|
Cũng
vòng vo mấy trăm mét, và đợi tới gần tối tôi mới gặp được chủ nhà. Trong khi
chờ đợi, mẹ chồng cô cho biết: Nó là con dâu tôi. Một lần đi khám bệnh ở thành
phố Hồ Chí Minh, con tôi gặp một dì lớn tuổi ngồi kế bên. Tới tầm 10h sáng, dì
đó chợt ngục xuống lịm đi, phải đưa vô cấp cứu. Sau khi bác sĩ sơ cứu, bà dì
tỉnh dậy. Mọi người xúm vô hỏi thăm. Con tôi mới nói sao lấy máu xét nghiệm xong
dì không tranh thủ chạy ăn tô phở hay hủ tiếu bên đường, để đến nỗi bị hạ đường
huyết. Mẹ con cũng bị tiểu đường hơn chục năm, trong giỏ sách bao giờ cũng có
ít bánh kẹo, hộp sữa để phòng hờ. Không bao giờ để bụng bị đói. Hạ đường nguy
hiểm còn hơn tăng đường. Dì bị cũng lâu rồi sao dì không chuẩn bị… Nó cứ một
thôi, một hồi giải thích chợt bà dì nói thoang thoảng giữa tiếng nói của nó:
Nhà tôi nghèo lắm. Gom tiền mua vé xe đi từ Bình Phước vô Sài Gòn, phải chừa
tiền vé về nữa. Bánh mỳ không 2000 đồng một ổ còn không dám mua huống chi phở
hay hủ tiếu, cô ơi!....
Con tôi cứ sững cả người không tin
là thật. - Tháng nào tôi cũng phải lên đây tái khám. Ở nhà vợ chồng đều đi làm
mướn, các con bốn đứa cũng nghèo nên ngày làm được vài chục ngàn dành dụm để
lên đây khám bệnh, không dám tiêu xài gì. Bệnh nặng, tôi cũng chỉ đi có một
mình. Chồng tôi không yên tâm nhưng nếu ông đi lại tốn thêm 200 ngàn tiền xe.
Ăn một tô phở cũng tốn vài chục ngàn nên tôi ít dám ăn gì. Lấy kết quả của bác
sĩ, tôi tranh thủ về cho đỡ tốn tiền, ai dè…
Sau khi con tôi cho bà dì ít tiền ăn
dọc đường, ngồi trên xe đi về nó cứ suy nghĩ mông lung. Ừ, nếu mình không giàu,
không làm được việc lớn thì làm việc nhỏ trong khả năng có thể. Thế cho nên có
Thùng bánh mỳ từ thiện ra đời. Mỗi ngày cho từ 40-60 cái bánh. Bánh mỳ vừa đem
tới, mấy nhỏ đem vô nhà cắt giấy kiếng gói từng cái để khi đến tay bà con cô
bác được vệ sinh…. Cháu đã thỏa thuận trước ở tiệm bánh mỳ, khi trong thùng gần
hết, điện thoại, người đưa bánh tiện đường ghé ngang đưa thêm lần mươi mười lăm
ổ cho nóng, dễ ăn.
Đứng quan sát từ xa, tôi thấy một em
bán vé số tầm 10 tuổi chạy tới xin một ổ bánh. Sau khi đứng kế ngay đó ăn ngon
lành một ổ, uống cốc nước suối xong em xin thêm một ổ nữa, bỏ vào túi đựng vé
số. Tôi chạy theo hỏi. Em nói, con tên là Hùng nhà ở trong chợ Thống Linh. Mẹ
sanh, ba chết rồi, con phải nghỉ học để bán vé số đem tiền về nuôi mẹ, nuôi em.
Buổi sáng con tranh thủ đi bán cho hết 30 vé mới về. Mấy nay tụi bạn nói ở đây
có cho bánh mỳ nên con chạy vòng đi bán ở đường này, tiện xin bánh ăn. Ngày nào
cũng nhịn đến trưa về tới nhà muốn hoa mắt. Tôi ứa nước mắt nghe câu em nói,
thấy giá trị của một ổ bánh mỳ không thịt và thầm cảm ơn cô chủ thùng bánh này.
Khi không có cái gì trong bụng thì một ổ bánh mỳ còn quí hơn cả những mâm cao
cỗ đầy, những chỉ vàng lớn nhỏ….
Lòng hướng thiện đã tiềm ẩn từ sâu thẳm bên
trong tâm hồn của mỗi chúng ta, nhưng lại được thể hiện hết sức cụ thể ra bên
ngoài qua nếp sống, qua cách ứng xử với mọi người xung quanh, qua những việc
làm cụ thể trong cuộc sống hàng ngày. Làm việc thiện hiện nay không còn xa lạ với mọi
người nhưng việc đặt thùng Bánh mỳ từ thiện là một việc làm mới ở Đồng Tháp,
mặc dù giá trị vật chất không nhiều nhưng nó thể hiện tính nhân văn, nét đẹp
lung linh của con người đất Sen hồng. Tôi chợt nghĩ, người nào làm được việc gì
dù là việc nhỏ nhưng làm giảm bớt được một phần nào khó khăn của ai đó trong
khả năng của mình, thì cũng nên làm, cũng đáng trân trọng. Và đây thực sự là
một việc làm đầy ý nghĩa của một cô gái còn rất trẻ.
Âm thầm, lặng lẽ, cô làm việc thiện
không có bất kỳ mục đích riêng nào khác ngoài một chữ Tâm. Cô không chịu nói
tên, không cho các phóng viên báo đài đưa tin, chụp ảnh. Những em cháu bán vé
số khi lớn lên với niềm tin vào cuộc sống, nhất định các em sẽ trở thành người
có ích cho xã hội, những người có hoàn cảnh khó khăn họ không cảm
thấy đơn độc trên cuộc đời này để họ cố gắng phấn đấu vươn lên. Thiết nghĩ mô
hình từ thiện này dễ làm, phù hợp cần nhân rộng để phần nào giúp những mảnh đời
còn vất vả trong cuộc sống.
Cuộc sống ở thời nào cũng có những
người phải bươn chải với miếng cơm, manh áo hàng ngày! Chúng ta cần biết đặt
mình vào vị trí của người khác, để cảm thông, chia sẻ “bầu ơi thương lấy bí
cùng” như ngàn đời ông cha đã từng dạy thì tin rằng cuộc sống sẽ càng có ý
nghĩa hơn.
Cám ơn Thùng bánh mỳ từ thiện!
|
|