nay thì không có. Chẳng hạn: tới đèo Hải Vân thì
nguyên cả đoạn đèo chúng tôi được nghe bài hát Đường tàu mùa xuân: “Anh hỏi em có con đường nào là đường đẹp nhất.
Em nói rằng là đường thống nhất hôm nay”, trong tim cũng bớt “đánh bò cạp”
khi tàu chui hầm tối om. Tới địa danh Quảng Bình thì: “Quảng Bình quê ta ơi…”, nghe thật náo nức trong lòng, lại thêm yêu
Tổ quốc mình.
Ăn uống thì trong
vé tàu không tính tiền ăn. “Vụ” này thấy lợi hơn trên máy bay và dịch vụ sân
bay. Cả một phòng lớn cuối tàu dùng làm căn-tin bán đủ loại đồ ăn, thức uống
cho hành khách, chưa kể lát lại có xe đẩy đi qua từng phòng phục vụ nếu không
muốn đi xa. Giá dĩa cơm, dĩa mỳ cũng chỉ 35 ngàn, bắp 10 ngàn 1 trái, trứng gà
5000 đồng một hột, cà phê sữa đá 15 ngàn đồng 1 ly, nước suối 10 ngàn 1
chai..., chấp nhận được! Sau 1 ngày, 2 đêm, chúng tôi tới ga cuối cùng là Ga Hà
Nội. Thời tiết hơi lành lạnh nhưng những người từ phương Nam đi ra cảm thấy vô
cùng thích thú, chỉ cần mặc cái áo khoác mỏng vẫn không sợ lạnh. Xe đưa đoàn về
phương Bắc. Tới Sóc Sơn chúng tôi ghé Nhà
hàng Hải Yến 20 ăn sáng. Cũng hơi lăn tăn với số 20 kèm theo tên nhà hàng. Thú
vị chúng tôi được biết 20 là tuổi của cô chủ nhà hàng mang tên Hải Yến khi bắt
đầu lập nghiệp. Nay chị đã 58 tuổi. Thật ngưỡng mộ. Từ hai bàn tay trắng giờ
đây người phụ nữ ấy đã tạo dựng lên một dãy nhà hàng thật hoành tráng với diện
tích 6000m2, có thể phục vụ cùng một lúc lên đến 1000 thực
khách, với sảnh lớn và hệ thống phòng VIP tiện nghi cho những buổi tiệc chiêu
đãi lớn hoặc nhỏ.
Hành trình của chúng tôi lên Khu sáng tác Đại Lải. Có nhiều
người nói Đại Lải một vùng đất “non thanh
thủy tú” với khí hậu trong lành, phong cảnh hùng vĩ, ẩn chứa trong lòng biết
bao điều kỳ diệu. Một vùng đất với nét thơ mộng hòa với vẻ yên bình, sự tĩnh lặng
chất chứa những cơn sóng ngầm lan tỏa niềm hạnh phúc, một vùng đất bốn mùa đều
tươi đẹp như bước ra từ những câu truyện cổ tích xưa… Được thành lập từ năm 1978, ở bên hồ Đại Lải, Nhà sáng tác Đại
Lải thuộc phường Xuân
Hoà, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, không gian rộng
rãi, là nơi phục vụ văn nghệ sĩ cả nước đến sáng tác, nghiên cứu, nghỉ dưỡng. Chúng
tôi được ăn những món ăn thật lạ miệng so với miền Tây như: Cá Nẻm (có người gọi
cá Mương), một trong những loài thủy sản trông hơi giống cá linh già ở miền Tây
nhưng xương sống cứng hơn, có rất nhiều ở hồ Đại Lải, giá chừng 80 ngàn 1kg; Cá
đục đinh, cá trắm cỏ chừng 100 ngàn một kg. Trong tiệm ăn còn có cá cấu Gạch Thạnh
(nguyên liệu chế biến là cá quả, cá mè); Cá thính Lập Thạch; Tép dầu Đầm Vạc giống
tép bạc trong mình. Nhiều loại bánh có tên là lạ không giống như trong Nam như:
Bánh trùng mật (không nhân mà chỉ có mật mía sánh đỏ màu cánh gián phủ bên
ngoài, rất hấp dẫn); Bánh nẳng Lập Thạch (được làm từ nếp cái hoa vàng, mùi
thơm bùi, dịu nhẹ ăn chấm nước mật mía đậm đà, thơm mát); Bánh bít tết, bánh gạo
rang từ nếp giòn tan mà không hề gắt; Chè kho Tứ Yên ngọt quánh thơm dẻo trong
suốt; Rượu dừa Tiên Tửu Ngọc Hoa; Các loại rau khá rẻ như: đọt su, trái su, rau
cần, dền cơm, rau lang, … Đặc sản chính ở vùng này là thịt trâu khoảng 120 ngàn
một lẩu cho 3 - 4 người ăn. Cà phê đen và sữa đá đồng giá 20 ngàn 1 ly nhưng có
điều lạ, thời tiết lạnh, mỗi ly cà phê phải đặt trên ngọn lửa nhỏ thì nước cà
phê mới nhỏ giọt xuống ly được và nước đá cục thì hơi “bị” hiếm.
Sau khi
nghỉ ngơi, sáng hôm sau đoàn được đi tham quan ở xóm Lò Cang, thị trấn Hương
Canh, chúng tôi gặp một làng nghề gốm xưa gần 400 năm. Đó là nghề cha truyền
con nối, đặc biệt bà con không dùng men màu mà chỉ là đất nung trên 1000 độ
nhưng cho ra những cái chum, vại, tiểu, những cái bình, đồ gia dụng bóng ngời đến
mức có thể “soi” được. Gặp anh Nguyễn Hồng Quang, sinh năm 1980 là kiến trúc
sư, học xong đại học Mỹ thuật thì không ở lại Hà Nội mà chọn cho mình con đường
trở về quê lập nghiệp từ cái nghề ông cha để lại. Theo anh: tôi yêu nghề này bởi ngày ngày va chạm với đất,
lăn lộn, cơ cực cùng đất. Từ cục đất nâu vàng vô tri vô giác, sau khi nung, thổi
hồn cho đất để ra tất tần tật những đồ vật gì mình muốn. Tôi sợ nó sẽ mai một
và có một ngày biến mất một làng nghề, nhộn nhịp như xưa kia nên tôi phải quay
về... Thật đáng quí.
May mắn
lần này đoàn được gặp anh Đỗ Ngọc Long, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Phú Thọ cùng anh
chị em của Hội. Hội Phú Thọ là một Hội mạnh của cả nước nhất là văn học. Chúng
tôi thật xúc động với sự nhiệt tình, mến khách của Hội bạn, cảm giác thêm một lần
mình được trở về ngôi nhà văn học nghệ thuật thân quen. Anh em đưa đoàn tới thắp
hương Nhà lưu niệm nhà thơ Phạm Tiến Duật. Trong màn hương mờ ảo, chúng tôi được
đọc một số tác phẩm tiêu biểu của ông mà có lẽ ai cũng được nghe không chỉ một
lần:
“ Đường ra
trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn tây”
Nhưng ấn
tượng hơn khi chúng tôi được các anh chị Hội VHNT Phú Thọ hướng dẫn tới tham
quan Nhà lưu niệm - nhà thơ Bút Tre tại Khu Đình Đồi, xã Đồng Lương, huyện Cẩm
Khê. Tại đây chúng tôi gặp chị Vi Thị Lương, con dâu thứ hai của chính cố nhà
thơ nổi tiếng Bút Tre - một trường phái thơ có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội
bởi lối thơ đầy ắp tình đời, tình người, tạo nên một trào lưu thơ dân gian độc
đáo, sáng tạo và giàu sức lan tỏa kiểu như:
“…Hoan hô
Đại tướng Võ Nguyên/ Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về”
Nhìn
khuôn viên 3000 m2 được xây khang trang rất đẹp với hình thức vận động
xã hội hóa hơn 8 tỷ đồng ở Khu lưu niệm này cùng Nhà lưu niệm nhà thơ Phạm Tiến
Duật. Không nói nhưng ai nấy đều nghĩ: Giá như! Giá như…
Đồng Tháp xây dựng được Nhà lưu niệm của văn nghệ sĩ cho nhà chí sĩ Nguyễn
Quang Diêu với hình thức xã hội hóa như hai Khu lưu niệm này thì văn nghệ sĩ đất
Sen Hồng chẳng còn mong ước nào hơn….
Cám ơn Nhà sáng
tác Đại Lải cùng các Hội VHNT Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bí thư Huyện ủy Cẩm Khê tỉnh
Phú Thọ, Hà Đức Huynh… Tạm biệt những điệu chèo, những bài hát xoan Vĩnh Phúc,
Phú Thọ, nấm níu lòng người như câu ca cổ của nghệ sĩ Trần Bạch Phần dviết
trong bài ca cổ Tình ca Đại Lải:
Chia
tay anh bên hồ Đại Lải, nhớ cái rét đầu xuân, thương ánh mắt anh trao. Anh bảo
với em, anh yêu bài vọng cổ phương Nam, mộc mạc, chân thành như tình em gái nhỏ…
…. Chiều nay có một
người say/ Hát câu vọng cổ tiễn ai lên đường
Núi sông ngăn cách dặm
trường/ Em về chép một lời thương tặng người.(-)
|
|