|

Anh Võ Văn Nang sử dụng máy phun khói trừ sâu bệnh trên cây cam
Chuyến phà
cập bến. Chúng tôi đặt chân đến vùng đất cù lao Tân Thuận Đông - nơi thấp thoáng màu
xanh của những vườn cây trái xum xuê. Thoát khỏi không khí ồn ào, náo nhiệt của
phố thị, phía kia bờ là không gian yên bình đến lạ kỳ, từng cơn gió thoảng, mát
rượi mang đến cảm giác thư thái, yên bình.
Tôi theo chân anh Võ Văn Nang tham quan vườn
cam rộng hơn 4.000m2 cùng 220 gốc cam xoàn đang cho trái. Vào
vườn, tôi không khỏi trầm trồ vì cây cam nào cũng mang trái xum xuê, có cây còn
cho trên 200kg mỗi năm. Trong câu chuyện về vườn cam của mình, anh giới thiệu về
vườn với chúng tôi rất chân tình và cởi mở, làm tôi hết bất ngờ đến bất ngờ
khác. Trong vườn mỗi cây cam đều có mã số riêng, chiều cao, đường kính tán, năm
tuổi, năng suất bình quân của cây cũng được ghi đầy đủ cùng với hình ảnh bé sen
rất đẹp mắt. Xung quanh vườn còn được lắp đặt camera quan sát. Anh Nang chia sẻ:
“Dù không có diện tích để canh tác hay trồng trọt
nhưng người tiêu dùng vẫn có cơ hội sở hữu vài cây cam cho riêng mình thông qua
mô hình “Cây cam nhà tôi”, việc lắp đặt máy quan sát giúp mình có thể kiểm
tra vườn mỗi ngày, cũng giúp khách hàng ở nơi xa thấy được cây cam của họ được
chăm sóc như thế nào, để họ yên tâm… Từ mô hình
này, khách hàng không những có thêm trải nghiệm thú vị mà còn là dịp để người
tiêu dùng có thể hiểu được rằng nông dân rất tâm huyết và có trách nhiệm với sản
phẩm làm ra. Đây cũng là thông điệp mà nhà vườn muốn gửi đến khách hàng xa gần”. Qua những chia sẽ của anh Võ Văn Nang, tôi cảm
nhận được anh phải thật sự rất tâm huyết và đam mê thì mới có thể chăm chút cho
từng gốc cam như chính những đứa con của mình.
Anh Võ Văn Nang bắt đầu
trồng cam từ năm 2012, trước đây khi mới bắt đầu trồng do chưa am hiểu nhiều về
kĩ thuật nên cây cho trái năng suất và chất lượng không cao, trái chủ yếu bán
cho thương lái nên giá cả cũng gặp bấp bênh. Sau đó, để cải thiện năng xuất cũng
như hiệu quả, anh chủ động tìm đến nhiều nơi để tham quan học hỏi, tìm kiếm
thông tin trên các trang mạng và mạnh dạn ứng dụng các chế phẩm sinh học, bón
phân vi sinh, không sử dụng thuốc trừ sâu trên vườn để trái chất lượng mà không
gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Chính hướng đi này đã mang về cho gia đình anh hơn 10 tấn cam mỗi năm. Từ đó
anh Nang cũng mạnh dạn tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất theo phương pháp hữu
cơ, sản phẩm được quản lý truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Được sự trợ giúp, động viên của Ủy ban nhân dân thành
phố Cao Lãnh, giữa năm 2018 anh Nguyễn Văn Nang quyết định bén duyên với mô
hình “Cây cam nhà tôi”. Đây được xem là một bước đi mới của một nhà nông thời
công nghệ. Thông qua mô hình này giúp bà con nông dân có những suy nghĩ và cách
làm mới để phù hợp với xu thế thị trường hiện nay và nâng cao giá trị nông sản.
Được biết, vườn cam của anh Võ Văn Nang đã đăng ký kiểm nghiệm tại Trung tâm kỹ
thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng ở thành phố Cần Thơ.
Anh Võ Văn Nang phấn khởi nói: “Khi trái cam được kiểm
nghiệm, đạt yêu cầu các tiêu chuẩn và được được thông qua thì mới bán cho khách
hàng... mình chăm chút cho sản phẩm sao cho nó chất lượng đảm bảo cũng là cách
tạo uy tín cho thương hiệu của mình…”.
Được biết, năm 2018, thông qua trang
“nongsancaoloanh.vn” khách hàng biết đến đăng ký mua được 34 cây cam. Còn đến
thời điểm này khách hàng đã đăng ký mua hơn 50 cây cam và đã ký hợp đồng được
hơn 15 khách hàng trong và ngoài tỉnh, có khách ở tận thành phố Hồ Chí Minh, Hội
An… Với mô hình này, chỉ cần thông qua một số
thao tác nhấp chuột, khách hàng dù ở bất kỳ đâu cũng có thể mua sản phẩm cam
xoàn tận vườn, được giám sát quá trình chăm sóc, thu hoạch cam trên trang web.
Với tư duy nhạy bén của
một nhà nông hiện đại, không chỉ tìm hướng đi mới cho trái cam mà anh Võ Văn Nang
còn mày mò, nghiên cứu chế tạo “Máy phun khói diệt trừ sâu bệnh” từ chiếc máy
phát cỏ của gia đình. Giới thiệu về chiếc máy của mình anh Nang vui vẻ nói:
“Máy cũng hoạt động và cấu tạo đơn giản lắm, chỉ cần hàn thêm ống inox vào máy
phát cỏ là có thể sử dụng được. Máy làm việc thông qua hệ thống máy phát cỏ để
làm nóng dung môi và thuốc an toàn sinh học thì sẽ tạo ra khói, lượng khói
trong máy khuếch tán rất nhiều và xa nên có thể tiêu diệt được các loại sâu,
côn trùng, bọ trĩ…mà không gây ảnh hưởng đến trái. Chiếc máy này vừa giúp tôi
nhẹ ngày công, vừa giảm được đáng kể chi phí phun xịt…”.
Sau khi đưa chiếc máy
vào ứng dụng thực tế thành công, anh Võ Văn Nang đã chia sẻ với một số nhà vườn
trồng cam trong xã, ấp để mọi người đều được học hỏi và áp dụng.
Câu chuyện về cây cam sạch,
về “mô hình cây cam nhà tôi” và về chiếc máy sáng chế của anh Võ Văn Nang – một
nông dân sản xuất giỏi trong nhiều năm qua đã gợi cho tôi nhiều suy nghĩ: “Tư duy nhà nông đã thật sự thay đổi, họ đã từng ngày khẳng
định được sự chuyên nghiệp của mình trong sản xuất nông nghiệp. Có tâm
huyết, đam mê và một hướng đi phù hợp thì chắc rằng những nhà nông thời 4.0 như
anh Võ Văn Nang sẽ còn thành công hơn nữa, góp phần đưa nông nghiệp địa phương
lên một tầm cao mới…”.
|
|