|
Cũng giống như mọi tối, sau khi
giăng và tấn mùng, rọi đèn bắt muỗi ở hai mùng xong, Hậu máng cái đèn hột vịt
lên cây cột vừa tầm tay, vặn nhỏ ngọn cho ánh sáng chỉ lờ mờ, rồi hai chị em
nằm ở hai mùng bàn chuyện với nhau một hồi mới ngủ.
Đêm nay trăng chưa tròn nhưng sáng.
Ánh trăng trong xanh phả xuống xóm làng một màu hiền dịu. Ánh trăng xuyên qua
cành cây kẻ lá hắt vào căn trại làm nó bớt âm u. Nằm trong mùng, Hậu vẫn cảm
nhận được ánh sáng trong lành ấy. Hậu nhớ thời con gái những đêm trăng như thế
nầy không sao ngủ sớm được . Hậu cùng
các bạn gái cùng trang lứa tụ lại trước sân nhà ông Chín, bày ra đủ thứ trò
chơi, cười giỡn hả hê. Bây giờ trong hoàn cảnh chiến tranh, tội nghiệp bọn trẻ
chẳng được giỡn chơi như thuở đó.
Ánh trăng đẹp khiến người ta khó ngủ
và suy nghĩ những ước mơ đẹp. Nằm nghiêng vừa quạt nhẹ cho Tài ngủ, Hậu nói
vọng qua với Liên :
- Chị tính vài ba ngày nữa, bữa nào
êm, mình ăn cơm chiều sớm, chị chở em với con Mai vô thăm ông bà nội nó . Chắc
hổm rày ông bà nội trông nó dữ lắm.
Trong lòng Liên rộn lên niềm vui
chen lẫn nỗi buồn. Vui vì từ hôm sanh con Mai cho tới nay được hơn hai tháng,
đủ sữa bú nên con bé hồng hào, bắt đầu sổ sữa, ngủ nhiều, ít khóc và chẳng có
bịnh hoạn gì. Riêng Liên, nhờ ăn uống đầy đủ, thoải mái nên có da thịt hơn.
Việc đó rõ ràng là nhờ sự nuôi dưỡng, đùm bọc của Hậu . Hậu thương mẹ con Liên,
không nề hà cực khổ, gánh vác mọi việc lớn nhỏ cho Liên được yên dạ, rảnh rỗi
lo săn sóc con. Buồn là đứa bé không còn cha. Tội nghiệp, chưa ra đời nó đã mất
cha. Chiến tranh gây ly tán, buộc ông bà nội nó cũng không được gần gũi hàng
ngày, chơi với cháu . Nhớ bà ngoại con
Mai trước kia bắt Tấn phải cưới Liên rồi mới đi bộ đội, còn có ý muốn sớm có
được cháu ngoại, được nhìn thấy mặt cháu rồi chết cũng yên lòng. Nhưng cơn bịnh
già quái ác đã không để bà được sống tới nay để biết mặt cháu và Liên chẳng
phải như nhánh cây lìa cội, trôi giạt như vầy. Nên khi nghe Hậu nói sẽ đưa mẹ
con Liên vô thăm ông bà nội, Liên vui mừng lắm. Liên hình dung ông bà nội được
bồng đứa cháu nội bụ bẫm trên tay, chắc ông bà vui dữ lắm. Mấy tháng nay, Mỹ
ngụy phản kích mạnh, đánh lấn ra các vùng ven và vùng giải phóng, ngày nào bom
pháo cũng giội xuống ì ầm đó đây. Con rạch nơi Hậu ở cũng trong tầm đánh phá
của chúng. Dù vậy, bà con nơi đây vẫn kiên cường bám đất sản xuất và chiến đấu,
coi công sự chắc hơn nhà tốt, quyết một tấc không đi, một ly không rời mảnh đất
quê hương mình .
Đêm càng sâu, càng thanh vắng. Hậu, Liên cũng
như mọi người đều yên giấc. Bỗng từ hướng chi khu Kiến Văn có tiếng pháo bắn đung, đung ...Cả Hậu và
Liên theo phản xạ tự nhiên thức giấc, chưa kịp có phản ứng gì thì tiếng xè...ụp
tới, một tiếng nổ nhức óc. Trái đạn pháo nổ cách trại của Hậu không tới mười thước. Đất bị xới tung
lên, cây cối bị miểng pháo chém nát lìa
văng rào rào vô căn trại. Chiếc đèn hột vịt bị hơi gió giựt mạnh, tắt phụt. Hai
đứa bé giựt mình khóc ré lên. Liên chồm dậy kêu :
- Chị Hậu ơi !
Không có tiếng Hậu trả lời. Chỉ có
tiếng của thằng Tài khóc. Trong mùi khét lẹt đến lợm giọng của thuốc đạn và
khói bụi, Liên quờ quạng tìm hột quẹt, vén mùng ra, bật hột quẹt đốt lại ngọn
đèn. Một cảnh tượng khủng khiếp hiện ra. Mùng Hậu bị sụp một đầu, chụp lên
thằng Tài đang quơ tay tìm lối ra như con cá đang mắc chài. Hậu nằm nghiêng, co
hai chân, bất động. Biết chuyện chẳng lành, Liên guộn đầu mùng xô qua một bên. Trời ơi, trán phía phải của Hậu bị
một miểng pháo xuyên vào, máu đỏ chảy tràn ra. Hậu chết tức khắc, không kịp có
một phản ứng nào ! Liên quỵ hẳn xuống. Đột ngột quá ! Khủng khiếp quá ! Làm sao
đây ? Sau một hồi chết điếng, lặng đi, Liên bật khóc và la lớn lên :
- Bớ bà con ơi ! Chị Hậu bị pháo bắn
chết rồi ! Bà con ơi ! ...
Nghe tiếng pháo nổ hướng trại Hậu và
lắng tai nghe, chú Ba ở trại mình cách đó non trăm thước, nghe văng vẳng tiếng
la khóc hãi hùng của Liên, chú rời miệng công sự, cầm cây đèn pin vừa rọi, vừa
chạy lúp xúp về hướng đó. Có tiếng chân ai chạy đùi đụi sau lưng chú .
- Có chuyện gì vậy anh Ba ?
- Chú Tư hả ? Pháo nổ đằng trại con
Hậu, có tiếng người khóc ...
Càng gần, tiếng khóc càng rõ hơn .
- Bà con ơi ! Pháo bắn chị Hậu chết
rồi bà con ơi ! ...
Tiếng khóc la thất thanh của Liên
hòa trong tiếng khóc thét hoảng sợ của hai đứa bé.
Chú Ba tới. Chú Tư tới. Hồi sau
nhiều người khác nữa tới ...
Trông cảnh tượng thương tâm đó, chú
Ba vụt gào lớn :
- Trời ơi ! Người nhân hậu, hiền
lành như vầy mà nó cũng giết chết nè trời ! Mỹ ơi, mầy tàn ác quá, Mỹ ơi !
Thấy hai đứa nhỏ khóc quá, chú Tư
nói như quát với Liên:
- Mầy bồng hai đứa nhỏ qua trại chú
Ba. Chuyện ở đây để tụi tao lo !
Liên như một cái máy không hồn, tay
bồng con Mai, tay xốc nách thằng Tài, đi lò dò, lạng quạng trong ánh trăng sắp
lặn, lần về hướng trại chú Ba ...
x
x x
Sau một loạt cao điểm tấn công vô
thị xã Cao Lãnh, chi khu Kiến Văn, giải phóng một loạt xã xung quanh thị xã,
đầu tháng 5-1968, tiểu đoàn 502 mở cuộc tấn công vào chi khu Thanh Bình .
Trận đánh không dứt điểm. Đơn vị rút
về bãi Cai Vạn xã Tân Thạnh, ngày sau đánh bọn Biệt động quân 41 từ Cao Lãnh
được tàu chở tới đổ bộ lên . Đánh nhau từ chín giờ sáng tới chiều tối. Cả trận
địa chìm ngập trong khói mù bom đạn, ùng oàng tiếng nổ . Lúc cùng tiểu đội xuất
kích băng qua cánh đồng rượt bọn địch, Hùng bị thương phần mềm ở cánh tay trái.
Vết thương không nặng nhưng sau khi kết thúc trận đánh, Hùng phải chuyển về
trạm quân y điều trị.
Những ngày ở quân y là thời gian
thật yên tĩnh, để Hùng có dịp nhớ về quê, nơi vợ con mình đang sống. Những kỷ
niệm từ ngày thương nhau, ngày cưới, đến ngày Hùng đi bộ đội ... cứ lần lượt
diễn lại, diễn tới diễn lui ...Càng nhớ, Hùng càng thấy tình cảm vợ chồng mình
ngày thêm sâu đậm .
Hai người quen và thương nhau bắt
đầu từ lần cùng đi phá ấp chiến lược ở ấp Mỹ Tây. Hậu mặc bộ bà ba đen, quần vo
hai ống lên gần tới gối. Chiếc khăn rằn trùm đầu, quấn quanh cổ và buộc mối sau
gáy. Tay xách cuốc, Hậu hăm hở vung từng nhát cuốc mạnh mẽ bang bờ ấp chiến
lược, không thua anh con trai nào. Hùng cầm búa vừa chặt, vừa xô ngã sập xuống
mấy đoạn rào tre. Nó lung lay rồi ngã rạp xuống. Bị chấn động, một trái lựu đạn
của địch gài gần đó bật nổ. Hùng nhào lại ôm xô Hậu ngã xuống, lấy thân mình
che miểng đạn. Đất bắn rào rào phủ lên
hai người. Mấy giây sau, Hùng buông Hậu ra, lắc lắc đầu cho đất rơi xuống, hỏi
ngay :
- Cô có sao không ?
Hậu đã lấy lại bình tĩnh, ngồi dậy,
phủi bụi đất, nói nhỏ :
- Em không sao. Anh có sao không ?
Hùng lúc đó mới thấy thèn thẹn, vừa
có cảm xúc sung sướng rất mới lạ là đã ôm cô gái chưa quen lắm vào lòng mình .
Việc làm ấy hoàn toàn ngoài ý muốn, mà từ ý thức vốn có bảo vệ đồng đội của mình khi sự cố bất ngờ xảy
ra, dù trước mặt mình là ai, thanh niên hay cụ già. Có điều đây lại là một cô
gái. Cái cảm giác va chạm vào thân thể người khác giới, bây giờ Hùng mới nhận
ra, mới thấy tim mình đập rộn rã. Hậu cũng vậy, tự nhiên được một người con
trai ôm vật xuống, che đạn cho mình, khiến Hậu vừa thấy phải cám ơn, cảm phục,
không trách mà còn có cảm giác một luồng hơi ấm chạy dọc sống lưng, làm Hậu
bàng hoàng, sung sướng. Hai người để ý đến nhau, dần dần thương nhau từ sự cố
ấy .
Đám cưới của Hùng và Hậu cũng diễn ra bình thường như các
đám cưới khác trong vùng giải phóng lúc chiến tranh. Buổi chiều, khi thông
thường địch không càn quét nữa, không khí bình yên, nhà trai, nhà gái mới dọn
bữa cơm có làm gà, làm vịt, có chút rượu để đãi đằng bà con họ hàng, lối xóm.
Mượn chỉ được có hai cái bàn tròn, Hùng gỡ hai bánh xe trâu lâu rồi không dùng
để sau vách nhà, chùi rửa làm hai mặt bàn, chặt bốn khúc chuối chôn làm chưn
bàn, lót đỡ mấy tấm ván ngắn ngắn thay ghế ngồi, rồi trải tấm ni lông lên thay khăn trải bàn. Đứng chống nạnh ngắm
nghía, Hùng nói tự khen mình :
- Có ai biết là bánh xe trâu đâu !
Bà con, bạn bè đến dự ăn mặc như
thường ngày, không ai chưng diện. Đãi xong, tối mới làm lễ. Không có lễ rước
dâu, mà bà con hai họ tựu chung lại một điểm làm lễ, là nhà Hùng. Một bàn thờ
Tổ quốc, giữa có lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng treo sát vách. Trên bàn, một
hộp lon guy-gô thay bình bông, cắm mấy bông sen búp có nở có. Thân tộc hai bên
và bà con cùng ngồi trệt theo hai hàng dọc trên mấy chiếc đệm trải nối dài
trước sân. Giữa là bình ly uống nước và các dĩa bánh. Cái đèn măng-sông thường
ngày đem cất giấu, giờ được đốt treo lên trước cửa nhà, vừa rọi sáng bên trong
nhà, vừa rọi sáng trước sân.Một cái khạp da bò và một cái nón lá được đem đến
để gần cái đèn, phòng khi có máy bay thì hạ xuống, để đèn vô khạp, úp nón lá
lại để che ánh sáng.
Chú Hai Kim Trưởng ban Tuyên Huấn xã
điều hành buổi lễ.Việc đầu tiên, chú tuyên bố bố phòng. Nếu có máy bay tới, đèn
được phân công chú Tám Muôn hạ xuống che giấu, mọi người cứ ngồi yên tại chỗ.
Nếu có pháo bắn gần thì người ngồi dãy bên trái tạt xuống bờ mương bên trái,
ngồi bên phải tạt xuống bờ mương bên phải. Rồi chú tuyên bố lý do buổi lễ, giới
thiệu thân nhân hai họ và khách dự. Chú đọc bài diễn văn ngắn và giới thiệu chú
rễ, cô dâu. Hậu vẫn mặc bộ đồ bà ba vải đen, nếu ai để ý thì thấy có khác là
trên hai trái tai có đeo đôi bông lấp lánh dưới ánh đèn, vật cưới duy nhứt của
đàng trai. Vẻ mặt Hậu vui tươi, mỉm cười hơi e thẹn, mắt lóng lánh nhìn hàm ý
cám ơn mọi người.Trông Hậu đẹp hơn hằng ngày. Hùng - chú rễ - đứng sát bên cạnh Hậu, vẫn mặc cái áo sơ mi màu xanh, nét
mặt rạng rỡ, hai tay hơi lúng túng cứ nắm lại rồi duỗi thẳng ra, rồi nắm lại
... Hai người cúi đầu đáp lại tiếng vỗ tay rôm rốp chào mừng của khách. Ông Ba
vuốt râu, nhìn và nói với chú Năm ngồi bên :
- Hai đứa xứng đôi quá !
Hùng thay mặt đôi vợ chồng mới nói
lời cám ơn đại diện Mặt trận và bà con tới dự và chúc mừng, hứa hẹn sẽ thương
yêu , lo cho nhau đến suốt đời. Khi tiếng vỗ tay chấm dứt, chú Hai Kim kính mời
mọi người dùng trà bánh và xem văn nghệ, do mấy cô chú thanh niên trong
xóm biểu diễn. Mở đầu là tiết mục hò lờ
.
Thanh Nguyên, cây văn nghệ của ấp
đứng lên điều hành chương trình văn nghệ. Anh móc trong túi áo ra tờ giấy ghi
mấy câu lục bát anh vừa sáng tác, lấy giọng và hướng dẫn mọi người hò theo.
Giọng anh trong trẻo cất lên :
- Chúc mừng chị Hậu anh Hùng ,
Mọi người hòa theo :
- A li hò lờ !
- Kết duyên chồng vợ ,
- A li hò lờ !
- Tình nồng hơn rượu đế quán bà Hai
!
Mọi người cười ồ lên vì câu dí dỏm
và hòa theo :
- Hò lơ hó lơ lắng tai nghe chúng
tôi hò lờ ...
Phần văn nghệ buổi lễ vui nhộn, đầy
ắp tiếng cười kéo dài đến hơn mười giờ đêm, bà con mới lần lượt ra về, mang
theo niềm vui đầm ấm .
Đêm "động phòng", vợ chồng
Hùng vẫn ngủ cái mùng một nóc cũ vốn có, trên chiếc chiếu cũ, gối cũ, hai người
quyện lấy nhau làm một, tâm tình suốt đêm ...
Những chuyện đó đã thành kỷ niệm,
giờ đã cách xa hơn bốn năm rồi !
Hùng dự định hai hôm nữa xuất viện,
Hùng xin phép về quê thăm vợ con vài ngày rồi sẽ trở lại đơn vị .
Nhưng chiều hôm đó, Cường chiến sĩ
trong tiểu đội của Hùng tới thăm và đem lá thơ của đồng chí đại đội trưởng gởi
cho Hùng. Hùng vui vẻ hỏi thăm tình hình tiểu đội rồi xé bao thơ, móc lá thơ
xếp làm tư ra đọc. Những tưởng tin vui, nào ngờ lời thơ ngắn gọn báo tin vợ
Hùng bị pháo bắn chết cách đây một tuần. Những dòng chữ như nhảy múa trước mắt
Hùng. Hùng đứng sững tại chỗ, tai như nghe sét đánh, hai nắm tay run run như
cầm không nổi vì sức nặng của lá thơ, hai hàm răng cắn chặt, không khóc nhưng
mắt mờ nhòe, tim như bị ai bóp chặt. Hùng lắc mạnh đầu xua đuổi cái tin dữ ấy
ra khỏi đầu, cố không tin đó là sự thật... rồi ngồi phệt xuống .
Một thoáng sau, Hùng cầm lá thơ đến
gặp đồng chí Tư Kiệt trạm trưởng quân y, đưa cho đồng chí xem rồi nói giọng
trầm hẳn xuống :
- Xin phép anh cho tôi được xuất
viện ngay. Tôi về quê xem tình hình ra sao ...
Anh Tư Kiệt buông thỏng tay cầm lá
thơ, nhìn Hùng, hơi phân vân :
- Vết thương đồng chí chưa lành hẳn,
lẽ ra ...
Hùng cướp lời :
- Thưa anh, tôi không thể ở lại đây
thêm giờ nào nữa, anh thông cảm cho ...
Anh Tư Kiệt an ủi, nói lời chia buồn
rồi gật đầu :
- Được ! Đồng chí cứ đi đi. Nhưng
nhớ cẩn thận, vết thương chưa thật lành.
Hùng với tay giựt dây hai đầu võng
giăng qua hai cây gáo, gom bộ quần áo đang phơi nhét vội vô bòng, vừa buộc
miệng bòng vừa nói với Cường :
- Em trở về đơn vị, báo cáo với đồng
chí đại đội trưởng vết thương của anh sắp lành và anh xin phép được về quê ba
hôm .
Thật ra, trong bức thơ, phần cuối
đồng chí đại đội trưởng có viết câu cho phép Hùng được về phép bốn ngày, nhưng
Hùng chưa đọc hết .
Không kịp ăn cơm chiều, vì mặt trời
đã ngã hẳn xuống đọt tràm, Hùng tháo cái bình ton trên dây nịt , mở nắp, lại
nồi nước nấu chín dùng để uống, lấy cái ca múc nước rót đầy bình ton để mang
theo. Hùng mang bòng lên vai, đội cái nón vải, vội vàng đi. Đường về tới nhà xa
hơn mười lăm cây số, phải lội qua mấy con kinh, con rạch, băng qua mấy cánh
đồng ... Tin vợ bị pháo bắn chết thành một lực đẩy vô hình nhưng vô cùng mãnh
liệt, khiến Hùng phăm phăm bước đi, không có trở ngại nào ngăn cản được . Vốn
thông thuộc địa hình trong vùng, Hùng định hướng nhắm con đường thẳng mà đi.
Hùng lội ngang con kinh trước trạm
xá . Nước ngập tới bắp vế. Bùn lún nhưng có nước nên dễ rút chân lên để đi. Lên bờ bên kia kinh , để y nước ướt
hai ống quần dài và bùn trét một lớp dày kín
hai bàn chân, Hùng nhìn giang cây bên kia cánh đồng cách xa cỡ bốn cây số , xốc lại cái bòng rồi
phăm phăm bước ra ruộng, nhắm hướng cắt xéo
cánh đồng , đi thẳng .
Đất cày lồi lõm . Lúa sạ đã châm kim
. Qua mấy cơn mưa nên đất ướt mềm trơn trợt . Hơi cúi người về phía trước ,
Hùng đạp từng bước. Mười đầu ngón chân phải
quặm lại bấm xuống đất cho khỏi trợt té. Sức mạnh dồn xuống hai chân nên rất mau mỏi. Nắng
chiếu xiên qua nửa mặt bên phải. Hùng kéo vành nón thấp xuống cho ánh nắng không rọi vào mắt, bớt chói . Vì suốt tuần
nay nằm ngồi một chỗ, ít vận động nên mới đi cỡ năm trăm thước , Hùng đã cảm
thấy mệt , hơi thở phì phò, bước chân hơi run. Cái hung tin vợ chết và lòng dạ
như lửa cháy mong sớm về tới nơi, đã hối thúc Hùng dấn bước và hai
chân dần dần quen hơn đi trên đất cày nhão nhoẹt, bước vững hơn,
hơi thở cũng đều đặn hơn .
Mất một tiếng đồng hồ băng đồng, Hùng mới lọt vào giang cây. Dừng
lại trước bờ con kinh rộng và sâu mà Hùng phải lội qua, Hùng ngồi bệt xuống đám
cỏ , lột nón vải lau mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt rồi quạt nhẹ cho mát. Chờ
cho hơi thở gần bình thường, Hùng mở bình ton, vặn nắp đưa lên miệng , ngửa cổ
uống mấy hớp cho đỡ khát. Dòm mặt trời đã xuống la đà đọt cây , Hùng mạnh dạn
đứng dậy, cởi bòng và dây nịt cầm một bên tay, bước nhanh xuống bãi bùn để lội
qua kinh. Nếu có súng, Hùng phải lấy tấm ni long bọc lại bòng, vừa làm phao gát
súng , túi đạn lên, lội qua. Giờ chỉ có cái bòng và sợi dây nịt đeo cái bình
ton và tấm ni long, nên Hùng xuống nước, ngả nghiêng người về bên phải, giơ thẳng cánh tay trái nắm cái
bòng và dây nịt cao lên khỏi mặt nước, một tay bơi, hai chân đạp nước, lội qua
bờ bên kia . Leo lên bờ, cứ để y bộ quần áo ướt nước, đeo dây nịt và bòng lên,
thay vì đi theo đường mòn dọc hai bờ kinh có chỗ giáp nhau hình cùi chỏ, Hùng
chọn phương án lần ra sau mí vườn, nhắm hướng quê nhà, cắt đồng đi tiếp .
Trời chập choạng tối rồi tối hẳn.
Lúc nầy Hùng thấy có phần oải sức , bụng đói cồn cào. Vừa đi, Hùng vừa móc bình
ton , mở nắp, ngửa cổ uống. Nền trời đầy sao lấp lánh phả xuống không gian ánh
sáng nhờ nhờ. Căng mắt nhìn về phía trước, Hùng cứ lầm lủi đi. Chỉ có tiếng ọt
ẹt phát ra theo mỗi bước chân .
Dù cố gắng đi, đến mười giờ đêm Hùng
mới lần mò về tới đất nhà mình . Quần áo
ướt sũng. Cố nhìn trong bóng đêm, theo trí nhớ quen thuộc, Hùng đi dọc lối mòn
dẫn ra căn trại của vợ. Trời vẫn tối mịt. Căn trại xiêu vẹo lờ mờ hiện ra trước mắt Hùng. Ở đó không một chút ánh sáng,
không một tiếng động, có nghĩa không ai ở đây cả. Hậu chết, chôn ở đâu ? Mộ Hậu
đâu ? Còn thằng Tài con mình đang ở đâu ? Hùng nghe lỗ tai mình lùng bùng vì
không có câu trả lời. Nén xúc động, Hùng bình tâm suy nghĩ. Phải tới trại Liên
hỏi xem sao. Không chần chờ, Hùng lại căng mắt nhìn đi về hướng đất nhà Tấn.
Qua nền nhà bỏ hoang, Hùng cảm nhận ra mộ Tấn lờ mờ nhô hơi cao lên đó, chân
vẫn bước đi ra phía sau vườn. Căn trại của chú thím Năm hắt ra ánh sáng lờ mờ.
Vậy là có người ở. Hùng hồi hộp gọi :
- Chú Năm ơi, chú Năm ! Con là Hùng
đây !
Trong căn trại có tiếng người cựa
mình và ngồi dậy. Ngọn đèn dầu được vặn lên sáng hơn. Liên vén mùng thò đầu ra,
tay vừa bới lại tóc, vừa nhìn ra cửa. Hùng thò đầu vào, nhận ra Liên .
- Anh, Hùng về đây !
Liên nhận ra, bật khóc :
- Chị Hậu chết rồi anh Hùng ơi !
Hùng cởi bòng ra, ngồi thụp xuống.
- Con tôi đâu ?
Liên cố gắng không khóc nữa, chỉ tay
vô mùng :
- Nó ở với em đây nè !
Hùng thở dài, trút bớt nỗi lo, khom
người bước vô. Liên vén mùng cho Hùng nhìn. Thằng Tài nằm cạnh con Mai. Hai đứa
vô tư say sưa ngủ. Hùng vói kéo tấm đấp đấp lại bụng và ngực con, chồm cúi
xuống hun nhẹ lên trán và má nó. Tự nhiên Hùng bật khóc. Cái khóc lần đầu của
một người lính từng trải trong chiến trận, từng bao nhiêu lần nhìn xác đồng đội
hy sinh, thương tâm, đau đớn và căm thù lắm nhưng Hùng không khóc. Bây giờ thấy
con côi cút, mất mẹ, xa cha, Hùng không kềm được nữa...
Liên lấy lại bình tĩnh hỏi :
- Anh về khuya quá, chắc đói lắm. Để
em nấu cơm anh ăn .
Hùng không can ngăn, ngồi lặng nhìn
con rồi nhìn con Mai, hai đứa bé đứa mất mẹ, đứa mất cha mà lòng đau như cắt .
Liên bước ra ngoài trại, rờ lấy cái
nồi rồi xúc gạo trong thùng, đi lại khạp nước, múc nước vo gạo.
Khi cái cà ràng củi đã bén lửa cháy
sáng lên, Hùng tấn mùng kỹ lại cho hai đứa nhỏ rồi ra ngoài trại, mặc y bộ đồ
ướt đã ráo nước, ngồi cạnh Liên, nghe Liên kể đầu đuôi câu chuyện từ sau ngày chôn cất Tấn đến giờ.
Ánh lửa bập bùng soi gương mặt hai
người còn nặng nỗi đau. Giọng trầm buồn, Liên cứ nhìn ngọn lửa đang cháy, chẩm rãi kể tiếp :
- Chị Hậu được bà con lối xóm chôn ở
cái gò phía sau nhà cũ, cạnh gốc cây trâm. Hôm đó, người tới dự đông lắm. Có
anh Tám Tâm Bí thư chi bộ xã, chị Tư
Hường Hội trưởng phụ nữ xã và cả tiểu đội du kích ấp cũng đến bồng súng chào
...
Hùng ngồi yên lắng nghe.
- Sau khi anh Tấn hy sinh, ba má em
đã nghe theo ý kiến chị Hậu và được chị đưa về ở với anh chị Hai Thái ở Mỹ
Đông. Rồi chỉ đón em về bển ở chung với chị. Chị nói đây là ý của anh Hùng .
Chị đã hết lòng lo cho em, nhứt là khi em sanh đẻ. Đến khi chị Hậu bị nạn, em
nhứt quyết đem thằng Tài về đây ở với em, từ đó cho tới nay ...
Đến lúc nầy, Hùng mới rõ hết mọi
chuyện. Hùng hài lòng trước việc Hậu nghe lời anh đón Liên về ở với mình sau
khi Tấn hy sinh và hết lòng lo cho Liên. Việc làm đó, Hùng cho là hợp đạo lý,
là tình là nghĩa thiêng liêng giữa những người cùng chung một chiến hào đánh giặc . Giờ Liên lại nuôi
con của Hậu và Hùng. Lại là một việc làm chứa chan, ấm áp nghĩa tình. Thằng Tài
mồ côi mẹ, có cha nhưng cha đang chiến đấu xa, không nuôi dưỡng được. Có Liên
đùm bọc, Hùng thấy yên tâm con mình có chỗ dựa nương , nhưng Hùng vẫn có phần
áy náy, vì Liên cũng chỉ một thân, có con nhỏ, một mình chống chọi lại mọi khó
khăn giữa thời buổi chiến tranh ác liệt. Nhìn gương mặt Liên hồng lên trước ánh
lửa, Hùng cảm thấy thương và kính phục vô cùng. Người lính cầm súng xung trận
có chí khí dũng cảm của người lính. Ở hậu phương, những người phụ nữ bình
thường chịu đựng đạn bom, cố gắng nuôi con cho chồng yên tâm chiến đấu, âm thầm
vượt qua bao gian khổ, không hề than vãn với ai, họ cũng dũng cảm, anh hùng kém
ai.
Cơm chín, Liên xới và nhắc nồi
xuống rế, bắt cái nồi cá kho hâm lại cho
nóng, múc cá ra dĩa. Liên rửa và xắt hai trái đậu bắp bẻ ban chiều, để cạnh dĩa
cá, mời Hùng ăn .
Mọi việc đã sáng tỏ, Hùng thở phào
và lúc nầy mới cảm thấy đói, nên tự nhiên cầm lấy chén đũa, và cơm ăn ngon lành
...
Nhìn Hùng ăn, thấy thương quá, Liên
nói :
- Ăn xong, anh thay đồ nằm nghỉ.
Sáng sẽ tới thăm mộ chị Hậu. Bây giờ khuya quá rồi .
Bữa cơm đạm bạc nhưng trong tâm
trạng thư thái, được cởi mở lại trong cơn đói, Hùng ăn rất ngon. Ăn xong, Liên
dọn dẹp, rửa chén đũa, Hùng mở bòng lấy bộ đồ, lần xuống cầu mương tắm sơ sơ,
thay quần áo rồi lấy cái võng ni lông buộc vào thân hai cây tràm , trèo lên,
phủi hai chân , nằm xuống, kéo một mí võng đấp lại. Liên thấy Hùng đã lên võng,
trở vô mùng, vặn nhỏ lại ngọn đèn.
Hai người nằm đó, cố giữ yên lặng
giữa đêm khuya tịch mịch, nhưng thật ra không ai ngủ được.Trong đầu, bao nhiêu
chuyện cũ cứ diễn ra, xô đẩy nhau chưa hết chuyện nầy đã tới chuyện kia. Rồi
những dự định sắp tới ... Căng óc quá và vì quá mệt mỏi, Hùng ngủ thiếp đi .
Cho tới lúc bầy chim chí chóe gọi
nhau rộn rã trong đám tràm và Liên đã dậy từ lúc nào nấu cơm, Hùng mới thức .
x
x x
Hùng bồng thằng Tài. Liên bồng con
Mai. Hai người đi thăm mộ Tấn và về đất Hùng thăm mộ Hậu. Liên cầm theo hột
quẹt và bó nhang .
Mộ Tấn luôn được quét dọn lá rụng,
nhổ cỏ nên sạch sẽ. Hùng để con đứng xuống, đốt ba cây nhang, đứng trang nghiêm
trước đầu mộ lặng im hồi lâu mới xá ba xá, rồi cặm xuống trước mộ. Liên vừa
bồng con, vừa ngồi xuống cắm nhang cho chồng. Hùng nhìn cây mai, vui mừng thấy
đất dưới gốc nó còn đẫm ướt, chứng tỏ chiều qua nó còn được tưới nước , lá non
nở phè ra, khỏe khoắn .
Lại bồng con đi viếng mộ Hậu. Dưới
tàng lá cây trâm mát rượi, ngôi mộ hiện ra. Núm đất màu nâu được nện dẽ, biểu
hiện có những bàn tay chăm chút cẩn thận. Chùm chưn nhang còn mới cắm trước
ngôi mộ. Nền mộ cỏ được dọn sạch sẽ. Hùng nén nỗi đau, cố không khóc, đặt thằng
Tài đứng xuống, im lặng nhìn như cố soi qua lớp đất dầy và nắp quan tài, tìm
thấy hình hài Hậu - người vợ thân yêu - đang nằm yên trong đó ...
Liên ngồi chồm hỗm, đặt con nằm
trong lòng giữa hai đầu gối, bật hột
quẹt đốt nhang đưa cho Hùng. Hùng lặng lẽ cầm lấy ba cây nhang đang tỏa khói,
đứng trước đầu mộ, nâng nhang lên trán, trong lòng cất lên những câu nói mà
không thốt ra thành lời :
- Em ơi ! Anh về thăm em đây. Giặc
Mỹ đã bắt em phải xa anh, xa con. Anh đau lòng và căm thù lắm. Em hãy ngủ yên.
Anh thề sẽ trả thù cho em ...
Hùng chẩm rãi cắm ba cây nhang trước
đầu mộ Hậu. Khói nhang vẽ những vòng xám ngoằn ngoèo tỏa lên cao, như muốn đáp Hậu đã nghe được
những gì Hùng thầm nói trong lòng.
Tội nghiệp thằng Tài vô tư hỏi Hùng
:
- Ba ơi, kêu má vìa đi! Sao má ở
dưới hoài vậy ?
Hùng đau đớn vuốt tóc con :
- Má bận việc. Con ngoan đi, rồi má
...
Hùng kịp không nói hai chữ "sẽ
về", vì như vậy là dối con và cũng tự dối lòng mình. Hùng siết con vào
lòng, áp má mình vào má nó như muốn nói :
- Má không về nữa đâu con ơi !
Quanh quẩn bên mộ Hậu hồi lâu, Hùng
phóng tầm mắt nhìn bốn bên khu vườn. Thiếu người chăm sóc, cỏ hoang mọc um tùm.
Mấy nhánh cây gáo, trâm bầu bị bom, pháo bắn lìa cành phô màu lá nâu sẫm. Hùng
đi lại cái công sự và căn chòi hoang vắng, buồn tràn ngập trong lòng, nhìn nơi
Hậu qua đời. Hồi lâu, Hùng thờ thẩn cùng Liên trở về trại Liên, vì con Mai đã
ngủ.
Bốn ngày nghỉ phép qua nhanh. Mấy
ngày qua, Hùng tìm những việc làm giúp Liên. Bắt lại cây cầu xuống mương để dễ
lên xuống xách nước, tắm giặt. Cưa và bửa cho Liên chất đầy một cự củi. Dọi lại
mấy chỗ dột trên mái trại. Tát cái mương bắt rọng cho Liên hơn năm ký cá lóc,
cá rô để ăn dần. Chiều nào, Hùng cũng bồng con về thăm mộ Hậu, đốt nén nhang
cho thêm hơi ấm. Hai bữa trước, Hùng đi lại nhà ông Sáu xin hai cây mai con về
trồng phía trước hai bên mộ Hậu. Hùng dọn dẹp mấy cây bị pháo bắn gãy , cắt bớt
dây leo phủ phục trên mấy cây chanh, cây ổi .
Liên vui lắm khi có Hùng về bên
cạnh, đỡ lẽ loi , lại được Hùng giúp cho những công việc nặng nhọc thay Tấn.
Liên lấy hết quần áo của Hùng trong bòng ra, coi kỹ từng cái. Kết lại cái nút
áo bị đứt mất. Nhíp lại cái lai quần sút hết đường chỉ. Mạng lại cái vai áo bị
rách một đường. Liên mạng thận trọng, khéo léo sao cho không chỉ lành lặn mà
còn đẹp. Liên xách cái bòng đi giặt vì
nó dính đầy bùn đất. Liên làm cần mẫn, kỹ lưỡng đúng là công việc của người vợ
đầy trách nhiệm lo cho chồng .
Chiều ngày thứ tư, như đã hẹn, chú
Ba cầm chai rượu đế trong veo tới cùng Hùng lương sương để chia tay, mai Hùng về đơn vị . Liên nướng
trui xong một con cá lóc lớn. Hùng đã hái một nắm rau đắng, rau cốc, nhổ thêm
mấy cọng tai tượng. Hai chú cháu cùng ngồi xếp bằng trên manh đệm. Chú Ba đảo
mắt quan sát Liên đang giữ con, vừa dọn chén đũa , bày thức ăn mà nét mặt vui
lắm. Chú nhìn Hùng ngồi chễm chệ như ông chủ nhà rót rượu ra ly, bật nẩy ra ý
nghĩ : Có phải Trời Phật sắp sẵn cho hai đứa, kẻ chết chồng, người chết vợ được
hòa hợp với nhau ? Ý nghĩ ấy làm chú vui, nhoẻn miệng cười và cầm lấy ly rượu
giơ lên :
- Vô ! Hai chú cháu mình trăm phần
trăm !
Cuộc nhậu kết thúc nhanh. Dù tửu
lượng mình khá và thường chơi đến mút mùa, nhưng với tâm lý người từng trải,
chú Ba không muốn bữa nay Hùng say và
dành thời gian ít ỏi cho chúng nó tâm sự với nhau.
Chỉ còn đêm nay để rồi rạng sáng hôm
sau Hùng trở về đơn vị. Dỗ cho hai đứa nhỏ ngủ xong, Liên và Hùng ra trước căn
trại, ngồi trên hai khúc cây Hùng cưa làm hai cái đôn để ngồi, tâm sự.
Trời đêm yên tĩnh. Gió lặng, cây
đứng yên như sợ làm xao động thời khắc quí báu gần gũi bên nhau giữa hai người.
Chỉ có tiếng côn trùng rả rích và thỉnh thoảng cá đớp dưới mương lách chách.
Hùng và Liên cứ lặng im dõi theo suy nghĩ của mình. Hùng muốn nói lời cám ơn
Liên đã hết lòng thương yêu, nuôi dưỡng thằng Tài sau khi mẹ nó mất, nhưng
miệng cứ mím lại, không thốt được ra lời. Cám ơn thôi chưa đủ và nghe sao khách
sáo quá. Rồi cũng tới lúc Hùng cất lời :
- Trước đây Tấn chết Liên đau khổ
như thế nào, thì bây giờ Hậu chết anh cũng đau khổ như vậy. Thôi chuyện đã qua
rồi, đau khổ hoài cũng chẳng ích gì. Chiến tranh còn, anh không thể rời đơn vị.
Con anh, anh chưa gởi gấm thì em đã tự nguyện nhận nuôi dưỡng nó, coi nó như
con ruột của em. Anh ghi nhận ân tình nầy và yên lòng ...
Liên ngước lên nhìn Hùng trong bóng
đêm lờ mờ :
- Chị Hậu chết, anh chưa về, em đã
biết mình phải làm gì cho trọn ân tình. Anh yên lòng trở lại đơn vị. Em đã dạy
thằng Tài kêu em bằng má là em đã coi mình là mẹ nó rồi. Tình thương con của
chị Hậu dành cho nó thế nào, em cố gắng dành cho nó cũng như vậy . Em hứa ...
Hùng chận lời :
- Em khỏi hứa . Anh hoàn toàn tin ở
em. Con anh mất mẹ nhưng lại có mẹ. Anh mừng và yên tâm lắm ...
Có tiếng con Mai cựa mình khóc. Liên
vội vã quay vô trại, chun vô mùng dỗ con. Hùng đứng dậy nghe trong người nhẹ
nhõm hơn, đi lại, vươn vai hít thở không khí trong lành rồi lấy võng buộc dây
hai đầu lên hai cây tràm, ngồi lên, ngã nằm xuống. Lúc nầy, Hùng thấy đêm sao
qua nhanh quá, chỉ mấy tiếng đồng hồ nữa thôi Hùng lại xa con, xa Liên, xa mảnh
đất quê nhà thân yêu biết bao kỷ niệm
vui buồn, cùng đồng đội lao vào những trận đánh mới .
|
|