|
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nghiệp
Bà quê ở xã Tân
Thành, quận Hồng Ngự, tỉnh Châu Đốc, nay là xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng. Bà
con ở đây thường gọi là bà Năm Duyên theo thứ và tên người chồng đã hy sinh mấy
chục năm rồi. Năm nay bà đã bước vào tuổi 92. Bà ở chung với hai người con gái
đều có gia đình riêng, nhà cửa khá khang trang. Bà Năm kể cho chúng tôi nghe
chuyện “ngày hôm qua” mà hơn phân nửa gia đình bà người đã hy sinh, người mất
một phần cơ thể rồi cũng ra đi bởi những vết thương gần như “chí mạng”, vì cuộc
chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc mình.
Ông ấy thoát ly gia đình đi kháng
chiến từ thời chống Pháp, làm ở bộ phận Kinh tài thuộc huyện Hồng Ngự, chung
đơn vị với ông Phái, ông này sau cũng hy sinh, giọng bà lặng đi. Là du kích xã
Tân Thành, dắt theo mấy đứa nhỏ làm bình phong, tôi theo dấu chân ông làm giao
liên đưa thư từ nơi ông ở tới các anh em trong huyện. Rồi dẫn con đi rải truyền
đơn, tiếp tế thuốc men và lương thực cho du kích… Đi đêm lắm cũng có ngày gặp …
xui. Tụi lính Dinh Điền về Tân Thành điều tra bởi có điệp gián, mẹ con tôi bị
chúng đưa lên đồn tra khảo, đánh đập, đem tôi ra giữa sông ngâm nước tới lỗ mũi
muốn ngộp thở. Tôi chỉ nói đi nói lại một câu: Tôi là đàn bà có biết gì đâu!
Biết ai mà nói bây giờ. Khai bậy, khai bạ mang tội chết, tôi không “gánh” nổi
đâu. Tôi mạnh miệng la làng: Các ông không tin cứ đem bắn bỏ mẹ con tôi… Hai
ngày không điều tra được gì có lẽ chúng cũng nghĩ chắc bị báo lầm nên tụi nó
thả mẹ con tôi, bắt phải ở gần đồn. Chúng còn cho gia đình mấy chục lít gạo
nhằm mỵ dân. Nhà tôi ăn vừa hết gạo là khăn gói xuống xuồng trốn luôn giữa đêm
khuya. Sau nghe bà con nói chúng tức tối tìm ráo riết và hăm he nếu bắt được,
chúng sẽ mổ bụng thả trôi sông mấy mẹ con luôn…
Rồi
một ngày tháng 4 năm 1967 ông bị tụi lính trên xe zeep bắn chết trên đường đi
công tác ở Vòng Cả Mũi, kẻ địch lôi xác ông về chợ để hăm dọa bà con cô bác đi
theo cách mạng, ủng hộ cho cách mạng, làm nhụt ý chí của những
người kháng chiến.
Căm thù giặc, trừ thằng Út còn nhỏ và ba đứa con gái không đi được ở nhà với
mẹ, còn lại mấy thằng con trai: thằng Hai Lợi, thằng Ba Thắng, thằng Tư Chiến,
thằng Năm Thói… lần lượt đòi đi để trả thù cho cha và tôi cho chúng đi cách mạng hết. Nhưng nói thật, trong tâm tôi,
từ khi ông rồi lần lượt bốn thằng con trai vào trong đồng tham gia kháng chiến,
tôi luôn phải sống trong cảnh “nước mắt chan cơm”. Lúc nào cũng hoảng sợ, giật
mình thon thót khi có người muốn tìm gặp để báo tin chồng, tin con. Hồi ấy nói
thật chúng tôi nhiều người chưa hiểu rõ ràng hai từ yêu nước là gì đâu. Ai nói không sợ chiến tranh, còn tôi thì nói
thật tôi rất sợ những đứa con của tôi lại như cha nó, chết không toàn thây, ra
đi không có một lời trăng trối, dặn dò bởi chúng là núm ruột tôi sinh ra, nuôi
chúng lớn khôn từng ngày. Bà quệt vội hai dòng nước mắt chợt chảy ra từ khóe
mắt ....Có người nói “hồi ức chiến tranh” không sai đâu. Lúc ấy và cả những năm
sau giải phóng, nó luôn “ùa” về trong tôi, có lúc muốn bóp nghẹt tim mình khi
nhớ lại. Ăn cũng nghĩ, ngủ cũng nghĩ, đi làm cũng nghĩ. Có lúc tôi nằm mơ thấy
ông nhà tôi máu me bê bết cầm súng lăm lăm chạy, rồi
nhảy xuống
hầm bí mật, tôi la làng mà không hiểu sao lúc ấy tiếng nói không thể nào bật ra
được. Ú ớ, chới với. Giật mình tỉnh dậy nước mắt đầm đìa, con cái lay gọi sợ
tôi chết….
Ông chết đi “giao” lại cho tôi cả tám đứa con
“trứng gà, trứng vịt”, năm thằng con trai và ba đứa con gái. Với tấm thân ốm
nhách, chắc chỉ bốn mươi kí, gần bốn mươi tuổi, tôi đã làm đủ nghề để kiếm gạo
lo hai bữa ăn cho chúng, từ làm thuê, làm mướn, cắt lúa, làm bánh bò đội trên
đầu chạy đi bán khắp nơi... Khi chúng “tròng trọng” một chút, không đứa nào nói
với đứa nào, lại lần lượt đi theo giải phóng, đi theo mấy ảnh hết.
Lo và sợ thật nhưng tôi nhớ tôi chỉ
khuyên thằng Hai ở nhà sau khi bị thương nặng, còn lại bốn thằng con tôi không
cản được đứa nào đi hoạt động, vào bộ đội, vào du kích, bởi ở cái xứ này lúc ấy
không theo cách mạng thì cũng không được, chỉ có nước đi lính ngụy. Mà đi lính,
nói thật nó nhục nhã, bị khinh bỉ lắm. Đi đâu gặp bà con chỉ có nước cúi gằm
mặt nhìn xuống đất, không dám ngước nhìn ai đâu bởi Tân Thành nơi tôi ở hồi ấy
ban ngày của địch, ban đêm là của Việt cộng mình.
Thằng Hai trong một
trận chiến đấu khi đi công tác bị một mảnh đạn xuyên từ mắt xuống vỡ hàm, mắt
mờ, gẫy 5 cái răng rồi miểng đạn chui tuột xuống bụng phá lung tung. Khi quân y
trị mới hơi lành vết thương, ở nhà ít ngày nó lại đòi về đơn vị. Tôi khuyên nó:
Thôi ở nhà để má lo lành hẳn, con đi lại vất vả thêm cho anh em. Nó không chịu
đòi đi cho bằng được tiếp mấy anh và tôi phải chịu “thua” nó. Về đơn vị một
thời gian, vết thương tái phát, mắt bị mù hẳn, nó được đưa ra Hà Nội trị bịnh
và hạnh phúc đã “mỉm cười” với nó. Con tôi được đơn vị giới thiệu, cưới cho cô
vợ người Ninh Bình. Vợ chồng sống với nhau khi đứa con lớn mười bảy tuổi thì
vết thương tái phát, lần này thì nó ra đi theo ông ấy luôn để lại cô vợ trẻ và
3 đứa con thơ hiện giờ chúng đã trưởng thành, sống ở Vũng Tàu. Sau thằng Hai bị
thương nặng, năm 1974 tôi nhận hung tin thằng Tư Thắng bộ đội huyện Hồng Ngự
lại hy sinh trên Miên ở tuổi 22, tới nay vẫn chưa tìm được xác. Đau quá. Tôi
như không còn nước mắt để khóc nữa chị à….
Cùng các con đi đón
ngày độc lập của đất nước mình, trong lòng tôi vừa mừng vừa ngậm ngùi. Giá như….
Mẹ thật thà. Nghĩ sao nói vậy. Tôi hiểu câu mẹ nói nửa chùng.
Nhìn mẹ, thương mẹ quá. Tôi nghĩ mất mát vì chiến tranh nhiều vô vàn song có lẽ
sự mất mát của những bà mẹ là vết thương lòng không bao giờ lành dù Tổ quốc đã
vinh danh Bà mẹ Việt Nam
anh hùng. Những người chồng, người con đã mất, một phần máu thịt của họ lần
lượt ra đi vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Sự mất mát đeo đẳng
những người phụ nữ ấy suốt cả cuộc đời. Trong
chặng đường cách mạng dân tộc, họ đã nuốt trọn gần như tất cả những mất mát đau
thương vào lòng.
Cả đất nước này luôn nghiêng mình trước các Mẹ.
Hoà bình đã trở về với đất nước Việt Nam, niềm vui đã trở lại nhưng nỗi
đau thì vẫn còn đầy. Nhìn mẹ tuy bà vẫn
nói cười vui vẻ, khoe mỗi tháng nhà nước phát cho gần 8 triệu đồng, xài sao
hết, bà cho con cho cháu chứ để làm gì!?
Tôi ứa nước mắt. Số tiền đó như một nguồn an ủi nhỏ nhoi dành cho mẹ thôi, bởi
các mẹ đã góp phần không nhỏ làm nên niềm kiêu hãnh, tự hào cho dân tộc chúng
ta hôm nay.
Phạm Thị Toán
|
|