|

Các thành viên của Bếp ăn Khuyến học
Nằm
trên địa bàn khóm Tân Đông B, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, Bếp ăn
Khuyến học từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều học sinh và người
dân tại đây. Chúng tôi đến thăm bếp ăn cũng là lúc mọi người ở đây đang tất bật
nấu nướng, cắt gọt rau củ, chuẩn bị bữa cơm trưa cho học sinh như thường ngày.
Dù cực nhọc nhưng trên môi họ tôi thấy không thiếu những nụ cười. Trước sân,
liên tục các xe chở rau củ quả đến biếu bếp ăn. Quanh tôi đều là những nụ cười
từ người nhận, đến người cho. Để bếp ăn được duy trì và phát triển như hiện tại,
ngoài sự quan tâm của nhà trường, chính quyền địa phương, của Hội chữ Thập đỏ địa
phương, còn có những tấm lòng hảo tâm của các mạnh thường quân gần xa. Những cựu
giáo chức và những người dân, không chỉ góp sức, góp của – họ còn là những “đầu
bếp” nghiệp dư với tấm lòng đáng kính trọng cùng trái tim luôn hướng về các em học
sinh và những người dân có cuộc sống khó khăn.
Mỗi
“đầu bếp” ở đây có một hoàn cảnh sống, điều kiện khác nhau, người lớn tuổi có,
trẻ tuổi có, không phân biệt việc chung, việc riêng, theo lịch phân công của tổ,
các đầu bếp ấy lại sắp xếp công việc gia đình, tranh thủ dành một buổi để toàn
tâm nấu ăn cho các em.
Nghe ông Lê Văn Nhân, Phó Ban điều
hành bếp ăn kể: “Ban đầu khi mới thành lập các Bếp ăn Khuyến học gặp rất nhiều
khó khăn, đó là việc thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và tài lực. Sau
này thấy được việc làm của mình giúp được nhiều người, chủ yếu là các em học
sinh có hoàn cảnh xa nhà, khó khăn có bữa ăn tử tế nên bếp ăn được chính quyền
địa phương, nhà trường giúp sức, tạo điều kiện mở rộng để học sinh có chỗ ăn
uống tươm tất, rộng rãi và khang trang như bây giờ. Từ đó, Bếp ăn Khuyến học cũng
nhận được nhiều sự chung tay của mạnh thường quân, bà con gần xa cũng tự nguyện
đến để hỗ trợ nấu nướng nhiều hơn”.
Vượt qua những khó khăn, chật vật
của buổi đầu, bằng lòng nhân ái của mọi người, qua thời gian tấm lòng ấy lại
được nhân lên gấp nhiều lần, đến nay, các thành viên của Bếp ăn Khuyến học đã
có hơn 80 người, được chia làm 9 Tổ nấu, mỗi tuần các tổ thay phiên nhau nấu
nướng, phục vụ học sinh và tích cực tự nguyện tham gia đóng góp công sức, thời
gian và tài vật để phục vụ bếp ăn. Còn tổ vận động nguồn lực thì chịu trách
nhiệm vận động các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh để duy trì nguồn kinh
phí chính phục vụ bếp ăn.
“Số tiền chúng tôi nhận được hỗ trợ
từ các mạnh thường quân mỗi năm từ 180 triệu – đến 200 triệu đồng, khẩu phần cũng
tăng, từ vài chục phần đến nay đã lên đến 200, 300 phần. Mỗi quý, các khoản chi
phí hoạt động đều được Ban điều hành bếp ăn ghi chép cẩn thận rõ ràng, vì
phương châm của chúng tôi là “tự nguyện, tự cân đối thu chi, minh bạch, rõ
ràng”, có vậy mới đáp lại lòng tin của những nhà hảo tâm đối với bếp ăn…” – Ông
Nhân cho biết thêm.
Có
đến bếp ăn mới thấy hết sự cực nhọc của mọi người nơi đây, bất kể những ngày
mưa bão, hay nắng nóng đến rát cả da thì bếp ăn vẫn bập bùng ánh lửa làm ấm
lòng những “thực khách đặc biệt” bằng những bữa cơm vô cùng tươm tất. Với họ
không gì hạnh phúc hơn khi thấy những gương mặt ngây thơ của các em học sinh
vui vẻ, no lòng sau giờ tan lớp.
Cô Lê Thị Liệp – Tổ trưởng tổ 4 của bếp ăn vui
vẻ cho biết: “Tôi làm đầu bếp từ khi bếp mới thành lập, tôi có nhiệm vụ lên
thực đơn cho 1 tuần của Tổ, đúng 5 giờ sáng là tôi có nhiệm vụ đi chợ, rồi về
cùng chị em nấu nướng cho kịp giờ. Tuy có cực nhưng mà vui. Mỗi ngày, thấy bữa
ăn của các em thêm tươm tất chúng tôi phấn khởi lắm, có ăn ngon tụi nhỏ mới có
sức để học. Ngoài số tiền 1,5 triệu được Ban điều hành cấp để mua rau củ, gạo
thóc thì chúng tôi còn tự bỏ tiền túi và vận động thêm mạnh thường quân để bữa
ăn của các em thêm phong phú hơn. Chúng tôi đến đây nấu bằng tấm lòng chớ không
phải chỉ nấu cho xong”.
Trò chuyện cùng chú Nguyễn Văn Hùm,
năm nay chú đã 74 tuổi, mọi người nói vui chú là đầu bếp chính vì chú giữ nhiệm
vụ rất quan trọng là canh “ông Táo” cho nồi cơm. Tuy đã lớn tuổi nhưng trông
chú vẫn còn dẻo dai lắm. Quệt nhanh những giọt mồ hôi trên mặt, chú vui vẻ nói:
“Tôi đứng bếp được 3 năm rồi cô ơi. Tuy nhà cách bếp ăn cũng 5, 6 cây số nhưng
ngày nào tôi cũng đến sớm đến mở cửa, nhóm bếp, nấu cơm. Thấy mấy đứa nhỏ ăn
cơm ngon là tôi vui dữ lắm, quên hết cực khổ hà, tôi coi mấy đứa nhỏ như cháu
của mình, lỡ ngày nào gạo lạ không hiểu ý, cơm nấu ra khô hoặc nhão, mấy đứa ăn
không ngon thì tôi cũng bứt rứt lắm, nghiên cứu để nấu cho ngon mới được…”.
Đúng 10 giờ 50 phút, là lúc các thành
viên trực bếp ăn bận rộn nhất. Tất cả vào vị trí sẵn sàng. Trên quầy của căn phòng phát cơm, đồ ăn đã được
dọn lên với nhiều món chay như: chính là đậu hủ kho, đồ chiên, đồ xào, một vài
loại canh… tuy tất cả đều là đồ ăn chay nhưng nhìn rất bắt mắt lắm, nhiều màu
sắc, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, giúp các em vững bụng sau những giờ học căng
thẳng. Khi tiếng trống trường điểm giờ tan học, các em học sinh ùa vào phòng ăn
hệt như “đàn ong vỡ tổ”. Có đến hai trăm, ba trăm em học sinh từ các trường đến
đây dùng cơm và đương nhiên mỗi ngày đều đặn như vậy…
Cơm được bới ra từng dĩa. Các em tự
lấy đũa, muỗng và dọn ghế cho mình, phút chốc cả phòng ăn rộng lớn không còn một ghế trống nào.
Tiếng chuyện trò, cười nói hòa cùng tiếng lanh canh đũa bát. Các cô chú phục vụ
cơm, thức ăn cho các em cũng tất bật lấy thêm đồ ăn cho “thực khách” rất tận
tình. Còn các em cũng học được cách tự phục vụ không làm phiền thêm người khác
là khi dùng cơm xong tự mang ghế của mình đi dẹp, mang dĩa của mình đi rửa rất trật
tự và cẩn thận.
Em Thanh Trúc, học sinh lớp 11A9 Trường THPT Thanh Bình
1, vui vẻ nói: “Mỗi ngày em đều đến đây ăn, cô chú thương tụi em lắm, món ăn
thay đổi hàng ngày, lại rất ngon nữa. Nhà em ở xa nên em ở lại trường học buổi
chiều luôn, nhờ có bếp ăn của các cô chú mà em được no bụng để chuẩn bị cho giờ
học buổi chiều…”.
Chúng tôi nán lại bếp ăn sau khi các em học sinh đã về
thì ở một góc bàn khác cô học trò dáng người nhỏ nhắn tên Phương Mai cũng là
học sinh của trường. Sau khi dùng cơm xong, thấy em vẫn còn nán lại bàn ăn và lấy
tập ra ôn bài. Hỏi thăm hoàn cảnh, Mai chia sẻ: “Nhà em ở xa, gia đình khó
khăn, nhờ bếp ăn mà có bữa cơm ngon, cha mẹ đỡ lo cho em hơn. Các cô chú rất
tận tình, chu đáo lo cho các em, nếu không có các cô chú, không có bếp ăn thì
việc đến trường của em sẽ khó khăn lắm…”.
Bếp ăn nằm ở vị
trí thuận lợi, xe cộ đông đúc, gần trường học, gần bệnh viện nên ngoài các em
học sinh đến ăn cơm trưa còn có những người dân có hoàn cảnh khó khăn, người
bán vé số, người thân nuôi bệnh trong bệnh viện… Thấy người phụ nữ đang dọn dẹp
bếp ăn, tôi đến gần hỏi thăm. Chị tên là Trần Thị The, đang nuôi mẹ tại bệnh
viện Đa khoa huyện Thanh Bình cho biết: “Tôi nuôi mẹ bệnh cũng mấy tuần nay, những
khi lo mẹ xong tôi hay lại bếp ăn làm tiếp mọi người những việc lặt vặt và dùng
cùng cô chú ở đây, các anh chị, cô chú ở đây rất nhiệt tình, vui vẻ, nhờ bếp ăn
mà tôi đỡ được một phần chi tiêu trong ăn uống, dành tiền để chữa bệnh cho mẹ”.
Bữa cơm của các thành viên trong bếp ăn bắt đầu khi các
em học sinh đã quay lại trường, trong mâm cơm mọi người lại quây quần vui vẻ
như những người thân trong gia đình, câu chuyện của họ lại chỉ xoay quanh các việc
của bếp ăn, dặn dò nhau chuẩn bị những gì cho ngày nấu hôm sau, sắp xếp thế nào
để các em không phải đứng đợi lâu…
Thật đẹp biết bao khi trong cuộc sống của chúng ta luôn có
những tấm lòng nhân ái, luôn sẻ chia và yêu thương nhau đến tận cùng như vậy. Và
tôi tin rằng “căn bếp yêu thương” ấy sẽ sống mãi trong lòng các thế hệ học trò
đã, đang và từng đến đây. Cơn mưa chiều cũng vừa ngưng để chúng tôi nói lời chia
tay với các cô chú ở đây – “Những người giữ lửa” với tấm lòng nhiệt huyết. Mong sao những câu chuyện về tình người đẹp đẽ ấy sẽ ngày
càng lan tỏa rộng rãi đến nhiều nơi hơn nữa.
|
|