
Dì Ba Nguyễn Thị Xuân Thu
Từ những tấm mền của lòng nhân ái…
Chúng tôi đến nhà dì Ba khi trời đã bắt
đầu xế chiều, trong căn nhà nhỏ của mình, tôi thấy dì Ba đang cậm cụi may từng
đường kim mũi chỉ, kết từng miếng vải để hoàn thành tấm mền đang còn dang dở.
Tuy tuổi đã gần bảy mươi nhưng dì vẫn còn nhanh nhẹn và hoạt bát lắm. Dì Ba nói
chuyện rất mộc mạc, chơn chất như tính cách vốn có của người lính Bộ đội Cụ Hồ.
- Dì Ba may mền tặng người nghèo từ khi
nào? tôi tò mò.
Dì cười rồi
nói:
- Cũng chẳng nhớ mà cũng không để ý, sau
khi rời khỏi chiến trường, tôi về lại Tân Hộ Cơ, lúc ấy xã vẫn thuộc Hồng Ngự.
Mình đã khổ nhưng còn có nhiều người còn khổ hơn… cuộc sống cần có sự sẻ chia,
yêu thương đùm bọc lẫn nhau, giúp nhau vượt qua khó khăn. Mình không có nhiều
tiền thì mình chia sẻ bằng tình thương bằng cách may mền để bà con nghèo có giấc
ngủ ấm. Vậy đó mà mền may ngày một nhiều, bà con có mền ai cũng vui.
Rồi dì Ba bước vào phòng lấy ra những tấm
hình chụp khi dì tham gia làm công tác từ thiện, coi từng tấm ảnh trắng đen rồi
đến ảnh màu, dì chỉ vào ảnh: “Đây là dì Ba nè!”. Tôi thầm hiểu, thì ra dì Ba
làm từ thiện đâu chỉ ngày một, ngày hai mà dì đã âm thầm làm từ thiện từ rất
lâu, thời gian ấy bằng cả cuộc đời mình rồi…
Cuộc sống của dì Ba vốn chẳng khá giả hơn ai, vì ngoài làm từ thiện thì
dì Ba có làm được nghề gì khác đâu khi trong người dì lại mang nhiều thứ bệnh,
từ huyết áp, tiểu đường, rồi di chứng của nhiễm chất độc da cam cũng ảnh hưởng
sức khỏe của dì rất nhiều. Còn chồng dì Ba thì lại bị bệnh tai biến nên chỉ
quanh quẩn làm những công việc lặt vặt trong nhà để phụ vợ. Vợ chồng dì chỉ sống
nhờ vào đồng lương thương binh hạng 4/4. “Quý lắm, vậy mà ổng luôn ủng hộ dì
làm từ thiện hết mình…” – dì Ba vui vẻ nói.
Tôi nhìn quanh căn nhà có lẽ tài sản quý giá nhất là những tấm bằng khen
từ thời đi bộ đội đến những bằng khen, giấy khen của các cấp ghi nhận những việc
làm nhân văn, cao cả của dì Ba đã đóng góp cho địa phương, cho xã hội.
Dọn mâm cơm canh đạm bạc cho chồng ăn sau bếp xong, Dì Ba lại quay ra tâm
sự với tôi: “Tiền trợ cấp hàng tháng thì lo thuốc men cho ông và ăn uống hằng
ngày, còn tiền để làm từ thiện là do tôi chắc mót hằng ngày từ việc đi lượm ve
chai, rồi tiền được xã khen tặng tôi cũng gom vào để dành phòng khi có hoàn cảnh
nào thắt ngặt thì giúp. Vậy chứ đâu vô đó, trời thương nên có đói ngày nào đâu.
Trời còn cho có sức khỏe hơn nữa là… người ta vui, tôi còn vui hơn người ta nữa”.
Những năm 1970 của tuổi thanh xuân, dì Ba tình nguyện đi bộ đội thuộc đơn
vị Hậu cần Quân khu 8, dì Ba cùng đồng đội xông pha ở các chiến trường và có cả
chiến trường trên đất bạn Campuchia. Tuổi trẻ của mình dì Ba dành trọn cho cách
mạng cho giải phóng dân tộc, rời quân ngũ dì lại từng ngày, dành trọn phần còn
lại của đời mình dành cho người nghèo một cách lặng lẽ và giản dị nhất.
- Dì Ba có nhớ mình đã tặng bao nhiêu cái mền cho người nghèo rồi chưa?
Tôi thắc mắc.
Dì Ba từ tốn nói:
- Làm sao nhớ hết, mình mần vì cái lòng chứ có tính để kể với ai đâu mà
nhớ, mà nếu gom lại chắc cũng cả mấy trăm cái rồi, mỗi lần may là vài chục cái,
có đợt đi từ thiện là gom cho hết, bây giờ mắt cũng mờ nên may cũng ít hơn xưa.
Vừa nói dì Ba vừa đưa tấm mền cho tôi xem, sờ vào tấm mền tôi thấy từng
đường kiêm mũi chỉ được dì may rất kĩ lưỡng và sắc sảo lắm, chắc hẳn dì đã gói
trọn tấm lòng của mình vào từng tấm mền để dành cho những phận đời cơ nhỡ, túng
thiếu.
Cứ mỗi ngày, sau thời gian cơm nước cho chồng, dì Ba lại dành thời gian
đi làm từ thiện, đi lượm ve chai để bán rồi gom góp từng đồng lẻ để mua đường,
bột ngọt, gạo đem xuống giúp tổ cơm, cháo, để nấu cho những người bệnh tại bệnh
viện huyện Tân Hồng… Dì làm mọi việc với cái tâm thiện nguyện như con ong cần mẫn
ngày ngày đi tìm mật ngọt cho đời.
Đến “phu vá đường” của địa phương…
“Vá đường” - một việc làm chỉ hình dung thôi
tôi đã thấy nặng nhọc lắm nhưng đây lại là công việc thường xuyên của dì Ba -
người thương binh sắp ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Để lắp đầy những cái lỗ
đường to, nhỏ dì Ba phải chở từng bao xi măng, đá… mà để có nguồn vật liệu đó
thì dì Ba phải lấy số tiền dành dụm từ việc mua phế liệu rồi có khi dì phải tự
bỏ tiền túi vào để làm.
- Dì Ba nghĩ sao mà lại quyết định đi vá
đường?
- Nói thiệt, tôi đã từng chứng kiến nhiều
trường hợp té ngã do những cái “ổ” này gây ra, nhẹ thì gãy tay, gãy chân, nặng
thì mất mạng. Thấy vậy, tôi chịu không nỗi, nếu mấy cái “ổ” đó được trám lại
thì đêm hôm bà con đi buôn bán xa, học sinh hay những người đi đường cũng giảm
được phần nào tai nạn không đáng. Tôi lấp xong cái “ổ gà” này thì sẽ đi lấp “ổ
voi” khác, hễ ai chỉ, tôi đều tranh thủ làm xong sớm nhất. Cái tánh cũng ngộ,
thấy gì trái con mắt là làm liền không thôi ngủ không có được. Làm riết rồi
quen, làm hết ngày này, qua ngày khác… có “ổ” thì mình cứ vá.
- Vậy dì Ba có từng nghe người ta nói dì
Ba là “ăn cơm nhà mà vác tù và hàng tổng” bao giờ chưa?
Dì cười tươi rồi thiệt tình nói:
- Nói nào ngay lúc trước thì có người hiểu cũng có người nói tôi lo chuyện
bao đồng, đường sá là của Nhà nước thì để Nhà nước lo, mắc gì mình lo. Ờ thì đường
là của Nhà nước nhưng của Nhà nước là của mình chứ ai, của mình thì mình phải
giữ, một cái lỗ nhỏ trên đường nếu không làm lâu ngày thành lỗ lớn rồi làm hư cả
khúc đường, rồi một con đường thì lúc đó mình đi lại khó khăn chứ ai… nghĩ vậy
nên tôi cứ làm thôi. Còn bây giờ thấy việc làm của mình giúp ích cho bà con cho
xã hội nên không ai nói vậy nữa, mà có nói cũng chẳng sao, hơi đâu quan tâm, việc
nào thấy đúng thì mình cứ làm. Dần dà thấy tôi làm không nệ công, làm có hiệu
quả nên bà con cũng ủng hộ và thương nên góp xi măng, đá để cùng làm. Tuy việc
nhỏ nhưng giúp ích cho nhiều người, hạn chế tai nạn giao thông, nhất là các em
học sinh. Nhìn thấy đường được vá lại bằng phẳng mình cũng thấy vui, vì mình đã
đóng góp một phần để chung tay xây dựng quê hương và giúp ích cho đời.
Không chỉ vá đường, làm từ thiện dì Ba còn đứng ra vận động nhiều mạnh
thường quân hỗ trợ sách vở, quần áo cho những học sinh nghèo vùng biên giới…“Tôi
nghĩ giúp được gì thì cố gắng, mình rau cải đạm bạc qua ngày là được. Nhờ làm từ
thiện mà tui khỏe lắm, chớ hồi đó bệnh hoài. Ngót nghét vậy cũng hơn 20 năm rồi.
Giờ tôi chỉ mong cho mình được khỏe mạnh, có sức để tiếp tục làm từ thiện. Chỉ
vậy là tôi thấy cuộc sống này đáng sống lắm rồi…” - Dì Ba bộc bạch.
Vậy đó, dì Ba nói về việc làm từ thiện của mình một
cách tự nhiên và giản dị lắm nhưng với riêng tôi – người sống ở chốn thị thành,
chứng kiến nhiều những bon chen, hơn thua thì sự giản dị, cao cả đó của dì Ba làm tôi bất chợt nhớ đến câu danh ngôn
của thi hào Goethe: “Trước một trí tuệ vĩ đại tôi xin cúi đầu, trước một trái
tim vĩ đại tôi xin quỳ gối”.
Câu chuyện làm từ thiện và làm phu vá đường
của dì Ba Nguyễn Thị Xuân Thu là hình ảnh đẹp về tình yêu thương giữa những con
người với nhau. Có thể dì Ba còn nghèo về vật chất, nhưng dì lại có một trái
tim giàu nhân hậu, sẵn sàng sẻ chia yêu thương với những cảnh đời bất hạnh hơn
mình.
Với riêng tôi, dì Ba là một trái tim vĩ
đại!...
|