|
Tiếng
máy chà cây cứ è è xen vào cuộc trò chuyện giữa tôi và anh. Nhưng cũng đủ để
tôi nghe hết câu chuyện gian truân của người thanh niên đi thực hiện ước mơ của
mình. Anh mở đầu câu chuyện bằng một hơi thở dài, nhiều người nói mình dại,
cũng có người nói mình khùng, thậm chí gia đình từ mặt cũng chỉ vì mấy cây tre
này. Mà chắc tôi “khùng” thiệt! Tôi là con nhà nông, mà lại là nhà nông nghèo.
Ba mẹ phải gồng gánh nuôi năm chị em của tôi ăn học. Thời điểm đó, ba chị em của
tôi cùng theo học đại học nên gia đình càng khó khăn hơn. Tôi thấy ba mẹ tôi thật
sự rất “siêu” mới có thể gồng gánh nổi. Để đỡ chi phí của việc học, tôi vừa học
vừa làm thêm. Tôi không ngại bất cứ một công việc gì, hễ kiếm ra tiền là tôi đều
làm, từ phụ bếp, bốc vác, canh hồ bơi… và cũng nhờ những công việc đó mà tôi hiểu
đồng tiền kiếm ra rất khó nên bản thân phải biết tiết kiệm và đặt ra mục tiêu, nhất
định sau này tôi sẽ làm chủ và làm giàu. 
Anh Đào Nguyên Quang Kiệt
Học đại học xong, tốt nghiệp loại giỏi, tôi được
nhận ngay vào công ty Toshiba của Nhật để làm, với lương 6 triệu đồng/tháng vào
năm 2001. Cô biết thời điểm đó với số tiền lương như thế có thể sống một cuộc sống
đầy đủ có thể nói là dư dả. Nhưng làm được ba năm tôi lại bỏ ngang không làm nữa.
Chắc trong đầu cô nghĩ chắc tôi tưng tửng
nên mới bỏ một công việc ổn định như thế? Nhưng cái gì mình chưa thực sự đam mê
thì chắc gì mình làm tốt được. Tôi về quê phụ dì ruột làm công việc quảng cáo,
rồi nhận lái xe đường dài lên Tây Nguyên, miền Trung. Nói chung lúc đó chưa xác
định được mục tiêu của mình, chỉ biết trước mắt cứ làm gì thấy thích, thấy tự
do, tiền kiếm được thì tiết kiệm, vậy thôi. Cô uống nước đi. Tiếng máy chà cây
mà người thợ đang vận hành vẫn chen ngang vào cuộc trò chuyện. Chuyện đời tôi
thì dài dòng. Nghe hồi chắc cô chán! Tre có nhiều loại lắm, trên 120 loại,
nhưng ở cơ sở của tôi thì chỉ hơn 20 giống thôi. Cuộc trò chuyện dừng lại, anh
đưa mắt nhìn về hướng người thợ chăm chỉ hoàn thành một công đoạn nào đó. Được
một chốc, anh lại đưa tôi trở lại câu chuyện của anh. Tôi nghỉ việc ở công ty
nước ngoài, mẹ và các chị em trong gia đình rất giận và từ mặt không nhìn. Chỉ
có ba luôn âm thầm ủng hộ. Ba tôi làm bác sĩ thú y, hơn 25 năm. Ông luôn cần mẫn
với công việc. Và cũng nhờ công việc đó mà ông đã nuôi các con. Hiễn nhiên, ông
luôn muốn có con nối nghiệp của mình và ông chọn tôi. Vậy là tôi lại tiếp tục học
thêm một nghề bác sĩ thú y. Anh cười, nội tính chuyện đi học đại học không là tôi
mất ngót mười năm trời, vậy mà giờ có xài tới đâu.
Hồi
còn lái xe đường dài, tình cờ tôi thấy được ở Tây Nguyên họ dùng tre để làm những
vật dụng gia đình. Nhìn mà mê lắm! Nói tới tre tôi bắt gặp ánh mắt anh sáng
lên, giọng nói cũng nhiệt huyết và vui vẻ hẳn. Trên đường lái xe về, tôi trăn
trở mãi. Tre thì ở đâu cũng có. Mà thời đó tre xứ mình rẻ rề, không cần mua, tới
xin người ta cho. Những đêm không lái xe, tôi bắt đầu tự học làm những nội thất. Thứ đầu tiên tôi làm là cái giường.
Khi hoàn thành cái giường, tôi trèo lên nằm, nói cô đừng cười chứ cái cảm giác
đó còn sướng hơn nằm trên nệm của khách sạn năm sao. Lúc đầu mấy sản phẩm tôi
làm ra để cho gia đình dùng, rồi vô tình có người bạn đến nhà chơi, thấy thích
nên hỏi mua từ đó tôi cũng có vài khách hàng.
Dành
dụm đến năm 2005, được 60 cây vàng và tôi quyết mình sẽ khởi nghiệp từ cây tre.
Nói thì nghe nhanh vậy chứ để từ sở thích làm tre đến việc khởi nghiệp và gắn
cuộc đời mình với nó là cả một quãng thời gian dài. Nhiều đêm tôi không thể ngủ
được. Lo lắng vì mình tay ngang, phải học nhiều thứ, từ điều nhỏ nhất mà quan
trọng là tôi phải thuyết phục gia đình. Nghe tôi nói bỏ hẳn những công việc
đang làm để “theo đuổi” cây tre. Mẹ tôi khóc, chị và em thì giận không đối
hoài. Chỉ còn ba. Tôi nhớ mãi câu nói của ba nên càng phải phấn đấu “Con làm gì
ba cũng ủng hộ hết, con thất bại mà ở gầm cầu thì ba ở gầm cầu với con”. Năm tôi
khởi nghiệp cũng là năm tôi lập gia đình. Số tôi may mắn là gặp được người vợ
luôn đứng sau ủng hộ. Khi bắt đầu chuyện khởi nghiệp, tôi dư biết chuyện thắng
thua. Và trong vòng ba năm tôi thua 60 cây vàng. Tôi còn nhớ, Tết năm đó, trong
túi tôi chỉ còn đúng 15 ngàn đồng. Nhà hết gạo. Nhưng bản tính tôi lì lắm. Tôi thà vay bạc nóng chứ không
nhờ vả người nhà. Hai vợ chồng ôm con chịu trận chứ không than. Năm đó mẹ vợ tôi
lên chơi và bà xách theo 20kg gạo vì nhà mới thu hoạch lúa nên mang cho con, chứ
bà không biết là vợ chồng tôi không còn gạo để ăn. Sau khi mẹ về, hai vợ chồng
ôm nhau khóc. Có gạo ăn, mà không có thức ăn, lúc đó thằng con trai của tôi mới
ba bốn tuổi, nó hỏi “sao lâu quá nhà mình không có thịt để ăn?”. Nhìn vợ, nhìn
con tôi thật sự xót lòng. Vợ tôi đã chịu khổ với tôi nhiều lắm! Lúc đó khó khăn
vô cùng. Nhưng nếu cô hỏi tôi có hối hận không, thì chắc một điều tôi không bao
giờ hối hận.
Ông
bà ta hay nói “thua keo này, ta bày keo khác”. Ngã ở đâu thì đứng lên ở đó. Nếu cứ vấp ngã mà nằm ì không tự đứng
lên thì sẽ không bao giờ trưởng thành được. Cũng từ những lần thay đổi công việc,
những lần vấp ngã mà mình thấy bản thân mạnh dạn và trưởng thành hơn. Ba lần hết
sạch tiền để đầu tư vì không bán được sản phẩm, tôi tiếp tục lái xe để trang trải cuộc sống
và đeo đuổi việc làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây tre. May thay tôi cũng có
được một ít khách hàng đến ủng hộ. Dành dụm được ít tiền từ bán sản phẩm, tôi
quyết định mua một cái máy để hỗ trợ trong công việc. Cái máy đầu tiên anh mua
khi trong túi chỉ có 150 ngàn đồng, phải thiếu lại cửa hàng một phần và trả góp.
Khởi
nghiệp từ cây tre thì trước đây cũng có một vài người. Khi mình quyết định chọn
cây tre để khởi nghiệp thì trước hết mình phải nghĩ ra được sản phẩm mình sẽ
làm. Nếu là người đi sau mà đi theo dấu chân người khác thì chắc chắn một điều
mình sẽ không đi xa, vì vậy mình cần tạo những dấu chân riêng. Những sản phẩm
từ tre của cơ sở Cường Thịnh làm ra, mẫu mã mới lạ, tinh xảo và chắc chắn một
điều là không bị “đụng hàng” ở bất kỳ một cơ sở nào khác. Vì những mẫu mã hình
dáng, đến chất keo kết dính đều do anh Kiệt tự thiết kế ra. Hiện tại cơ sở
Cường Thịnh đã làm ra trên 630 mặt hàng thủ công mỹ nghệ mang dấu ấn riêng, độc
quyền như sản phẩm trang trí nội thất, ngoại thất, các loại sản phẩm hỗ trợ và
trưng bày, đồ dùng học tập, đồ chơi trẻ em bên cạnh còn thi công xây dựng vật
liệu tre ở nhiều resort, các khu du lịch trên cả nước. Năm 2013, cơ sở tre gỗ
Cường Thịnh do anh Kiệt làm chủ đã ổn định. Thị trường mà anh kỹ sư hướng đến
là khách hàng trung và thượng lưu trong nước và nước ngoài như: Ý, Canada, Hoa
Kỳ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc….
Theo
anh kỹ sư này, “kinh doanh điều quan trọng đầu tiên không phải là nguồn vốn mà
là ý tưởng”. Chỉ cần có ý tưởng tốt, khách hàng tin tưởng sẽ góp vốn để cùng
nhau có lợi. Sau những lần thất bại, anh Kiệt nghĩ đến việc huy động vốn bằng
cách nhận vốn từ nhà phân phối. Thay vì nhận tiền sau mỗi lần cung ứng sản phẩm
thì anh Kiệt đề nghị với nhà phân phối làm hợp đồng, trong một năm anh sẽ cung
ứng đủ số sản phẩm mà họ cần và thay vào đó, họ cho cơ sở của anh nhận trước
một lần số tiền mua sản phẩm. Từ đó anh Kiệt có vốn để xoay vòng, mua thêm nguyên
liệu, máy móc và trả tiền thuê nhân công.
Sự
sáng tạo ở anh thợ này là vô tận, ví dụ, cũng là một sản phẩm dụng cụ cắm bút,
nhưng lại có nhiều thiết kế khác nhau của từng năm. Mỗi năm anh lại cho ra đời một
dòng sản phẩm mới mang dấu ấn riêng không trùng lặp. Trong năm 2020 này anh
Kiệt cũng ấp ủ cho ra 5 dòng sản phẩm mới. Cơ sở Cường Thịnh ngoài 6 thợ làm
những công đoạn đơn giản thì có hơn 40 nhân công tại chỗ nhận tre về nhà để
chuốt hoặc đan. Các công đoạn quan trọng của từng sản phẩm đều do chính tay anh
Kiệt phụ trách, vì theo anh các sản phẩm mỹ nghệ này cần có sự khéo léo, tỉ mỉ,
đòi hỏi tay nghề của người thợ khá cao.
Để khởi nghiệp thành công, mang lại những giá
trị cho cuộc sống, không nhất thiết là phải khởi nghiệp bằng những ý tưởng quá
lớn lao, quá cao xa, mà có thể khởi nghiệp từ những công việc rất gần gũi, phù
hợp với địa phương và cơ sở tre gỗ Cường Thịnh đang đi đúng vào quỹ đạo đó.
|
|