|
Nhớ lại năm 2015,
tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm tới 15,46%,
tổng dân số khoảng 20 ngàn người. Lãnh đạo xã đã vận động
cả cộng đồng vào cuộc, đến năm 2018 hộ nghèo trong xã
khi thẩm định vẫn còn cao, tỷ lệ 6,36%, trong khi theo qui định phải 4% thì mới
đạt. Đảng ủy xã luôn đau đáu về tiêu chí
hộ nghèo 11 này trong bộn bề những công việc phải làm. Và một trong những nhiệm
vụ trọng tâm mà Đảng ủy Tân Thạnh đưa ra ngay từ đầu nhiệm kì 2015 – 2020 là
Đảng bộ quyết tâm chỉ đạo thực hiện tốt việc vận động các nguồn lực chăm lo cho
người nghèo, góp phần thực hiện chương trình an sinh xã hội của xã biến chuyển
ngày càng tốt hơn về chất, bởi công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân
dân, “không để bà con nào tụt lại phía sau” cũng là một nhiệm vụ quan trọng
trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, ngoài việc phấn đấu thực hiện
và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ hàng năm và sau một loạt công việc đã
làm, năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn
3,12%,
anh Nguyễn Quang Thi, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thạnh vui vẻ cho biết.
Xuất phát từ lý do trên, trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền, đoàn thể xã Tân Thạnh đã quan tâm, giúp đỡ
các hộ nghèo nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ hộ “nghèo bền vững” và tái
nghèo. Bằng nguồn lực của nhà nước và của toàn xã hội, xã đã thực hiện nhiều
giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, hướng đến thoát nghèo
như: Chú trọng tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cho vay vốn, trợ
giúp đào tạo nghề…. đối với người nghèo, hỗ trợ việc làm tăng thu nhập, tạo
điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội, nâng cao trình độ dân
trí, hỗ trợ người nghèo khám chữa bệnh, mua bảo hiểm y tế, đào tạo và giới
thiệu việc làm cho lao động nông thôn, vận động thanh niên trong độ tuổi lao
động tham gia lao động có thời hạn ở nước ngoài (tính đến nay đã có 66 thanh niên ở xã tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài).
Đảng ủy xã thường chủ động tổ
chức các hoạt động về đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, phát huy
truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam chúng ta "Thương người như thể thương
thân", thường xuyên vận động
các tổ chức, cá nhân ủng hộ để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, bất hạnh ở địa
phương, vươn lên hoà nhập cộng đồng; xây dựng, sửa chữa cầu - đường giao thông
nông thôn, cất nhà tình thương, hỗ trợ học bổng cho những học sinh nghèo vượt
khó học giỏi. Xã đã tích cực vận động
đông đảo các mạnh thường quân trong và ngoài địa phương quan tâm đóng góp xây
dựng quê hương. Chỉ tính riêng 1 năm 2018 số tiền ủng hộ trên 6 tỷ đồng,
như: Xây mới 2 cầu bêtông; Sửa chữa 4 cây cầu gỗ; Vận động
nhân dân hiến đất 4.700m2
để láng nhựa lộ làng nông thôn và mở rộng kênh, mương nội đồng; Thắp sáng đường
quê nông thôn chiều dài 4km; Làm đường bêtông, chiều
dài 1,5km ở các ấp; Rải đá bụi chiều dài 11km; Mua xe chuyển bệnh miễn phí; Xây
dựng 45 căn nhà tình thương….
Tại sao một xã nghèo như Tân Thạnh lại có thể làm “thay da
đổi thịt” nhanh chóng một làng quê như vậy. Và 1 xã chỉ có 4 ấp nhưng cả 4 ấp
đều có tổ từ thiện, sẵn sàng đến với những mảnh đời cơ nhỡ với tâm nguyện “lá
lành đùm lá rách”? . Có thể khẳng định công tác tuyên truyền là một trong những
biện pháp quan trọng hàng đầu của vận động quần chúng bởi vì có tuyên truyền
vận động tốt thì việc gì cũng thành công, nó tác động đến lý trí, tình cảm,
hành động của mọi người. Có dịp gặp các tổ trưởng từ thiện của các ấp trong xã,
tôi thật xúc động nghe các chú tâm sự và tôi hiểu ra một điều, tại sao ấp nào
của xã cũng làm từ thiện, trong đó nổi lên vai trò và trách nhiệm của cá nhân
người đứng đầu xã – tôi muốn nhắc đến Bí thư Đảng ủy xã Tân Thạnh, Nguyễn Quang
Thi.
Giới thiệu cho tôi về chiếc
xe cứu thương từ thiện của xã, ông
Lê Văn Đùm sinh năm 1968 tại ấp
Trung, là tổ trưởng điều hành và là tài xế trực tiếp chạy xe cho biết: Cái xe 9
chỗ này trực tiếp do Bí thư Nguyễn Quang Thi và các Đảng ủy viên của xã phân
công nhau trực tiếp đi vận động các mạnh thường quân trong xã được gần 700
triệu đồng mới mua được. Đó là loại xe chuyên dụng để chuyên chở bệnh nhân.
Trên xe có trang bị đầy đủ bình ô xy, băng ca…. Bà con nghèo chỉ cần alô là tôi sẵn sàng khăn gói lên đường không kể ngày đêm, không
cần tiền bạc. Cứ mỗi tháng bình quân xe chở được 30 bệnh nhân từ xã lên bệnh
viện huyện, tỉnh, lên tới thành phố Hồ Chí Minh. Xăng dầu chạy xe thì xã cũng
đi vận động các mạnh thường quân. Đảng ủy phân công đồng chí Đảng ủy viên phụ
trách trực tiếp theo dõi xăng dầu, lệ phí trên đường, bệnh nhân chuyên chở,
tiền ủng hộ của các mạnh thường quân vận động... Chính sự công khai, minh bạch
trong mọi chi phí nên ai cũng sẵn sàng ủng hộ. Bà con mừng lắm, cái xe chuyển
viện này như là “cứu cánh”, như “cái phao cứu sinh” cho những gia đình nghèo
khổ, bà Trần Thị Hà bị ung thư giai đoạn cuối, một trong những bệnh nhân được
chở đi cấp cứu trong chiếc xe này ứa nước mắt nói với chúng tôi.
Tôi gặp tổ trưởng tổ
cấp gạo từ thiện là một ông già
đã ngoài 70 tuổi ngụ tại ấp Nam. Đó
là ông Chưa, dù cuộc sống chỉ mới tạm ổn định nhưng ông vẫn làm thiện nguyện với tinh thần “Một nắm khi đói bằng một gói khi
no”. Được lãnh đạo xã Tân Thạnh ủng hộ, tạo mọi điều kiện và luôn hỗ trợ khi
chúng tôi làm việc thiện cho bà con, cô bác. Việc làm có ý nghĩa này đã tiếp
giúp cho những mảnh đời khốn khó, chúng tôi vui lắm chị à. Nguồn gạo phát cho
cô bác được vận động bởi nhà từ thiện Phú Cường và các thành viên trong tổ đóng
góp 150 ngàn/người/năm, tính ra 5-6 tấn gạo mỗi năm và số tiền thu được từ 8-10
triệu đồng, thường xuyên cấp cho 44 hộ nghèo trong xã. Đó là những hộ nghèo,
không nơi nương tựa, không đất cát, mất sức lao động, hay bịnh hoạn ốm đau… do
tổ, ấp và xã đưa ra bình xét. Gạo mỗi hộ được nhận 10kg/tháng. Ngoài ra chúng
tôi còn cấp thêm cho người bệnh nặng số tiền 500 ngàn, người chết trợ cấp cho
gia đình 200 ngàn/1 trường hợp. Đầu tiên chỉ có 30 thành viên, nay tăng lên 103
bà con rồi. Chúng tôi sẽ làm hoài khi còn sống. Khi “nằm xuống” các con cháu sẽ
tiếp tục….
Còn ông Phạm Văn Út Em, sinh năm 1961 tại ấp Tây, Tổ
trưởng Tổ cất nhà tình thương cho biết, được lãnh đạo xã ủng hộ,
chúng tôi bắt đầu cất nhà cho bà con từ năm 2017. Với tinh thần "Bầu ơi thương lấy bí cùng”, Tổ có 20 thành viên. Tiền vật liệu làm nhà anh
em trong Tổ đóng góp và vận động bà con cô bác bán rẻ, ủng hộ thêm, mỗi người
một ít, “tích tiểu thành đại”. Bởi ai cũng thấy anh em làm việc thiện, lo cho
bà con nghèo, cơ nhỡ, những gia đình phải ở những nhà tranh vách lá, nghèo quá,
không tự lo được cái nhà kín đáo tránh mưa, che nắng nên rất ủng hộ. Chỉ 2 năm,
chúng tôi đã cất được 20 căn nhà và sửa một số căn đã xuống cấp. Mỗi cái diện
tích 4x8m. Còn nữa, thời gian qua chúng tôi cũng cất 2 cây cầu mới, sửa 5-6 cây và đóng sẵn 25-30 cái hòm, mỗi cái
giá trị từ 3-4 triệu đồng, gia đình nào khó khăn có người mất, không lo được,
chúng tôi cấp hòm cho chôn cất, người chết cũng yên lòng nhắm mắt.
Ở ấp Bắc còn tổ cất nhà tình thương do ông Phạm Văn A (Ba A)
làm tổ trưởng, hoạt động cũng nhiều năm nay. Ông cho biết gần đây do “nhà
tranh, vách lá” trong ấp bớt dần đi nên trong hai năm 2018, 2019 Tổ cất được 20
căn nhà mới cho cô bác, mỗi căn chi 20 triệu đồng cùng tiền gia đình góp thêm.
Lãnh đạo xã luôn đồng hành cùng chúng tôi và kịp thời tháo gỡ những khó khăn,
vướng mắc trong quá trình Tổ xây cất nhà cho bà con.
Bởi công tác vận động và việc làm của Đảng ủy và lãnh đạo xã rất cụ thể, rõ ràng, công khai, anh Thi chia
sẻ, cho nên người dân thấy việc làm này có ý nghĩa, hữu ích cho xã hội và cho
những người nghèo, nên cô bác tự nguyện, luôn sẵn lòng tham gia vào các tổ từ
thiện của ấp mình. Tôi cứ lặng đi khi nghe bà con kể về những tấm lòng vàng nơi
đây ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. “Hạnh phúc là được sẻ
chia”, họ đã nghĩ và làm như thế. Cám ơn Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Quang Thi,
người luôn tận tâm, luôn đau đáu, sẵn sàng chia sẻ những vui buồn với bà con,
cô bác ở mảnh đất còn nhiều khó khăn vùng ven Tân Thạnh này.
P.T.T
|
|