Đoàn Nhà văn nữ chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo hội
11 giờ trưa ngày 19 tháng 4, Đoàn
Nhà văn nữ, Hội Nhà văn Việt Nam ghé trụ sở Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Đồng Tháp,
bắt đầu chuyến đi thực tế sáng tác về vùng biên giới hai tỉnh: Đồng Tháp và An
Giang. Sáu chị nhà văn gần như lần đầu chúng tôi mới biết mặt. Đó là nhà văn
Trần Thị Thắng (trưởng đoàn), nhà thơ Nguyễn Thị Mai (phó đoàn), các nhà thơ:
Bùi Kim Anh, Đỗ Bạch Mai, Võ Thị Kim Liên, Thanh Yến và nhạc sĩ Trương Tuyết
Mai. Tháp tùng chuyến đi ở Đồng Tháp có nhà thơ Hữu Nhân và nhà văn Phạm Thị
Toán.
Ở
Đồng Tháp, ngay chiều ngày 19/4 đoàn được đến dự
buổi nói chuyện của đồng chí Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp với học
sinh thành phố Cao Lãnh, về chuyên đề “Sách
- chìa khóa của mọi thành công”. Tại buổi nói chuyện các nhà văn nữ
đã đọc thơ, giao lưu và tặng nhiều sách văn thơ của các chị sáng tác cho Thư
viện tỉnh. Sau đó đoàn đi viếng mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác
Hồ tại Khu Di tích Lịch sử Nguyễn Sinh Sắc. Về huyện Hồng Ngự đoàn tới tham
quan doanh nghiệp nuôi cá tra chất lượng cao, thăm cánh đồng sen, thưởng thức
mô hình du lịch văn hóa nông nghiệp mang tên “Tâm Việt - Hội quán” ở ấp Trung 2, thuộc xã Thường Thới Tiền. Đặc
biệt đoàn được lên Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà và Đồn biên
phòng cửa khẩu Quốc tế Thường Phước. Tại mỗi Đồn,
các nhà văn, nhà thơ được giới thiệu lịch sử truyền thống, hoạt động của Đồn biên
phòng trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ giữ gìn biên giới Tổ quốc hôm nay.
Đồng thời các nhà văn đã được đến 2 cột mốc biên giới và tham quan cửa khẩu
giữa Việt Nam với Campuchia.
Trong chuyến đi
thực tế có Nhà văn Trần
Thị Thắng hiện là Phó ban Nhà văn nữ, phụ trách các tỉnh phía Nam. Chị đang
sống ở thành phố Hồ Chí Minh cùng chồng, nhà Lý luận Phê bình văn học nổi tiếng
Lê Quang Trang, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy lần đầu gặp mặt
ngoài đời nhưng tôi đã đọc khá nhiều tác phẩm thơ, văn của chị chủ yếu qua Facebook
khi chị đưa lên. Đọc nhiều bài thơ rất hay của chị tôi nghĩ chị là … nhà thơ,
nhưng khi đọc những chuyện ngắn, hồi kí, những ghi chép ở chiến trường, những người đi ra từ rừng, rất nhiều bài
giới thiệu các nhà văn, nhà thơ, nhiếp ảnh nổi tiếng Việt Nam của chị đăng ở
Báo Văn nghệ, Tuần báo Văn nghệ TP HCM, Báo Văn nghệ Đồng Tháp về Nghệ sĩ nhiếp
ảnh Lâm Tấn Tài, Họa sĩ Thanh Châu, Nhà văn Nguyễn Đình Thi, Nhà văn Nguyễn
Quang Sáng…, tôi lại nghĩ chị là nhà văn. Giờ thì tôi xem chị như một nhà văn
đa tài, viết rất hay ở nhiều thể loại.
Còn Nhà thơ Nguyễn Thị Mai hiện sống
ở Hà Nội. Chị là Trưởng ban Nhà văn nữ, Hội Nhà văn Việt Nam. Có nhiều nhà thơ đã
đánh giá: thơ lục bát của chị đã tiệm cận tính
toàn bích cả về hình thức lẫn nội dung. Sự so sánh giữa “Anh” và “Em” rất mơ nhưng
lại thật gần: Anh là lãng đãng phù vân/ Mải
mê với những xa gần thấp cao/ Em là vệt sóng trong ao/ Nhỏ nhoi với những khát
khao riêng mình. Chị em trong đoàn biết đến chị là làm thơ
rất nhanh. Chúng tôi hay đùa chị “phản ứng nhanh”. Đơn cử khi gặp Bí thư Tỉnh
ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, nghe mọi người kể về anh, chị liền có một bài thơ
rất tuyệt tặng ông, tặng quê hương Đồng Tháp đọc ngay trong ngày hội sách ở Thư
viện tỉnh cho mấy trăm học sinh và đại biểu thưởng thức:
… Người như sen ngát người ơi
Đổ câu vọng cổ từ trời
xuống bưng
Tôi ngồi nghe chuyện…
rưng rưng
Quên tay vỗ thưởng,
quên lưng gió lùa
Gặp sen như bị bỏ bùa
Ngẩn ngơ cả lúc bạn đùa lời thương
Tin yêu mảnh đất can trường
Làm nên huyền thoại quê hương bưng biền…
Khi tôi đưa tặng chị tập truyện kí Sống với thời gian của mình, chị đọc đến
bài Đằng sau một thương hiệu và đêm
hôm ấy phải tới 2-3 giờ khuya, chị cứ lục sục, dùng đèn điện thoại soi chiếu sợ
ảnh hưởng tới giấc ngủ của mọi người, không biết làm gì. Sáng hôm sau chị đưa
cho tôi bài thơ Gửi người bán muối rất hay tặng anh Ba Bé, Chủ cơ sở Muối sấy
Ngọc Yến. Ngày sau được chị đưa lên facebook, anh Huỳnh Văn Bé đọc rất cảm
động. Chúng tôi thật nể phục chị!
Anh kinh doanh muối bao năm/ Mặn mà dịu ngọt cho trăm phận người/
… Trộn vào hạt muối trắng tinh/ Là bao mặn
nghĩa, mặn tình cho nhau/
…Biết ơn thầm lặng một người/ Tấm lòng hơn
cả vàng mười, kim cương/
Giúp người nghèo, bệnh đau thương/ Giúp
bao em được đến trường tuổi thơ….
Còn nhà thơ Đỗ Bạch Mai là bà xã của
cố nhà thơ nổi tiếng Bế Kiến Quốc. Không bị cái “bóng” của chồng che khuất, sau
khi anh ra đi, chị tiếp bước anh với
tập thơ Một mình trong mưa và Gió vẫn còn thổi mãi, chị tự ví mình
như thân cây trước gió bão cuộc đời, thi sĩ của Năm bông hồng trắng hôm nay còn bận bịu tơi bời với chuyện cơm áo
gạo tiền, chị phải một tay chèo chống khi anh để lại: “Bông này xa vắng/ Bông này nhớ thương/ Bông này giận hờn/ Bông này chờ
đợi/ Còn bông cuối cùng/ Em không dám nói/ Còn bông cuối cùng/ Anh không dám
hỏi/ Còn một bông cuối/ Dịu dàng tỏa hương”. Thơ chị cứ tự nhiên, như lời
thầm thì tâm sự, chị muốn gởi gắm vào từng câu thơ bao lời muốn nói…
Theo
đoàn còn có Nhà thơ Bùi Kim Anh. Chị được đăng rất nhiều thơ ở Việt Nam và dịch
ra các thứ tiếng: Pháp, Trung Quốc, Na Uy.... Chị đã cho ra đời mười một tập
thơ với nhiều trăn trở. Lần này tôi biết thêm chị là mẹ của Trần Mai Anh, cô mẹ
nuôi của “Chú lính chì Thiện Nhân”, bị mất cả một chân và bộ phận sinh
dục mà ti vi và báo đài đã đưa rất nhiều về lòng nhân hậu của cô con gái chị.
Năm nay Thiện Nhân đang học lớp 7, xót xa, chị cho biết, con sẽ tiếp tục phải
chịu đựng đau đớn bởi nhiều cuộc giải phẫu lớn ở nước ngoài để “cơ bản” thành
một “con người” cho đúng nghĩa. Con gái chị, cô Trần Mai Anh đã và đang vận
động quỹ từ thiện, giúp các trẻ em khuyết tật về đường sinh dục được giải phẫu,
chữa trị, trả lại sự hồn nhiên và nụ cười rạng rỡ, trong sáng trên môi các em.
Mỗi năm Mai Anh tổ chức nhiều đợt vận động các bác sĩ ở nước ngoài về Việt Nam,
đi khắp Bắc - Trung - Nam mổ miễn phí cho các em. Thật ngạc nhiên, không ngờ
loại khuyết tật này hiện nay lại khá nhiều nhưng con ai bị vướng vào thì rất
đau khổ mà không dám nói bởi sự tự ti, mặc cảm với đời. Chị mới bị gãy cổ chân
năm ngoái nhưng nghe đi về miền Tây là xung phong đi liền. Phục chị!
Nhà
thơ Võ Thị Kim Liên thì mọi người thật ngưỡng mộ bởi “lý lịch” văn, thơ, kịch
bản đồ sộ của chị với 19 tiểu thuyết, 12 kịch bản phim, 8 tập thơ, 1 truyện thơ
dài… Hiện chị là Giám đốc hãng phim Sen vàng thành phố Hồ Chí Minh. Tôi rất ấn
tượng với những câu trong tập thơ Đi qua mùa nhan sắc của chị:
“Rồi
một ngày…
hồn như bông cỏ dại.
Ta bất chợt gặp mình
trong ánh mắt
… người dưng”
Tháp
tùng chuyến đi còn nhà thơ Thanh Yến. Hiện chị là chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Cung
Văn hóa Lao động thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều người nhận xét: Đây là một giọng
thơ nữ thấm đẫm tâm trạng và nỗi niềm, đôi khi yếu đuối một chút, ngay sau đó
là sự mạnh mẽ quyết liệt với những bứt phá, rất lạ, chẳng hạn qua những câu thơ
của bài thơ Sao đêm nay gió lùa. Có lẽ, vì vậy nhiều Nhạc sĩ đã chọn thơ
chị để phổ nhạc.
“Em đã khép đông xưa vào nắng hạ/ Sao vẫn lạnh
trong thơ?
Ơi! Mùa đông không mời gọi/ Cây bên đường
chới với lá vàng khô
Em đã giấu đông xưa trong ký ức/ Sao vẫn còn
thấp thoáng cơn mê
Lạnh lùng nhìn em bên ô cửa/ Nơi vầng trăng
thường ghé hẹn thề
Em đã nhốt đông xưa trong căn nhà cũ/ Cửa đóng then
cài bằng hạnh phúc sau mưa
Căn nhà giữa rừng hun hút/ Gió ơi! Đừng mở
khóa…đông về!
Em đã gửi mùa đông cho người theo mỗi bước/ Sao đêm nay gió
lùa?
Thêm một lần úp mặt/
Rét mùa xưa!”.
Ấn tượng với mọi người phải kể đến
là nhạc sĩ Trương Tuyết Mai với ca khúc nổi tiếng: Huế, tình yêu của tôi.
Phải nói, gần như ai cũng biết bài hát của chị. Nghe những chiến sĩ, những
chàng thanh niên, thậm chí cả những bà bán rau, bán cá ngoài chợ nghêu ngao bài
hát này mà không biết tác giả, khi được giới thiệu ai nấy à - ồ thán phục,
ngưỡng mộ một “thần tượng” ở lứa U80 vẫn “tung tăng” làm dáng, sẵn sàng chụp
ảnh với hết người này, người kia dưới cái nắng chang chang phải hơn 40 độ. Thú
vị hơn khi nghe chính chị đứng ca luyến láy, hồn nhiên, sâu lắng bài hát của chị,
cả hội trường cứ lặng đi như nuốt từng lời…Thế mới thấy chẳng cần bài hát giật
gân, nhảy nhót của giới trẻ, hay bolero đang “rộ” lên thời gian gần đây, ca
khúc của nhạc sĩ Trương Tuyết Mai phải nói đã đi cùng năm tháng, đi vào lòng tất cả công chúng và khó ai quên
được…
Quê
hương Sen hồng rất vinh dự được các chị ghé thăm. Hy vọng tới đây chúng ta sẽ
được đón nhận nhiều tác phẩm hay, độc đáo về mảnh đất và con người Đồng Tháp,
về các anh bộ đội vùng biên, ngày ngày luôn canh giữ “phên giậu” cho Tổ quốc
mình.
Cám
ơn các chị.
Mong được gặp lại các chị trong thời
gian không xa!
|