|
Chị Tống Thanh Mai
Từ trong khói lửa chiến
tranh
Mười lăm tuổi, khi
còn là học sinh, chị tham gia phong trào đấu tranh của học sinh ngay tại quê
nhà, được hơn một năm thì bị bắt và đưa về giam cầm tại Trại giam Vĩnh Long.
Sau 12 ngày tra khảo, không đủ chứng cứ, kẻ thù buộc phải thả chị. Được trả tự
do, chị tiếp tục tham gia phong trào đấu tranh cách mạng của học sinh. Thời
cuộc quá căng thẳng nên năm 1966, chị quyết định thoát ly gia đình vào vùng
giải phóng để thực hiện lí tưởng của mình và được cử đi học lớp y tá vào năm
1967. Năm 1968, tỉnh Sa Đéc thành lập Ban Quân Dân y và chị Tống Thanh Mai được
giao nhiệm vụ Phó ban. Thấm nhuần lời dạy của Bác “Thầy thuốc như mẹ hiền”, chị
luôn hết mình vì công việc được Đảng và tổ chức cách mạng giao phó, luôn có mặt
ở các địa bàn trọng yếu như: Long Hưng, Tân Dương, An Khánh, Tân Phú Đông, Phú
Hựu … để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho đồng chí, đồng đội cùng bà
con nhân dân và chính những năm tháng hoạt động cách mạng đầy khó khăn, gian
khổ nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chị và đồng đội, đồng chí của
mình đã nhận được sự chở che, đùm bọc của bà con nhân dân; nhiều khi chỉ thoát
chết trong gang tấc nhờ sự quả cảm và mưu trí của quần chúng cách mạng. Năm 1971, trong khi vừa nuôi con nhỏ
vừa hoạt động cách mạng, chị Tống Thanh Mai bị bắt và giam cầm ở Thủ Đức rồi
đày ra Côn Đảo. Sống trong ngục tù, chị nhớ đồng đội, nhớ con và gia đình đến cồn cào.
Với
quyết tâm đưa miền Bắc Việt Nam về thời kì đồ đá, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài
Gòn thực hiện
việc bắn phá miền Bắc Việt Nam với các loại phương tiện và vũ khí tối tân nhất.
Cả nước đều ra trận, Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ. Tổn thất nặng nề từ “Mùa
hè đỏ lửa” và “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân hai miền Nam - Bắc; đế
quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn buộc phải kí Hiệp định Pari. Theo Hiệp định, chị
Tống Thanh Mai được trao trả tự do cho phía Việt Nam vào năm 1973 nhưng chị là
“đối tượng nguy hiểm” nên kẻ thù muốn đánh tráo vì vậy; mãi đến năm 1974, chị
mới được trao trả tại Lộc Ninh. Từ “Địa ngục trần gian” trở về với quê hương,
cách mạng, với con đường mình đã chọn từ tuổi hoa niên, chị Tống Thanh Mai lại
tiếp tục hoạt động cách mạng theo sự phân công của tổ chức.
Đến mặt trận không tiếng
súng
Đất
nước hòa bình, chị Tống Thanh Mai chuyển sang công tác ở dân sự và đảm nhận chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Dân
số - Kế hoạch hóa gia đình. Ở cương vị mới, chị vẫn luôn lăn lộn với cuộc sống,
vẫn bám sát cơ sở để có những giải pháp hoạt động hiệu quả nhất. Làm việc ở cơ
quan dân sự nhưng chị vẫn giữ được tác phong của một quân nhân. Nghiêm khắc
nhưng rất linh hoạt trong công việc. Giải quyết công việc ở cơ quan hay tham
gia tuyên truyền, vận động trực tiếp ở cơ sở, chị luôn lấy phương châm “Thấu tình,
đạt lí” làm mục tiêu cho công việc của mình, của đơn vị nên đồng nghiệp và bà
con nhân dân rất tin yêu và ai ai cũng gọi chị bằng cái tên trìu mến: Cô Tám
Mai !
Đi
thực tế cơ sở, nhiều lúc chị không cầm nổi lòng mình, cứ để cho nước mắt chảy
dài trên hai gò má bởi cuộc sống quá cơ cực, nghèo khó của những gia đình đông
con. Cái quan niệm “Trời sinh voi, trời sinh cỏ” hay “Một mặt người bằng mười
mặt ruộng” đặc biệt là cuộc sống “Trên cơm, dưới cá” do thiên nhiên ưu đãi đối
với người dân miền Tây trong đó có quê hương chị đã in sâu trong tiềm thức của người dân từ bao đời nay nên
rất khó để thay đổi trong ngày một, ngày hai vì thế, chị cùng các đồng nghiệp
kiên trì thực hiện phương châm “Mưa
dầm thấm sâu” để tuyên truyền, vận động và thuyết phục mọi người thực hiện tốt chủ
trương: Sinh đẻ có kế hoạch của Đảng và Nhà nước. Nhớ lại những năm tháng cùng
đồng nghiệp xuống cơ sở làm công tác dân số, chị Tám Mai chia sẻ: Làm công tác
dân số cũng giống như làm dâu trăm họ vậy, không có sự đồng cảm, không vì lợi
ích lâu dài của quê hương, đất nước thì khó làm tốt công việc được giao. Công
việc luôn gắn với niềm vui, nỗi buồn của người dân, nhiều khi “giận và thương”
cứ đan xen nhau. Hai vợ chồng trẻ mà có tới ba, bốn đứa con liền kề nên ăn chưa
no, mặc chưa ấm vậy mà khi hỏi tại sao lại đẻ nhiều và dày đến thế cho khổ thì
cả hai, vợ chồng chỉ cười hề. Niềm vui lớn nhất của chúng tôi hồi đó là mỗi khi
xuống cơ sở được thấy cuộc sống của bà con trở nên sung túc hơn nhờ thực hiện
tốt công tác dân số, sinh đẻ có kế hoạch.
Và cả trăm chiếc cầu dành
tặng quê hương
Sau
39 năm công tác; năm 2005, chị Tống Thanh Mai được nghỉ hưu theo chế độ và sinh
hoạt tại Hội Cựu chiến binh phường An Hòa, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.
Theo quan niệm thường tình thì nghỉ hưu là để an hưởng tuổi già nhưng đối với
một người năng động, nặng nghĩa, nặng tình với quê hương như cựu chiến binh
Tống Thanh Mai lại hơi cá biệt. Với tấm lòng “Uống nước nhớ nguồn”, chị luôn
trăn trở và hướng về những vùng quê đã chở che, đùm bọc cho mình, cho cách mạng
nhưng cuộc sống của bà con ở đó còn nhiều khó khăn, nhất là hệ thống giao thông. Với suy
nghĩ đó, chị quyết định làm cầu nông thôn tặng bà con như một sự tri ân. Với số
tiền trên 300 triệu đồng được dành dụm từ năm 1976 đến năm 2005, chị quyết định
tìm người có kinh nghiệm để thiết kế công trình và đảm nhận luôn vai trò thợ
chính trong thi công, còn nhân công thì liên hệ với cấp ủy và chính quyền địa
phương hỗ trợ. Dám nghĩ, dám làm, chị vui khôn xiết khi chiếc cầu bê tông cốt
thép đầu tiên được cắt băng khánh thành. Được gia đình, người thân và bạn bè
ủng hộ, động viên, khích lệ; bác sĩ, cựu chiến binh Tống Thanh Mai bắt tay vào
xây dựng kế hoạch thành lập Chi hội Khoa học kĩ thuật cầu đường của địa phương.
Để công việc được tiến triển tốt và mang tính bền vững, chị thiết lập và nối
lại các mối quan hệ bạn bè, đồng chí cả trong chiến tranh và hòa bình cùng
chính quyền địa phương các xã - phường trên địa bàn thành phố Sa Đéc cùng các
huyện, thị, thành trong tỉnh để tính kế lâu dài. “Hương thơm lan tỏa, tiếng
lành đồn xa”; chỉ sau một thời gian ngắn kể từ ngày thành lập mà đội quân thiện
nguyện xây dựng cầu đường nông thôn của chị Tám Mai đã ngót nghét cả trăm
người. Có mặt ngay từ ngày đầu khi Chi hội Khoa học kĩ thuật cầu đường của chị
Tám Mai được thành lập, ông Nguyễn Văn Kiệt - sinh năm 1962 - cho biết: Mặc dù
không có một khoản thù lao nào cả nhưng anh em chúng tôi đến với chị Tám rất
đông chỉ vì việc làm của chị quá ý nghĩa. Họ tham gia vào đội thi công cầu
đường của chị Tám chỉ với một mong muốn là được đóng góp chút đỉnh công sức của
mình cho quê hương và ngay bản thân tôi cũng thế!
Mỗi
chiếc cầu được hoàn thành và đưa vào sử dụng để kết nối những bờ vui của bà
con; ngày khánh thành, bao giờ chị Tám Mai cũng tìm mọi cách để “kéo” cho bằng
được nhà tài trợ về tham dự cùng địa phương và anh em đội thi công. Những
trường hợp bất khả kháng mà nhà tài trợ không tham dự được thì chị gởi thư cảm
ơn và kèm theo bản báo cáo tài chính cùng những tấm ảnh về quá trình thi công
cầu. Công khai, minh bạch về tài chính trong quá trình thi công, công trình
luôn đảm bảo cả về chất lượng và vẽ mĩ quan nên các nhà hảo tâm, các mạnh
thường quân trong và ngoài tỉnh tìm đến chị để được tài trợ ngày càng nhiều. Có
nhiều người đến dự lễ khánh thành cầu do mình tài trợ tự thấy đồng tiền mình bỏ
ra rất ý nghĩa nên không ngần ngại chủ động chuyển tiếp tiền vào tài khoản của
chị Tám Mai để chị tiếp tục xây mới những cây cầu khác. Nói về đồng đội, đồng
chí của mình, ông Nguyễn Văn Út - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Đồng
Tháp – khẳng định: Đồng chí Tống Thanh Mai là là một hội viên mẫu mực, cả cuộc
đời đều sống và làm việc vì quê hương, đất nước. Ngay cả lúc nghỉ hưu chị vẫn
tiếp tục phát huy phẩm chất sáng ngời của người lính Bộ đội Cụ Hồ. Việc chị tự
nguyện làm cầu đường nông thôn đã góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế,
thay đổi diện mạo nông thôn, đặc biệt là giúp Đảng bộ và chính quyền thành phố
Sa Đéc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới sớm hơn so với kế hoạch.
Thông
thường, cầu được xây dựng đều lấy tên cũ hoặc có đặt tên mới thì cũng lấy tên
đất, tên làng hay tên xã của địa phương đó, riêng trường hợp cầu Bảy Hưng lại
là ngoại lệ. Chia sẻ với tôi, ông Bảy Hưng ở xã Tân Qui Tây, thành phố Sa Đéc,
tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Cô Tám là người có tấm lòng nhân ái bao la, rộng lớn
lắm. Cô là người có tâm lại khéo ăn, khéo nói. Khéo nói nhưng nói đúng, nói
phải thì ai mà không theo. Khi nghe cô Tám nói xây cái cầu này là vì mục đích
giúp bà con đi lại cho thuận tiện, cho các cháu đến trường được dễ dàng, cho
anh nông dân chuyển hàng nông sản ra bến được nhanh chóng, cho chú rể chạy xe
hoa đến tận ngõ nhà gái đón cô dâu về nhà, rồi cả chuyện không ai muốn như ốm
đau, bệnh tật thì xe chuyển viện từ thiện cũng đến ngay tại nhà để đưa đi cấp
cứu kịp thời. Ơn nghĩa này lớn lắm nên tôi không ngần ngại hiến tặng cả đất mở
rộng mố cầu và làm đường. Vì đóng góp nhiều nhất cho công trình cả về phần đất
và ngày công lao động nên ai cũng đồng ý lấy tên tôi đặt tên cho chiếc cầu này.
Cứ
tưởng công việc thiện nguyện của chị luôn xuôi chèo, mát mái nhưng qua tìm
hiểu, được biết cũng có lúc chị Tám Mai gặp phải sự cố ngoài ý muôn mà đáng nhớ
nhất là việc xây dựng cầu Hòa Thành ở huyện Lai Vung: Khi tất cả mọi công đoạn
đã hoàn tất, chị Tám Mai dẫn quân đến khởi công xây dựng thì chủ nhà ở hai bên
mố cầu “bẻ kèo” không đồng ý hiến đất để mở rộng “mang cá” cầu như đã thỏa
thuận trước đó. Họa vô đơn chí nhưng cha ông ta lại nói “Ở hiền gặp lành” nên
đã có hai chủ đất khác đồng ý hiến đất cho chị Tám, cho địa phương để thực hiện
tiêu chí giao thông nông thôn trong Đề án xây dựng nông thôn mới. Vậy là thống
nhất cùng chính quyền địa phương chuyển vị trí và tiến hành khởi công xây dựng
cầu.
Tính
đến cuối năm 2018, bằng sự đóng góp của bản thân và nguồn tài trợ của các nhà
hảo tâm, các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh, chị Tám Mai cùng đội thi
công cầu đường của mình đã xây dựng được hơn 100 chiếc cầu bê tông cốt thép
tặng bà con, quê hương. Tùy theo chiều dài, mỗi chiếc cầu có trị giá trên dưới
150 triệu đồng mà chưa tính đến hàng trăm ngày công lao động thiện nguyện của
anh em đội thi công cầu đường và bà con nhân dân trong và ngoài địa phương.
Năm
2019, chị Tám Mai bước sang tuổi 70. Ở vào tuổi “Xưa nay hiếm”; nữ bác sĩ, cựu
chiến binh, Chi hội trưởng Chi hội Khoa học Kĩ thuật cầu đường thành phố Sa Đéc,
tỉnh Đồng Tháp đang lặng thầm chạy đua với thời gian để phấn đấu đạt được ước
nguyện của mình là bình quân mỗi năm sống trên cuộc đời này sẽ tặng bà
con, quê hương được 02 chiếc cầu bê tông cốt thép.
Ôi,
thật bình dị mà cao quý biết chừng nào!
Nguyễn Quế
|
|