|
Đến khóm 1 phường 2 thành phố Sa Đéc hỏi thăm
tiệm uốn tóc Ánh, chủ tiệm là cô Trần Thị Ánh ở số 38, Lý Thường Kiệt ai ai cũng
biết. Sở hữu dáng người cao ráo, mảnh mai nét mặt vui vẻ đầy thiện cảm, giọng
nói ngọt ngào gây ấn tượng đặc biệt lần đầu khi tôi tiếp xúc với cô. Măc dù sắp
bước sang tuổi “thất thập, cổ lay hy” nhưng cô không hề để mình bị giới hạn bởi
tuổi tác, trông cô trẻ hơn nhiều so với tuổi thực tế, chắc có lẽ do nghề làm đẹp
cho mọi người phần nào cũng điểm tô thêm vẻ đẹp của chính mình. Trả lời tôi về
sự phát triển của nghề tóc, cô tươi cười nói: “Tiệm uốn tóc của tôi hoạt động
trên 20 năm, theo quan niệm của người xưa người ta hay chọn ngày lành tháng tốt
để tổ chức cưới hỏi, thậm chí mỗi ngày gần 100 khách nào là trang điểm cô dâu,
nào là trang điểm cho khách dự đám cưới. Bây giờ nhiều người ra mở tiệm số lượng
khách giảm gấp 5 lần so với trước, tuy nhiên cô vẫn yêu nghề duy trì nghề này
chủ yếu là để phục vụ cho khách quen, hợp với phong cách cá nhân đến làm đẹp, nhưng
quan trọng hơn vẫn là duy trì mức thu nhập để làm công tác từ thiện cho người
nghèo ở địa phương.
Thấy cô có tuổi, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, vì
cả đời vất vả vì gia đình, giờ đây con cái thành đạt, gia đình khấm khá hơn chồng
con khuyên cô nghỉ ngơi vui vầy bên đàn con cháu nhưng cô phản đối: “Còn khỏe
ngày nào thì tôi cố gắng ngày nấy, có lao động mới có sức khỏe và niềm vui trong
công việc mang đến cho tinh thần đời sống ý nghĩa hơn”. Nói thì nói vậy cho gia
đình yên tâm nhưng một mặt là kiếm thêm thu nhập để tham gia các hoạt động từ
thiện cho người nghèo, mặc khác còn truyền đạt nghề lại cho con em có nhu cầu học
nghề nhưng không có khả năng theo học. Hiện tại, để học nghề tóc và massa chi
phí không phải là ít, cô suy nghĩ: “Các em trong độ tuổi lao động có hoàn cảnh
khó khăn không có việc làm, nếu không có sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng xã hội
thì các em rất dễ bị lôi cuốn vào những cạm bẫy trong cuộc sống. Xuất phát từ
đó, tôi tự nguyện dạy nghề miễn phí cho các em, giúp tụi nó có cái nghề để nuôi
sống bản thân, chăm lo gia đình không là gánh nặng cho xã hội”, niềm vui và hạnh
phúc hiện rõ lên khóe mắt cô.
Người dân sống lâu năm tại thành phố Sa Đéc cho
rằng tiệm uốn tóc cô Ánh nổi tiếng từ xưa đến nay, nhiều khách từ nơi xa tìm đến
cô để chăm sóc tóc và các dịch vụ khác. Tuy nhiều bận rộn nhưng cô vẫn dành thời
gian dạy nghề miễn phí cho gần 20 em ở trường khuyết tật, một số em được cô tiếp
tục nhận lại làm thợ phụ để nâng cao tay nghề nhưng vẫn được trả lương. Thậm
chí cô còn đến tận các điểm trường Tiểu học và Trung học cơ sở của thành phố Sa
Đéc cắt tóc miễn phí cho hàng trăm em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Dù không
bà con ruột thịt nhưng em Võ Thị Thùy Trang và em Nguyễn Thị Diễm Thúy cả hai đều
gia đình nghèo khó, mai sao có người giới thiệu được cô dạy nghề uốn tóc, cắt
móng, gội đầu, massa miễn phí, ban đầu cô hướng dẫn các em các khâu cơ bản như
cắt móng, gội đầu massa, dần dần cô hướng dẫn các bước nâng cao hơn để các em dễ
tiếp cận từng công đoạn. Nhờ chăm chỉ, ham học đến nay các em đã thạo nghề và
được cô nhận làm thợ phụ giúp gần 5 năm nay với mức lương 3 - 4 triệu đồng mỗi
tháng, Thùy Trang tâm sự: “Ba tôi bị bệnh mất sớm, mẹ thì làm thuê đủ thứ công
việc ai thuê gì làm nấy để nuôi con học hành. Hoàn cảnh gia đình túng thiếu tôi
phải bỏ học để học nghề uốn tóc để được cái nghề phụ giúp mẹ chi phí sinh hoạt
trong gia đình, vừa học nghề, cô Ánh còn trả lương, cô đối xử với chúng tôi như
con cháu trong gia đình. Mặc dù dạy nghề miễn phí nhưng đôi khi gia đình thiếu
thốn khó khăn cô cũng dang tay giúp đỡ khi thì gạo, lúc thì tiền vào thời điểm
mẹ không có việc làm. Không phụ lòng tốt của cô tôi luôn cố gắng học đến nay
tôi đã có thu nhập đỡ đần cho mẹ lúc khó khăn”. Vừa dạy nghề nhưng cô còn chỉ dạy
các bạn trẻ về cách sống, tình thương yêu và sự đùm bọc sẻ chia với người nghèo
khó, bất hạnh trong cuộc sống.
Chú Sơn hành nghề chạy xe ôm gần mười năm nay
cũng là người gắn bó cùng cô trong công tác từ thiện, chú bộc bạch: “Cô Ánh là
người có lòng nhân hậu, sống rất có nghĩa, có tình. Hễ mỗi tháng là tôi đến chở
cô đi thăm giúp gạo, tiền, nhu yếu phẩm và tặng quà hơn 15 cụ già yếu, neo đơn
trên địa bàn thành phố Sa Đéc như phát gạo, tiền, đường, mắm muối, cứ như thông
lệ đến thời gian đó là tôi hoãn chở khách đi xa, dành thời gian để chở cô đến tặng
quà các cụ”. Bà Phạm Thị Hiền 83 tuổi ở khóm 1, phường 1 bị tai biến nằm một chỗ,
hai chị em nương tựa nhau trong căn nhà ọp ẹp, con cháu sống bằng nghè làm thuê
mướn xứ xa cũng bấp bênh, lo cái ăn không đủ nên cũng không giúp được gì cho
hai cụ, mai nhờ sự giúp đỡ kịp thời của cô Ánh nên hai cụ cũng vơi bớt nổi khó
khăn. Ông Đoàn Văn Tài trên 80 tuổi ở phường 3 vợ bị ung thư mất sớm, con trai
bị tâm thần, ông thì nay đau, mai ốm không tiền thuốc thang, nhà thì thiếu trước
thiếu sau, mỗi tháng cô mang đến tặng ông 100 ngàn cùng với 10 kg gạo, một số
nhu yếu phẩm cần thiết để bữa ăn được cải thiện hơn.
Cô còn kết nối với Chùa Kim Bửvà liên hệ với
bệnh viện Đa khoa Sa đéc để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh từ các địa phương khác đến
Sa Đéc lao động kiếm sống chẳng may lâm bệnh nặng nhưng không có người thân
chăm sóc, khi ra viện không có điều kiện chăm sóc sức khỏe, cô nhờ bệnh viện hỗ
trợ xe đưa người bệnh đến Chùa để các sư cô ở Chùa chăm sóc thuốc thang cho mau
bình phục. Tiếng lành đồn xa, dần dần người dân lân cận địa bàn thành phố Sa
Đéc đều biết đến cô, thậm chí những người cơ nhỡ, lao động kiếm sống từ nơi
khác đến chẳng mai bị bệnh điều trị tại bệnh cũng được cô cưu mang giúp đỡ. Một
số trường hợp người già bệnh nặng neo đơn không người chăm sóc, cô phải tìm đến
ngành chức năng địa phương nơi người bệnh cư trú xin giấy xác nhận của để đưa bệnh
nhân đến Chùa đúng quy định của pháp luật, bà Nguyễn Kim Đang trên 70 tuổi
không may bị đột quỵ nhưng không người thân bên cạnh, nghe tin cô vội vàng liên
hệ xe chuyển bệnh nhân đưa bà đến bệnh viện Cần Thơ cấp cứu kịp thời, đến nay sức
khỏe bà Đan dần hồi phục, cô rất vui mừng vì làm được một việc vô cùng ý nghĩa.
Từ việc làm ý nghĩa đó các nhà tài trợ ủng hộ
mỗi năm hàng tấn gạo để phát cho bệnh nhân nghèo tạo bệnh viện Sa Đéc thậm chí
cô còn bố trí thời gian và tạo đều kiện để các con tham gia làm thiện nguyện
cho bà con nghèo vùng sâu, vùng xa của tỉnh hoặc bà con nghèo ở biên giới của tỉnh
Đồng Tháp, giúp bà con giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Từ những việc làm thiết
thực góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, cô được Ủy
ban nhân dân phường, thành phố và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tặng nhiều giấy
khen có thành tích trong thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức
phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện công tác giảm nghèo ở địa phương.
Rõ ràng công tác từ thiện xã hội luôn xuất
phát từ suy nghĩ và hành động thiết thực, không phân biệt tuổi tác, thành phần
trong xã hội. Nếu như chúng ta thấu hiểu những khó khăn của những mảnh đời bất
hạnh trong cuộc sống, sự sẻ chia và đồng cảm với người nghèo khó dù ít, dù nhiều
phần nào giúp họ có nghị lực để vươn lên trong cuộc sống, cô Trần Thị Ánh biểu
hiện một tấm gương thiện nguyện thật đẹp, đã lan tỏa trong đời sống xã hội để mọi
người noi theo./. KIM CHI
|
|