|
Nếu chọn một
chuyên mục hoặc tiểu mục nào trên báo Văn
nghệ Đồng Tháp, 2013 mang đậm bản sắc địa phương nhất, tôi sẽ gọi tên đầu
tiên chuyên mục Ca khúc.
Nhìn một cách
tổng thể về phương diện đề tài và chủ đề của báo Văn nghệ Đồng Tháp, 2013, ngoài thể loại kí nóng rực tính thời sự
mà hầu hết tác phẩm phản ánh kịp thời những hoạt động kinh tế - xã hội đang
diễn ra trên đất Đồng Tháp, theo tôi chỉ có chuyên mục Ca khúc là mang đến một cách phong phú, đa dạng những địa danh, thành
tựu, dáng nét, góc cạnh, hồn cốt… quê hương hơn cả. Có vẻ là điều lạ đối với một lĩnh vực sáng tác ngỡ
nhiều bay bổng, thoát li, lãng mạn... như âm nhạc. Nhưng tiếp cận, khảo sát một
cách cụ thể, sẽ thấy nhận xét trên là hoàn toàn có cơ sở.
Điều này thể
hiện rõ nhất trước hết ở danh mục tác giả. Theo số liệu thống kê, trong số 43
ca khúc được đăng trên Văn nghệ Đồng Tháp
năm 2013, ngoài vài tên tuổi ngoại tỉnh, hầu hết ca khúc được in đều của các hội
viên thuộc Phân hội Âm nhạc, Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp hoặc của các cây bút
trẻ khác trong tỉnh. Ngoại trừ hai nhạc sĩ Phạm Khiêm và Phạm Đức, năm nay rút
lui, dành đất cho các đồng nghiệp khác, còn lại dường như các tác giả hội
viên đều xuất hiện trên chuyên mục Ca
khúc này. Tác giả xuất hiện nhiều nhất (5 tác phẩm): Tuyết Mai. Nhạc sĩ Tấn
Lực được chọn đăng 3 ca khúc. Các tác giả có 2 tác phẩm được in: Chí Cao,
Nguyễn Duy Trung, Thúy Nga, Tô Thanh Sơn, Lê Quang Thịnh (không tính 2 tác giả
có 1 tác phẩm được đăng 2 lần: Đỗ Hữu Nghĩa; Phương Trinh). Và nhiều tác giả
hội viên được đăng tác phẩm như: Hà Tài, Lê Phước Hùng, Ngọc Quỳnh, Nguyễn
Tùng, Phan Hồng Sơn, Tấn Nghĩa, Thành Nhơn, Trương Hồng Phúc, Trương Thị Kim
Hạnh, Vạn Triệu, Xuân Hùng…
Qua đây cho
thấy, chuyên ngành Âm nhạc trong năm 2013 đã tổ chức, tập hợp và định hướng
sáng tác cho hội viên một cách bài bản, thiết thực và đạt hiệu quả cao. Từ số
lượng tác giả Đồng Tháp tham gia sáng tác và sáng tác về quê hương một cách
hùng hậu như vậy, có thể thấy việc động viên, cổ vũ, tạo điều kiện tối ưu cho
anh chị em sáng tác của chuyên ngành Âm nhạc là khá tốt, cần tiếp tục phát huy
trong thời gian tới. Ở đây, cũng cần nói thêm về vai trò của khâu biên tập với
chủ trương ưu tiên in ấn, phổ biến nhiều nhất các tác phẩm của các tác giả địa
phương cũng như các ca khúc viết về quê hương Đồng Tháp, nên từ nhiều năm
trước, đặc biệt là năm 2013 đã cho ra mắt nhiều nhất các tác phẩm có đề tài này
trên báo Văn nghệ Đồng Tháp.
Thứ hai là thể
hiện ở danh mục tên ca khúc mà trước hết ngay từ tên tác phẩm, những địa danh
thuộc Đồng Tháp đã vang lên một cách tự hào, tha thiết: Hương sen Đồng Tháp; Đồng Tháp tôi yêu, Bâng khuâng chiều Gò Tháp,
Chuyện tình bên dòng Sa Giang, Về với Tràm Chim, Đồng Tháp người và đất, Em yêu
Đồng Tháp quê em, Đồng Tháp chào xuân, Cao Lãnh tự hào đi lên, Hồng Ngự thị xã
quê tôi, Thương hoài Đồng Tháp quê mình, Cao Lãnh mừng xuân mới, Tình mẹ Thanh
Bình, Về với quê em Tháp Mười, Nhớ về Đồng Tháp, Tuổi thơ Đồng Tháp hướng về
nguồn cội, Cao Lãnh vào xuân, Đại học Đồng Tháp tôi yêu…chưa tính đến các
cách gọi khác mang tính ẩn dụ, biểu tượng hoặc chỉ thị về quê hương Đồng Tháp
như: Nơi đó là quê tôi, Miền thương, Thị
xã tôi yêu, Hát về nông thôn mới, Dòng kênh quê hương…
Với tên gọi ca
khúc như trên, ca từ của nó cũng tập trung nói về vùng đất quê hương với lối
diễn đạt tuy còn nặng về lời kể, chưa hàm chứa nhiều chất thơ ở nhiều tác phẩm,
nhưng đã nói lên phần nào vóc dáng, tiềm năng, cội nguồn văn hóa và sự phát triển
của Đồng Tháp và từng huyện, thị, thành trong tỉnh một cách đầy đủ, tương thích
và hiệu quả nhất. Trong Thị xã tôi yêu,
Đỗ Hữu Nghĩa đã viết lên những dòng ca từ thiết tha, tự hào mang phong cách
hiện đại trong nhịp 6/8 rộn ràng: Hồng
Ngự thị xã tôi yêu, ngày xưa đồng phèn vất vả, giờ đây mùa vàng óng ả mênh mông
mênh mông. Quê hương đẹp tựa vần thơ, ven sông bờ kè mộng mơ, chân quen mà lòng
ngẩn ngơ theo tiếng sóng nước sông Tiền hiền hòa. Cũng trong cảm hứng thiết
tha, tự hào nhưng đẫm niềm hoài cổ, Ngọc Quỳnh trong Bâng khuâng chiều Gò Tháp viết: Gò
Tháp ơi, Gò Tháp ơi! Đâu dấu xưa mười tầng tháp cổ? Nghe rì rào một thoáng Phù
Nam. Âm vang hào hùng đoàn nghĩa binh Thiên Hộ. Tiếng gươm khua vang tiếng Đốc
Binh Kiều. Chuyện tình bên dòng Sa
Giang của Nguyễn Duy Trung có vẻ mang phong cách tự sự như chính tên ca
khúc gợi ra, song bất ngờ là ca từ nhiều đoạn lại lóng lánh chất thơ, góp phần
làm bài hát bay bổng, phiêu du: Tân Qui
Đông giờ đây bốn mùa đều là xuân. Kỉ niệm trôi nồng nàn trong kí ức. Trong nỗi
nhớ của người xa quê, sông chảy qua
bao tâm hồn dài rộng. Có đâu người phụ tôi mà rẽ bước sang sông, để ngày thương
đêm nhớ Tân Qui Đông. Còn Tô Thanh Sơn trong Thương hoài Đồng Tháp quê mình thì ca từ khấp khởi, chân thành, tự
tin trong nhịp valse nhanh về một tình yêu quê hương, xứ sở mãnh liệt: Về Đồng Tháp miền Tây quê mình, mỗi hạt lúa
là một niềm tin. Bóng dáng nào làm anh vương vấn? Tiếng hát nào làm em bâng
khuâng? Tôi yêu hàng tràm mơ màng lả lướt ven sông, từng bờ kênh, con đê, chiếc
xuồng câu chở bóng chiều quê. Thơm ngát hoa trái trên cành xanh mát. Ôi biết
bao tình thương hoài Đồng Tháp quê mình…
Rõ ràng, năm
2013, Văn nghệ Đồng Tháp bội thu về
ca khúc viết về quê hương Đồng Tháp với hơn 60% tác phẩm được đăng. Điều này
thể hiện hướng đi đúng của Ban Biên tập tờ báo cũng như của chuyên ngành Âm
nhạc. Dẫu vậy, qua khảo sát tên ca khúc, ca từ của các tác phẩm viết về Đồng
Tháp được đăng ở trên, điều cần quan tâm đối với các tác giả là cố gắng thoát
khỏi cái gọi là sáo, mòn, nhàm, lặp… bằng lối tiếp cận, diễn đạt mới hơn về
những gì mang tính đặc trưng của quê hương mà người đi trước đã đề cập, khai
thác quá nhiều như: sen, tràm, lúa, cánh cò, kênh rạch, xuồng ghe, đức tính hào
phóng của con người… Như vậy mới có thể có được nhiều ca khúc song hành chững
chạc trong sự độc đáo cùng các bài hát đã định hình, thành danh về Đồng Tháp
như: Chiếc xuồng quê hương (Xuân
Hồng), Mênh mông Đồng Tháp (Trịnh
Công Sơn), Hoa sen (Nguyễn Văn Long),
Mưa
Tháp Mười (Phạm Khiêm - Hồ Tĩnh Tâm), Đò
xuân Sa Giang (Nguyễn Hoàng), Bên mộ
người thân sinh Bác Hồ (Vũ Loan), Nhớ
công ơn Người (Phạm Đức)…
Thứ ba là bản
sắc địa phương Đồng Tháp bộc lộ một cách khá tinh tế và hài hòa bằng phong cách
và hồn cốt các làn điệu dân ca Đồng Tháp nói riêng, Nam bộ nói chung trong khúc
thức, hòa thanh, giai điệu, tiết tấu… của không ít ca khúc. Trong giới hạn một
bài viết trên báo, xin đơn cử mấy ví dụ sau:
Một trong
những ca khúc theo tôi là thuộc loại thành công nhất nơi các ca khúc viết về
Đồng Tháp là Đồng Tháp tôi yêu do Lê
Quang Thịnh sáng tác nhạc dựa trên ý thơ của Nhiệm Mầu. Với thể thức hai đoạn,
bố cục gọn, tác giả lựa chọn loại nhịp 4/4 và gam chủ Rê thứ (Dm), lẩy những
nét cơ bản từ âm giai ngũ cung (pentatpnic) trong làn điệu Lý qua cầu của kho tàng dân ca Nam bộ kết hợp với âm giai 7 nốt của
âm nhạc cổ điển, khiến ca khúc vừa mang dáng dấp hàn lâm vừa thấm đẫm phong vị
dân gian, đầy chất tươi trẻ, tự hào, tin yêu.
Cùng vận dụng
khá nhuần nhuyễn trong sự cách tân âm hưởng điệu Lý qua cầu là ca khúc Về với
Tràm Chim của Nguyễn Tùng, nhất là ở đoạn đầu với giọng La thứ (Am). Nghe
phần âm nhạc của đoạn này, không thể không hình dung về một vùng sinh thái đã
được công nhận đạt chuẩn ramsar chỉ có thể có ở Đồng Tháp và ở Đồng bằng sông
Cửu Long với sự mênh mang của rừng tràm, của sông rạch, của đồng ruộng… Giá ở đoạn
hai, khi chuyển sang giọng La trưởng (A), tác giả vẫn giữ nguyên chất dân ca
Nam bộ này (không để phảng phất chút làn điệu dân ca Tây nguyên, dù như vậy
cũng tạo nên ấn tượng lạ?) thì ca khúc sẽ trọn vẹn, thuần khiết và giàu bản sắc
Đồng Tháp hơn.
Trong hai ca
khúc: Về với quê em Tháp Mười của
Trương Hồng Phúc và Em yêu Đồng Tháp quê
em của Phương Trinh - Thanh Hùng, dường như các tác giả đã vận dụng trong
sự phối quyện âm hưởng các làn điệu lý Nam bộ trong ca khúc của mình, khiến tác
phẩm đậm đà trong chừng mực phong cách âm nhạc dân gian vùng đất phương Nam.
Cùng chọn nhịp 4/4 và giọng La thứ (Am), người nghe nhận ra đâu đó trong giai
điệu, tiết tấu… của những ca khúc này hồn cốt dân gian của Lưu thủy hành vân, của các điệu Lý
chiều chiều, Lý cái mơn…
Tôi thuộc tạng
người không cổ súy cho thao tác bê gần như nguyên xi làn điệu dân ca vào ca
khúc và gọi đó là vận dụng hay dựa vào âm hưởng âm nhạc dân gian như vẫn thường
gặp đâu đó, nhất là trong những ca khúc dựa trên bản Dạ cổ hoài lang nổi tiếng hoặc một số bài bản đờn ca tài tử Nam bộ.
Vì vậy, khi khảo sát những ca khúc viết về đất nước, con người… Đồng Tháp trên
báo Văn nghệ Đồng Tháp, 2013, tôi luôn
có ấn tượng đẹp với không ít tác phẩm tuy mang phong vị dân ca Nam bộ nhưng đều
ở mức độ vừa phải, tinh tế, nhẹ nhàng, phảng phất, nhất là một số ca khúc đã
biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách hiện đại và phong cách dân gian, làm
cho tác phẩm vừa mang dáng nét vùng miền vừa hòa nhập với trào lưu chung của âm
nhạc đương đại. Theo thiển ý của tôi, không gì tai hại hơn việc vận dụng vốn cổ
một cách rập khuôn, máy móc chủ nghĩa - một kiểu sao ý bản chính - và tự huyễn hoặc mình về điều đó! Rất may, trong
số những tác giả và ca khúc nói trên đã không vướng vào điều húy kị này…
Trên cơ sở
những luận cứ sinh động nói trên, có thể khẳng định ca khúc trên Văn nghệ Đồng Tháp, 2013 đã tạo cho mình
gương mặt riêng, mang đậm bản sắc quê hương Đồng Tháp, qua đó góp phần không
nhỏ tạo nên gương mặt và tiếng nói riêng cho tờ báo chuyên ngành văn học - nghệ
thuật của vùng đất Tháp này.
Một khi việc
sản xuất, phát hành băng đĩa vẫn đang còn là một điều gì đó hơi xa xỉ và những
chương trình biểu diễn giới thiệu ca khúc mới diễn ra không nhiều ở Đồng Tháp,
việc ca khúc được in trên tờ Văn nghệ
Đồng Tháp như là một kênh xuất bản chính thống, thường xuyên và phổ cập
nhất, chính là hoạt động cốt yếu nhằm phổ biến tác phẩm của hội viên. Và, tận
dụng tốt điều này để khuếch trương các tác phẩm của Đồng Tháp, viết về Đồng
Tháp như chuyên mục Ca khúc trên Văn nghệ Đồng Tháp, 2013 đúng là một
việc làm kịp thời, thiết thực và thành công.
Cuối cùng, dù
việc phổ biến các ca khúc về Đồng Tháp nói trên mới chỉ ở trên mặt báo thì ít
nhiều nó cũng đã góp tiếng nói tích cực trong việc định hướng thẩm mĩ lành mạnh
cho công chúng, đẩy lùi từng phần loại âm
nhạc thị trường nói chung, các ca khúc thực
dụng nói riêng đang tràn ngập trên các trang mạng xã hội và trên một số
phương tiện thông tin đại chúng hiện nay. Báo Văn nghệ Đồng Tháp đang tiếp tục đi đúng hướng với tư cách là người
lính xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng qua nội dung các chuyên mục của
mình, nhất là chuyên mục Ca khúc.
|
|