|
Xuồng tôi
đi cặp theo dãy tràm, qua nhiều ngõ ngách, rồi cũng đến nơi mình cần
đến. Đồng chí Chín Hương vào làm việc với các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy,
còn tôi được phân công ở chung với các đồng chí thuộc đơn vị 279 (đơn vị bảo vệ
Tỉnh ủy): Chú Tư Hiếu, anh Tư Phấn, anh Minh Tấn, anh Tám Thắng, anh
Phương…Thời gian tôi ở đây chừng 10-15 ngày, mọi sinh hoạt diễn ra giữa tôi với
anh em trong đơn vị 279 như anh em một nhà. Không phân biệt chủ khách mà sống
rất thân ái, nghĩa tình. Trong suốt thời gian ở đây tôi học được ở các đồng chí
279 rất nhiều điều hay, nhất là học được tính kỷ luật, học được những bài học
chiến trường, học được cách sử dụng nhiều loại vũ khí, học được tính kỷ luật
của chú Tư Hiếu, anh Tư Phấn (2).
Trong
thời gian ở căn cứ Tỉnh ủy trong rừng tràm Xẻo Quýt chúng
tôi được xem phim, xem Đoàn Văn công của tỉnh biểu diễn, qua các chương trình
ấy đã động viên anh em chúng tôi lắm, kích lệ tinh thần chiến đấu của chúng tôi
rất lớn. Vào một buổi chiều tháng 4-1975, cả đơn vị 279, trong đó có tôi được
Tỉnh uỷ triệu tập phổ biến tình hình mới và nhận nhiệm vụ mới. Lệnh
tập trung rất khẩn trương, tôi dự đoán sẽ có một nhiệm vụ nào đó rất quan
trọng. Anh em chúng tôi phấn khởi, cười nói râm ran; bàn tính đủ thứ chuyện
nhưng vẫn tập trung vào một chủ đề giải phóng miền Nam, giải phóng đất nước.
Rồi lệnh của lãnh đạo cũng phát ra, tôi nhớ hôm đó lãnh đạo nói rất hay và hùng
dũng, nói về chiến thắng của quân ta ở các chiến trường, về tình hình địch và
thế tiến công của quân, dân tỉnh nhà, nói về sự rệu rã của quân địch không thể
cứu vãn, ngày kết thúc chiến tranh gần kề…đặc biệt đồng chí truyền lệnh của Bộ Chính
trị về giải phóng miền Nam với nội dung mà tôi không thể nào quên, đó là: “Thần
tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích và tổng khởi nghĩa
trong thời gian sớm nhất, tốt nhất trong tháng 4- 1975”. Chúng tôi nghe và nuốt
từng lời trong bản mệnh lệnh của Đảng về giải phóng miền Nam. Khi nghe xong cả
hội trường vỗ tay vang dội, có nhiều người trong chúng tôi rơi nước mắt và hô lên:
“Ta giải phóng rồi, ta giải phóng rồi anh em ơi”. Cảm giác như bay bổng, lâng
lâng khó tả, mọi người ôm chầm lấy nhau mà nói: Ta giải phóng rồi, không
còn đội bom, đội đạn nữa.
Sau giây
phút vui mừng, các đồng chí lãnh đạo giao nhiệm vụ và phân công công việc cho
từng tổ rất cụ thể và chi tiết. Riêng tôi vì là lính của Khu 8, xuống
tỉnh công tác nên chỉ nghe mệnh lệnh rồi nhiệm vụ ai người nấy làm.
Sau đó hai hôm tôi bảo vệ đồng chí Chín Hương đi cùng với một đoàn cán
bộ của tỉnh gồm: Chú Tư Sa, chú Sáu Cầm, chú Năm Tăng, cùng một số chiến sĩ của
279 như anh Hiền, anh Tuấn, đi ngày đi đêm tiếp cận vùng ven để ra tiếp quản
tỉnh lỵ Sa Đéc. Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến là cồn Bình Thạnh. Khi đến
đây chúng tôi ở cùng với các đồng chí du kích xã. Các chú họp lại trong đó có
các anh du kích phổ biến thêm tình hình và phân công nhiệm vụ cho anh em chiến
sĩ chúng tôi. Mục tiêu là ra tiếp quản tỉnh lỵ Sa Đéc, tôi và đồng chí
Hiền, Tuấn của đơn vị 279 làm nhiệm vụ bảo vệ cho đoàn cán bộ đi đến thị xã
tuyệt đối an toàn, các đồng chí du kích mượn ghe chở đoàn cán bộ qua sông. Quả
thật tình hình lúc này rất phức tạp, địch thì rã tại chỗ, đi thì cứ đi chứ chưa
biết trước là gì, 3 anh em bảo vệ chúng tôi chuẩn bị súng đạn, vũ khí trong tư
thế sẵn sàng chiến đấu cao nhất, nhanh nhất có thể. Tối 30 rạng 01-5-1975 anh
em du kích mượn một chiếc ghe của dân chở đoàn cán bộ của chúng tôi vượt sông
Tiền sang đất liền (thuộc Mương Điều, Tân Khánh Trung). Ghe chạy được nửa
sông thì súng trong bờ nổ giòn tan mấy loạt, đầu đạn rớt lõm bõm dưới nước,
không biết súng đó của quân ta hay địch, bắn chào mừng hay bắn chúng tôi, thật
là nguy hiểm. Cả đoàn cán bộ đang ở giữa sông Cửu Long, máy sựng lại
chờ nghe ngóng tình hình để tiềm cách đối phó: Lúc ấy chú Năm Tăng nhanh trí
yêu cầu anh em chúng tôi đưa khẩu AK lên để báo hiệu ghe chúng tôi là quân giải
phóng, nếu tiếng súng ấy là của quân giải phóng và không bắn nữa. Ngược lại nếu
là quân ngụy thì nó bắn tiếp, ta có cách đối phó. Rõ là chúng tôi
đang ở trên một chiếc ghe lênh đênh trên sóng nước, vũ khí chỉ có 3 khẩu AK, 4
khẩu K54 và một vài trái lựu đạn, phần bất lợi thuộc về chúng tôi. Nhưng tất cả
mọi người trên ghe đều rất bình tĩnh và sẵn sàng đối phó với tình huống nguy
nan này. Nhưng khi khẩu AK của chúng tôi đưa lên thì không còn nghe tiếng súng
nữa, chúng tôi tạm yên tâm cho ghe chạy chầm chậm vào bờ. Tôi, Hiền, Tuấn tập
trung ra trước mũi ghe để sẵn sàng chiến đấu, nhưng rất may tình hình yên ổn.
Khi ghe cặp bờ bà con ra đón chúng tôi như đón người thân lâu ngày gặp lại, lúc
này tôi thấy hai bên mé lộ cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (nửa đỏ, nửa
xanh, giữa ngôi sao vàng), tung bay rợp trời, mừng vui không thể nào tả.
Đoàn
chúng tôi xếp hàng đi về hướng Sa Đéc, tuy ít người nhưng đi rất hùng dũng
trên con đường lộ nhựa, đồng bào hai bên đường vỗ tay reo mừng và chào đón
chúng tôi. Bao nhiêu nỗi mệt nhọc đã biến đi mất, thay vào đó nỗi vui mừng,
sung sướng, tự hào. Đi một đoạn có chiếc xe GMC từ hướng Sa Đéc chạy
lên rồi dừng lại chở cả đoàn chúng tôi chạy thẳng về dinh Tỉnh trưởng (Doi Trường
An). Khi đoàn chúng tôi đến thì thấy chú Năm Thảo, chú Hai
Thái Hòa và một số đồng chí nữa ra đón, ôm các chú trong đoàn mừng
vui vô kể. Các đồng chí ấy đến tiếp quản dinh Tỉnh trưởng
Sa Đéc trước tôi một ngày, nên mọi thứ ở đây còn ngổn ngang, như:
súng đạn, các thứ tư trang quân dụng của địch vứt bừa bãi như một bãi chiến
trường. Chúng tôi cả ngày hôm đó và các ngày sau lo dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa từ
ngoài tới trong khá vất vả. Tôi với chú Chín Hương được các đồng chí văn phòng
Tỉnh ủy bố trí cho một phòng ở rất lịch sự, có cái quạt máy quạt ro
ro trên trần nhà. Có thể nói lần đầu tiên trong cuộc đời tôi được ngủ trong một
căn phòng bằng tường gạch đẹp như thế. Thật ra đêm đó chúng tôi có ngủ được
đâu, thức canh gác và hàn huyên tâm sự suốt đêm, nhất là nói về gia đình, nói
về cuộc sống hạnh phúc hết bom đạn.
Từ 30-4-1975
và những ngày sao đó, Ủy ban quân quản kêu gọi nhân viên, quân nhân
phục vụ trong bộ máy cũ ở đâu về đó trình diện chính quyền cách mạng.
Đám ngụy quân ngụy quyền đa phần là lính đến
trình diện sớm nhất, tuy có lo sợ, nhưng sau những câu tiếp xúc của cán bộ, động
viên, họ có phần bớt lo, mặt mày tươi trở lại, còn sĩ quan thì lục tục tới sau;
quả là cái bọn sợ chết, chờ nghe ngóng rồi mới ló đầu ra, gương mặt
đứa nào đứa nấy lấm lét, sợ sệt, nhưng được các cán bộ động viên, dần dà chúng
nó lấy lại bình tỉnh và khai báo đầy đủ.
Điều gây
cho tôi ấn tượng và không thể nào phai trong trí nhớ đó là: Bà con tiểu thương
ở chợ Sa Đéc, đồng bào quanh vùng tự nguyện đem lương thực, thực phẩm,
bánh trái đến biếu tặng và tiếp tế cho cách mạng, có người chở nguyên một con
heo quay vàng tươi, bánh mì đến biếu… Chị em phụ nữ thì tình nguyện đến
nấu cơm ngày đêm, suốt thời gian chừng 10-15 ngày cơm canh đầy đủ, ai không ăn
cơm thì ăn bánh mì và các loại bánh khác. Chúng tôi được ăn ngon và đầy đủ, vì
mấy ngày đầu tiếp quản chưa ổn định, nhiều anh em ở các cơ quan đơn vị
còn lạ lẫm với môi trường mới, nên văn phòng Tỉnh ủy là nơi tổ chức
nấu cơm để anh em đến ăn. Ta mới tiếp quản một thị xã, kẻ thù vừa mới tan rã
tại chỗ, biết ai nhân dân, biết ai là kẻ thù nên những chiến sĩ giải phóng
không được tùy tiện ra ngồi hàng quán. Không khí làm việc trong những
ngày này nhộn nhịp và tất bật lắm, gần như cả đêm không ai ngủ, tiếng xe, tiếng
nói, những lời hỏi thăm nhau cứ rộn lên. Điện, nước không thiếu một ngày, duy
trì nhịp sống của một thị xã yên ổn, không xáo trộn lớn. Mọi người vui tươi, hồ
hởi, hòa nhập vào cuộc sống mới nhanh, cuộc sống của một đất nước
được giải phóng, hòa bình.
Tôi bảo
vệ đồng chí Chín Hương ở Sa Đéc được vài ngày thì có lệnh lên huyện
Chợ Mới công tác (Chợ Mới thuộc tỉnh Kiến Phong). Huyện Chợ Mới lúc này
còn vùng Tây An Cổ Tự chưa được giải phóng hoàn toàn. Đám tàn quân nhập với đám
bảo an quân của Lương Trọng Tường do tên Tập làm tư lệnh lên đến hơn 1.000 tên,
chúng được trang bị vũ khí khá hiện đại và cố thủ, chống lại cách mạng đến
cùng. Tôi bảo vệ đồng chí Chín Hương lên Chợ Mới trong tâm trạng vừa vui mừng,
vừa lo. Tỉnh ủy điều xe đưa đồng chí đi, tôi ngồi băng trước trong tư
thế đạn lên nòng, cảnh giới cao độ. Trên đoạn đường từ Mỹ Luông đến Chợ Mới
thỉnh thoảng còn nghe một vài tiếng súng vu vơ. Chú Tư Hải, Bí thư Huyện ủy Chợ
Mới vừa bị địch bắn bị thương vào đầu tháng 5/1975. Tình hình Chợ Mới lúc này
rất phức tạp, nên nhiều lực lượng trong tỉnh được huy động về Chợ Mới để quyết
tâm giải phóng cho nhanh và ổn định tình hình dân chúng. Tôi công tác ở đó với
đồng chí Chín Hương trong tư thế hết sức cảnh giác, nắm bắt tình hình trong
ngoài cho thật tốt để làm tròn nhiệm vụ của mình. Có một hôm chú đến nói chuyện
cho đồng bào nghe về chiến thắng của quân dân ta và yêu cầu đồng bào góp công
sức xây dựng chính quyền cách mạng và yêu cầu đồng bào tuyên truyền, tác động
tích cực cho đám tàn quân buôn vũ khí đầu hàng cách mạng. Địa điểm hôm đó ở tại
một ngôi chùa, tôi và một số đồng chí cầm súng bảo vệ cho buổi nói chuyện mà
đầu óc cứ căng ra. Chúng tôi phân công nhau cảnh giới bên ngoài, người thì đứng
cảnh giới bên trong, xét trên phương diện nào đó thì Chợ Mới chưa được giải
phóng nên bảo vệ cho một cán bộ nói chuyện có gần 400 người dự nghe, trong một
hoàn cảnh như thế rất căng thẳng, không biết đâu nhà ta, đâu là địch; cuối
cùng buổi nói chuyện diễn ra rất an toàn, anh em chúng tôi mừng vui ra mặt. Rồi
đám tàn quân Tây An cũng tan rã, số bỏ hàng ngũ trốn về với gia đình,
số ra đầu hàng cách mạng và ngày 06-5-1975 Tây An được giải phóng, thì Chợ Mới
cũng được giải phóng luôn. Phấn khởi biết chừng nào khi quê hương mình thật sự hòa
bình, chiến tranh đã kết thúc. Cũng tại cái
đám ngụy quân, ngụy quyền ngoan cố này làm cho huyện Chợ
Mới giải phóng chậm hơn các nơi vài ngày.
Đảng lấy
ngày 15-5-1975 làm ngày mừng chiến thắng. Ở các nơi trong tỉnh tình hình khá ổn
định, chỉ riêng có huyện Chợ Mới thì còn nhiều phức tạp, nhất là đám tàn quân
tan rã ở chùa Tây An và một số nơi khác trong huyện. Do đó công tác chuẩn bị
cho ngày lễ được đặt ra “Khẩn trương, chu đáo, tuyệt đối an toàn”. Lãnh đạo
hình thành nhiều tổ để chuẩn bị cho buổi lễ này. Tôi được phân công trong nhóm
bảo vệ, nhiệm vụ là: Bảo vệ an toàn trong sân lễ, ngoài sân lễ và trên lễ đài.
Tôi cùng với một đồng chí nữa, được phân công cầm súng đứng nghiêm hai bên trên
lễ đài, vừa bảo vệ lễ đài vừa quan sát xung quanh. Đến ngày lễ ai vào việc nấy.
Nhiệm vụ được phân công, tôi ôm súng đứng nghiêm trong tư thế đạn lên nòng và
sẵn sàng chiến đấu. Mắt tôi căng ra luôn quan sát mọi mục tiêu xung quanh, mừng
là mọi chuyện diễn ra tốt đẹp.
Là người
lính tôi làm tròn trách nhiệm được phân công, lòng rộn lên niềm tự hào mình là
chiến sĩ giải phóng quân, đứng canh cho sự bình yên cho ngày lễ trọng đại; lễ
mừng chiến thắng của dân tộc, lễ đánh dấu nền độc lập của dân tộc Việt Nam.
Buổi lễ được tổ chức tại sân vận động, người đi thành hàng, cỡ, khẩu hiệu
đỏ trời cùng với những tiếng hô mừng chiến thắng vang dội. Thật vui mừng,
phấn khởi, kiếp đọa đày từ đây được rũ bỏ, đất nước ta, dân tộc ta
giờ thuộc về ta. Sau lễ tôi thấy không khí phấn khởi như trào dâng, niềm vui
nhân lên nhiều lần và sự tin tưởng chắc chắn vào nền độc lập của dân tộc sẽ
vĩnh viễn thể hiện rõ trên từng nét mặt, hành động của nhân dân. Bà
con mạnh dạn tiếp xúc với quân giải phóng, nói chuyện thân mật với
cán bộ chúng tôi nhiều hơn.
Sau lễ
tôi và đồng chí Chín Hương trở lại Sa Đéc, rồi về luôn Mỹ Tho vì Khu 8 của
chúng tôi đóng tại Mỹ Tho. Về đến Mỹ Tho chú Chín tập hợp anh em đơn vị của của
chúng tôi hồi ở trong chiến khu là Tiểu ban Văn nghệ. Hôm nay
Khu ủy Khu 8 quyết định thành lập Sở Văn hóa Khu 8, thủ trưởng
tôi làm Giám đốc sở. Cho đến ngày này tôi chưa rảnh mà về thăm nhà, nói đúng
hơn là về tìm nhà, vì chiến tranh loạn lạc không biết anh em tôi trôi
giạt phương nào. Một hôm tôi đón xe về Sa Đéc. Ngồi trên xe mà lòng
phơi phới, sung sướng tự hào, mới ngày hôm qua trên chính trục lộ này chúng tôi
phải rình mò đi qua, nguy hiểm trước nòng súng của kẻ thù, giờ ngồi trên xe
chạy bon bon, hít thở không khí tự do tràn ngập lồng ngực, giờ nhớ lại
niềm vui còn y nguyên, cảm xúc cứ dâng trào. Tôi muốn reo lên thật to hai tiếng
độc lập cho thỏa chí. Và từ Sa Đéc tôi đón tàu đò đi về Hồng
Ngự. Vì trong chiến tranh anh chị tôi ở trên khu vực cồn Gòn bên đất bạn
và tôi nghĩ hòa bình chắc chạy xuống Cả Sách - Thường Thới Hậu
chớ không đi đâu xa. Tới chợ Hồng Ngự tôi đi bộ dài lên và may mắn tôi gặp các
anh chị tôi đầy đủ. Anh chị tôi tưởng tôi hy sinh rồi, vì sau hòa
bình ai cũng về thăm nhà, còn tôi cho đến gần cuối tháng năm mới
lọ mọ về, mọi người cảm động, anh em còn đầy đủ là vui lắm rồi. Chiến
tranh là tang thương, chết chóc: Chú ruột tôi bị Pháp bắn chết, ba và
thằng em Út tôi bị máy bay Mỹ bắng chết, chị và anh rể tôi bị Khơme Đỏ
giết. Tôi và người anh thứ Bảy là hai đứa mồ côi cha mẹ đi theo giải phóng. Ở
thăm nhà được vài ngày, tôi quay lại đơn vị và tiếp tục công tác.
Tôi có
cái may mắn góp một phần nhỏ bé công sức của mình trong công cuộc
giải phóng quê hương ra khỏi sự xâm lược của đế quốc và quét sạch bọn tay sai.
Bây giờ và mãi mãi về sau chúng ta luôn mài sắt tinh thần cảnh giác với mọi âm
mưu của kẻ thù và chiến đấu cho nền độc lập của dân tộc và chủ nghĩa xã hội của
chúng ta được trường tồn.
Ghi chú:
(1) Đ/c Chín Hương tên thật là Nguyễn Khắc Thận, lúc này
là Ủy viên Ban Tuyên huấn khu Trung Nam bộ
(2)
Đ/c chú Tư Hiếu, anh Tư Phấn, sau giải phóng được Nhà nước phong tặng danh
hiệu anh hùng lực lượng vũ trang, bấy giờ cả hai đồng chí đều từ trần.
(tiếp theo) Đỗ Hoàng Tiễn
|
|