|
Trước tâm tư nguyện
vọng của người dân, thương dân nơi đây rất
vất vả, cơ cực, điều kiện chăm sóc y tế còn hạn chế, đặc biệt bà con cô
bác ở những vùng khó khăn sát biên giới với nước bạn Campuchia, sau khi đoàn
thiện nguyện ở thành phố rút về, có một nhóm y, bác sĩ trẻ ở ngay tại tỉnh nhà
Đồng Tháp đã xúm lại, bàn bạc thống nhất chung tay tiếp tục lo sức khỏe cho dân
nghèo với mong muốn góp chút gì nhỏ nhoi công
sức của mình cho bà con nơi này.
Và Phòng
khám nhân đạo được ra đời từ những suy nghĩ rất đơn giản của nhóm thầy
thuốc trẻ tỉnh Đồng Tháp trong những ngày mênh mông nước năm ấy, được duy trì
liên tục qua các năm cho đến tận ngày hôm nay.
Khó khăn bộn bề, một bác sĩ trẻ trong
nhóm tranh thủ vài phút giải lao khám bệnh cho bệnh nhân chia sẻ: Để có một
phòng khám bệnh khá đầy đủ từ 4 đến 6 bàn bác sĩ khám cùng một lượt như hôm nay
cũng không hề đơn giản. Người đứng khám, về mặt chuyên môn phải có Chứng chỉ
hành nghề, tiếp đến là Giấy phép đủ điều kiện hoạt động (nhà nước quản lý
chuyên ngành). Hai loại giấy quan trọng đầu tiên khi mở “Phòng mạch” đã có người
tình nguyện “bê nguyên xi” qua đây luôn và họ cũng “nghỉ” luôn cái phòng khám tư,
nơi “kiếm cơm” cho gia đình từ ngày ấy, với suy nghĩ đơn giản, thật đáng quí: vừa
riêng và vừa chung thì không thể lo “song hành” được. Sau khi biết mục đích của
nhóm bác sĩ trẻ tổ chức khám thiện nguyện cho bà con, cô bác thì ai cũng mừng
lắm, tôi nghĩ bản thân ai trong lòng cũng sẵn có tấm lòng thiện nguyện nên khi nghe
tin phòng khám bệnh từ thiện, mọi người đều chung tay, góp sức lo cho cái chung
có ý nghĩa vô cùng lớn này.
Do đặt tại Cao Lãnh
nên Ủy ban Thành phố “sẵn lòng” cho chúng tôi mượn cơ sở để đặt phòng khám mà
bao nhiêu năm không hề tính tiền thuê mướn mặt bằng, một chị y sĩ trong phòng
khám cho biết. Nhà nước cũng tạo điều kiện thuận lợi có thể, đó là khám nhân
đạo thì khi Đăng ký kinh doanh được hoàn toàn miễn thuế, đỡ được một khoản lớn
chi phí. Cái chính là thuốc men, thì hai công ty dược lớn trong tỉnh: Imexfarm
và Domesco cung cấp. Khi thiếu một số loại thuốc đặc trị thì lại có sẵn một số
mạnh thường quân (dấu tên) tài trợ tiền, chúng tôi tìm mua nơi nào đảm bảo chất
lượng nhưng rẻ nhất. Tiếp đến là bàn ghế, tủ thuốc đặt trong phòng khám thì Cửa
hàng Út Phố, trại cưa Trung Tín, Cửa hành Vật liệu xây dựng Hữu Tâm ở thành phố
Cao Lãnh tài trợ hết toàn bộ. Đến tận cái nhỏ như những cây dù che bên ngoài,
do bà con đến khám ngày càng đông, thì Cơ sở cà phê Tài Thành đem đến cho
luôn….
Phòng khám tổ chức
khám, cấp thuốc miễn phí cho bà con nghèo mỗi tuần một lần, vào sáng thứ bẩy
hàng tuần, bắt đầu từ 7 giờ sáng cho đến khi nào hết bệnh nhân thì thôi, thường
là hết buổi sáng. Để duy trì phòng khám này, chúng tôi phân công lúc nào cũng
phải có bác sĩ và điều dưỡng túc trực: tuần 1 và 2 trong tháng, các bác sĩ ở
Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp cử người tới, tuần 3 là bác sĩ Bệnh viện Y học Cổ
truyền tỉnh, tuần thứ 4 là bác sĩ ở Bệnh viện Phục hồi Chức năng và Bệnh viện
Quân dân y tỉnh đảm trách. Mỗi buổi khám có từ 4 đến 6 bác sĩ, 15 điều dưỡng và
2 dược sĩ đại học. Cứ theo phân công mà làm. Tất cả với tinh thần tự nguyện. Ai
muốn tham gia thì báo trước, chúng tôi sẽ lên lịch sắp xếp, một bác sĩ trong nhóm
cho biết.
Hỏi thăm về tổ
chức, Hội Liên hiệp Thanh niên thuộc đơn vị Tỉnh đoàn Đồng Tháp đứng ra trực
tiếp quản lý, cấp sổ và số thứ tự khám chữa bệnh, thanh toán tiền mua thuốc
hàng tháng, bác sĩ Lê Trung Nghĩa chịu trách nhiệm chuyên môn cho phòng khám,
dược sĩ Lý Mỹ Dung lo về thuốc men điều trị và y sĩ Nguyễn Thị Lệ Chi sắp xếp
thứ tự khám cho bệnh nhân. Mỗi sáng thứ bẩy hàng tuần phòng khám nhân đạo của
các bác sĩ trẻ ở đây khám được từ 250 đến 300 bệnh nhân. Bình quân tiền thuốc
cấp cho bệnh nhân từ 10 đến 15 triệu một tháng và tầm 150 đến 200 triệu một
năm. Nước uống thì do Công ty Domesco bao miễn phí hết…
Chưa hết, bắt đầu từ khi phòng khám
được mở, có một số người dân ở Cao Lãnh tự thay phiên nấu hủ tiếu, cháo, bánh
canh hoặc bánh mỳ, sữa đậu nành… đem tới phục vụ cho bà con, cô bác. Tầm 8h tôi
tới hỏi một dì đứng giao bánh canh, dì nói hôm nay đã phát ra 600 tô. Có nghĩa
ở đây phát cả cho cô bác và người chở đi khám, phát cho cả những người bán vé
số, bác xe ôm… ăn cho đỡ đói lòng. Có dì mồ hôi nhễ nhại đứng trước một chiếc
xe đẩy to, nặng nề ngoài cổng, phát từng hộp đồ ăn sáng, từng bọc sữa đậu nành.
Gần 10h bà con chưa tới lượt khám cũng được dân tự tổ chức cơm chay mang tới
phục vụ tận nơi. Tất cả những người phục vụ, khi tôi hỏi không một ai chịu cho
biết tên.
Ông Nguyễn Thanh Cả, nông dân ấp 1,
xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười tâm sự: Tôi bị viêm gan mấy năm nay, do ở Cần Thơ
qua mướn đất làm ruộng, không có hộ khẩu ở đây nên gia đình tôi không được cấp
sổ hộ nghèo, không mua được bảo hiểm y tế. Khi biết có phòng khám từ thiện, mỗi
tháng tôi đi xe bus lên đây hai lần khám bệnh, xin thuốc. Mang ơn các bác sĩ ở
đây nhiều, nhiều lắm. Bệnh của tôi nay cũng bớt lắm rồi.
Không ai là chính, ai cũng như
ai, là nhóm bác sĩ trẻ của tỉnh cùng đứng ra làm thiện nguyện và người ủng hộ
tiền mua thuốc khi hết cũng không muốn nói tên tuổi, dược sĩ Lý Mỹ Dung cho
biết. Có nhiều bác sĩ trẻ nhưng tay nghề rất giỏi và nhất là ai cũng hết lòng
vì người bệnh, làm thiện nguyện bằng cả trái tim, không hề phàn nàn hay toan
tính thiệt hơn. Họ mang đến cho chúng tôi nhiều bài học quý giá về chuyên môn,
phong cách làm việc và cả về lòng yêu thương cộng đồng. Gặp một số bệnh nhân nặng
chúng tôi mới chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh xử lý. Các bệnh viện cũng được
“hưởng lợi” khá nhiều từ phòng khám này bởi góp phần giảm được quá tải bệnh
nhân cho các bệnh viện trong tỉnh, bác sĩ Đoàn Tấn Bửu, một trong những người tham
gia nhóm y, bác sĩ phòng khám cho biết.
Những tấm lòng
thiện nguyện thật xúc động, sao mà đáng quí, đáng trân trọng đến thế. Họ cứ
lặng lẽ làm thiện nguyện gần hai mươi năm ở đây nhưng không cần một đồng thù
lao, cũng không muốn cho ai biết tên. Đúng là “khi lòng nhân ái đã đơm hoa”
(nhà báo Trọng Quí đã viết). Có lẽ chỉ do cái “tâm” của họ khi làm được việc
thiện giúp người nghèo, họ sẽ cảm thấy tâm hồn được thanh thản, thoải mái, được
“trả ơn” cuộc đời. Đó là suy nghĩ tôi rút ra được khi đi gặp bà con, cô bác
cùng các y, bác sĩ trẻ thiện nguyện ở ngay thủ phủ của mảnh đất Sen hồng để
viết bài này.
Cám ơn những y, bác sĩ trẻ mang tấm
lòng thiện nguyện.
|
|