|
Nhìn tấm ảnh, tâm trạng tôi thật khó
tả, tim chợt nhói đau. Tôi thầm nghĩ: Anh giỏi quá! Dù tai nạn hay bị thương
tôi cũng rất ngưỡng mộ, nể phục một con người đã vượt qua nghịch cảnh, hòa nhập
cộng đồng. Dò theo tấm ảnh tôi tìm ra nhân vật ấy là anh Lê Thanh Hùng (mọi
người hay gọi Tám Hùng, thứ trong nhà của anh). Anh sinh vào năm 1965 tại ấp 5,
xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, là thương binh nặng loại ¼ trong
chiến tranh biên giới Tây Nam khi Việt Nam sang giúp nước bạn Campuchia khỏi
họa bọn diệt chủng Khơ me Đỏ vào những năm tám mươi của thế kỉ trước.
Năm 1985, khi vừa tròn 20 tuổi anh
xung phong lên đường nhập ngũ. Chuyện tham gia quân ngũ của anh cũng rất bình thường,
anh kể: Tôi đang công tác ở Xã đội, năm ấy trong đợt đi vận động tuyển quân trong
lực lượng đoàn viên, thanh niên của xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, vì thiếu quân
nên tôi xung phong nhập ngũ luôn. Sau thời gian được huấn luyện ở căn cứ Đồng
Tâm, Long An ba tháng, tại Sư đoàn 868 rồi chúng tôi sang Campuchia, được cấp
trên phiên về Đội tải thuộc Sư đoàn 303, Tiểu đoàn 3 ở Pattambang với nhiệm vụ
chính là vận chuyển gạo, thịt, súng ống, đạn dược, muối ăn…và cả việc đưa anh
em thương binh về tuyến sau.
Vào
ngày 02 tháng 3 năm 1986 hai mươi người của Đội tải đi công tác. Chúng tôi đi
cách nhau với khoảng cách 6 mét 1 người. Đoạn đường đi công tác này sáng nào
cũng có đơn vị công binh đi trước rà mìn để đảm bảo an toàn cho Đội tải. Vậy
mà, thật xui xẻo, anh em đi gỡ mìn vẫn bị sót…
Cả đơn vị chỉ mình tôi bị đạp phải
trái mìn hơi của Trung Quốc. Nhớ lại vẫn còn kinh khủng. Loại này khi nổ phá
thân thể ghê gớm, phần xương ống cả hai chân tôi bị dập nát hết. Máu me bê bết,
tôi lịm đi. Anh em vội khiêng tôi về đội phẫu của trung đoàn, sau đó vết thương
bị nhiễm trùng nên phải tháo khớp lên tới đầu gối, da lại bị rút lên cao. Về
Cần Thơ dưỡng thương một tháng, bác sĩ cắt lấy da bao xương chỏm mới may kín
đầu vết thương được, da lại bị kéo lên thêm một đoạn nữa tới đùi.
Từ
một chàng trai lực lưỡng cao 1 mét 67, sáng sủa, mới hai mươi hai tuổi đời, trở
về sau chiến tranh, tôi cảm thấy như người vô dụng. Sau những chuỗi ngày đau
đớn vì vết thương hành hạ, tuy nơi bị thương kéo da non, nhưng vết thương lòng
lại đeo bám tôi ngày càng nặng nề, u ám hơn. Tôi mất cả hai chân sát tới tận
háng, cuộc đời tôi giờ đây gắn liền với hai cái ghế nhỏ là phương tiện đi lại.
Tôi nghĩ mình đã trở thành một phế
nhân rồi. Làm sao mà sống nổi khi sức trai vẫn hừng hực mà thân thể chỉ còn lại
hơn phân nửa chiều cao. Hụt hẵng, mất thăng bằng, chơi vơi, rất nhiều đêm tôi
không tài nào ngủ được. Mắt cứ chong chong suốt. Rồi có đêm vừa mơ mơ màng
màng, bò dậy đi vệ sinh, như một phản xạ quen thuộc, tôi bỏ hai chân xuống đất,
hai cùi chân chạm đất, mất thăng bằng, không kịp chống hai tay, tôi sụp xuống
đất chúi nhủi, đau nhói tới tận óc. Nước mắt cứ tự chảy, nước mắt của một thằng
đàn ông lúc ấy cảm thấy sự bất lực, thất vọng đến tột cùng, chị à. Có khi tôi
cầm trong tay một nắm thuốc ngủ, muốn ngủ luôn một giấc dài, không bao giờ tỉnh
lại, để khỏi bận lòng cha mẹ, anh em bởi lúc ấy cha mẹ tôi nghèo khó, thuộc hộ
nghèo “bền vững”, giờ về lại bắt ông bà lo nữa hay sao. Tôi cũng có hoài bão,
có ước mơ, có những khát khao cháy bỏng. Tương lai lúc ấy sao mịt mù, bế tắc …
Thế nhưng …. Sau những đêm dài suy
nghĩ, trăn trở, anh đã “đứng dậy” và sống như bao người bình thường khác, hòa
nhập được cộng đồng. Tôi hiểu anh đã không mất đi tất cả! Những năm trong quân
đội đã rèn giũa anh bản lĩnh hơn nhiều so với trước, là tính quyết đoán, có ý
thức vươn lên của người lính; là cái nghề chài lưới kiếm cá, nuôi heo, làm
ruộng tiếp ba má từ thời chưa nhập ngũ, là cha mẹ, bà con, bạn bè, đồng đội
luôn đi bên anh khi cần và có người vợ tảo tần luôn bên anh hôm sớm, ...
Như một câu
chuyện cổ tích có hậu, trong thời gian dưỡng thương ở Bình Minh, Vĩnh Long, một
cô gái dân tộc Khơme, quê ở Trà Vinh từ cảm thương rồi yêu anh, đi theo anh,
trở về quê hương Cao Lãnh, tình nguyện làm “đôi chân” cho anh. Lúc ấy anh nghĩ
anh vẫn “còn” nhiều thứ chứ không hề mất hết! Và vợ chồng anh đã làm được những
việc tưởng chừng “không thể” từ hai bàn tay trắng.
Với nghề
giăng lưới, câu, lờ, lọp, nuôi heo gà vịt, nuôi cá tôm, anh chị đã mua được 24
công ruộng, từ đất phèn nặng của vùng sâu, giờ đã canh tác được 3 vụ trong năm.
Trên bờ ao anh trồng xen các loại cây ăn trái như: chuối, mít, xoài,… Bình quân
mỗi năm lợi nhuận của hai vợ chồng gần cả hai trăm triệu đồng sau khi trừ tất
cả chi phí. Nỗ lực vượt khó đã đem đến cho anh cuộc sống gia đình khá đầy đủ,
hai đứa con trưởng thành, lập gia đình, đã có việc làm ổn định. Anh chị chẳng
còn niềm vui, hạnh phúc nào hơn nữa.
Người phụ
trách cựu chiến binh của xã Gáo Giồng cho biết khi chúng tôi vào thăm gia đình
anh: Là thương binh nặng, anh không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình,
anh còn quan tâm, giúp đỡ các đồng đội trong Chi hội Cựu chiến binh phát triển
kinh tế. Anh đóng góp các nguồn quỹ hoạt động xã hội như: xây dựng nhà “Nghĩa
tình đồng đội”, quỹ khuyến học, quỹ an ninh quốc phòng, tích cực tham gia các
hoạt động từ thiện, xây dựng quỹ hội, hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn,
gương mẫu đi đầu trong các hoạt động ở địa phương. Năm 2016 anh được là một
trong ít đại biểu cựu chiến binh vinh dự được cử ra thủ đô Hà Nội dự Hội nghị
Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi toàn quốc. Khi chúng tôi ghé thăm gia đình, rất
vui mừng anh chị đang hoàn thiện căn nhà xây cấp 4 khang trang, rộng rãi ngay
trên nền ngôi nhà lá cũ năm xưa.
Anh Lê Thanh
Hùng đã vươn lên tỏa sáng giữa cuộc
sống đời thường, phát huy được bản chất anh "Bộ đội Cụ Hồ"
trong thời bình và chứng minh được một điều, dù bản thân “có tàn nhưng không
phế”.
|
|