|
Tham dự buổi lễ có nguyên Ủy viên Bộ Chính
trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng cùng hơn 500 cán bộ tập
kết, đi B và đại diện thân nhân của cán bộ tập kết, đi B các tỉnh, thành phố:
TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, Thanh Hóa,
Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Tháp.
Cách đây 65 năm, ngày 29-10-1954, mảnh đất
Cao Lãnh đã chứng kiến một sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, một cuộc
chia tay để đoàn tụ - cuộc đưa tiễn đoàn quân, cán bộ, chiến sĩ cuối cùng lên
tàu tập kết ra miền Bắc. Để ghi nhớ sự kiện này, tỉnh Đồng Tháp cùng các tỉnh,
thành phố có cán bộ, chiến sĩ và con em miền Nam tập kết tại Cao Lãnh năm 1954,
gồm: thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, An Giang, Bình Dương, Bình
Phước, Đồng Nai và Tây Ninh tiến hành xây dựng công trình Tượng đài tập kết năm
1954 tại Cao Lãnh.
Công
trình Tượng đài Tập kết 1954 được
khởi công xây dựng từ tháng 9 năm 2017 trên khuôn viên 12.000m2,
ngay tại địa điểm diễn ra sự kiện Tập kết năm 1954 (gần Bắc Cao Lãnh, phường 6,
thành phố Cao Lãnh). Công trình
có tổng mức đầu tư gần 49 tỷ đồng, bao
gồm các hạng mục: Tượng đài và Phù điêu, sân lễ đài, sân
đường, hoa viên cây xanh, hồ nước, hệ thống cấp nước tưới cây, cấp điện chiếu
sáng và chống sét. Trong đó tượng
đài cao
11m (không tính bệ tượng), 02 nhân vật người mẹ và anh bộ đội cao 6m; đài sen
cao 2m, rộng 10m; bệ tượng cao 3m, rộng 1,6 m; 02 bức phù điêu: mỗi bức dài 13
m, cao 4m bằng chất liệu đá nguyên khối. Các hạng mục bờ kè, san lấp mặt bằng, móng tượng đài, móng phù điêu; sân
lễ đài, sân đường, hoa viên cây xanh với kinh phí 21 tỷ đồng, sau thời gian hơn
hai năm, công trình được nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
Tập kết, chuyển quân ra miền Bắc là một chủ
trương, chính sách lớn về quản lý, đãi ngộ, sử dụng và bồi dưỡng, đào tạo một
đội ngũ cán bộ, chiến sĩ vừa góp phần cho công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở
miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam sau
này. Theo Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, cùng với hai
tỉnh khác ở khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ là Bình Thuận và Cà Mau, thị trấn
Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa (tức thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp ngày nay)
được chọn làm điểm tập kết chuyển quân ra Bắc trong 100 ngày của Quân đội Nhân
dân Việt Nam. Tại thời điểm đó, tỉnh Long Châu Sa đã đón tiếp và đưa tiễn
13.508 cán bộ, chiến sĩ và con em miền Nam từ các tỉnh Mỹ - Tân - Gò, Long Châu
Sa, Gia - Định - Ninh, Phân Liên Khu miền Đông và quân tình nguyện Cao Miên xuống
tàu tập kết ra Bắc. Trong đó, toàn tỉnh Long Châu Sa có 2.563 người. Chuyến
tàu cuối cùng rời bến bắc Cao Lãnh chở đoàn quân tập kết ra miền Bắc vào ngày
29/10/1954.
100 ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh là
100 ngày thắm đượm nghĩa tình quân dân. Bộ đội vừa học tập Hiệp định vừa giúp
dân sửa nhà, đắp đường, làm cầu, tuyên truyền, xây dựng đời sống mới... Đặc biệt,
trong thời gian tập kết, tiểu đoàn 311 của Tỉnh đã góp sức cùng với nhân dân
xây dựng 02 công trình có ý nghĩa to lớn là Đài liệt sĩ và mộ Cụ Phó bảng Nguyễn
Sinh Sắc. Đó cũng là thành quả của 9 năm chiến đấu trong bưng biền để có được
100 ngày sống trong hòa bình, yên lành và hạnh phúc tại Cao Lãnh. Tất cả những việc làm của
cán bộ, bộ đội đã tác động mạnh mẽ đến tình cảm, tư tưởng và niềm tin sâu sắc
vào cách mạng của nhân dân.
Lịch
sử sẽ còn ghi mãi sự kiện này, với tinh thần “Đi vinh quang, ở anh dũng”, cuộc chia
ly vì nghĩa lớn thiêng liêng và hết sức cảm động. Cảnh con tiễn cha, mẹ tiễn
con, vợ tiễn chồng, đồng chí, đồng đội tiễn nhau để lên đường tập kết ra Bắc. Với
lòng tin sắt đá “hôm nay chia tay để ngày
mai gặp lại trong cảnh huy hoàng của Tổ quốc” đã tiếp thêm sức mạnh để các
chiến sĩ lên đường ra Bắc học tập và trở về chiến đấu giải phóng quê hương.
Nhân dịp khánh thành công trình Tượng đài tưởng niệm sự kiện tập kết 1954, Cục Lưu trữ Văn phòng T.Ư Đảng,
Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, tỉnh Đồng Tháp cùng phối hợp tổ chức Triển lãm tài liệu lưu trữ
chủ đề “Cao Lãnh - Ra đi để trở về”
và bàn giao bản sao hồ sơ, kỷ vật cán bộ tập kết, cán bộ đi B của tỉnh Đồng
Tháp mà trước lúc ra đi đã gửi lại cho tổ chức cất giữ. Cũng trong dịp này,
Cán bộ đi B và lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Thành phố
Hồ Chí Minh, Long An, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tiền Giang, Tây Ninh, Thanh Hóa, đã tặng và trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Tượng đài.
Công trình tượng đài tưởng niệm sự kiện tập kết
năm 1954, sẽ được địa phương quản lý, sử dụng và phát huy giá trị, làm nơi sinh
hoạt văn hóa, vui chơi giải trí, tham quan du lịch, quảng bá hình ảnh địa
phương, giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Một số hình ảnh trong buổi lễ khánh thành

Văn nghệ chào mừng

Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, trưởng ban tổ chức phát biểu cảm tưởng 
bàn giao bản sao hồ sơ, kỷ vật cán bộ tập kết, cán bộ đi B của tỉnh Đồng Tháp 
Nghi thức kéo băng khánh thành tượng đài tưởng niệm 
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài 
Tham quan triển lãm tài liệu lưu trữ 
Quang cảnh lễ khanh thành
|
|