|
Sang năm 1969, chiến tranh càng khốc
liệt. Mỹ ngụy cố diệt hết sự sống trong vùng nông thôn giải phóng, bằng những
trận rải chất độc hóa học diệt cây cối, bom pháo dội xuống đậm độ. Dọc dài hai
bờ những con kinh , con rạch, những đám tràm lớn, những khu vườn cây ăn trái,
màu xanh chuyển thành nâu sẫm. Hố bom nối tiếp hố bom, hố bom chồng lên hố bom,
mặt đất bị xới tung, nham nhở. Từ những trận bom B.52 rải thảm ở kinh Nhứt
Thanh Mỹ, kinh Nguyễn Văn Tiếp A thuộc Mỹ Quí, Thiện Mỹ ..., bây giờ thành phổ
biến ở nhiều nơi. Ngày đêm từng bầy trực thăng như lũ quạ đen từ Vĩnh Long qua
quần đảo phóng rốc-kết, tuôn đạn thượng liên vào bất cứ nơi nào chúng nghi có con
người sanh sống. Ban đêm, tiếng máy bay trực thăng rền rĩ, quay cánh quạt phành
phạch hết con kinh, rạch nầy tới con
kinh, rạch khác, rọi đèn pha, bắn dài dài, cứ tốp nầy về, tốp khác tới. Bộ
"tam sên" gồm một chiếc trực thăng "đầu láng" chỉ huy, hai
chiếc "cá lẹp" chuyên phóng rốc-kết hủy diệt điểm và hai chiếc "cá nóc" lết tới
lết lui cụm cây nầy đến khu vườn kia đánh phá. Bọn "cá nóc" rà sát,
thậm chí đậu lại một chỗ trên không cách ngọn cây đôi ba thước, dùng cánh quạt
tạo sức gió xoáy lật tung cành lá, để chúng nhìn thấy hết bên dưới những công
sự, chòi trại lá ...rồi ném lựu đạn cay, bắn đạn thượng liên cực nhanh giết
chết những ai chúng trông thấy, dù đó là đàn bà, trẻ con. Chị Hai Đàng thấy
trực thăng siết quá, bồng đứa con nhỏ chun ra khỏi công sự cho chúng thấy đây
là đàn bà, con nít, nhưng chúng vẫn phóng rốc-kết giết chết hết. Nơi nào nghi
có cơ quan đóng, chúng tức khắc cho trực thăng đổ quân "nhảy cóc"
đánh chớp nhoáng từng điểm, xong điểm nầy
bóc quân lên đổ xuống điểm khác. Việc đấp công sự nổi, che trại trong lùm cây
không còn giấu được mắt bọn trực thăng địch. Bám đất vì vậy chuyển sang tình
huống mới khắc nghiệt và đã có không ít người hy sinh. Thực tế cuộc chiến đấu
chênh lệch giữa những người dân là người già, phụ nữ, trẻ con trong tay không
tấc sắt , với bọn Mỹ ngụy tàn ác hơn thú vật rừng, trang bị võ khí hiện đại tận
răng ấy, làm cho Liên và bà con không bám công sự được nữa .
Chi bộ xã và ấp chủ trương tạm thời
để các cụ già, phụ nữ, trẻ em tản cư ra vùng ven tránh thương vong. Cứ cỡ ba
bốn giờ sáng, các gia đình thức dậy bắt lên nồi cơm, hâm lại nồi cá đã kho từ
chiều hôm qua, cuốn mùng mền, nhét gọn vô mấy giỏ đựng quần áo, đánh thức trẻ
con dậy, trời lờ mờ sáng là cả nhà ngồi lại ăn vội bữa cơm cho no . Phần cơm và
thức ăn dư đem theo để trưa cho mấy đứa nhỏ
đói bụng ăn dặm thêm. Rửa ráy chén dĩa xong thì dọn hết đồ đạc cần thiết
xuống xuồng . Thanh niên, đàn ông khỏe mạnh, con gái son giá thì ở lại, còn
người già, chị em có con nhỏ xuống xuồng. Mặt trời vừa nhô lên thì những chiếc
xuồng nầy chạy ra vùng ven như một đoàn
tản cư, lên ở nhờ các nhà ngoài đó. Dù quen hay lạ, thông cảm với bà con vùng
bị địch đánh phá, nên bà con vùng ven đều sẵn lòng, dù nhà mình rộng hay hẹp
cũng dành chỗ cho bà con tạm nương náu. Chờ cho đến chiều, địch không còn càn
quét, ném bom nữa, bà con lại xuống xuồng
trở về quê cũ.
Liên cũng phải sống như vậy với bà
con. Vì có hai đứa nhỏ, Liên cũng tản cư mỗi ngày. Những bữa trời khô ráo còn đỡ, gặp mấy bữa mưa sáng sớm hay chiều
tối, Liên phải trùm ni lông cho hai đứa nhỏ và đồ đạc khỏi ướt. Còn mình, Liên
lấy tấm ni lông dài hai thước, buộc hai mối theo chiều dài lên cổ, trùm người,
đầu đội nón lá, cố kềm lái máy đuôi tôm cho xuồng đi và về an toàn .
Được gần nửa năm, kiểu sống một cảnh
hai quê như vậy mất nhiều thời giờ, công sức, cực khổ quá và chẳng làm lụng gì được, nên bà con
quyết trụ lại, "ra sao thì ra". Một đêm, khi mùa nước bắt đầu lên,
chi bộ ấp mời bà con đến họp bàn một chuyện quan trọng. Trên mấy chiếc đệm, ni
lông trải cạnh công sự nhà chú Ba, bà con trong xóm ngồi quanh chiếc đèn bánh ú
ngọn lửa cháy chập chờn, lắng nghe đồng chí Tám Minh đại diện chi bộ ấp trình
bày .
- Thưa bà con ! Vùng mình nằm trong
các trọng điểm địch đánh phá ác liệt để tát dân . Nhằm bảo vệ tánh mạng bà con,
thời gian qua chi bộ đồng tình để bà con đi tản cư, sáng đi chiều về. Việc làm
nầy có kết quả là không có ông bà, các chị, các cháu nào vì bom pháo phải hy
sinh hay thương tật . Nhưng nó cực khổ quá và cũng không thể kéo dài như vậy
hoài được. Chúng tôi có ý định dời trại ra cất công khai ngoài đồng, vì địch
đánh phá chủ yếu trong giang cây. Chúng ta làm thí điểm , từng bước coi phản
ứng của địch ra sao. Theo kế hoạch thì chi bộ phát động gia đình đảng viên xung
phong làm trước. Ban đêm, chúng ta vần
công nhau đấp công sự nổi trước. Tháng
nước nầy, ta dùng xuồng chở đất đấp nền cao cho nước không ngập, đốn tràm, gáo
xóc tréo kiểu công sự chữ A, rồi chở đất đấp lên thành và nóc công sự . Anh em
có sức khỏe cứ luân phiên đấp công sự
xong cho nhà nầy đến nhà khác . Lợi dụng mấy đám tràm, bờ gáo, cụm trâm bầu
ngoài đồng mà ta chọn nơi đấp công sự. Chỗ nào trống quá , ta bứng tràm cây lớn
có tàng hay chặt lách cặm cho kín công sự. Xong, ta giúp nhau che trại hay nhà
lộ thiên, không che giấu gì hết trước mắt địch. Nếu địch để yên thì lần lượt bà
con ta tới ở. Địch càn thì bà con hợp pháp đấu tranh chánh trị, làm binh vận
với địch. Có bom đạn thì chun vô công sự.
Tám Minh dừng nói, nhìn gương mặt
từng người xem phản ứng ra sao. Có tiếng xì xầm: "Chơi kiểu nầy ớn ớn đó.
Giặc nó hung bạo chẳng để cho mình yên đâu". Chợt chú Ba giơ tay , nói
sang sảng :
- Tui tình nguyện làm trước đó. Phải
có thực tế mới chứng minh ai hơn ai. Mình lùi hoài, Mỹ ngụy nó lấn tới !
Liên nảy giờ ngồi im . Nghe chú Ba phát biểu giống ý mình, Liên liền nối lời
:
- Tôi cũng đồng lòng như chú Ba . Vì
có con nhỏ, đơn chiếc, tôi xin nhập với gia đình chú Ba, cùng đấp một công sự,
cùng ở chung một nhà .
Có trớn, cuộc họp rộ lên tiếng nói,
tiếng cười và nhanh chóng kết thúc với sự đồng tình của nhiều người .
Tại gia đình chú Ba, cứ mỗi chiều
cơm nước xong, bảy tám thanh niên , nông dân trong xóm đem xuồng tới để lấy
đất. Chú Ba chọn cụm trâm bầu sau đồng , cách giang cây cỡ năm trăm thước làm
điểm đấp nền dựng công sự và cất nhà. Chú chỉ hai công đất gò cách đó vài chục
thước để anh em lấy đất lớp mặt. Ai cũng ở trần, mặc quần cụt. Mỗi xuồng hai
người, một người lấy chân dò mặt đất, dùng leng đạp ba bên rồi xeo cục đất ra.
Người kia cúi trầm người xuống, mặt nước ngập tới cổ, ôm cục đất bê lên để vô xuồng
. Khi xuồng khẳm be chỉ còn cách mặt nước năm bảy phân thì đẩy xuồng vô điểm,
bưng đất quăng ra. Chú Ba và vài anh em ở đó dùng chân đạp đất ra cho dẽ. Công việc kéo dài
tới khuya, khi mọi người lớp đói bụng, lớp lạnh run, móc thuốc trong bao ra vấn
hút cho đỡ lạnh, thì thôi. Được năm đêm thì đống đất đã vun cao, không sợ nước
ngập nữa, chú Ba cùng anh em lấy vồ nện cho đất thật dẽ rồi mới chở tràm đã chặt khúc sẵn, xóc tréo
làm vách công sự. Xóc xong mới tiếp tục chở đất đấp lên . Phải mất năm đêm chở
đất nữa công sự mới hoàn thành. Cả nhà chú Ba xúm nhau nện rồi bồi thêm đất,
cho tới khi thấy nó dầy cả thước , đảm bảo đạn đại liên, thượng liên chỉ làm nó
"sầy da", bom, pháo, rốc kết nổ gần cũng chẳng ăn thua gì, mới thôi.
Rồi cũng ban đêm, bà con xúm nhau dựng lên căn nhà. Gọi là nhà, vì nó cao ráo,
rộng rãi hơn căn chòi núp trong lùm buội trước kia .
Mọi việc làm dần dần lộ ra trước mắt
bọn trực thăng tới quần đảo và bọn bộ binh càn quét kéo tới .
Lần đầu, bọn bộ binh đổ quân bằng
trực thăng kéo vô nhà chú Ba. Chú đã ở ngoài giang cây cùng du kích chiến đấu.
Thím Ba bắt Liên giả bịnh nằm trùm mền
trong công sự, không lộ mặt ra, vì sợ tụi Mỹ, tụi ngụy thấy con gái đẹp ưa làm
bậy. Mọi chuyện để thím trực diện với chúng . Thím vui vẻ mời chúng vô nhà.
Thím lấy cái ấm nấu nước để nguội rót vô hai cái chén, mời chúng uống. Thím xởi
lởi :
- Chánh phủ quốc gia nói thương dân,
bà con tôi cám ơn lắm. Mong rằng các ông cũng thương chúng tôi đều là người
già, đàn bà, con nít, mà để cho bà con tôi được ở yên ổn, lo làm ăn .
Tên sĩ quan đeo hai bông mai vàng
hai tay chống nạnh, nhìn vô mặt thím chằm chằm rồi đảo mắt ngó những đứa trẻ
ngồi xung quanh trong căn nhà trống trơn. Hắn hất hàm hỏi :
- Tại sao các người không chịu ra
sống ở vùng quốc gia để được đảm bảo an ninh ?
Thím Ba chỉ ra ngoài đồng trống, tấn
công chánh trị với nó:
- Ông coi, dân sống nhờ ruộng, nhờ
vườn, rời khỏi miếng đất nầy thì lấy gì mà sống ? Nếu để cho dân được đảm bảo
an ninh, dân yêu cầu chánh phủ quốc gia đừng bắn pháo, đừng dội bom nữa, thì bà
con tôi mới yên ổn làm ăn và cám ơn mấy ông dữ lắm !
Tên trung úy nạt ngang :
- Để mấy bà ở đây để nuôi Việt cộng
phải không ?
Thím Ba chận lời hắn :
- Ông nói vậy sao phải. Bom đạn như
vầy dân tụi tôi ráng làm đủ nuôi sống mình là giỏi lắm rồi, còn nuôi được ai.
Thấy hắn chưa có phản ứng gì, thím
Ba tiếp :
- Các ông đánh với giải phóng thì
tìm mấy ổng ở trong giang cây mà đánh. Đàn bà, con nít tụi tôi ra đồng ở để
chẳng có dính líu gì, xin các ông để cho
dân chúng tôi được ở yên .
Tên trung úy xì một tiếng rồi quay đi ra ngoài, ra lịnh bọn lính :
- Ê ! Tụi bây đừng đi vô vườn nghen,
bảng tử địa tụi nó cắm tùm lum đó ! Cứ đi ngoài đồng, cặp ven vườn mà lần ra
...
Kiểu cách ăn ở từ "bất hợp
pháp" , "bí mật" với địch, giờ chuyển một trăm tám mươi độ , tức
"hợp pháp", ăn ở công khai trước mắt địch, mà bà con nói vui là
"phạch ngực ba tây " ra chơi với Mỹ, ngay trận đầu đã có kết quả . Từ đó, bà con chấm dứt chuyện sáng đi chiều về. Chú Ba và
các anh em nhờ đó cũng đỡ vất vả. Chiều ra nhà ngoài đồng ăn cơm, tối ngủ, sáng
ăn cơm sớm với gia đình rồi ra giang cây. Thím Ba cẩn thận ém đầy một hộp
guy-gô cơm với miếng khô nướng hay khứa cá kho, để buổi trưa chú Ba ăn thêm đỡ
đói, chịu tới chiều .
Liên cùng hai đứa trẻ ăn ở gian nan
như vậy được hơn một năm thì một buổi trưa, bộ "tam sên" lên quần đảo
rồi phóng rốc-kết ầm đùng, bắn phá tan tành, cháy rụi những căn nhà bà con cất
ở giữa đồng. Chúng quyết quét sạch không để một ai sống trong vùng giải phóng.
Bữa đó, Liên, hai đứa bé cùng gia đình chú Ba bám miết trong công sự vì thoát
ra là chết; nhờ công sự chắc nên đỡ được mọi mảnh đạn rốc-kết. Căn nhà sập
xuống và cháy. Biết đó chớ, nhưng không sao ra chạy chữa được. May là quần áo ,
mùng mền và những vật cần thiết khác, Liên và thím Ba đã đưa vô trong cùng công
sự mỗi ngày từ sáng sớm, nên không bị
mất trắng. Tới nước nầy thì cánh đàn ông
con trai vô vườn, bám giang cây trụ lại ở và chiến đấu giữ đất, còn bà già, phụ nữ, trẻ
con đành tản cư ra vùng ven nương náu với những nhà quen .
Rời mảnh đất có mộ Tấn, mộ Hậu, Liên
đau xót lắm. Cứ đôi ba ngày, chờ chiều mặt trời xuống còn độ một sào thì lặn,
Liên gởi con, xuống xuồng giựt máy chạy về thăm mộ, đốn chuối, kiếm củi rồi vội
vã trở về chỗ tản cư.
Đầu năm 1971, chiến tranh càng ác
liệt hơn. Trong một trận máy bay Mỹ tới ném bom, một trái bom lớn rơi ngay nền
nhà Tấn. Trái bom nổ khoét một hố sâu hơn ba thước, đường kính miệng rộng hơn
mười thước , và nó đã bốc tung ngôi mộ Tấn, quăng đi vương vãi ... Vành miệng
hố bom đến tận gốc cây mai Hùng trồng trước mộ . May mà gốc nó còn y tại chỗ,
nhưng cành lá bị phát trụi và đất phủ cao lên lấp mất gốc .
Đứng ở bờ rạch nơi tản cư nhìn về
hướng máy bay Mỹ ném bom, đúng là nơi quê mình, bụng dạ Liên xốn xang, đứng
ngồi không yên, không biết mấy anh em mình nơi đó có sao không. Trời xế, Liên
lo cơm nước, tắm giặt cho hai con xong, gởi lại chị chủ nhà nhờ trông giùm, rồi
không chờ tới chiều, Liên xuống xuồng giựt máy đuôi tôm, theo con nước lớn chảy
xuôi vô, xuồng phăng phăng lướt sóng ...
Chưa tới nơi, mùi tanh tưởi, khét lẹt
của thuốc bom vẫn còn nồng nặc theo gió hắt vô mũi Liên . Cây cối bị chém trụi,
xác xơ quanh những hố bom, đất nâu bị quăng lên nham nhở. Liên hồi hộp kéo bớt
ga, nhìn chỗ bến nhà mình, lủi mũi xuồng
vô, tắt máy, nhanh nhẹn đi lại đằng mũi, vịn nọc cầu rồi buộc dây xuồng lại .
Liên bước lên bờ. Cảnh tượng kinh
khủng bày ra trước mắt khiến Liên sựng lại, kêu tiếng ớ , tay cầm chéo khăn lên
che miệng. Cây cối ngã la liệt. Từng bựng đất lớn nhỏ bị bom móc quăng lên nằm
vương vãi quanh hố bom. Hố bom sâu hoắm xóa sạch mọi cảnh vật bình thường,
không còn nhận ra đâu là đâu nữa. Liên bật chảy nước mắt. Mộ anh Tấn đâu rồi ?
Cây dừa bị miểng bom chém lìa thân còn
trơ cái gốc xơ xác. Cây dừa cách mộ Tấn chỉ mười thước. Vậy là mộ Tấn trong
vòng miệng hố bom, đã bị moi quăng hết rồi ! Liên run rẩy cố leo lên những cục
đất lớn nằm ngổn ngang dò lần về hướng mộ Tấn. Đúng là mộ Tấn không còn ! Anh
chết rồi Mỹ cũng không để anh nằm yên ! Liên bật khóc thành tiếng. Bây giờ biết
tìm hài cốt Tấn ở đâu ? Đau đớn quá, Liên quỵ xuống trên vành miệng hố bom.
Nghe có tiếng xuồng máy chạy vô đậu
ở bến Tấn, chú Ba đi lại coi ai. Thấy Liên ngồi nhìn hố bom, nơi có mộ Tấn, chú
hiểu ra. Chú đằng hắng, bước lên đống đất lại gần Liên. Liên quay nhìn chú, nói
trong tiếng khóc :
- Mộ anh Tấn bị bom moi quăng mất
hết rồi chú Ba ơi !
Chú Ba không biết nói gì để an ủi
Liên, vì lòng chú cũng xót đau và căm giận như vậy . Chú lầm rầm nguyền rủa bọn
Mỹ tàn ác , vừa đi quanh miệng hố bom, vừa cúi xuống tìm coi có kiếm được vật
gì không, mảnh ván đóng hòm, mảnh xương hay mảnh ni lông ... chẳng hạn. Chú
đứng thẳng người định hướng. Tim trái bom ở đây, mộ Tấn ở chỗ nầy, vậy nó bị
hất lên theo hướng nầy. Chú lò dò đi theo hướng giả định, lật cục đất nầy, kéo
nhánh cây kia, tìm xem ... Ơ, chú reo lên. Đây là một miếng ván đóng hòm ! Đúng
là nó rồi ! Chú bới đất moi lên một miếng ván chỉ còn bằng một miếng củi chụm.
Chú gật gù :
- Đúng nó đây rồi !
Liên chặm nước mắt , bước chệch
choạc trên đất lồi lõm đi lại phía chú Ba. Chú đưa mảnh ván cho Liên coi rồi
quả quyết :
- Hài cốt thằng Tấn ở vùng nầy thôi
!
Trời sẫm tối. Muốn tìm những mảnh
xương hài cốt Tấn phải có năm ba người, có leng có cuốc bươi ra, mới mong làm
được.Chú Ba thở ra, nói với Liên :
- Con trở về ngoải đi. Ngày mai, nếu
êm, chú cho anh em trong xóm hay cùng lại
đây đào bới mới tìm được hài cốt thằng Tấn. Phải mất nhiều công lắm mới
được .
Không cách nào khác, Liên đành đứng
dậy, dò từng bước để khỏi vấp té, ra cầu bến, xuống xuồng, mắt ngoái nhìn lên
mà lòng nặng trĩu .
x
x x
Một đêm mất ngủ. Sáng ra Liên quả
quyết về quê giữa ban ngày, ngay buổi sáng. Liên không còn lòng dạ nào chờ tới
chiều. Dù bất ngờ đương đầu với bọn giặc đổ quân càn quét hay máy bay tới bắn
phá, dội bom, Liên cũng không sợ. Bất quá mình nhập với mấy chú, mấy anh du
kích cùng chống càn, có gì !
Lòng đã quyết như vậy, Liên lo cơm
nước, thay quần áo, giặt giũ cho hai đứa nhỏ , gởi lại chị chủ nhà trông giữ
giùm rồi mặc bộ đồ bà ba đen, quấn khăn, không đội nón lá, mượn theo cái leng,
tấm ni lông , xuống xuồng giựt máy chạy vô .
Tới nơi, Liên lủi xuồng vô mương,
xách cái máy đuôi tôm lên giấu trong cỏ, nhận chìm chiếc xuồng rồi lấy lục bình
phủ lên. Yên tâm, máy bay địch có tới cũng không phát hiện được. Liên hăm hở
cầm tấm ni lông và xách cái leng bước tới hố bom.
Trên miệng hố bom, chú Ba đang đứng
chỉ trỏ, hướng dẫn bốn thanh niên hướng đào bới tìm hài cốt Tấn. Mọi người
cuốc, đào cật lực và thận trọng lượm xem từng mảnh cây, miểng sành ... Mặt trời
lên rọi ánh nắng gay gắt. Lưng áo Liên ướt đẫm mồ hôi. Bỗng thằng Tờn reo lên :
- Đây, gặp rồi !
Nó moi ra và đưa lên cho mọi người
xem một khúc xương, có lẽ là ống xương tay, dính đầy bùn đất . Liên bước lại
cầm lấy, lòng rưng rưng rồi đem ra để tạm trên tàu lá chuối .
Cứ vậy, mọi người mải miết tìm. Hơn
ba tiếng đồng hồ sau mới gom được bảy
mảnh xương, quí nhứt là cái hộp sọ .
- Như vầy cũng quí lắm rồi ! Thôi,
phần còn lại coi như nó đã hòa trong đất nầy rồi .
Chú Ba dừng leng nói như ra lịnh kết
thúc việc đào tìm hài cốt Tấn .
Liên chưa ưng ý lắm nhưng được vầy
cũng giải tỏa phần nào nỗi lòng và nguyện vọng của Liên.
Liên gom hết xương đem lại cầu mương
kỳ cọ rửa sạch từng mảnh. Xong, đem lên lau khô rồi đặt chúng vào giữa tấm ni
lông. Chú Ba cẩn thận gói lại, xé dây buộc chặt. Chú hỏi Liên :
- Con muốn chôn lại gói xương thằng
Tấn ở đâu ?
Liên còn đang phân vân thì chú Ba
nói tiếp :
- Tao thấy liếp bên kia cũng cao.
Chôn lại đó cũng được. Sau nầy yên ổn rồi con muốn dời đi đâu nữa tùy ý .
Liên
nhìn qua liếp chuối, gật đầu đồng tình :
- Dạ, tùy chú tính .
Chợt nhớ tới cây mai, Liên nói giọng
tha thíết:
- Chú Ba với mấy anh em ơi . Làm ơn
xin làm ơn cho trót. Nhờ chú và mấy anh em lại đây lật mấy cục đất ra, coi gốc
cây mai còn không. Nó là vật kỷ niệm ...
Thông cảm với Liên, mặc dù đã mệt,
mọi người vẫn vui vẻ xúm lại người lật, người xắn đất hất xuống hố bom. Không
lâu, Tờn kêu lên :
- Nó đây rồi !
Tờn moi đất để lộ ra thân cây mai
lớn bằng cổ tay bị miểng bom chém lìa. Rồi gốc mai bày ra. Cũng may nó còn gốc
rễ. Liên mừng lắm, nói líu ríu :
- Bứng nó lên trồng theo hài cốt anh Tấn !
Để Tờn ở lại bứng gốc cây mai, còn lại mấy
người, chú Ba dẫn qua liếp chuối, dọn cỏ rác, đào cái huyệt con con, cải táng
gói xương tìm được của Tấn. Lúc nầy Liên mới nhớ là quên đem theo bó nhang.
Liên tự trách mình tệ thiệt, quên gì chuyện vậy cũng quên.
Cải táng, đấp lên núm mộ nho nhỏ và
trồng lại cây mai xong, chú Ba nói như nói với Tấn :
- Chiến tranh bom đạn thằng Mỹ nó
không từ ai. Trong cái rủi có cái may là dù gì cũng tìm lại được một ít xương.
Thôi, con yên tâm nằm nghỉ ở đây. Hết chiến tranh rồi sẽ xây mộ con đàng hoàng
hơn .
Liên ngậm ngùi cám ơn chú Ba và mấy anh em. Tờn tiếp Liên quăng lục bình,
lắc nước chiếc xuồng, sắp lại sạp vạt , xách cái máy đuôi tôm gắn xuống xuồng.
Chú Ba giục Liên :
- Thôi con chạy nhanh về ngoải đi. Ở
lâu mấy đứa nhỏ trông. Về càng sớm càng tốt. Biết đâu lát nữa máy bay nó lại
tới .
Liên ngoan ngoãn nghe lời chú, bước
xuống chống xuồng ra khỏi mương giựt máy ...
x
x x
Đầu năm 1973, Hiệp định Pa-ri được
ký kết . Sau mấy đòn giáng trả đanh thép
bọn ngụy quân của Thiệu vi phạm
Hiệp định, đi lấn chiếm ở Mỹ Phước, kinh Hồng Kỳ, ở rạch Thầy Cắt, ngã ba vàm
xáng Mỹ Thọ... quân dân ta chẳng những giữ vững mà còn mở rộng ra thêm vùng
giải phóng .
Tình thế cách mạng thay đổi. Ngọn
gió tấn công đã đẩy bọn ngụy vào thế co cụm, chống đỡ. Dân tản cư lần lượt trở
về quê cũ. Xúc động biết bao khi mỗi sáng nghe tiếng xuồng gắn máy đuôi tôm nổ
giòn giã, khuấy sóng tuôn vô bờ oàm oạp,
xô đẩy lắc lư mấy dãy lục bình dọc hai bờ con rạch. Trên cánh đồng vắng lặng
mấy năm qua, giờ có bóng người đi đốt đồng, dọn cỏ và những chiếc máy cày sơn
đỏ au chạy ngược xuôi cày đất. Cuộc sống dần hồi sinh . Liên cũng hăm hở trở về
đất quê nhà .
Những ngày đầu tiên, Liên gởi hai
đứa nhỏ lại, từ sáng một mình chạy xuồng máy về. Liên làm cỏ, quét dọn mộ Tấn,
mộ Liên , dọn dẹp căn trại cũ đã mục nát sụp đổ từ lâu. Nền đất vẫn còn bằng
phẳng để Liên làm nơi cất lại trại.Liên xách búa ra đám tràm phía sau để chọn
đốn ít cây. Đốn tràm là việc nặng nhọc, việc của đàn ông. Dù Liên có quyết tâm
và ráng sức, nhưng mỗi lần hạ được một cây là Liên buông búa, tháo khăn lau mồ
hôi ướt đầm trên mặt, ngồi bệt xuống, thở dốc. Kiến vàng nhiều lắm. Bị động ổ,
chúng tuôn ra vây lấy Liên , nhe nanh rồi quặp vô da thịt đau điếng. Vừa chà
kiến vừa thở, Liên ước ao những lúc nầy có Hùng về tiếp, đỡ cho Liên biết bao.
Vừa bớt mệt, Liên lại xách búa đi đốn. Được sáu cây, Liên róc nhánh chặt ngọn,
kéo ra bờ liếp ngồi lột võ. Lột xong, Liên đi kêu chú Ba, nhờ chú tới lựa cắt
khúc ra, khúc nào làm cột, khúc nào làm kèo, đòn tay ...
Chọn đủ cây xong, chú Ba biểu Liên
về mua hai trăm lá, năm trăm lạt tre,
một bó tre chẻ, nửa ký lô dây chì số một, sáng mai chở vô, chú cùng anh em tiếp
dựng lại trại cho .
Liên về, còn mua một ký thịt heo,
một cái bắp cải. Dự định thịt nửa kho sẵn, nửa chừa để dành xào với bắp cải.
Liên còn đem theo cái nồi nấu cơm, xúc đổ vô hai lít gạo ; soạn để vô giỏ xách
chai nước mắm, muối, đường, chén dĩa ..., cụ bị bữa ăn trưa mai cho bà con giúp
việc cất trại.
Chỉ đến trưa, căn trại của Liên cơ
bản hoàn thành, lợp và dừng vách xong, có thể về ở được.
Liên mừng lắm, dọn cơm, múc thịt
kho, thịt xào, rót nước mắm, so đũa, bới cơm ra chén, bày ra trên tấm ni lông
trải trên nền đất dưới bóng cây gáo, mời chú Ba và anh em tới ăn . Chú Ba rửa
tay rửa mặt đến ngồi, trách yêu Liên :
- Bây bày đặt nấu nướng chi cho cực.
Tụi tao làm rồi về nhà ăn là xong.
Liên cười vả lả :
- Lâu lắm rồi con mới có dịp về quê
ăn bữa cơm với chú và mấy anh em. Xin chú và mấy anh em ăn thật lòng cho, con
cám ơn lắm !
Chú Ba xì một tiếng, chú biểu Liên :
- Con bày thêm một cái chén một đôi
đũa nữa để chú mời vong hồn thằng Tấn cùng về ăn cho vui .
Chú ngước nhìn mấy anh thanh niên
còn dụm nhau cười nói ở mé mương , quát:
- Nè, mấy thằng kia, rửa tay lẹ lên.
Chậm lụt tao ăn sạch đừng có than nghen !
Đêm hôm ấy, Liên thức hơi khuya,
ngồi tâm tình và cám ơn chị Bảy chủ nhà, đã cưu mang cho mẹ con Liên ở đậu mấy
năm qua; cụ bị gọn ghẽ lại đồ đạc để sáng mai trở về quê. Thiệt ra,
dù bà con có tốt, thông cảm những người ở vùng bom đạn phải bỏ quê đi tản cư,
nên sẵn lòng giúp đỡ, nhưng cảnh ở nhờ ở đậu thiệt bất đắc dĩ chớ chẳng thoải mái chút nào. Muốn đi hái cọng
rau, bắt con cá ... cũng không có, nhứt nhứt cái gì cũng phải mua. Trở về quê
cũ, dù đơn chiếc, một mình lo toan mọi việc lớn nhỏ lại phải chăm sóc hai đứa
trẻ, bận rộn, vất vã hơn đó, nhưng Liên thấy vui. Vui truớc hết được trở về nơi
mình sanh ra , nơi có mộ Tấn, mộ Hậu, có bà con chung cảnh ngộ hết lòng thương
yêu đùm bọc nhau, thiệt không có gì bằng. Tự nhiên, Liên nhớ câu nói của Bác Hồ
: "Không có gì quí hơn độc lập, tự do" mà thấm thía cho hoàn cảnh của
mình.
Tội nghiệp hai đứa nhỏ chẳng hiểu gì
nhưng nghe mẹ nói về quê là vui, vỗ tay nhảy tưng tưng. Về tới nơi, Liên lo dọn
đồ lên, lót lại tấm vạt, sắp xếp chỗ để đồ cho gọn ghẽ. Còn hai đứa nhỏ vui
thích chạy đi hái trái nhãn lồng. Những trái nhãn lồng vàng ươm chìa ra theo
dây đeo đầy trên mấy buội cây , thiệt hấp dẫn quá. Mai cứ vẫy vẫy hai bàn tay
kêu :
- Anh Hai ơi , hái nhiều nhiều cho
em với !
Tài đã hái đầy một nắm tay, biểu Mai
vạch túi áo ra cho Tài bỏ vô đầy hai túi. Ăn đã nhãn lồng, Tài dẫn em lại cây
ổi sẻ. Mùi thơm bay thoang thoảng. Nhìn lên cây, Tài reo lên ! Những chùm ổi
tròn lớn bằng cườm tay, xanh miết, đong đưa thấy thèm quá ! Có mấy trái chín
vàng bị dơi ăn bày ruột ra đỏ au. Tài kêu lớn :
- Má ơi ! Má ! Má bẻ mấy trái ổi
chín cho con !
Dù
bận rộn lo dọn dẹp, Liên cũng thấy vui lây :
- Ờ để má bẻ cho ...
Từ đó, ngày ngày ngoài chuyện lo cơm
nước, tắm rửa, dỗ con ngủ, Liên dành thời gian làm cỏ. Trước hết, dọn sạch cỏ
từ trại xuống cầu bến rồi làm rộng ra. Dọn tới đâu, Liên bứng chuối con trồng
lại mấy chỗ trống, dọn chỗ bỏ hột bầu, hột mướp, xới đất bỏ hột trồng hai hàng
đậu bắp ...Cảnh vật cứ mỗi ngày thêm vui mắt, báo hiệu sự sống được hồi sinh.
Cũng con rạch nầy, cũng dòng nước con
nước lớn chảy vô, nước ròng chảy ra nầy ngày nào vắng tanh, không ai dám đi lại
vì sợ máy bay, sợ giặc đổ quân đánh bất ngờ, nay suốt ngày rộn ràng tiếng máy
đuôi tôm ngược xuôi. Xóm thôn yên ắng như đất chết, giờ vang lên tiếng đục đẽo,
tiếng người cười nói. Ban đêm, ánh đèn dầu trong các trại lá in xuống dòng nước lung linh, làm ấm lại xóm
làng .
Hơn tháng sau, các chú anh trong chi
bộ vận động bà con người góp cây, góp tiền, người góp công cất một trường học
hai gian trên nền cũ ở mỏm doi cách nhà Liên chỉ ba trăm thước. Hôm dựng trường
thiệt vui. Bà con tựu lại rất đông. Kẻ cưa, người đục... tiếng cười nói rộn
vang. Liên cũng gởi con ở nhà chú Ba, tới cùng chị em lo nấu nước, nấu cơm, nấu
thức ăn ... cho bà con đến làm ăn uống. Các cụ già cũng chống gậy tới chỉ chỏ
góp ý kiến. Mấy cây gáo lớn bà con ủng hộ được cưa xẻ ra làm ván đóng bàn. Mấy chục
cây tràm được cắt ra làm chân bàn và chân băng ngồi. Tuy cây lá đơn sơ nhưng
nhìn ngôi trường mới cất khá khang trang bà con ai thấy cũng khen. Tiếp nhận
giấy đề nghị của chi bộ xã, Tiểu ban Giáo dục tỉnh cử một thầy, một cô giáo về
đây dạy học.
Thằng Tài bảy tuổi, con Mai năm tuổi
nhưng Liên cũng xin cho nó được học gởi. Liên sắm cho mỗi đứa một túi vải, vài
quyển tập, cây viết chì... Cứ mỗi sáng, cho hai đứa ăn cơm xong, Liên thay quần
áo cho con, giúp con mang dép, đội nón, mang túi lên một bên vai, dạy hai con
khoanh tay thưa má con đi học, dặn con đi đường cẩn thận rồi nhìn theo hai đứa
ra đường, nhập cùng lũ bạn dẫn nhau tới trường, mà lòng vui phơi phới .
|
|