|
Xã An Hiệp có 05 ấp là An Thuận, An Thạnh,
Tân Thạnh, An Hòa và Tân Hòa. Đời sống của người dân An Hiệp chủ yếu là sống bằng
nghề nông, đến nay địa phương đã đầu tư xây dựng được 10 ô bao bảo vệ vững chắc
367ha. Người dân An Hiệp chủ yếu sản xuất hoa màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy
sản. Đất đai màu mỡ, người dân lại cần cù, chịu khó nên lợi nhuận từ đất đai
mang lại cho người dân An Hiệp rất lớn nhưng ở xứ cù lao này, năm nào người dân
cũng chịu ảnh hưởng do sạt lở gây ra. Thiệt hại nặng nề nhất là năm 2011 lên tới
7 tỷ 600 triệu đồng với diện tích đất mất do sạt lở 56.900m2. 
Một chốt cứu hộ ở xã An Hiệp
Đề cập đến công tác phòng chống thiên
tai ở địa phương, Ông Bùi Văn Bính - Chủ tịch UBNN xã An Hiệp, Trưởng Ban phòng
chống lụt bão của địa phương - cho biết: Phòng chống thiên tai, đặt biệt là nạn
sạt lở đất đã trở thành một nhiệm vụ định hình trong kế hoạch hàng năm của địa
phương. Không có năm nào xã chúng tôi không đối mặt với thiên tai, ít thì một,
hai dợt, có năm lên tới năm, bảy lần sạt lở, thiệt hại về kinh tế là rất lớn
nhưng nhờ làm tốt công tác “phòng bệnh hơn trị bệnh” nên không có thiệt hại về
người. Đó là cái được lớn nhất trong công tác phòng chống thiên tai của địa
phương.
Để làm tốt công tác phòng chống thiên
tai và khắc phục tình trạng “Nước xa không cứu được lửa gần” xã An Hiệp đã
thành lập 08 chốt cứu hộ cứu nạn trực thuộc Ban chỉ huy phòng chống lụt bão,
tìm kiếm cứu nạn của xã với sự tham gia của 143 thành viên là hội viên của tổ
chức Hội Chữ thập đỏ. Chốt cứu hộ, cứu nạn là mô hình nhằm mục đích cụ thể hóa
phương châm: 4 tại chỗ - lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ
và hậu cần tại chỗ - được thực hiện theo lộ trình: khi có dấu hiệu thiên tai do
tổ trưởng phụ trách chốt báo cáo thì trưởng ấp báo cáo ngay về Ban chỉ huy
phòng chống lụt bão xã, ngay lập tức các thành viên của Ban chỉ huy được triệu
tập có mặt tại hiện trường để phối hợp với cơ sở thực hiện các giải pháp nhằm
giải quyết các tình huống xấu đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng của người dân.
Các thành viên tham gia chốt cứu hộ hàng năm đều đươc tập huấn về kiến thức, kĩ
năng phòng chống thiên tai, đủ điều kiện để xây dựng phương án ứng phó với các
loại hình thiên tai như bãolũ, giông lốc, sạt lở đất…nhằm hỗ trợ người dân sơ
tán đến nơi an toàn, tìm kiếm cứu nạn, sơ cấp cứu tại chỗ khi có sự cố, giúp đỡ
người già, trẻ em, sơ tán tài sản người dân đến nơi tập kết an toàn. Khi thiên
tai đi qua, chính họ lại là lực lượng phối hợp có hiệu quả nhất cùng lực lượng
công an và dân quân tự vệ địa phương tổ chức cứu trợ, giúp dân sửa chữa nhà cửa,
vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống cho các đối tượng bị
ảnh hưởng của thiên tai. Là người trong cuộc, ông Cao Đường Láng, 79 tuổi ở khu
dân cư xã An Hiệp nhớ lại vụ sạt lở kinh hoàng năm 2011: Cả nhà, cả xóm đang
sinh hoạt bình thường thì thấy cán bộ xã, cán bộ ấp và các thành viên của chốt
cứu nạn đến thông báo phải di dời ngay đến nơi an toàn. Theo sự phân công của
Ban chỉ huy, nhóm thì dẫn người về nơi trú ngụ an toàn, nhóm thì vận chuyển đồ
đạc của các gia đình về nơi tập kết, tất cả đều khẩn trương, công việc vừa xong
xuôi đâu vào đó thì ai nấy đều giật mình khi nhận được tin gần 60 công đất ở
khu vực bờ sông bị sạt lở, gây ảnh hưởng cho 71 hộ dân trong đó có tới 45 gia
đình bị mất nhà, mất đất. Sau thảm họa đó, bà con chúng tôi đươc xã cho vào định
cư tại khu dân cư này. Nếu không được sự giúp đỡ của Ban chỉ huy phòng chống lụt
bão của xã thì không biết số phận chúng tôi sẽ như thế nào? Ở đời chẳng có ân huệ
nào lớn hơn ơn cứu mạng!
Cụ thể hóa phương châm 4 tại chỗ bằng
mô hình chốt cứu hộ cứu nạn kết hợp với việc phát huy sưc mạnh cộng đồng trong
công tác phòng chống thiên tai ở An Hiệp thật sự là một giải pháp hữu hiệu để
các địa phương tham khảo và vận dụng vào thực tế nhằm khắc phục thiệt hại về
người từ thảm họa do thiên tai gây ra. Theo ông Võ Văn Tài - công chức địa
chính, nông nghiệp, xây dựng và môi trường - Phó trưởng ban phòng chống lụt
bão, tìm kiếm cứu nạn xã An Hiệp thì ngoài lực lượng chính là các thành viên
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của xã, lực lượng tham gia chốt cứu nạn ở các ấp
còn có một lực lượng rất quan trọng đó là sự tham gia tự nguyện của người dân ở
tất cả 05 ấp. Với Đảng bộ, chính quyền và Ban chỉ huy phòng chống lục bão, họ
thực sự là tai, mắt cung cấp cho các chốt, Ban nhân dân ấp và Ban chỉ huy phòng
chống lụt bão những thông tin kịp thời, chính xác. Khi xảy ra sự cố thì họ lại
là lực lượng nòng cốt để ứng phó với thiên tai hiệu quả và an toàn nhất. Vai
trò của cư dân trong cộng đồng đã phát huy hiệu quả thiết thực trong công tác
phòng chống thiên tai vì họ là đối tượng chịu tác động trực tiếp do thiên tai
gây ra.
|
|