Tuấn
hoàn toàn hài lòng với kế hoạch của mình. Xong vụ này, cả tiểu đoàn
Việt Cộng lần lượt kéo nhau ra đầu hàng thì hổng chừng mình thêm một
bông mai nữa trên vai áo. Nghĩ tới đó, Đặng Văn Tuấn vừa dẫn chiếc xe
bóng lộn của mình ra sân nổ máy vừa huýt sáo giòn giã.
Năm
Lợi suốt cả buổi sáng từ khi có lệnh nhập tổ công vụ của mình vào chi
cảnh sát quận không mở miệng nói một lời nào nhưng trong lòng thì đầy
uất ức. Y biết từ nay mình không còn được tự do tung hoành như trước
nữa. Nhưng nhất là cái chuyện tò tí te với đàn bà thì tuyệt đối từ hồi
nào tới giờ, Năm Lợi không hề nghe đại uý Thành nhắc tới. Hay nói đúng
hơn là anh ta không hảo ba cái thứ này. "Được thôi, mày muốn ông theo
mày thì cũng không sao. Nhưng ràng buộc ông vừa vừa thì ông còn ở lại.
Làm quá, ông phóng về Sài Gòn thì đố cha thằng nào giữ được ông". Năm
Lợi tự hài lòng với ý nghĩ của mình nên nhếch mép cười.
*
* *
Nhìn
Tới đang ngủ ngon lành, mấy lần Sáu Thi định gọi cậu liên lạc mình dậy
mà không đành. "Tội nghiệp, hai ngày một đêm rồi có ngủ được miếng nào
đâu. Cứ đi tới đi lui suốt như con thoi". Nhưng sực nhớ đến công việc
quan trọng, Sáu Thi cố nén lòng mình lại.
- Dậy ! Dậy đi cháu ! Chú có việc phải cần đến cháu.
Tới bật dậy như một chiếc lò so. Đang ngáy khò khò, cậu ta tỉnh ngay như sáo.
- Chú chờ con rửa mặt một cái.
Vừa nói nó vừa nhảy phốc xuống bộ vạt tre. Thoáng một cái, tất cả đã sẵn sàng.
-
Con đem công văn này sang tiểu đoàn đưa chú Tư Thành. Nói với Tư Thành
phải xem liền. Bằng mọi cách con phải tới tiểu đoàn ngay trong đêm nay.
Được không ?
- Dạ, được. Chú cứ yên tâm. Con ngủ bao nhiêu đó là có thể thức liền hai đêm nữa rồi.
-
Nhớ cẩn thận nghe cháu. Nếu không gặp được Tư Thành thì phải chờ. Không
được giao bất cứ một người nào trong tiểu đoàn hết nghe rõ chưa !
Sáu
Thi theo chân Tới bước ra ngoài, đứng nhìn theo cho tới khi Tới đi
khuất hàng gáo sau bờ kinh, ông mới quay vô nhà. Hai Đính đã ba ngày nay
xuống củng cố lại tình hình đảng viên đang bám trụ các xã chưa về. Quy
và mấy đứa ở đội bảo vệ huyện kéo nhau ra sau đám tràm bên kia bờ kinh
luyện tập võ nghệ từ sáng sớm. Xung quanh cơ quan huyện uỷ vắng tanh.
Tranh thủ thời gian rảnh, Sáu Thi ngồi đọc các chỉ thị của Khu vừa nhận
được tuần trước để triển khai cho các bí thư xã. Nhất là những ý kiến
chỉ đạo và biện pháp thực hiện của trung ương Đảng cho các khu uỷ đòi
địch tiếp tục thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ. Càng đọc, Sáu Thi càng thấy
những việc phải làm trước mắt còn vô cùng nặng nề. Nhất là làm cho cán
bộ và nhân dân nhận thức đúng mức những âm mưu thâm độc của địch. Vẫn
còn nhiều nơi không những nhân dân mà cán bộ đang hoang mang dao động
lắm. Mới hôm qua ông đã nhận được hàng loạt tin không vui báo về. Đã
xuất hiện rải rác nhiều trường hợp cán bộ ta bị bắt không chịu nổi cực
hình tra tấn đành khai báo lung tung. Mà mỗi lần mất ngủ, ông lại hút
thuốc và uống trà liên tục khiến căn bệnh đau bao tử hành hạ ông trở
lại. "Cái thằng bao tử này ác thiệt. Hổng mạnh tay với nó thì nó lại làm
dữ mình. Mà mạnh tay quá cũng hổng được. Ngày nào cũng uống thuốc thì
nằm êm. Mà chuyện thuốc uống thì có bữa lu bu quá nên khi chui vô mùng
ngủ một giấc tỉnh dậy nhớ ra thì gà đã gáy sáng". Phó bí thư Tân An bỏ
nhiệm vụ lên tận đất Tà Keo của Miên đóng đáy cá linh. Mấy lần, bí thư
xã viết thơ sai người trở về nhưng kiên quyết không chịu nghe. Nhưng có
lẽ nơi mà Sáu Thi đang nóng ruột nhất hiện nay là Hoà An.
Sau
lần bắt hụt Tám Thắng, bọn thằng Năm Lợi bày ra đủ thứ trò khiến người
dân hoang mang, lo lắng. Có lần nó xộc vô nhà bà Tám Thắng:
- Thằng Trung có thơ từ gì chưa vậy chị Tám ? Anh Tám và con Út vô trỏng mấy tháng nay cũng khoẻ hả ?
- Chú Năm biết rõ hơn tui mà bày đặt hỏi cơ cầu làm chi vậy ?
- Thằng này mà biết cho trời đánh nó đi !
-
Cỡ chú mà thiên lôi nào mà dám đánh chú, chú ơi ! Mà bữa nay có chuyện
gì thì chú cứ hỏi đại đi, rào đón làm gì mất công. Tui còn phải cho mấy
con heo ăn nữa. Hông thôi nó đói nó phá chuồng thì đàn bà chân yếu tay
mềm như tui làm hổng lợi, tội nghiệp lắm.
-
Lâu quá không ghé chị. Bữa nay có dịp đi ngang ghé thăm chị một chút
vậy mà. Tui nghe mấy thằng đàn em nói lại rằng vợ thằng Trung cả tháng
nay luôn có ông thiếu uý đồn trưởng nào trên Tân Thuận tới lui hoài chị
có hay biết gì chưa ?
-
Từ bữa ổng và con Lành bị mấy ông ép phải bỏ trốn, phận tui lo chưa
xong còn lo gì đến ai. Mà từ hồi tập kết tới giờ nó về ở miết bên nhà
đó, có tới lui gì đâu.
- Thì tui nghe sao nói lại vậy. Chị hổng coi chừng có ngày mất con dâu và cháu nội như chơi đó.
Năm
Lợi cười khẩy rồi bỏ đi. Suốt cả buổi chiều hôm đó, bà Tám nuốt cơm mà
có cái gì nghèn nghẹn trong cổ họng. Người con dâu mà lâu nay bà vẫn
thương yêu giờ tự dưng bị mang ách giữa đàng. Mồ tổ cha cái thằng Năm
Lợi. Cái miệng mày bây giờ sao còn độc hơn mấy con cạp nong, cạp nia
ngoài vườn nhà tao nữa. Bà Tám vừa lầm bầm trong miệng vừa với tay xách
cây dầm xuống xuồng bơi qua nhà Hai Tính.
-
Chị sui à ! Tui nghĩ anh với chị phải cho vợ thằng Trung vào trỏng với
tụi nó càng sớm càng tốt chị à. Ở đây cái kiểu này hoài tui e con nhỏ
chịu hổng nổi. Bụng mang dạ chửa mà tinh thần suy sụp thì dễ...
Bà
Hai Tính ngồi bỏm bẻm nhai trầu lắng nghe không sót một câu nói nào của
bà Tám Thắng. Thấy con cả tháng nay khổ sở vì những lời đàm tiếu xôn
xao của những người chung quanh, lòng mà đau như ai xát muối. Nhưng để
con gái mình phải đi xa nhà trong lúc gần kề ngày sinh nở, bà lại không
đành lòng.
-
Chị nói cũng phải. Mấy lần ông nhà tui định đưa con Thanh theo anh sui
với Út Lành nhưng tui cứ ngăn lại. Định chờ cho mẹ con nó thật cứng cáp
rồi mới tính chuyện đi ở sau. Nay chị nói vậy, thiệt tui khó xử vô cùng.
-
Thương con thì ai chẳng thương. Đáng lý ra con Thanh phải ở bên nhà
chồng như bao đứa con gái khác. Có chồng, có cha mẹ chồng đầy đủ mà cũng
như không. Nhiều khi nghĩ lại thấy vợ chồng tui có lỗi với anh chị bên
này hết sức vậy đó.
-
Sao chị lại nói vậy cà ? Mình từng cực khổ với nhau từ hồi mười ba mười
bốn tuổi cho tới giờ. Chị nói chi ba chuyện lỗi phải đó. Mà phải đâu
tại mình gây ra. Tất cả cũng chỉ tại bọn thằng Diệm, thằng Nhu nên mới
ra nông nổi này. Mình ráng vài tháng nữa chờ cho thằng nhỏ hết bịnh rồi
hãy tính.
Bà Tám Thắng quay sang chuyện khác.
- Ủa, anh sui đâu mà nãy giờ không thấy vậy cà ?
-
Ông nhà tui mới lên xóm trên một chút. Nghe đâu, thằng trưởng ấp nhắn
ổng lên có chuyện gì đó. Mấy hôm rày nó nhắn tới nhắn lui ba bốn lần gì
rồi nhưng về tôi gặng hỏi, ông vẫn lắc đầu hổng chịu nói. Sáng nay, có
them hai mẹ con con Thanh đi nữa. Tôi nghi chắc cũng cái chuyện của con
Thanh có chồng tập kết quá. Chớ đâu có chuyện gì mà tụi này làm găng như
vậy. Hổng ấy chị ở lại chờ ông về, hai đứa mình cùng tấn công một lúc
coi ổng có chịu nói ra không ?
Bà
Tám Thắng gật đầu. Ngày xưa, trong đám tá điền cấy mướn cho cả Thịnh,
Hai Tính không ngán bất cứ một cô thợ nào ngoại trừ hai người con gái là
bà Tám Thắng và vợ ông bây giờ. Cả hai mà cùng nói một lúc thì con kiến
trong lỗ tai cũng bò ra.
Ông
Hai Tính vừa bước vô cửa đã thấy bà Tám Thắng ngồi chờ, ông đoán biết
ngay là bên đó chắc đã có chuyện xảy ra liên quan đến con gái mình. Khẽ
gật đầu chào chị sui, ông Hai Tính vội lên tiếng:
- Tui định chiều nay qua nhà chị. Chuyện không phải nhỏ nữa. Nhưng chị đã qua trước thì sẵn đây mình bàn cách đối phó luôn.
Bà
Tám Thắng đưa mắt nhìn bà Hai Tính. Vậy là tụi mình khỏi tra hỏi ổng.
Nhưng khi Hai Tính chịu mở miệng nói ra điều gì thì đó không còn là
chuyện nhỏ nữa. Họ chắc chắn trăm phần trăm là như vậy.
- Ông về còn hai mẹ con nó đâu ?
Bà Hai Tính sốt ruột.
- À, nó ghé nhà cô mụ Hai xin cho thằng nhỏ ít thuốc về hơ miệng. Ba cái đẹn trăng đó mà.
Ông vừa nói vừa nháy mắt. Bà Hai hiểu ý chồng muốn giấu chị sui điều gì khó nói nên không hỏi thêm nữa.
Chậm rãi quấn điếu thuốc rê, Hai Tính đang tìm cách nói sao cho hai người đàn bà đang ngồi trước mắt mình khỏi phải lo lắng.
-
Lần này nữa là bốn lần đúng. Thằng trưởng ấp mình mời tôi lên nói
chuyện con Thanh. Sáng nay có cả Năm Lợi trên đó. Tuy tôi không nhìn rõ
mặt vì y đứng khuất sau tấm vách. Nhưng tôi quả quyết rằng chính nó chớ
không thể ai khác hơn. Hắn đánh hơi khắp nơi nhưng mục đích chính là vào
gia đình chúng ta. Anh sui và con Út Lành phải bỏ đi, chị suy sụp tinh
thần thì sẽ là cái cớ để chúng rêu rao khắp nơi khiến cho nhiều bà con
mình sẽ mất tinh thần theo.
-
Ông cứ vô thẳng vấn đề cho rồi. Nói dông nói dài hoài. Ba cái chuyện
đó, tui với chị sui đây nhắm mắt cũng biết rồi. – Bà Hai Tính gắt.
-
Bà này, thì từ từ. Làm gì nóng như nước sôi đổ vào chân không bằng. Tụi
nó nắm trong tay lý lịch nhà mình hết trơn. Đọc lên nghe vanh vách
không sót một chỗ nào. Chó đẻ cái thằng Năm Lợi thiệt. Như cái cục...
không biết đầu biết đuôi gì hết ráo.
- Nổi nóng lãnh nhách hông ? Có chị sui ở đây mà ăn nói...
- Xin lỗi chị sui. Tánh tui hồi nào giờ vẫn vậy. Chị biết rành mà. Tức không chịu được.
-
Chuyện Năm Lợi bỏ qua đi anh. Mình có tức cũng không được gì đâu. Con
rắn độc này trước sau tụi nó cũng có cách trị mà. Chuyện mẹ con con
Thanh, anh chị tính sao ?
-
Con gái vợ chồng tui nhưng lại là con dâu của chị. Vợ chồng tui gả nó
cho thằng Trung tức là vợ chồng tui giao quyền cho chị. Hai mẹ con nó ở
bên đây cũng chẳng qua là thời cuộc. Tôi chị ngại làm phiền thêm chị
thôi.
-
Cháu ngoại anh chị là cháu nội tôi. Mẹ con nó an toàn là mình mừng rồi.
Tôi định đưa nó đi liền. Chậm ngày nào thì nguy hiểm và khó khăn thêm
ngày đó.
- Ý chị định đưa mẹ con nó đi bằng cách nào ? Tôi e bọn thằng Năm Lợi luôn để mắt tới. Nó hổng dễ dàng buông mình tha đâu.
Thoáng một chút đắn đo, bà Tám Thắng dè chừng nói:
-
Tôi tính cho mẹ con nó đi từ nhà tôi. Cách này nguy hiểm nhưng bọn
chúng sẽ không ngờ tới. Mình đối phó với lũ này phải hành động bất ngờ
mới qua mặt được bọn chúng. Tôi sẽ tìm cách liên lạc với Sáu Thi và mấy
đứa nó. Chừng nào thuận tiện sẽ cho anh chị hay.
- Liệu có ổn không chị sui ? – Bà Hai Tính hỏi lại.
- Ổn hay không thì còn chờ gặp Sáu Thi đã. Nhưng chắc chắn tụi nó sẽ có kế hoạch an toàn cho mình. Chị cứ an tâm.
Thanh
ẵm con bước vô. Cô sững người lại khi thấy má chồng mình đang ngồi
trong nhà tỉnh bơ như chưa hề biết có chuyện gì xảy ra.
-
Mồ tổ bây, mới có ba tháng không gặp mà lớn trọng rồi nghen. Cái thằng,
giống hệt cha nó hồi nhỏ. Đưa con đây má bồng chút coi. Ra sau rửa mặt
cho tỉnh người đi con.
Thanh
trao con cho bà Tám Thắng rồi bước vội ra nhà sau. Cô cố ý không muốn
cho má chồng nhìn thấy đôi mắt mình vẫn còn đang đỏ hoe vì mới vừa khóc
xong. Vừa rửa mặt, Thanh vừa cảm thấy trong lòng trào lên một nổi uất
nghẹn. Tiếng thằng trưởng ấp ban nãy trên trụ sở ấp cứ văng vẳng bên tai
cô:
-
Thằng Trung chồng cô lỡ dại theo Việt Minh rồi sợ quá dông tuốt ngoài
Bắc luôn. Đừng có nói hai năm, thử xem hai chục năm nữa nó có về với mẹ
con cô không cho biết.
Rồi
nó đặt ngay trước mắt cô lá đơn ly dị chồng buộc Thanh phải ký tên vào.
Nhưng điều đó không đáng sợ bằng miệng lưỡi của mấy tên công vụ áo đen
đang lảng vãng xung quanh đó:
- Gái một con trông mòn con mắt hé tụi bây. Trẻ đẹp vầy, ký tên ly dị chồng cái rẹt là có thiếu gì người nhào vô.
Thằng khác lên tiếng:
-
Tao thách với ông thiếu uý trưởng đồn Tân Thuận rồi đó. Trong một tháng
mà ổng chim được con nhỏ này, tao chung ổng một két lade với nửa ký khô
mực. Tụi bây nhắm ổng làm nổi không ?
Một thằng mặt mũi còn búng ra sữa phụ hoạ:
-
Vậy là mầy thua chắc rồi con. Thứ chồng đi xa, ở nhà thèm nhễu nước
miếng. Cỡ mầy nhào vô cũng lấy ăn được huồng hồ gì cha thiếu uý đẹp trai
kia.
Nói
xong, cả bọn cười hô hố khiến Thanh chưa bao giờ cảm thấy danh dự và
nhân phẩm mình bị sỉ nhục như vậy. Đau xé tận đáy lòng, Thanh bật khóc.
Những giọt nước mắt cay đắng ướt đẫm cả tờ đơn ly dị.
Biết hơi quá trớn, tên trưởng ấp quay sang bọn áo đen nạt lớn:
-
Vừa thôi mấy cha nội. Làm quá trớn coi hổng được. Con chó dồn nó vào
tường nó còn biết cắn càn huống gì con người. Cô Thanh nè, tụi nó còn
trẻ giỡn chút cho vui. Cô bỏ qua cho. Thôi thì, theo tôi... cô cứ ký tên
đại đi rồi mẹ con về kẻo trưa trời nắng lắm. Tội nghiệp thằng nhỏ.
Thanh cương quyết:
-
Tôi là gái có chồng. Chồng tôi dù có làm gì đi nữa thì cũng không ai có
quyền bắt tôi ly dị. Các ông chưa chi đã đòi gả tôi cho người này,
người nọ. Chính phủ các ông hô hào tự do, dân chủ cái kiểu trái với đạo
làm người như vậy sao ?
Tên trưởng ấp đuối lý quắc mắt:
-
Chồng cô là Việt Minh. Theo Việt Minh tức là chống lại chính phủ. Cô
cũng chịu một phần liên luỵ theo. Nghe hay không nghe thì tuỳ cô nhưng
nếu không ưng thuận thì đừng trách chúng tôi không biết điều.
Thanh đẩy tờ đơn ly dị về phía tên trưởng ấp:
-
Tôi còn cha mẹ ruột, cha mẹ chồng nên chuyện này tôi không thể tự ý
quyết định được. Hay là ông trưởng ấp thư thả cho tôi vài ngày, tôi sẽ
về thưa lại với gia đình hay bên xem sao.
-
Cô nói vậy thì tôi tin vậy nhưng đừng mượn cớ đó kéo dài thời gian
thoái thác. Kỳ hẹn một tuần lễ nữa nếu như cô không đồng ý thì đừng
trách sao tôi mạnh tay. Thôi về đi kẻo ông Hai làm lên đây la lối tụi
này làm khó làm dễ phụ nữ chân yếu tay mềm.
Thanh
rửa mắt xong bước ra nhà trước lặng lẽ ngồi xuống cạnh bà Tám Thắng.
Nhìn má chồng ốm hơn so với lúc trước, lòng cô lại cảm thấy xốn xang. Lẽ
ra, chồng đi vắng mình phải thay anh Trung chăm sóc má mới phải. Đằng
này...
-
Con định chiều nay xin phép ba má con qua bên nhà thưa chuyện với má.
Giờ má qua, sẵn đây con xin được phép hỏi ý kiến má luôn.
- Con cứ nói. – Bà Tám Thắng gật đầu nhìn con dâu động viên.
-
Bọn chúng trước sau gì cũng tìm mọi cách ép con ký tên vào đơn ly dị.
Mà không phải riêng con. Rồi còn nhiều chị em khác nữa. Phần con chịu
đựng được nhưng tội là cho con anh Trung. Bé Thành còn quá nhỏ. Con muốn
thưa với ba má, cho con và bé Thành vô chỗ ông nội nó và cô Út. Càng
sớm càng tốt.
-
Má với ba bây cũng tính như vậy nhưng muốn để thêm vài tháng nữa cho
thằng Thành lớn lớn một chút. Chớ vô đó phải tiếp mấy chú, mấy anh. Bận
bịu con cái vướng tay vướng chân thì làm được chuyện gì. Nhưng sáng giờ
chị sui nhất quyết đưa con đi liền. Thôi thì mọi chuyện vợ chồng tui
giao cho chị tính toán hết. Làm sao mẹ con con Thanh an toàn là được
rồi.
*
* *
Trưa
vắng và yên tĩnh. Gió từ ngoài bờ kinh xáng thổi vào len lõi qua những
hàng tre. Mùi bông tràm thơm ngát. Mùi lúa non mới ngậm sữa từ cánh đồng
hiếm hoi bên kia chốc chốc lại theo gió ùa về khiến Sáu Thi cảm thấy
thư thái trong người. Ông chợp mắt lúc nào không biết. Mãi đến khi ông
thức giấc thì đã xế chiều. Hai Đính đã về từ hồi nào ông vẫn không hay.
Bình trà mới pha còn nóng hổi trên bàn. Mùi hoa lài thoang thoảng thơm
khiến Sáu Thi tỉnh người hẳn ra.
-
Uống trà đi. Mấy ngày nay tôi thấy anh rạc người đi nhiều lắm rồi đó.
Bộ ăn uống không được hả ? Nói mấy đứa nó nấu cho nồi cháo. Nếp có sẵn
đó mà cũng không chịu. Khổ thiệt !
- Sao, ông xuống dưới đó mấy ngày tình hình có căng dữ không ?
-
Báo cáo anh, tình hình ở Tân Tịch tương đối ổng. Sau cái vụ Quang "còm"
khai báo vài gia đình cơ sở của ta anh em có dao động một chút nhưng
rồi cũng ổn định lại tinh thần. Sau cái vụ bà con nổi giận ôm cổ trấn
nước một thằng địa chủ, những tên còn lại không dám hung hăng đòi lấy
đất lại như trước. Tuy nhiên về lâu về dài, thế nào chúng cũng tìm cách
lấn dần. Mất đất, tạm thời ta có thể chấp nhận được nhưng đừng để mất
lòng tin ở dân.
- Vậy còn Hoà An ?
-
Tình hình ở Hoà An đang tạm lắng dịu so với những nơi khác do bọn thằng
Năm Lợi luôn rình rập hết nhà này đến nhà khác. Nhất là những gia đình
có con em tập kết hoặc thoát ly. Tuy nhiên đó cũng chỉ là bề ngoài. Còn
bên trong thì đang âm ỉ một ngọn lửa sẵn sàng cháy bùng lên bất cứ lúc
nào.
- Tổng cộng ta còn bao nhiêu đảng viên ở các xã làm nòng cốt vậy ?
- Thưa, tính chúng chưa đầy ba mươi. Kể cả ba đồng chí ở Mỹ Tho mới vừa điều lắng sang và hai đồng chí từ Campuchia về.
- Như vậy cũng tạm được. Còn các tổ vũ trang tự vệ thì sao ?
-
Ngoài Hoà An có đội du kích được duy trì từ hồi chín năm tới giờ thì
các nơi khác hầu như tan rã hết. Nói là đội cho oai chớ thật ra chỉ năm
mười người là cùng. Súng ống thì vài ba cây quảnh tầm sào với ngựa trời
đã rỉ sét. Hoạ hoằn lắm thì vài nơi mới có được một khẩu tôm xông kiểu
Đức. Nhưng có chuyện này, hôm qua Tư Sơn có hỏi ý kiến tôi nhưng tôi
chưa trả lời mà chờ về hội ý cùng anh cái đã.
- Có quan trọng lắm không ?
-
Bây giờ tạm thời chưa đến nỗi như lâu dài thì không ổn. Cả tuần lễ này
hết đám đàn em Năm Lợi đến bọn làng xã luôn gây áp lực buộc cô Thanh vợ
của Trung, con dâu chú Tám Thắng ký tên ly dị chồng. Bác Tám có nhờ Tư
Sơn tổ chức đưa Thanh vào ở chung với Út Lành trong vùng an toàn của ta.
Ý anh ra sao ?
-
Đưa Thanh vào trong căn cứ của ta thì được thôi nhưng bố trí đi bằng
cách nào cho an toàn. Tư Sơn đã có kế hoạch cụ thể chưa ? Tránh để bọn
chúng dùng thế rung cây động rừng để lần theo dấu vết của ta. Tất cả
phải giữ bí mật tuyệt đối. Hiện bọn chúng còn ngoài sáng mà ta thì trong
tối nên tính an toàn của chúng ta rất cao. Nên nhớ mọi sơ hở lúc này sẽ
dẫn đến tổn thất khó tránh khỏi.
-
Tôi nghĩ mình đừng nên nhúng tay quá sâu vào chuyện này. Thanh có đi
hay ở là quyền quyết định của gia đình. Có bố trí đi ra sao để trên văn
phòng tỉnh uỷ tính. Nếu thấy cần, mình hỗ trợ.
-
Ủa, thằng Tới nãy giờ đâu không thấy. Định cho nó xuống Hoà An gặp Tư
Sơn nói lại ý của anh để anh em dưới đó biết mà hành động.
-
Tôi mới vừa sai nó qua tiểu đoàn gặp Tư Thành hồi sáng. Báo cho anh em
biết âm mưu phân hoá lực lượng tiểu đoàn của bọn địch. Ông tranh thủ đọc
báo cáo từ ngoài đó gởi vào thì biết.
Hai Đính nhíu mày. Bọn này ghê gớm thật. Ta vừa mới thành lập tiểu đoàn chưa bao lâu thì chúng đã biết hết. Chẳng lẽ...
Vừa đọc tài liệu do người của ta từ trong lòng địch chuyển về cho huyện uỷ, Hai Đính nhìn Sáu Thi dò hỏi:
- Liệu chúng có cài người của chúng ở trong ta không ? Tôi e... Trong chuyện này hình như có vấn đề ông à!
-
Chuyện đó thì trong thơ gởi cho Tư Thành tôi cũng đã có đề cập tới. Tuy
chưa rõ ràng nhưng nhất định Tư Thành sẽ có kế hoạch đối phó nếu như
phát hiện được vấn đề khả nghi.
-
Mai tôi cho chú Quy và anh em bảo vệ ra soát lại lực lượng của huyện
uỷ. Phải cảnh giác ông à ! Bọn chúng mà đưa được người của chúng vào sát
nách mà ta không hay là nguy hiểm lắm.
- Chuyện phòng gian bảo mật chú lo giùm. Chờ thằng Tới về, tôi với nó lên gặp mấy anh trên tỉnh uỷ bàn cách đối phó.
Nhận
được thơ của bí thư huyện uỷ Sáu Thi, Tư Thành cảm thấy mồ hôi ra ướt
đẫm lưng mình dù lúc này mới chỉ hơn năm giờ sáng. Anh không ngờ chúng
có thể nghĩ tới việc lợi dụng sư thúc của Hai Tình – hoà thượng Tâm
Nhiên. Ai thì Tư Thành không rõ chớ với con người này, Tư Thành đã từng
nhiều lần nghe Hai Tình kể lại. Hoà thượng Tâm Nhiên theo Đức Huỳnh Phú
Sổ từ những ngày ông ta mới bắt đầu lăn lội đó đây để tập hợp tín đồ
khai sáng Phật giáo Hoà Hảo. Lúc đó ông cứ nghĩ đây chính là con đường
để làm cho thế giới đại đồng từ bi và an lạc. Nào ngờ suốt thời gian
theo Đức ông Huỳnh, hoà thượng Tâm Nhiên nhận ra một điều rằng quá nhiều
kẻ đã mượn danh đạo pháp để làm những điều trái ngược lại với kinh
sách. Ông xin rời khỏi đạo trở về Gò Công cất chùa tu hành. Trong số
những người tiễn ông đi hôm đó, có người hỏi:
-
Mấy năm trời ròng rã theo Đức Thầy, nghe nói một phần kinh thơ của đạo
ta ông có phần biên soạn ? Giờ bỏ về chẳng hưởng được lợi lộc gì, ông
không thấy uổng công sao ?
Ông cả cười:
- Lợi lộc chẳng qua cũng chỉ là bọt nước phù vân. Không khéo tưởng hành thiện hoá ra thành làm điều ác không hay.
Người khác lại hỏi:
- Thế Đức Thầy không giữ ông lại sao ?
Ngài Tâm Nhiên lại cười:
-
Có giữ, ngài biết cũng không được nên chẳng cố công làm gì. Đó là tâm
của người thấu đáo lẽ hợp tan của cuộc đời. Tiếc cho những ai theo Ngài
mà vẫn khư khư giữ lấy những điều không thật về mình.
Nói
rồi Ngài ung dung xuống ghe hầu có tám người chèo do chính Đức Thầy cắt
cử để đưa ông về đến quê nhà. Tư Thành còn nhớ hôm đó, trước khi quyết
định rời khỏi Hoà Hảo, ngài Thiện Tâm đã gặp riêng Hai Tình.
-
Chú xem tướng mạo chú không phải là người vô tâm vô tánh. Lại có tài
nữa. Sao cháu không chịu tìm con đường khác giúp đời mà chui đầu vào chỗ
còn lắm phiền hà của thế sự đa đoan này ?
Tìm
con đường khác giúp đời là lời nhắn nhủ của một người mà Hai Tình luôn
gọi là sư thúc còn theo anh cho đến bây giờ, khi anh gặp được Tư Thành
lúc được ta phân công vào hoạt động trong hàng ngũ của nhóm Hoà Hảo ly
khai.
Ngài
Tâm Nhiên cho ghe xuôi dòng về Gò Công lập ra một ngôi chùa lấy tên là
An Bình tự sớm chiều niệm Phật tụng kinh gác bỏ ngoài tai hết mọi sự đời
vốn dĩ với ông đã quá nhiều nhố nhăng kệch cỡm. Trong vòng hơn mười năm
tu hành, phật tử khắp nơi theo về với ông ngày càng nhiều. An Bình tự
trở thành một ngôi chùa nổi tiếng với một hoà thượng trụ trì đầy đức
hạnh và hết lòng vì đạo khiến cho chính quyền sở tại phải kiêng nể. Hầu
như không ai ở đây biết rằng hoà thượng của mình vốn đã có một thời gian
dài theo đạo Hoà Hảo.
Tới
vẫn còn đứng ngoài chờ Tư Thành trả lời. Mỗi khi đưa thư cho ai, Tới
đều có thói quen như vậy. Sực nhớ đến Tới, Tư Thành quay ra gọi:
-
Cháu cứ về báo lại chú Tư rằng chú sẽ lên tỉnh uỷ xin ý kiến. Chú Tư
tranh thủ gặp chú trên đó thì tốt nhất. Chậm nhất là chiều mai chú sẽ
tới đó.
Tới
vừa gật đầu dạ vừa đi như muốn chạy. Mặc dù không biết chuyện gì nhưng
nãy giờ đứng bên ngoài quan sát nét mặt của Tư Thành, nó cảm thấy có
việc trọng đại lắm chớ chẳng phải như mọi khi khác. Tự dưng nó thấy mình
quan trọng hẳn lên. Hơn nữa, bữa nay là ngày chú Hai Đính hẹn nó về dạy
tiếp thêm bài học mới về lịch sử đất nước. Phải công nhận chú Hai tài
ghê. Bao nhiêu chuyện từ đời vua Lý, vua Trần nào xa lắc xa lơ chú đều
nhớ rõ. Rồi quay sang chuyện thế giới nào là Phi Luật Tân, Mã Lai đến
Nhựt Bổn, Gia Nã Đại đến tận Ma Rốc, Công Gô của châu Phi chú đều vanh
vách như thể cả trái đất này đang đặt trước mắt và chú chỉ có việc nhìn
vào rồi nói ra. Nó lại nhớ đến những lời động viên của chú Hai Đính:
"Cháu cố gắng học cho biết chút đỉnh đi. Nay mai nước mình thống nhất,
có điều kiện ra Bắc học hành sẽ biết thêm nhiều điều bổ ích khác hơn cả
chú bây giờ nữa". Tới biết là chú Hai nói vậy để no chuyên tâm học thôi
chớ biết được một phần mười của chú cũng đã thấy thoả lòng rồi huống hồ
gì biết hơn chú nữa chắc là dễ gì có được.
Gà
chưa gáy canh năm, Tới về đến cơ quan huyện uỷ Cao Lãnh. Trừ vai người
làm nhiệm vụ canh gác. Tất cả còn đang say ngủ. Một anh đưa tay kéo Tới
vô chốt gác bên ngoài thì thào:
-
Chú em uống ly trà cho ấm bụng. Mình mẩy ướt nhem vầy chắc đi suốt đêm
hả. Hồi tối, chú Hai với chú Tư thức khuya lắm. Để mấy chú ngủ thêm một
chút nữa. Mà chú em cũng tranh thủ chợp mắt một cái đi.
Tới lưỡng lự một chút không dám ngủ vì sợ lỡ chú Hai và chú Tư thức dậy mà mình không kịp báo cáo. Anh bảo vệ lại giục:
- Chú cứ nằm lấy sức một chút. Mấy chú thức dậy, anh báo chú đã về cho. Không thôi, có đi tiếp tục thì mệt đó.
Cơn buồn ngủ kéo đến híp mắt Tới. Cậu ta ngả ịch xuống bộ vạt tre có trải sẵn một tấm đệm ngủ ngon lành.
-
Tội nghiệp thằng nhỏ. Ngẫm đi ngẫm lại cực hơn tụi mình nhiều. Có khi
hai ba đêm liên tục không ngủ. Lại còn đi tới đi lui như con thoi nữa
chớ.
Anh vừa lẩm bẩm vừa khẽ kéo chiếc mền bằng vải dù đắp ngang người Tới .
*
* *
Sáu
Thi đến cơ quan tỉnh uỷ thì Tư Thành và Hai Tình cũng đã có mặt. Có cả
Bí thư tỉnh uỷ Tư Phới. Dường như tất cả đang chờ đợi Sáu Thi. Ông vừa
ngồi xuống chiếc ghế còn trống bên cạnh Tư Thành thì Tư Phới đã nói
ngay:
-
Tôi đã đọc báo cáo của đồng chí bí thư huyện uỷ Cao Lãnh gởi về. Thủ
đoạn đánh phá ta của bọn địch rõ ràng là ngày càng một tinh vi và khốc
liệt hơn. Vì vậy nhiệm vụ trước mắt cũng đòi hỏi chúng ta không khéo và
cẩn trọng hơn trong mọi tình huống. Riêng về tiểu đoàn, tôi hoàn toàn
tin ở đồng chí Hai Tình. Người ít học như "sư thúc" Mười Trí mà còn biết
đâu là chính nghĩa để theo huống hồ gì Hai Tình. Chắc các đồng chí ở
đây chưa rõ chuyện "sư thúc" Mười Trí viết thư cho Bác Hồ đâu. Tôi xin
phép kể lại một chút.
Sáu
Thi trong lòng nóng như lửa đốt. Ông định đến gặp bí thư tỉnh uỷ để xin
ý kiến cho người đi đón hoà thượng Tâm Nhiên trước khi bọn thằng thiếu
tá Tuấn kẻo không kịp. Vậy mà đến đây lại thấy đồng chí bí thư tỉnh queo
trước âm mưu muốn phân hoá tiểu đoàn của kẻ thù. Tuy trên danh nghĩa,
tiểu đoàn Đinh Bộ Lĩnh được thành lập dưới sự chỉ đạo của bí thư tỉnh uỷ
nhưng thực ra hầu hết đều rút từ Cao Lãnh lên. Chỉ tính dàn cán bộ
khung từ cấp tiểu đoàn đến cấp đại đội cũng đã hơn chục đồng chí rồi.
Đây là những cán bộ nòng cốt mà Sáu Thi đào tạo để chuẩn bị thành lập
lực lượng vũ trang huyện nhưng đành phải bấm bụng đưa về tỉnh. Mình biết
mà trở tay không kịp, nếu như âm mưu lôi kéo của địch thành công thì...
Nghĩ đến đó, Sáu Thi rùng mình không dám nghĩ tiếp. Giọng bí thư tỉnh
uỷ Tư Phới vẫn chậm rãi:
-
Cuối năm 1948, đồng chí Phạm Hùng dẫn đầu một phái đoàn từ miền Nam ra
miền Bắc để báo cáo với Trung ương về tình hình các giáo phái ở Nam bộ.
Chuyến đi này đoàn còn mang theo một lá thư đặc biệt gởi đến Bác Hồ. Đó
là thư của Huỳnh Văn Trí tức Mười Trí – Trung đoàn trưởng trung đoàn 330
khi ấy đang nhận nhiệm vụ làm công tác dân vận trong giáo dân Hoà Hảo
với vai trò sư thúc. Thư viết như sau:
Bức tâm thư kính gửi anh Hồ Chí Minh.
Thằng em của anh là Mười Trí gửi thư này chúc anh khoẻ
mạnh... Thằng Bảy Viễn đã đầu Tây rồi, thằng em của anh rất lấy làm
buồn vì không ngăn cản được nó. Nhưng thằng em của anh xin hứa chắc với
anh là thằng em của anh sẽ tiếp tục kháng chiến cho tới thắng lợi cuối
cùng. Dân giang hồ một khi đã theo cách mạng là nhất định sẽ đi tới
cùng, không bao giờ sanh nhị tâm.
Ký tên: Huỳnh Văn Trí
Trung đoàn trưởng Trung đoàn 330.
Chuyện
nội dung lá thư thực hư ra sao, bản thân tôi không được đọc nhưng qua
đó, chúng ta thấy lòng tin vào Đảng, vào Bác của những con người đã thật
sự giác ngộ cách mạng là tuyệt đối, là không có gì lay chuyển được.
Sáu Thi hiểu ý đồng chí bí thư tỉnh uỷ. Ông kể câu chuyện này ra chính là muốn ngầm nhắc Hai Tình.
Nghe
xong câu chuyện lá thư của sư thúc Hoà Hảo Mười Trí, Hai Tình cảm thấy
trong lòng mình dâng lên một cảm xúc kỳ lạ. Sự tự trọng của một con
người biết phân biệt đâu là phải trái, trước sau, đâu là chính nghĩa,
đâu là phi nghĩa ùa vào tràn ngập tâm hồn của Hai Tình. Anh đứng bật dậy
đứng nghiêm trang trước mặt Tư Phới dõng dạc nói:
-
Tôi vốn là một người nghèo khổ, lớn lên đã mồ côi cha. Nay được Đảng
tin tưởng cho nhiệm vụ chỉ huy cả một tiểu đoàn. Đó là vinh dự không
những cho riêng tôi mà cho cả những giáo dân Hoà Hảo. Hai Tình này đứng
trước cờ tổ quốc xin thề rằng dù có khó khăn, nguy hiểm như thế nào, dù
phải hy sinh cả tánh mạng vẫn một lòng đi theo Đảng làm cách mạng tới
ngày cuối cùng thắng lợi.
Bí thư tỉnh uỷ Tư Phới cười khà một tiếng:
- Ở đây có ai nói không tin vào chú đâu ? Trước khi giao cho
chú nhiệm vụ làm tiểu đoàn trưởng một đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh,
tỉnh uỷ đã cân nhắc rất kỹ. Ngoài chú ra, khó có ai đảm nhận được. Vai
trò của chú hiện nay không khác gì "sư thúc Mười Trí" ngày xưa. Nhắc lại
chuyện cũ, ý tôi là vậy. Mà thôi, chúng ta bàn vào vấn đề chính. Theo ý
của đồng chí Sáu Thi và Tư Thành, hoà thượng Tâm Nhiên có thể dễ để
chúng lôi kéo không ?
Sáu Thi đưa mắt nhìn Tư Thành ý muốn để anh trả lời trước vì dù sau anh cũng đã từng tiếp xúc đôi lần với hoà thượng Tâm Nhiên.
Tư Thành đưa ra nhận xét có ý dè dặt:
-
Sông có khúc, người có lúc. Đã gần mười năm rồi, từ ngày rời khỏi Hoà
Hảo, ông dốc lòng quyết chí vì Phật pháp nên danh lợi chắc chắn đã gác
bỏ ngoài tai. Nhưng để biết chắc chắn, tôi nghĩ chúng ta nên gặp Ngài
một lần để tranh thủ tình cảm trước khi bọn chúng mò đến.
- Liệu có kịp không ? – Bí thư tỉnh uỷ Tư Phới vặn lại.
-
Không kịp vẫn phải đi. – Tư Thành dứt khoát – Nhưng tôi muốn đồng chí
Bí thư để anh Hai Tình theo tôi. Có Hai Tình chắc chắn sẽ thuận lợi hơn.
- Ý đồng chí thế nào ? Bí thư tỉnh uỷ quay sang hỏi Sáu Thi.
Bao
giờ cũng vậy, bí thư tỉnh uý luôn hỏi ý kiến của những người xung quanh
khi chuẩn bị đưa ra một quyết định nào đó. Sáu Thi ngập ngừng:
-
Đi thì ta cũng nên đi nhưng liệu co an toàn không khi để Tư Thành và
Hai Tình cùng đi. Bọn chúng mà phát hiện ra hai người thì nhất định
chúng sẽ không chịu tha. Tôi chỉ lo chừng đó thôi.
-
Đồng chí nói cũng có lý. Ta tránh voi không xấu mặt nào. Tôi quyết định
như vầy. Hai Tình và Tư Thành ngay trong đêm nay băng qua kinh Dương
Văn Dương xuống Tân Thạnh. Từ Tân Thạnh sẽ vòng qua Gò Công. Có thể chậm
hơn một chút nhưng tính an toàn cao hơn.
- Nhưng từ Tân Thạnh qua Gò Công thì đi bằng cách nào ?
-
Việc đó, tôi đã chuẩn bị trước khi mời các đồng chí về đây. Vị sư ở
chùa Khánh Hậu là hoà thượng Tâm Giác vốn trước kia với tôi là bạn thân.
Tiếc là ông chọn con đường cứu nước, cứu dân bằng cách xây chùa giảng
đạo, thuyết pháp. Tuy nhiên, với chúng ta, sư Tâm Giác luôn ủng hộ hết
mình. Tư Thành cứ đến đó đưa ra vật này và nói của một người bạn nhờ
giúp đỡ, tất ông ta sẽ có cách.
Bí
thư tỉnh uỷ Tư Phới lấy trong chiếc túi vải của mình một tượng Phật nhỏ
bằng gỗ cao chừng gang tay đưa cho Tư Thành. Nhìn tượng Phật, Tư Thành
mang máng nhớ hình như mình đã thấy ở đâu đó rồi nhưng anh không kịp nhớ
ra. Tư Thành định hỏi nhưng thôi. Anh biết ý của đồng chí bí thư tỉnh
uỷ. Chuyện gì mà ông không chịu nói thì có dò hỏi cũng vô ích. Anh quay
sang Sáu Thi:
-
Ông để thằng Tới đi với tôi vài ngày nghe. Từ đây qua Tân Thạnh, đường
ngang ngõ tắt không ai quen bằng nó. Xong chuyện, tôi trả lại cho. Không
bắt luôn đâu mà ông lo.
Sở
dĩ Tư Thành phải nói vậy là vì khi mới chuẩn bị thành lập tiểu đoàn anh
đã hỏi xin Sáu Thi cho Tới sang chỗ anh. Thông thạo đường đi nước bước
như nó mà làm trinh sát thì hết ý. Nhưng dò hỏi mấy lần, Sáu Thi nhất
định không để Tới sang tiểu đoàn nên Tư Thành đành chịu thua luôn.
- Mượn với vay gì. Ông cần cứ lấy nó sang bên ông luôn đi. Chuyến này, tôi cho không luôn đó.
Tư Thành cười khà:
- Nói là nhớ đó nghe ông. Tôi bắt nó ở luôn thì đừng hòng đòi à !
Cả hai cùng cười vang khiến bí thư tỉnh uỷ bật cười theo.
-
Có một thằng nhỏ mà các ông cứ giành qua giật lại. Khi nào Tư Thành về
Tôi giao cho huyện uỷ cô út Lành về làm giao liên đó, chịu không. Coi
như Ban chỉ huy tiểu đoàn đổi thằng Tới vậy.
Sáu Thi nhăn nhăn mặt:
-
Tôi định bụng không cho nó theo tôi gặp mấy ông chuyến này. Nhưng hổng
biết trời xui đất khiến sao tôi lại cho nó theo. Kể như mất trắng thằng
nhỏ về tay mấy ông rồi.
Bí thư tỉnh uỷ Tư Phới lại cười:
-
Hồi đó rút ông từ Mỹ Thành lên văn phòng huyện uỷ Cao Lãnh, mấy ông
dưới đó có chịu cho đi đâu. Tụi tui cũng ép đại để bây giờ mới có được
một bí thư huyện uỷ xung quanh anh em sẵn sàng nghe theo. Biết đâu, mai
một thằng Tới thành một cán bộ giỏi của tiểu đoàn không chừng. Lúc đó,
ông phải kiếm tôi mà cám ơn đó nghe !
Sáu
Thi cười sảng khoái. Thằng Tới theo tiểu đoàn, ông tiếc thì có tiếc
nhưng đó là điều kiện để nó tiến thân. Thôi cũng mừng vậy.
Hai
Tình và Tư Thành lên đường sang Tân Thạnh tìm hoà thượng Tâm Giác.
Ngoài thằng Tới ra, còn có hai chiến sĩ bơi xuồng đưa các anh đi.
- Qua tới bển rồi, hai đứa về liền nghe chưa ? Còn nhiều việc lắm đó !
Tư Phới dặn vói theo khi chiếc xuồng ba lá vừa kịp khuất hàng gáo trước bờ kinh. Ông quay sang Sáu Thi:
-
Tỉnh uỷ định nội tháng này sẽ làm việc cụ thể với các đồng chí ở các
huyện. Tình hình mới càng lúc càng phức tạp. Chắc chắn những ngày sắp
tới khó khăn sẽ liên tục ập đến. Trung ương vừa có chỉ thị nhận định
rằng: bọn Diệm – Nhu và tay chân chúng nhất định không bao giờ để ta
tổng tuyển cử thống nhất đất nước đâu. Chắc phải tiếp tục trường kỳ
kháng chiến như hồi thằng Pháp rồi đó.
Sáu Thi dè dặt:
-
Hai đại đội võ trang 402 và 210 của ta đang tạm thời hoạt động ở các xã
giáp với Định Tường chúng chưa phát hiện được. Nhưng việc tiểu đoàn mới
thành lập đã bị bọn chúng tìm cách triệt tiêu. Điều đó chứng tỏ trong
tiểu đoàn chúng ta hiện nay đang có sự rò rỉ thông tin. Các anh ở tỉnh
uỷ nên lưu ý và kiểm tra lại vấn đề này.
(Còn tiếp)