|
.JPG)
Bia tưởng niệm vụ thảm sát ở xã Bình Thành Trò chuyện với ông Phan Minh
Châu (Chín Châu). Nguyên ủy viên Thư ký Ủy ban nhân dân huyện Thanh Bình - là
nhân chứng sống của vụ thảm sát ở Cái Tre vào năm 1954, tôi càng hiểu hơn nỗi
đau mà người dân xã Bình Thành phải gánh chịu cách nay hơn 60 năm. Cứ mỗi lần
kể xong chuyện cũ, bao giờ ông cũng có một câu thòng: Bình Thành là xã “Năm
Tư”.
Năm 2004 đánh dấu một cột mốc có ý nghĩa hết
sức trọng đại đối với Đảng bộ và nhân dân huyện Thanh Bình anh hùng: Cùng lúc
huyện nhà được Bộ Văn hóa và Thông tin công
nhận Dinh ông Thượng tướng Quận Công Trần Văn Năng và Bia tưởng niệm vụ thảm
sát của giặc đối với người dân vô tội ở xã Bình Thành là di tích lịch sử
cấp quốc gia. Bia tưởng niệm vụ thảm sát ở xã Bình Thành gắn liền với sự kiến
đấu tranh đòi thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. Theo nội dung Hiệp định,
thị trấn Cao Lãnh (thành phố Cao Lãnh ngày nay) là điểm tập kết 100 ngày của
Quân đội Nhân dân Việt Nam dành cho các tỉnh Khu 8 và một số tỉnh miền Đông Nam
bộ chuyển quân ra miền Bắc. Riêng xã Bình Thành, huyện Thanh Bình bị chia làm 2
vùng: Vùng tập kết của ta được tính từ ấp Bình Chánh chạy dài xuống xã Phong
Mỹ, huyện Cao Lãnh; từ ấp Bình Định ngược trở lên xã Tân Phú (thị trấn Thanh
Bình ngày nay) thuộc vùng tạm kiểm soát của địch. Giáp ranh giữa hai vùng nói
trên là khu phi quân sự. Theo nội dung của Hiệp định "Bộ đội chiến đấu
phải đi tập kết, những người kháng chiến khác ở lại sống như dân thường dù
người đó là đảng viên hay đoàn viên nông hội". Một trăm ngày bộ đội tập
kết tại Bình Thành là khoảng thời gian quý giá để bồi đắp tình nghĩa quân dân
cá nước. Không chỉ học tập để hiểu và thông suốt nội dung Hiệp định mà bộ đội
ta còn giúp đỡ bà con học chữ, giảng giải, chỉ dẫn cho bà con nằm lòng Hiệp định
để thực thi cho đúng, biến mơ ước hòa bình thành hiện thực sau tổng tuyển cử
1956. Nhờ thông hiểu Hiệp định mà nhân dân xã Bình Thành đã đấu tranh chống vi
phạm Hiệp định của lực lượng Liên hiệp Pháp thắng lợi qua điều tra và kết luận
của Ủy hội Quốc tế giám sát Hiệp định nhưng cái giá của nó quá lớn: vụ thảm sát
của lực lượng Liên hiệp Pháp ở xã Bình Thành có 33 người bị chết và 09 người bị
thương cùng hàng trăm người bị bắt bớ, giam cầm một cách vô cớ, trong đó có 24
người bị thủ tiêu hết sức man rợ. Lịch sử đã lùi xa hơn nửa thế kỷ nhưng cứ mỗi
lần Giỗ hội thì niềm thương và nỗi đau đối với các nạn nhân vẫn chưa hề cũ.
Ngày
01 tháng 11 năm 1954, đơn vị cuối cùng của quân đội ta xuống tàu rời thị trấn
Cao Lãnh (Thành phố Cao Lãnh bây giờ) để tập kết ra miền Bắc. Vùng tập kết nói
riêng và cả vùng Đồng Tháp Mười nói chung tạm thời giao lại cho phía Liên hiệp
Pháp quản lý, sau 2 năm sẽ thực hiện tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Không
ngờ, kẻ thù lại trắng trợn vi phạm Hiệp định. Tại xã Bình Thành, chúng đưa Tiểu
đoàn bảo an 513 về đóng, cụ thể là Đại đội 3 đóng ở đồn Cái Tre, Đại đội 4 đóng
ngay tại nhà Thầy Ba Dĩ (cho nên mới có tên gọi đồn Thầy Ba Dĩ). Trước hành động
ngang ngược của kẻ thù, trong điều kiện không có chính quyền, không có quân đội
nhưng nhờ được học tập kĩ lưỡng nội dung nên nhân dân xã Bình Thành trong quá
trình đấu tranh vẫn không vi phạm điều khoản nào của Hiệp định.
Ngày
11/11/1954 vào hồi chập tối (nhằm ngày 16 tháng 10 Giáp Ngọ) một toán lính có
vũ trang bằng vũ khí FM từ đồn Thầy Ba Dĩ kéo vào xóm tuần tra và bày tiệc nhậu
riết đến 10 giờ đêm chúng kéo đến bao vây nhà ông Năm Kiết (Nguyễn Văn Kiết), đánh
đập 2 vợ chồng ông và 1 đứa con trọng thương rồi cướp đi 1.000 đồng bạc và 1
chiếc vòng vàng. Không dừng lại ở đó, trước khi rút lui, chúng còn đập phá hết đồ
đạc trong nhà. Nghe gia đình ông Năm kêu la cầu cứu, bà con chòm xóm chạy đến
rượt đuổi, ra đến chợ Bình Thành, cách đồn thầy Ba Dĩ bằng con rạch Cái Nổ, bắt
được 8 tên toàn là lính của Đại đội 4 Tiểu đoàn 513 do Trung úy Trần Bá Thành
và Thiếu úy Sĩ Hoàn chỉ huy. Trước hành động cướp đêm của giặc, nhân dân xã
Bình Thành cử người đại diện qua đồn thầy Ba Dĩ yêu cầu giải quyết. Trung úy
Trần Bá Thành, chỉ huy trưởng đồn thầy Ba Dĩ, đến nhìn nhận sai lầm của thuộc
cấp trước đồng bào nhưng lại chèo kéo không chịu ký vào biên bản vi phạm. Ngay
trong lúc đó, bà con phát hiện có một tên lính đang trốn trên ngọn dừa, tất cả đồng
thanh hô to: Bắt nó ! Bắt nó! Nghe tiếng bà con la, lính bên đồn thầy Ba Dĩ
liền xả súng bắn vào đám đông làm chết tại chỗ 4 người (trong đó có 1 tên lính
của Đại đội 4) và 9 người bị thương. Lợi dụng cơ hội tranh tối tranh sáng, Trưởng
đồn Trần Bá Thành và bọn lính cướp đêm lội qua rạch Cái Nổ chạy về đồn thoát
thân và chạy tội.
Tối
11 rạng sáng 12 tháng 11 năm 1954, tin dữ đã loan đi khắp xã, Chi bộ Đảng xã
Bình Thành đã chỉ đạo, tổ chức cho người bí mật đi lên Tân Châu - An Giang tố
cáo tội ác của lực lượng Liên hiệp Pháp với Ủy hội Quốc tế đang đóng tại đó.
Hưởng ứng yêu cầu của tổ chức, sáng 12/11/1954, hơn 300 đồng bào kéo ra chợ
Bình Thành, qua đồn thầy Ba Dĩ đấu tranh trực diện với kẻ thù, yêu cầu lực
lượng Liên hiệp Pháp thực thi đúng các điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ. Nhận
được điện cầu cứu của đồn thầy Ba Dĩ, vào lúc 8 giờ, ngày 12 tháng 11 năm 1954,
Đại đội 3 trực thuộc Tiểu đoàn bảo an 513 đóng ở đồn Cái Tre do Lê Văn Tá chỉ
huy kéo quân xuống phối hợp với quân lính Đại đội 4 ở đồn thầy Ba Dĩ bao vây,
ruồng bố xã Bình Thành gom bắt hơn 600 người về nhốt tại trường học Bình Thành,
bất kể người già hay trẻ em. Chúng bắn giết một cách bừa bãi và hết sức dã man
đối với người dân vô tội. Anh Bùi Văn Tân và Lê Văn Thương đang chăn trâu bị
bắt, sau khi đánh đập chúng bắn chết 02 người ngay tại sân banh của xã (nay là
trường trung học cơ sở xã Bình Thành) còn anh Phạm Văn Liêm đang bơi xuồng bị
bắn chết ngay trên sông. Sau trận ruồng bố, bắn giết dã man này, lực lượng Liên
hiệp Pháp mà cụ thể là Đại đội 4 của Tiểu đoàn bảo an 513 thanh lọc toàn bộ
thanh niên trong tổng số hơn 600 người bị bắt nhốt ở trường học Bình Thành đem
về nhốt riêng trong đồn Thầy Ba Dĩ. Trước làn sóng đấu tranh của quần chúng
nhân dân buộc kẻ thù phải thả hơn 500 người bị nhốt ở trường học. Số thanh niên
bị thanh lọc giam tại đồn thầy Ba Dĩ sau khi thanh lọc lại lần thứ 2, chúng
trói 24 người lại rồi đưa lên ghe máy chở ra sông Tiền, vòng ngược lên đồn Cái
Tre thủ tiêu vào lúc xế chiều ngày 12 tháng 11 năm 1954. Cuộc đấu tranh của đồng
bào đòi kẻ thù phải cho gia đình các nạn nhân được nhận xác người nhà về chôn
cất diễn ra hết sức quyết liệt, buộc lực lượng Liên hiệp Pháp phải chấp thuận,
riêng 24 người bị giết ở sông Tiền tại đồn Cái tre thì bọn chỉ huy Tiểu đoàn
513 quyết thủ tiêu nhằm giấu nhẹm tội ác của chúng trước dư luận và Tổ Quốc tế
giám sát đình chiến của Ủy hội Quốc tế bằng cách lén lút đào hố gần đồn Cái Tre
(ngay cạnh quốc lộ 30 bây giờ), quẳng xác xuống rồi lấp đất lại. Sau sự kiện
này, để lừa bịp Ủy hội Quốc tế, lực lượng Liên hiệp Pháp bắt 10 người, trong đó
có ông Phan Minh Châu, giải sang giam hơn một tháng ở đồn Cả Xoài nơi Nguyễn
Giác Ngộ đặt tổng hành dinh tại Kiến An - Chợ Mới của tỉnh An Giang, sau đó
giải xuống giam tại Cần Thơ từ tháng 11 năm 1954 đến tháng 5 năm 1955 mới được
thả. Mục đích chúng bắt 10 người về giam tại đồn Cả Xoài và Cần Thơ là nhằm đánh
lừa Ủy Hội Quốc Tế rằng phía lực lượng Liên hiệp Pháp chỉ bắt giữ có 10 người
chứ không phải như đơn tố cáo và không hề có chuyện bắn giết, thủ tiêu nào cả.
Sau
khi thủ tiêu 24 người vô tội một cách dã man tại Cái Tre, nhằm che giấu tội ác đất
không dung, trời không tha ấy, bọn chúng đã bí mật đào xác 24 người chở ra sông
Tiền đổ xuống, sau đó mua cá linh đổ xuống hố lấp đất lại, xem như đây là hầm ủ
cá linh của đồng bào làm phân ươm các loại cây trồng để phi tang nhằm che mắt tổ
Quốc tế đến kiểm tra. Để ngăn chặn việc người dân tìm cách tiếp cận với Ủy hội
Quốc tế và Tổ Quốc tế giám sát đình chiến, lực lượng Liên hiệp Pháp mà cụ thể
là Tiểu đoàn bảo an 513 tìm đủ mọi cách để theo dõi, ngăn lối, chặn đường.
Chúng lập các chốt dọc theo sông Tiền ở xã Bình Thành, không cho người dân tiếp
cận Tổ Quốc tế đang neo tàu ở ngoài sông Tiền (tàu của Tổ Quốc tế giám sát đình
chiến không vào được Bình Thành vì Tiểu đoàn 513 báo là nước cạn và trong bờ
không có dân chúng). Quả là vừa ăn cướp vừa la làng, không thể để cho chúng
giết người man rợ rồi chạy tội một cách dễ dàng như thế! Phải bằng mọi giá báo
cho Tổ Quốc tế giám sát đình chiến biết sự thật. Để qua được mặt bọn khát máu Tiểu
đoàn bảo an 513, nhân dân xã Bình Thành phải cải trang, giả dạng đi vòng xuống
Phong Mỹ rồi qua đò sang xã Mỹ Hiệp - Chợ Mới, An Giang. Từ đây lại ngược trở
lên để ra tàu gặp Tổ Quốc tế giám sát đình chiến đưa đơn tố cáo tội ác dã man
của phía Liên hiệp Pháp, yêu cầu Tiểu đoàn bảo an 513 của lực lượng Liên hiệp
Pháp thực hiện đúng các điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ. Nhận được đơn tố
cáo của đồng bào và các thông báo của Phái đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng
một bức thư gởi ông Chủ tịch Ủy hội Quốc tế lưu động giám sát đình chiến, Tổ
Quốc tế đã đến xã Bình Thành điều tra sự thật vào ngày 09/12/1954. Trong khi Tổ
Quốc tế đang tiến hành điều tra sự thật thì bọn lính Tiểu đoàn bảo an 513 dùng
lưỡi lê đâm chết bà Nguyễn Thị Kỉnh chỉ vì chúng biết bà sắp sửa đưa đơn cho Tổ
Quốc tế. Rồi ngày 28/12/1954, trong khi Tổ Quốc tế đến Bình Thành tiếp tục điều
tra thì kẻ thù lại tiếp tục diễn trò bắt bớ và tra khảo chị Lợi, bà Nga và ông
Cường vì những người này đã đến gặp Tổ Quốc tế. Những gì mà Tiểu đoàn bảo an
513 thuộc lực lượng Liên hiệp Pháp đã làm chứng tỏ chúng không tôn trọng Hiệp định
Giơ-ne-vơ. Tội ác của chúng ngày càng chồng chất.
Nhân
dân mưu trí và dũng cảm đấu tranh nhằm vạch rõ tội ác của lực lượng Liên hiệp
Pháp đối với dân thường, Ủy hội Quốc tế, qua điều tra của Tổ Quốc tế giám sát đình
chiến đã bác bỏ luận điệu xuyên tạc, che giấu, vu khống của phía Liên hiệp Pháp
và kết luận:
"… Bộ tổng chỉ huy các
lực lượng liên hiệp Pháp căn cứ điều 22 Hiệp Định Giơ-ne-vơ, có biện pháp thích
đáng đối với những người chịu trách nhiệm về các hành động vi phạm điều 14
(C)…"
Không
phải 2 năm mà 21 năm sau, lời hẹn thống nhất trong cuộc chia ly màu đỏ cho ngày
thống nhất mới trở thành hiện thực. Ròng rã 21 năm ấy, quân và dân xã Bình
Thành đã kiên trì, bền bỉ đấu tranh vì mục đích hòa bình cho dân tộc, độc lập
cho Tổ Quốc dưới ánh sáng của Đảng. Bia đá đã tạc, bia miệng mãi truyền, hơn năm
mươi năm qua và mãi mãi cùng với sự trường tồn của dân tộc, hậu thế sẽ không
bao giờ quên tội ác man rợ của kẻ thù đối với người dân vô tội đấu tranh cho hòa
bình ở Cái Tre, xã Bình Thành năm 1954. Lớp bụi thời gian có thể khỏa lấp đi
những gì còn vẩn đục nhưng cũng có những con người, những sự kiện, những việc
làm mà giá trị và ý nghĩa của nó càng được khẳng định qua thời gian, sự kiện vụ
thảm sát của giặc ở Cái Tre, xã Bình Thành là một sự kiện như thế ! Đảng, Nhà
nước và nhân dân ta đã ghi nhận công ơn của các nạn nhân trong vụ thảm sát này.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất. Nam -
Bắc sum họp một nhà, ngoài việc ổn định xã hội, cải tạo và phát triển sản xuất,
cùng với việc chăm lo cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương - bệnh binh, gia đình
liệt sĩ và người có công với nước, Đảng
bộ, chính quyền và các ngành chức năng xã Bình Thành đã tiến hành lập hồ sơ về
vụ thảm sát của địch ở Cái Tre và những người đấu tranh bị sát hại gởi về trên.
Ghi nhận sự đóng góp của nhân dân đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ anh dũng,
tất cả các nạn nhân đấu tranh cho hòa bình theo Hiệp định Giơ-ne-vơ bị giặc sát
hại ở xã Bình Thành tháng 11/1954 đều được truy tặng liệt sĩ. Việc làm trên thể
hiện sự tri ân đối với những người xả thân vì nghĩa lớn, là đạo lý "Uống
nước - nhớ nguồn" của dân tộc, được gìn giữ, kế thừa và phát huy trong
thời đại mới.
Không chỉ anh hùng trong chiến tranh vệ
quốc mà nhân dân xã Bình Thành còn cần cù, sáng tạo trong công cuộc tái thiết
và dựng xây quê hương, là địa phương điển hình của huyện, của tỉnh về chủ
trương công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông
thôn. Trải dài từ cầu Phong Mỹ, theo tuyến quốc lộ 30 ngược lên biên giới Hồng
Ngự qua các xã: Bình Thành, thị trấn Thanh Bình, Tân Thạch, An Phong (của huyện
Thanh Bình), Phú Ninh, An Long, An Hòa (của huyện Tam Nông) An Bình A (của
huyện Hồng Ngự) đều có chung một đặc điểm địa lý đó là có một phần đất nằm giữa
quốc lộ 30 và sông Tiền, đây thực sự là lợi thế về mặt địa lý cho cả một vùng đất
trong giao thương nhưng không hiểu tại sao rất ít địa phương phát huy được lợi
thế đó, phải chăng là yếu tố nhân hòa ở một số nơi chưa hội đủ để kết hợp với
thiên thời và địa lợi để tạo nên sức mạnh tổng hợp? Trong khi nhiều dự án ở một
số địa phương trở thành “sân banh” thì ở Bình Thành lại hoàn toàn khác. Chạy
dọc theo quốc lộ 30 chỉ chừng 8km mà Bình Thành có tới 05 công ty đầu tư vào
sản xuất, kinh doanh ở cụm công nghiệp Bình Thành, với sự có mặt của các công
ty lớn như Vĩnh Hoàng, Hùng Cá.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc
gia xây dựng nông thôn mới gắn với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đảng bộ,
chính quyền và nhân dân xã Bình Thành phát huy nội lực, huy động mọi nguồn lực
để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Theo ông Nguyễn Điền Quân, Phó Chủ
tịch Ủy ban Nhân dân xã Bình Thành, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận đông
nên người dân rất đồng tình, họ luôn đồng hành cùng chính quyền trong việc thực
hiện các chủ trương, kế hoạch của xã. Năm 2015, Bình Thành được công nhận xã
nông thôn mới. Hiện tại xã có 04 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật hợp
tác xã kiểu mới, ngành hàng chủ lực của xã là lúa gạo. Nhìn chung các hợp tác
xã nông nghiệp đều hoạt động ổn định. Xây dựng nông thôn mới hay Tái cơ cấu
ngành nông nghiệp đều có chung một mục đích là nâng cao mức sống cho người dân.
Chưa hài lòng nhưng với mức thu nhập lương thực bình quân đầu người/năm của xã
đạt 1.950 kg là cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính
quyền và nhân xã nhà chúng tôi.
|
|