|
Nói về quá hình thành
và phát triển Điện ảnh tỉnh nhà, ông Hồ Minh Quang (Năm Quang), và một số cán
bộ lâu năm có mặt từ khi manh nha xây dựng lại ngành này tại tỉnh kể: Giữa năm
1961, hai đồng chí Tám Ánh và họa sĩ Thới An hợp tác làm phim đèn chiếu (lúc đó
gọi là Ảo đăng). Máy chiếu nhờ bên Công Trường tỉnh gò bằng tôn, đầu lắp hai
tấm kính lúp, chỉ vặn vô vặn ra để lấy độ nét. Nói về máy chiếu lúc ấy, các anh
dùng đèn măng sông phát sáng, phía trước đặt một ly nước trong để tăng độ sáng.
Đồng chí Tám Ánh dùng máy thùng, lắp bộ phận chụp phim cỡ 24x36 ly vào phía sau
để chụp. Phim làm ra, in mỗi cuộn theo từng chủ đề (kịch bản), như: Giới thiệu
cảnh đẹp đất nước, các di tích lịch sử, tội ác của địch, về phong trào đấu
tranh chính trị trực diện đòi các quyền dân sinh dân chủ, để dân tự do đi lại
làm ăn, cảnh địch ném bom bắn phá vùng giải phóng, … Họa sĩ Thới An vẽ tranh
theo từng cốt chuyện. Anh Tám Ánh dùng máy thùng, chụp phim. Tráng xong, dùng phim
âm bản đó cuộn sát cuộn phim âm bản khác, cho ánh sáng vào từng kiểu, tráng
cuộn phim đó thành phim dương bản. Sau đó anh tô màu chiếu lên thành phim màu.
Lần đầu tiên cán bộ và nhân dân vùng giải phóng được xem phim đèn chiếu, thấy
ảnh Bác Hồ, dù chưa thật đẹp lắm nhưng ai nấy đều xúc động dâng trào, tin tưởng
vào cách mạng, tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Để buổi chiếu phim thêm hấp dẫn
người xem, đồng chí Trần Hựu viết lời thuyết minh, có hai giọng đọc vừa nam vừa
nữ, có nhạc đệm do Đoàn Văn công đàn, thu vào băng ghi âm. Ảnh nào phóng lên
màn bạc phải khớp với lời thuyết minh và nhạc đệm để người xem hiểu và thích
thú. Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy thành lập đội Ảo đăng (đèn chiếu) do Bùi Ngọc Ảnh
(Năm Mến), cùng Ba Vân, Tư Đức… mang đến từng xóm ấp, đêm đêm chiếu phục vụ
nhân dân. Trong hoàn cảnh chiến tranh, hưởng thụ văn hóa còn thiếu thốn, việc
làm phim và chiếu Ảo đăng tuy rất thô sơ nhưng đáp ứng phần nào nhu cầu văn hóa
của nhân dân, được mọi người rất hoan nghênh, ủng hộ.
Tháng 3/1963, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy
được Ban Tuyên huấn khu trang bị cho một máy chiếu phim 16 ly, chính thức điều
động Minh Quang (Năm Quang), Lê Hà từ nhà in, rút thêm Lê Văn Dãnh (Minh Châu),
Ba Khỏe (thợ máy nổ), Sĩ, Hùng và Hoanh ở Nhị Mỹ, thành lập Đội điện ảnh do
Minh Quang làm đội trưởng. Các đồng chí đi nhận máy chiếu ở Long An và Khu có
cử thêm đồng chí Chín Thanh về hướng dẫn sử dụng máy chiếu. Đêm chiếu phim ra
mắt đầu tiên ở sân nhà ông Năm Văn thuộc Kinh Nhứt. Dù là phim đen trắng và
nghe qua lời đọc trực tiếp của người thuyết minh nhưng ai nấy đều thích thú,
sung sướng.
Năm 1965 tình hình chiến trường ngày
càng ác liệt. Ở tỉnh Kiến Phong máy bay phản lực B.57, F105… thường xuyên ném
bom đánh phá vùng giải phóng, hủy diệt một số nơi (như kinh 3 Mỹ Hòa hay xã Thanh
Mỹ…), chị Nguyễn Thị Kế (Minh Phượng) thuyết minh đội chiếu phim bị trực thăng
bắn hy sinh ngay ở xã Thanh Mỹ trong đợt này. Một tổn thất nặng cho Đội chiếu
phim. Đón xuân 1966, tình hình chiến sự ngày càng ác liệt hơn so với mấy năm
trước nhưng trong vùng giải phóng dân vẫn bám đất bám vườn. quân dân tỉnh nhà
bước đầu đánh trả có hiệu quả chiến tranh cục bộ của Mỹ, không khí đón tết vẫn
vui. Buổi tối, Đoàn Văn công, đội chiếu bóng vẫn chiếu và biểu diễn phục vụ bà
con, cô bác; có một số binh sĩ mặc thường phục đi xuồng, đi bộ qua nhiều cây số
vào vùng giải phóng chung vui với bộ đội và nhân dân. Lúc này đội chiếu phim đã
được cấp máy chiếu có phát ra tiếng và định kỳ các đồng chí mang phim cũ đổi
phim mới về chiếu phục vụ nhân dân, cán bộ, chiến sĩ. Mùa khô các đồng chí làm
đòn khiêng máy nổ, máy chiếu đi các nơi phục vụ. Chiếu xong, trong đêm phải
khiêng vác về nơi ở chôn giấu máy. Mùa nước dùng xuồng đặt máy nổ, máy chiếu và
xóc cây căng màn bạc trên mặt nước. Bộ đội và nhân dân tới ngồi xem trên xuồng.
Có bố trí người gác máy bay, khi báo động thì tắt đèn, máy bay qua lại tiếp tục
chiếu.
Ngày 4 tháng 8 năm 1969 địch đổ quân
bằng trực thăng vào kinh Xáng Xéo gần ngã tư Kinh Nhứt, chúng kéo tới nơi Đội
chiếu phim đóng sau nhà Hai Sự, Năm Khì, sục sạo phát hiện nơi giấu, lấy được
máy chiếu phim. Chỉ còn lại máy nổ, Đội chiếu phim phải dừng hoạt động. Sau khi
mất máy chiếu, Ban Tuyên huấn thành lập Đội Tuyên truyền xung kích do Minh
Quang làm đội trưởng, có các đồng chí Tám Thanh, Mười Tâm, Thanh Dẫn và Tăng ở
Văn phòng Tỉnh ủy bổ sung. Sau đó Hồ Văn Sang (Minh Quang) bị nổ lựu đạn gài ở
Mỹ Thọ phải cưa một cánh tay và bàn tay còn lại bị mất hết các ngón.
Cuối 1971, Khu cấp cho Tỉnh 1 máy
chiếu khác. Các đồng chí lên Campuchia nhận về. Có máy, phim mới, năm 1972 tuy
vùng giải phóng còn hẹp nhưng đội cũng tổ chức những buổi chiếu phim phục vụ.
Các bộ phim được chiếu hồi ấy bộ đội và nhân dân rất thích, như: Nổi gió, Lửa
trung tuyến, Chung một dòng sông, Lửa hận rừng dừa, đặc biệt phim màu hoạt hình
Đêm trăng rằm ca ngợi tình chung thủy Bắc - Nam…
Sau ngày giải phóng,
thành lập Công ty quốc doanh chiếu bóng trực thuộc Ty Thông tin Văn hóa do
Nguyễn Văn Mười làm Giám đốc, Đội chiếu bóng chuyển sang thời kỳ cách mạng mới:
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Nhìn lại cả quá trình
hoạt động, Đội chiếu bóng là bộ phận luôn phải mang vác cồng kềnh, nặng nề khi
di chuyển, bị địch đánh phá có lúc trắng tay nhưng anh em đều cố gắng vượt qua,
hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó trong những năm kháng
chiến chống Mỹ cứu nước.
|
|