|

Bản Sonate Đại thắng mùa xuân 1975 - Tranh sơn dầu: Thanh Châu

Họa sĩ Thanh Châu – một thoáng chân dung
Thanh
Châu – viên ngọc xanh, cái tên nghe thật đẹp. Cha mẹ đặt cho anh cái tên ấy
không chỉ vì quá cưng đứa con trai đầu lòng của mình mà còn đặt vào nơi anh niềm
hy vọng về một tương lai thật sáng sủa nhất định sẽ đến, mặc dù cái năm 1939,
năm anh ra đời là năm chiến tranh thế giới bùng nổ, có ảnh hưởng rất lớn đến Việt
Nam nói chung và Nam bộ nói riêng. Một mặt thực dân Pháp ra sức vơ vét của cải
vật chất, bắt lính mang về phục vụ cho cuộc chiến tranh tại chính quốc, mặt
khác ra tay đàn áp phong trào cách mạng nước ta trong đó Nam bộ là một trọng điểm
vì đây là thời gian nung nấu cho chỉ một năm sau, khi Thanh Châu được 1 tuổi,
cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã nổ ra.
Cha
mẹ Thanh Châu là những người theo tân học, không lập lại cách đặt tên xấu cho
con cái vì sợ đất trời và ông bà bắt đi sớm giống như phong tục tập quán của
không ít làng quê Việt Nam trong đó có miền Nam thường rất phổ biến. Chuyện này
xảy ra cũng thường tình, nhưng ở một khía cạnh nào đó người ta có thể cảm thấy
các đấng sinh thành của anh sẵn sàng đủ nghị lực để vượt qua mọi thử thách do
trời và do đời mang lại và không chấp nhận sự tự làm xấu mình khi cuộc đời xung
quanh còn biết bao nhiêu điều xấu xa từ xã hội và phong kiến chủ nghĩa thực dân
mang lại, mà chỉ có làm Cách mạng mới có thể thay đổi triệt để được.
Thật
vậy, cha mẹ Thanh Châu cùng với nhiều người trong gia tộc là những người giác
ngộ cách mạng rất sớm. Năm Thanh Châu 7 tuổi, cha anh đã mang anh theo cùng sống
và công tác tại một đơn vị quân báo cách mạng vùng Long – Châu - Sa. Thanh Châu
không nói cụ thể gì về chuyện này, nhưng những bậc tiền bối cùng thời kỳ đó thường
chỉ cười và nói: “Nhiều khi con nít cũng có thể che mắt được kẻ địch ấy mà…” Sống
giữa những người công tác đặc biệt như thế từ những năm còn nhỏ, chắc sẽ có những
ảnh hưởng mà sau này lớn lên sẽ có lúc biểu lộ ra. Điều đầu tiên dễ thấy nhất
là anh chỉ ham làm, ham hành động chớ không ham “lý sự”.
Năm
1954 anh tập kết ra Bắc, lần lượt học ở các trường học sinh miền Nam, trong một
lần Trường Cao Đẳng Mỹ thuật đi tuyển chọn, anh trúng tuyển vào học tại trường,
sau đó anh và một số bạn khác được trường cử đi học tại Liên Xô. Tại Liên Xô anh
vào học tại học viện Mỹ thuật quốc gia Kiev. Lối đào tạo chính quy, khắt khe,
bài bản là thử thách không dễ gì vượt qua đối với các sinh viên Việt Nam năm thứ
nhất. Phương pháp số một và cũng là thế mạnh của “quân ta” là: chăm chỉ, tận dụng
tối đa thời gian: Các anh đến trường rất sớm, về ký túc xá rất muộn. Thời tiết
nước Nga về mùa lạnh dù ăn no mặc ấm cũng không dễ gì thích nghi. Bởi vậy hình ảnh
của các sinh viên Việt Nam, trong đó người đầu tiên là Thanh Châu, nước mắt nước
mũi “chèm nhèm” khi bước vào lớp hay vào cửa ký túc xá khi từ trường trở về là
hình ảnh dễ thương nhất, chưa nói đến chuyện gặp cái gì anh cũng cười. Ngoài vẽ
ra còn phải học nhiều môn lý thuyết, phải thi, phải đủ điểm… dần dần anh cũng
theo kịp, rồi nhiều lần được nhà trường khen cùng với các sinh Việt Nam chăm chỉ,
học giỏi khác. Cũng đúng thôi, vì ngoài chuyện học thì không có chuyện gì làm
các anh phải sao lãng cả. Tuần nào cũng học cả chủ nhật, không vẽ thì vào thư
viện. Chỉ thực sự nghỉ trong những dịp nhà trường bắt buộc phải nghỉ đông, nghỉ
hè, nhưng anh chẳng khi nào quên mang theo bên mình tập ký họa. Đi nghỉ và ký họa
và bắt đầu lác đác… những chuyện tình. Thanh Châu cao và ngăm đen, vẽ chân dung
như là hớp lấy hồn người, là mục tiêu cho nhiều đôi mắt xanh “thứ thiệt”. Mới
hôm rồi anh cho tôi xem một lá thư trả lời sau 45 năm có tình ý, được gởi từ
Pôtava của một cô nàng người Nga. Lá thư Thanh Châu gởi đi khi vật đổi sao vời,
lại đến được tay người nhận thì quả là một huyền thoại. Lá thư gởi về Việt Nam
với địa chỉ ghi bằng tiếng Việt của một người không biết chữ Việt, nhìn mà cứ
tưởng là mơ…Đọc thư cứ như chuyện mới hôm qua. Anh dịch thư cho vợ nghe, chị chỉ
cười vì hiểu anh là con người quá chung tình. Anh còn hẹn với tôi: “Lúc nào tao
với mày trở qua Ucraina đi…” Cái sôi nổi ngấm ngầm thoáng lại bùng lên trong
anh bất kể thời gian và không gian…
Đang
học dở dang, do quan hệ Việt Nam – Liên Xô có vấn đề, anh về nước tiếp tục học ở
trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Việt Nam, nay là Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Sau khi tốt
nghiệp anh lên đường vượt Trường Sơn vào Nam. Đây chẳng phải lúc kể chuyện về
Trường Sơn gian khó như thế nào và anh cùng đồng đội đã dũng cảm vượt qua ra
sao, nhưng nhìn hình ảnh của anh với chiếc nón tai bèo trên đầu, đôi dép râu dưới
chân và một cái ba lô nặng trĩu trên lưng, đi miết như không hề biết mệt mõi. Tổ
Quốc Việt Nam là một, nhưng đôi lúc vẫn có một sự khác biệt nho nhỏ nhưng không
phải lúc nào cũng dễ nói ra: Đối với anh là trở về, đối vói người khác là ra
đi…Và sự trở về chiến trường miền Nam sau bao năm xa cách là thôi thúc cháy bỏng
nhất trong anh. Thật vậy, ở căn cứ chưa nóng chỗ, anh lập tức xin về công tác
ngay tại các đơn vị đồng bằng, nơi chiến sự ác liệt diễn ra hằng ngày, hàng giờ…Địch
ở xóm trên, ta ở xóm dưới, bỏ dép râu, đi dép Thái Lan để địch không phát hiện
được. Phía bên kia sông là làng anh, nơi có cha mẹ, các em gái của anh, bà con
thân thuộc và cả tuổi thơ xa cách bao nhiêu năm cùng thời gian đất nước bị chia
cắt. Bên kia con sông là vùng địch chiếm, vẫn không dễ dàng gì trở về gần
hơn…Anh theo văn công, theo du kích, theo bộ đội giải phóng đi khắp các miền
quê khác, và những hình ảnh của sông nước, làng quê, những khuôn mặt của đồng
bào đồng chí, những trận quân ta đánh vào đồn giặc, những cuộc liên hoan mừng
chiến thắng…đã được anh ký họa rất nhiều, cẩn thận, không mệt mõi. Và vì vậy
anh đã trở thành chứng nhân của vô số sự kiện, với số lượng hàng ngàn tư liệu
và phác thảo cho đến ngày chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975. Ghi chép được đã là
rất khó, nhưng bảo quản trọn vẹn được nó nhiều khi còn nguy hiểm đến tính mạng của
mình.
Những
lần trở về căn cứ với số tư liệu ghi chép được, anh đã làm phấn khích biết bao
nhiêu người. Và theo bước chân anh, nhiều họa sĩ tiếp tục đi xuống đồng bằng
nơi chiến trường luôn ác liệt để cho ra đời những ký họa mà ở rừng không thể
nào có.
Năm
1970, một lần trở lại căn cứ gặp đúng trận càn lớn không đi được nên Thanh Châu
ở lại cùng anh em phòng Mỹ thuật giải phóng chống càn. Tiếng pháo tầm xa của địch
nổ liều phóng lần thứ hai trên đầu như muốn xô té mọi người, có người ngã vào bụi
cây, không hiểu vì mất bình tĩnh hay vì tiếng nổ đinh tai hất ngã. Vội vàng đứng
lên thật nhanh cho mọi người khỏi nhìn thấy thêm mắc cở. Bên kia trảng trống
nghe có tiếng mở nắp thùng đạn đại liên của Mỹ. Tổ trinh sát có Thanh Châu với
khẩu carbin M1 trong tay, dự đoán có biệt kích. Tổ có 4 người, hai người đã nằm
xuống mở chốt an toàn các khẩu AK chuẩn bị bắn, chỉ có Thanh Châu bán tính bán
nghi và một người nữa còn đứng lom khom che tay lên trán quan sát phía trước giống
như Tôn Ngộ Không(!) Thương Thanh Châu ghê, nếu đụng trận thật thì khẩu carbin
bắn phát một ấy không biết có “chọc cười” thiên hạ được không, nhưng hăng hái
thì chắc không ai bằng anh… Bỗng một người nằm ngã xuống chuẩn bị bắn, nhìn thấy
phía sau một gò mối bị ánh mặt trời chiếu sáng trắng, hình như là nón sắt Mỹ. Vẫy
tay ra hiệu cho những người còn lom khom nằm xuống, nhè nhẹ giương súng lên ngắm,
bụng bảo dạ: Mày còn nhô lên nữa là bể “gáo dừa” nghe con… Đột nhiên chiếc “nón
sắt” ở phía sau gò mối nhảy dựng lên la lớn: Anh Châu, anh Châu! Đừng bắn, em
đây, Trọng đây! Té ra là thằng Trọng, dân giao bưu. Ai bảo mày đội nón cối, người
ta đã bảo vứt hết đi, giống nón sắt thấy mẹ, có ngày ăn đạn quân ta bắn lầm đó
à nghe! Trọng nói: Thưa “quý vị” em đã thấy quý vị từ lâu, chưa biết là ai, có
bắn thì em bắn trước rồi. Mọi người chưng hửng nói: Vậy hả? Chú mày đến đây từ
bao giờ, sao không báo trước? Có biết ai ở đây đâu mà báo, thôi… huề, mạnh ai
đường nấy! À này! Một người giật giọng hỏi thêm: Có ai mở thùng đại liên vậy?
Đâu có, chúng em đang đi lấy nước, chắc là cái gàu bằng bom Napal đụng phải
cành cây đấy. Trời đất, chả lẽ cả 4 thằng đều thần hồn nhát thần tính hay sao?
Chưa
hết, trong trận càn năm Đông Dương năm 1970, địch dồn chúng tôi ra khỏi biên giới,
cả tuyên huấn Trung Ương Cục lên lộ 7 – Sô Long (Camphuchia). Khi ổn định căn cứ,
chúng tôi cắt rừng liên lạc với C100 là
cơ quan lãnh đạo của các B. Sáng hôm đó cơ quan thức sớm cơm nước xong
xuôi, chúng tôi phân công anh Thanh Châu một công việc nhẹ nhất, anh sẽ ngồi một
vị trí khoảng cách giữa hai cơ quan cùng cây súng AK và chú chó cưng, nhiệm vụ
của anh là cứ 15 phút bắn 1 phát để đoàn cắt rừng định hướng. Sau phát thứ ba
mãi cho đến chiều tối đoàn cắt rừng không còn nghe tiếng súng của anh nữa.
Mãi
cho đến chiều tối, sau nhiều tiếng nổ liên hồi, tiếng súng có vẻ hốt hoảng bằng
khẩu AK, chúng tôi liền bắn trả lời và sau nửa giờ chúng tôi gặp nhau, chú chó
theo chân anh không rời một bước. Anh đi chệnh choạng, xiêu vẹo vì vai mang nặng
con kỳ đà 9 ký cùng khẩu AK không còn một viên đạn. Chúng tôi vừa bực mình vừa
lo, nhưng lo nhiều hơn vì không biết lý do trục trặc gì, nhất là vừa đến khu vườn
hoang lạ.
Đêm
hôm đó chúng tôi nổi lửa nấu cháo kỳ đà ăn cho đến 1 giờ sáng, hương vị thịt kỳ
đà làm mọi người tan biến đi mọi bực dọc.
Những
kỷ niệm trong chiến khu thì còn nhiều, vui có, buồn có, nhưng tất cả chúng tôi
đều vượt lên cho đến ngày toàn thắng.
Tôi
ghi lại một số kỷ niệm về Thanh Châu mà suốt trong nhiều năm qua tôi không thể
nào quên, và chính con người có những nét chân dung đời thường như thế đã làm
nên những tác phẩm nổi tiếng và xứng đáng nhận được giải thưởng về Văn học Nghệ
thuật như chúng ta đã biết….
Họa
sĩ Phạm Đỗ Đồng
 Căn cứ Tỉnh Ủy Đồng Tháp - Tranh sơn dầu: Thanh Châu

Trên những dòng kinh Tháp Mười - Tranh sơn dầu: Thanh Châu
|
|