|
Đến xã
Tân Hộ Cơ, Bình Phú, hay đến Tỉnh đội Đồng Tháp hỏi về Du kích Hoàng Thương,
đánh Ponpot hồi chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1977-1979 rất nhiều
người biết và những người đương thời đều có thể kể cho nghe về du kích Hoàng
Thương, về tinh thần quả cảm, mưu trí, gan dạ và những trận đánh phục kích, tập
kích vào bọn Ponpot cứu dân khỏi sự thảm sát của bọn này một cách
rành rẽ như chuyện mới hôm qua. Thế mới biết, nhân dân luôn nhớ thương, kính
trọng đối với những người có công với nước, những con người giúp
ích cho đời.
Nói đến
du kích Hoàng Thương là nhắc đến cái tên đã vang tiếng một thời. Đồng chí Lê
Mức nguyên Bi thư xã Tân Hộ Cơ và nhiều bậc cao niên trong vùng kể thời còn
kháng chiến đám lính ngụy ở các đồn Ngư Gò Da, Gò Chùa, Gò Bói, quận Hồng Ngự
mà nghe đến ông chúng sợ khiếp hồn, đến mức tên ông trở thành lời thề
độc của bọn nó, ví như: Chúng thường lấy tên ông ra thề “Tao mà nói dối, cho
Hoàng Thương lấy mạng tao”, “Tao có ăn cắp đồ bọn mầy, cho Hoàng Thương lấy
mạng”. Chứ theo thói thường trước đây, nó hay lấy thổ thần, trời đất ra thề,
nhưng khi nó làm sai, không có trời đất nào bẻ cổ nó. Khi nó lôi Hoàng Thương
ra thề là đời nó toi mạng liền nên nhắc đến Hoàng Thương chúng ngán lắm. Bọn nó
xem Hoàng Thương rất linh thiêng, xuất quỷ nhập thần, như người tàng
hình. Làm điều sai trái ông lấy mạng liền chứ không phải nói chơi. Vì trong
thực tế ông đã lấy mạng của nhiều thằng gian tà, ác ôn rồi. Ông Hai Hoàng
Thương đánh giặc là thường nói trước, tuyên bố trước cho
lính ngụy biết, ít khi đánh lén, như nói: Ngày mai đánh đồn, là đúng
ngày mai đem quân đánh đồn. Nói khử tên ác ôn đó, thì trước sau là lấy mạng tên
ác ôn đó liền. Có lần ông nói: Tao sẽ bắn bể mặt thằng Đồn trưởng Gò Chùa, một
vài ngày sau, ông “lượm” nó một con mắt và 03 ngón tay liền tức khắc, ông không
bắn chết, mà làm cho nó bị thương, chứ nó chết đâu còn chuyện gì để nói, để cho
nó nhớ đời, để ngán du kích Hoàng Thương, đừng có hống hách nữa. Với tính cách
đánh giặc mưu trí, gan dạ, quyết đoán như vậy nên nhân dân quý mến, bao bọc,
bảo vệ cho Hoàng Thương quyết liệt. Kẻ thù nghe tên Hoàng Thương chúng mất tinh
thần. Chỉ huy cấp trên xua quân đi càn vô hướng Cả Găng, nơi Hoàng Thương
thường đóng quân, đám lính thoái lui, tìm đường không đi, nếu có đi thì đi nửa
chừng, hay đánh tiếng cho ông Hai Hoàng Thương tha mạng. Có lần tên Quận trưởng
Hồng Ngự phải năn nỉ ông Hai Hoàng Thương, đừng nổ súng vào nó, khi nó đi thăm
thú biên giới, để lập thành tích với cấp trên.
Sau
30/4/1975 đất nước vui yên bình, nhưng gia đình Hai Hoàng Thương đông con, lại
nghèo quá, tìm cái ăn cho các con vất vả. Ông thấy không thể tiếp tục
công tác được, nên xin tổ chức cho về làm dân, để có thời gian lo kiếm gạo nuôi
vợ con. Về làm dân được ít ngày, thấy ông Hai có uy tín, các em cháu Xã
đội Tân Hộ Cơ, yêu cầu ông tiếp tụi nó một tay, giao cho nhiệm vụ làm du kích
ấp Gò Chùa. Tiếp thì tiếp, loanh quanh trong ấp có ít nóc gia, bảo vệ
bà con yên ổn cũng tốt mà. Ông Hai nghĩ vậy nên nhận lời làm Ấp đội
trưởng.
Anh
Nguyễn Văn Ứng và nhiều đồng chí khác, nhất là người con cả của ông tên Hoàng
Theo kể lại: Khi bọn Ponpot phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam, chúng
xua quân đánh sâu vào nội địa đất nước ta, ông Hai Hoàng Thương đứng ngồi không
yên, nóng lòng chạy lên xã đội hỏi ý kiến, tụi nhỏ nói ông Hai muốn đánh bọn
này, chúng con cung cấp thêm vũ khí. Nghe tụi nhỏ nói tỉnh bơ vậy ông thêm tức
mình, lội trở về. Nằm gác tay trên trán suy nghĩ, không sao ngủ được, không lẽ
Hoàng Thương này ngồi ngó bọn Ponpot lộng hành, ngang nhiên sang đất
mình, đốt phá, cướp bóc, chém giết, hãm hiếp con em, đồng bào trước
mặt mình vậy sao? Bọn này vốn là bạn hữu của mình và các ông từng chiến đấu
giúp nó những năm chiến tranh chống Mỹ. Giờ nó trở mặt đánh mình, đúng là thằng
“ăn cháo đái bát”, giúp nó hết tình mà giờ nó phản mình là phản cái rụp,
không nghĩ đến ơn nghĩa, ân tình gì ráo trọi.
Ông Hai
Hoàng Thương là người trực tính: Không thể chịu nổi với cái đám lính
tàn ác như quỷ sứ, mất hết tính người này. Phải đánh cho bọn này tan xác mới
yên lòng, không thể để chúng ngang nhiên tàn sát đồng bào mình trắng trợn như
thế được. Ông kêu vợ và các con lại nói rõ ý định đánh giặc của mình, bà Hai và
các con đồng ý cái rụp vì hàng ngày chứng kiến cái cảnh bọn Ponpot này
xuống cướp bóc, đốt lúa, đốt nhà và tàn xác đồng bào mình trước mặt. Có đêm chúng
mò xuống tới bờ kênh Tân Thành - Lò Gạch cướp lương thực của đồng bào mình. Rồi
được nước làm tới, nó mò xuống bờ kinh Sa Rài giết chết 12 người, trong đó có
một gia đình nó giết hết luôn. Thấy những người dân lam lũ làm ăn, không có tấc
sắt trong tay bị chúng giết, ức lắm luôn. Đánh tụi nó thì được rồi, vì trận mạc
ông là “bậc thượng thừa”, nhưng nhìn những cây súng AR 15 hư báng, bể ốp tay,
cạc-bin từ thời Pháp thuộc mà Xã đội cấp cho…vũ khí kiểu này chỉ bắn “đít
trâu”, chứ đánh đấm nỗi gì. Ông Hai chợt nhớ đến anh em Trung đoàn 320 (1), thôi
liều mình xuống hỏi mượn thử vài cây súng tốt tốt, xem họ nói sao? Không ngờ
các anh đồng ý liền và nói luôn: Ông Hai muốn súng gì chúng tôi cấp cho.
Ông nghe nói vậy sướng rân cả người, ông chỉ dám nhận 12 khẩu AK, 01 Trung
liên, một cây M79, một cây B40, cùng lựu đạn, đạn dược cần thiết
khác. Đội du kích có được loại súng này mừng hết lớn, là nhất rồi. Ông Hai nói
với con cháu trong đội: Kỳ này tao đánh cho bọn chúng chạy “cong đuôi. Với súng
đạn như vầy, tao chơi với đám này “bứt gân” luôn cho bọn mày biết mặt. Ông Hai
thường có cách nói nông dân chân chất vậy đó, anh em thích lắm, nên gắn bó với
ông tới cùng.
Tầm mùa
đốt đồng năm 1977, ông cùng các con cháu, dâu, rể tất cả 10 người như bà Hai -
vợ ông, các con: Hoàng Theo, vợ Hoàng Theo, Phạm Hoàng Hùa, Phạm Hoàng Bơi, Võ
Văn Thôi (rễ), Phạm Hoàng Hải, Phạm Chị Lớn và rủ thêm một vài đứa cháu trong
xóm, như Nguyễn Văn Ứng, Nguyễn Văn Ép… để thành lập Đội du kích chừng 15-20
người. Khi hình thành được đội du kích gia đình, Hoàng Theo người con lớn của
ông Hai Hoàng Thương kể: Ba tôi tập hợp các anh em lại, tập dợt cho
mấy đứa tụi tôi biết sử dụng súng, biết cách tiến, lùi né qua tránh lại sơ sơ.
Rồi đưa ra nguyên tắc đánh du kích cho tụi nhỏ biết mà làm theo. Vậy là ông dẫn
tụi tôi ra trận đánh giặc liền. Trận đầu phục kích đánh ở Gò Cát, vì đám Ponpot
thường mò xuống hướng này cướp lúa, trâu, bò gà vịt…của dân mình. Ông kêu tụi
nhỏ núp vô, khi nào có lệnh của ông mới được nổ súng. Anh Nguyễn Văn Ứng,
Nguyễn Văn Ép A Trưởng du kích Hoàng Thương nhớ lại: Ông Hai ra lệnh ngặt lắm
nghe, khi nào thấy giặc đến gần, nghe mùi khét da của nó hay với bắt
tay được thì mới nổ súng. Ông Hai nói thằng nào nhát thì về “rửa đít
con nít”, bắn vậy mới chắc ăn, chớ còn xa lắc, xa lơ mà bóp cò là trật lấc
hà, uổng đạn, làm động ổ thêm, mình lại nguy hiểm nữa. Có anh em lần đầu tiên
ra trận, thấy đám giặc lù lù tới là hai hàm răng đánh vào nhau nghe cồm cộm.
Nhưng đi theo ông đánh riết rồi cũng gan. Có lần chúng tôi phục kích ở bờ kênh
Sa Rài, nơi mấy ngày trước chúng đốt nhà và giết chết 12 người dân vô tội của
mình. Đến hơn nửa đêm, thấy 6 thằng bơi xuồng mò xuống, mắt ngó láo liên,
cách chỗ bọn tôi chừng 15- 20 thước. Không nghe ông Hai ra lệnh, anh em
bọn tôi nôn ruột, nôn gan hết, chừng xuồng nó gần rướn vô bờ, ông Hai
ra lệnh, bọn tôi hốt gọn, không một thằng chạy thoát. Đi đánh giặc chung với
ông Hai phải gan, không gan là “tè ra quần” luôn.
Có lần
bọn tôi phục kích ở mé lộ 30 cũ, gần Gò Cát, thấy 7 thằng Ponpot mò xuống, tay
lăm lăm súng, mặt dáo dác ngó quanh, bước chừng 3- 4 bước là đạp lên mình bọn
tôi, ông Hai nổ súng, bọn tôi ngoéo cò, đạn ghim phập phập vào 6
thằng, chúng ngã lăn ra. Chúng tôi nhào tới lấy súng, rút nhanh khỏi vị trí. Vì
7 thằng đó là trinh sát, còn phía sau nó cả một đám rất đông, nên tiêu diệt 7
thằng là rút liền. Về đến nhà anh em cằn nhằn ông Hai, nói ông để nó đến gần
quá, lỡ mình bắn trật là nguy hiểm. Ông nói: Trật sao được mà trật, súng đưa
tới bụng nó rồi, làm sao mà thoát. Tính tao là vậy, đánh là phái đánh sát sườn,
thấy mặt nó mới chắc ăn. Nhớ các trận phục đánh ở Gò Bói, Gò Rượu, kênh Ba
Đàn…cũng y chang như vậy, nghĩa là thấy mặt, với bắt tay được ông Hai
mới cho nổ súng. Thấy Đội du kích Hoàng Thương “mần” ăn được, không những chỉ
đánh phục kích mà còn đánh tập kích, có khi phối hợp với bộ đội chủ lực đánh
bọn Miên chạy có cờ, nên được nhiều đơn vị bộ đội trên địa bàn tin và thường
lên kế hoạch đánh phối hợp. Từ chỗ “làm ăn” được, các em cháu trong vùng xin vô
đội, ông Hai phát súng cho đi đánh giặc. Các chỉ huy Trung đoàn 320 tin tưởng,
cấp thêm vũ khí. Suốt những năm 1977-1979 du kích Hoàng Thương bám trụ xã Tân
Hộ Cơ, đánh lớn nhỏ hơn 50 trận, không kể những trận phối hợp với bộ đội chủ
lực. Tiêu diệt hàng trăm tên địch, thu nhiều loại vũ khí và đặc biệt đã ngăn
chặn kịp thời những trận khủng bố giết chóc đối với bà con trong vùng. Tôi hỏi
anh Ứng, trong đội du kích Hoàng Thương vai trò của bà Hai và các cô con dâu,
con gái làm gì? Bà Hai, vợ anh Hoàng Theo ở nhà nấu cơm, lo hậu cần cho anh em
du kích. Anh em bọn tôi đi đánh về là có cơm ăn liền. Bây giờ nhớ lại anh em
bọn tôi thương bà Hai lắm luôn. Ông Hai dẫn anh em du kích đi chặn đánh Ponpot,
bà ở nhà đâu có ngủ, khi anh em về đông đủ rồi bà mới yên tâm đi ngủ, vậy chớ
bà nói vô không à, chứ không nghe bà bàn lui đâu nghe. Có lần bà biểu ông Hai,
tôi nghi bọn địch xuống hướng miệt Gò Chùa, đâu ông dẫn tụi nhỏ đi thử coi, lần
đó chúng tôi “lụm” được 3 thằng, lấy được 3 khẩu súng, nó đi đúng hướng bà Hai
chỉ, bà Hai hay thiệt chớ!
Gia đình ông
Hai Hoàng Thương có truyền thống cách mạng, ba và mẹ của ông Hai đều tham gia
cách mạng, được nhà nược tặng Huân chương Độc lập hạng ba, ông có 3 người em hy
sinh thời chống Mỹ, mẹ ông Hai được nhà nước phong tặng mẹ Việt Nam Anh hùng.
Riêng ông Hai là thương binh 02 lần thời chống Mỹ và đánh Ponpot, con cả của
ông là Hoàng Theo cũng thương binh 2 lần như ông. Anh Ứng có tâm nguyện, đề
nghị cấp trên về viết về quá trình chiến đấu của ông Hai Hoàng Thương, thủ
trưởng tôi, để có sự ghi nhận công trận của ông và gia đình ông trong đánh Mỹ,
cũng như trong đánh bọn Ponpot, có phần thưởng xứng với thành tích của ông
cũng như gia đình ông, Đội du kích Hoàng Thương. Được vậy ông bà Hai ở dưới
suối vàng cũng vui.
Tất cả
các con của ông Hai hiện đều cư ngụ ở xã Bình Phú, huyện Tân Hồng. Suốt một
thời trai trẻ theo cha đánh giặc, học hành chữ được, chữ mất. Nay bước sang
thời kinh tế thị trường, vốn liếng không có, trí thức cũng không,
nên bươn chải bằng con đường làm thuê, làm mướn. Đói thì không, nhưng
thiếu thốn đủ bề. Tôi lại nói: giá như có sự giúp đỡ của nhà nước nhiều hơn, để
gia đình các con ông Hai giờ có cuộc sống tốt một chút là hay biết mấy. Nhìn cơ
ngơi trống huơ trông hoắc và sự thiếu trước, hụt sau của các anh mà
chạnh lòng. Tuổi tác cũng đã cao, bệnh tật xương khớp, huyết áp, tim mạch ùa
về…Tôi ái ngại khi nhìn vào nồi cơm, tách trà và cuộc sống của các
anh. Biết khó khăn là vậy, nhưng khi chạm đến cái thời trai trẻ, thời binh lửa
hào hùng, không tiếc xương máu vì đồng bào thương yêu, vẫn còn hào
sảng trong huyết quản của các anh, tôi nao lòng, vì nay đã 42 năm sau
đánh Ponpot và hơn thế một thời gian dài trong đánh Mỹ của Phạm Hoàng
Thương. Không một ai, hay cơ quan quân sự, tổ chức nào viết về thành tích “lão
du kích Phạm Hoàng Thương” cho có đầu, có đũa một cách tỉ mỉvà đề nghị nhà
nước phong tặng cho ông một danh hiệu xứng đáng với công trạng. Tôi
cũng chỉ là người “chấm phá” một vài chữ về ông. Tiếc là sức mình
không đủ để ghi chép hết lại về ông, về gia đình 3 đời đánh giặc ngoại xâm của
ông. Giá như Tỉnh đội tỉnh Đồng Tháp cử người lo chuyện này. Tôi tin thành tích
và những chiến công của Phạm Hoàng Thương sẽ được sâu chuỗi lại và
hậu thế có được thêm một con người để học tập, noi theo.
-------------------
Ghi
chú: (1) Trung đoàn 320, Trung đoàn có bề dầy lịch sử, được
thành lập vào ngày 20/3/1964 tại Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông (nay
là thành phố Hà Nội). Sau ngày thành lập dấu chân chiến đấu của Trung đoàn in
khắp các chiến trường từ Tây Nguyên, đến Đông Nam bộ, xuống đồng bằng Nam bộ,
như Long An, Kiến Phong (Đồng Tháp), Rồi chiến tranh biên giới phía Tây Nam,
Trung đoàn về Đồng Tháp cùng dân quân địa phương đánh nhiều trận làm
cho bọn Ponpot thất kinh hồn vía như: trận gò Xoài, Gò ổi, thuộc xã
Tân Hộ Cơ huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp (nay thuộc huyện Tân Hồng) và tham gia tiến
công bọn Ponpot lên tận Prayveng và ở lại đó giúp bạn cho đến năm
1989 mới về nước.
Bài: Hoàng Tiễn
|
|