|
Ước mơ lớn - hành động phải đủ lớn!
Không được các nhà
đầu tư chú ý đến ý tưởng nuôi heo rừng, nhưng trong đầu không bao giờ Dinh từ
bỏ ý định. Anh làm tất cả mọi thứ để kiếm tiền. Ngoài giờ học, anh Phan Dinh đi
phụ hồ, phụ bàn, đến hè thì về quê cuốc đất mướn, rồi khi có được số vốn nho
nhỏ anh lãnh thầu khoán để xây dựng, sau đó tiếp tục mở quán cà phê và quán ăn
gia đình với thịt Heo rừng….
Anh Đoàn Phan Dinh
điềm đạm kể với chúng tôi: - Trong thời buổi các ngành về kinh tế đang phát
triển và thu hút được khá đông sinh viên tham gia học thì tôi quyết định chọn
học ngành thú y, đi ngược lại. Nhiều bạn bè cùng trang lứa với mình, cho rằng
tôi quê mùa, học về để chăn heo, chăn bò, tôi chỉ biết cười trừ. Tôi càng cố
gắng nghiên cứu nhiều sách để học hỏi thêm kiến thức. Đồng thời tôi làm tất cả
để có tiền. Vừa học vừa làm áp lực lắm chứ, nhưng gia đình không dư giả để cho
mình tiền thực hiện ước mơ thì phải tự làm từ hai bàn tay. Bạn có bao giờ sống
nguyên ngày chỉ với 1000 đồng chưa? Tôi từng như thế! Chỉ một ngàn đồng. - Anh
Dinh ngừng lại, ánh mắt hướng về phía xa, như để hồi ức lại thời cực khổ. Khi
phụ hồ, phụ bàn hay lãnh thầu, mở quán cà phê, quán ăn… tất cả đều làm ra tiền,
nhưng số tiền đó tôi quyết tâm không đụng đến nó. Mỗi ngày tôi đến bệnh viện,
xin cơm từ thiện, một lần tôi xin cho cả ngày ăn và 1000 đồng Dinh trả tiền gửi
xe. Gần 2 năm như thế! Bạn nhìn tay tôi, gân guốc và nhiều sẹo phải không, đó
là những vết thương của quá trình kiếm tiền thực hiện ước mơ.
Qua những việc làm
của anh Đoàn Phan Dinh, phần nào thấy được anh là một người có ước mơ và quyết
tâm thực hiện được ước mơ của mình. Quá trẻ để có những suy nghĩ chín chắn, thế
nhưng cậu sinh viên Đoàn Phan Dinh đã cho thấy anh làm một người có đầy ý chí
và nghị lực!
Biết từ bỏ cái nhỏ để chạm đến cái lớn!
Khi mới thực hiện mô
hình nuôi heo rừng, tôi mua hai con heo thuộc hai loại giống khác nhau với số
tiền phụ hồ kiếm được. Học ngành chăn nuôi nên tôi được nhiều thuận lợi trong
việc chăm sóc heo. Tôi chọn hai loại giống khác nhau để thử nhiệm xem giống nào
mau lớn, khỏe. – Anh Dinh hào hứng kể. Tò mò tôi chen ngang hỏi, từ đâu mà anh
có ý tưởng nuôi heo rừng? Tại tôi thấy, ở quê có nhiều rau muống, chuối cây,
lục bình…. Bên cạnh tôi còn thấy người nông dân quê tôi thường xuyên bị cảnh
trúng mùa mất giá, dội hàng dội chợ, nông sản làm ra không bán được đành đổ bỏ,
nên tôi nghĩ phải có cách giải quyết và tôi quyết định chọn con heo rừng vì nó
ăn được tất cả.
Lúc tôi mở quán cà
phê, quán ăn gia đình Heo rừng, lúc đó kinh tế cũng khá. Nhiều người khuyên nên
tiếp tục buôn bán, nhưng dù đang buôn bán tốt, tôi vẫn sang lại quán để về quê
tiếp tục thực hiện ước mơ. Năm 2015, tôi thành lập công ty Trách nhiệm Hữu hạn
Heo rừng và làm giám đốc. Đến nay, tôi tiếp tục thành lập mới công ty Cổ phần
đầu tư nông nghiệp an toàn.
Người ăn có lợi, người nuôi có lời!
Hiện nay, tình trạng
thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường, vì thế nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch,
an toàn của người tiêu dùng ngày càng cao. Thấy được thực tế đó, anh Đoàn Phan
Dinh đầu tư nuôi heo rừng an toàn. Để tạo môi
trường thông thoáng gần giống với môi trường ngoài tự nhiên của heo rừng, khu
vực chuồng được thiết kế khá bài bản và khoa học. Đệm lót sinh học là giải pháp
ưu tiên được chủ trang trại chọn lựa nhằm kiểm soát tốt chất thải, từ đó các
mầm bệnh cũng được cách ly hiệu quả. Về phần thức ăn, heo rừng là loại dễ ăn,
anh Dinh tận dụng cây chuối sau khi thu hoạch buồng bị đốn bỏ, lục bình bà con
thu hoạch phần cọng để dùng đan lát còn thừa lại lá thì anh Dinh thu mua với
500 đồng/kg, bên cạnh anh còn thu mua ổi già, hèm rượu bia, bột cặn, rau cũ bán
thừa ở ngoài chợ…. Về chế biến lại và cho heo ăn.
- Vì
thức ăn chưa qua kiểm dịch chất lượng giống như các loại thức ăn chế biến sẵn
nên khả năng nhiễm bệnh cho heo cũng khá cao. Tuy nhiên, ở đây công ty áp dụng lên
men thực phẩm nên tỉ suất nhiễm bệnh của heo giảm. Đồng thời, chúng tôi còn áp
dụng các phương pháp truyền thống như cho heo ăn các loại cây thuốc nam, nấu
thuốc nam cho heo uống để ngừa dịch bệnh và sử dụng thảo dược để điều trị nếu
heo có vấn đề, hạn chế tối đa sử dụng thuốc thú ý để tiêm chích - Giám đốc
công ty bộc bạch.
Bên
cạnh khâu chuồng trại và thức ăn cho heo được anh Dinh chú trọng thì để người
tiêu dùng an tâm sử dụng thực phẩm heo rừng, anh Dinh còn áp dụng phần mềm camera
quan sát. Vì ngoài nuôi heo tại trang trại gia đình, anh Dinh còn hợp tác với
các nhà nông ở mười ba tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để nuôi heo an toàn. Heo
giống và kỹ thuật được công ty anh Dinh cung ứng, người nuôi chịu trách nhiệm
chăm sóc và cho ăn. Khi heo lớn thì công ty anh Dinh thu mua lại với giá thị
trường. Các chuồng trại ở đây đều được gắn camera quan sát, để đảm bảo người
chăn nuôi làm theo đúng quy trình mà bên công ty anh Dinh đưa ra. Đồng thời,
người tiêu dùng cũng có thể vào xem camera để biết nguồn thực phẩm họ dùng được
sản xuất như thế nào.
Làm
việc khoa học, công khai nên hàng năm công ty Trách nhiệm Hữu hạn và Thương mại
Heo rừng cung ứng ra thị trường trên 1000 con heo các loại, với giá heo 160 đến
180 ngàn đồng/kg trên thị trường cả nước. Lợi
nhuận trung bình mỗi năm hai công ty thu được khoảng 2 tỷ đồng.
- Khi
người tiêu dùng an tâm với sản phẩm mình đáp ứng, họ thấy được sử dụng thực
phẩm heo rừng không ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn và từ đó càng tín nhiệm
công ty hơn. Người tiêu dùng có lợi thì mang lại lợi nhuận cho công ty vì thế
chúng tôi luôn đặt mình vào vị trí của người tiêu dùng để hiểu những mong muốn
của họ mà sản xuất-Anh Đoàn Phan Dinh chia sẻ.
Năm
2016, anh Dinh tham dự cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần 2 năm 2016 do Trung tâm
Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp BSA tổ chức, anh đạt giải II. Qua
đây khẳng định được ý tưởng nuôi heo rừng của anh đã được công nhận giá trị và
ngày càng thành công. Hiện tại, anh đang mở rộng mô hình sản xuất thực phẩm
sạch và muốn liên kết với các ý tưởng khởi nghiệp khác nhằm giúp người tiêu
dùng không còn lo lắng khi chọn thực phẩm tiêu dùng, mang đến một cuộc sống tốt
hơn.
|
|