|
Ý
KIẾN CỦA THANH NIÊN ĐỐI VỚI ÂM NHẠC HIỆN NAY
TRẦN TẤN LỰC
Đối với
nhạc giao hưởng thính phòng
Có 44% thanh
niên đồng ý, 36% không đồng ý và 29% không có ý kiến về vấn đề cho
rằng nhạc giao hưởng thính phòng hiện nay đang bị xem nhẹ (1). Mặc dù
thanh niên thích nghe nhạc giao hưởng thính phòng không nhiều (20%),
nhưng có đến 47% bạn trẻ từ 17 đến 25 tuổi không đồng ý với ý kiến
cho rằng nhạc giao hưởng, thính phòng không phù hợp với giới trẻ.
Kết quả cũng cho thấy rằng nếu trình độ thưởng thức cao hơn thì
thanh niên có khuynh hướng dễ chấp nhận thể loại âm nhạc giao hưởng,
thính phòng. Tuy vậy, có đến 42% thanh niên cho biết: Mỗi khi mở tivi lên, thấy có nhạc hòa
tấu giao hưởng là chuyển qua đài khác; 36% không đồng ý với ý
kiến này; 22% không có ý kiến.
Đối với nhạc dân tộc truyền thống
Qua kết quả
điều tra cho thấy có gần phân nửa thanh niên cho rằng nhạc dân tộc
truyền thống nói chung đơn điệu, không hấp dẫn và bị xem nhẹ (47%).
Chỉ có 1,3% thích nghe hát chèo, 1% thích nghe hát bội, 23% thường
nghe dân ca, so với 58% thường nghe nhạc trẻ. Điều này cho thấy dân ca
không hấp dẫn thanh niên bằng nhạc trẻ. Tuy vậy vẫn có 40% bạn trẻ
yêu dân ca dù ít khi nghe dân ca. Đây
là một tín hiệu lạc quan về âm nhạc dân tộc trong lòng khán giả
trẻ. Như vậy âm nhạc dân tộc truyền thống, dù có bị xem nhẹ hay không
thì hiện nay vẫn không thu hút được nhiều người xem và nghe, số người
theo học cũng ngày càng ít dần.
Đối với ca khúc nhạc trẻ Việt Nam hiện nay
Có 67% thanh
niên cho rằng nội dung nhạc trẻ bây
giờ đa số là chuyện tình yêu, rên rĩ, sướt mướt, không phù hợp đời
sống thực tế; 18% không đồng tình với nhận xét này; 14% không có
ý kiến. Tương tự như vậy, có 73% bạn cho rằng nhiều ca khúc bây giờ nghe còn tệ hơn nhạc sến; 14% không
đồng ý với nhận định này; 13% không có ý kiến. Các bạn trẻ đã đưa
ra rất nhiều bài hát có nội dung, ca từ nhảm nhí, không nên đưa vào
tác phẩm âm nhạc. Xin trích nêu một số bài: Không đau vì quá đau; Khi người đàn ông khóc; Vì sao em bắt anh
phải yêu em?; Anh không muốn bất công với em; Người đàn ông tham lam; Sao
nhắn nhầm máy anh; Đàn ông là thế; Kiếp đàn bà thân xác đàn ông;
Người đàn ông không được quên, hết tình còn nghĩa; Làm người ai làm
thế; Tâm sự hai người đàn ông; 2+1= 0; Bạn tôi em cũng không chừa;
Người anh yêu cùng phái với anh… Đó là các ca khúc hiện nay của
công ty Thế Giới giải trí, đó là các bài hát do các ca sĩ Ưng Hoàng
Phúc, Lưu Chí Vũ, Lâm Hùng, Lâm Chấn Huy, Lâm Chấn Khang, Phạm Thanh
Thảo... hát!
Hầu hết
các bạn trẻ rất ghét và tỏ ra rất bực tức với những ca từ như: giờ anh phải làm sao chọn đây khi tim
khắc cả hai hình dung, vui buồn cùng em nhưng lòng đã mang ước thề…; Mất
đi người yêu anh thì sao? Mất đi người yêu với anh cũng thế thôi, người
yêu anh trên thế gian còn rất nhiều…; Lần đầu tiên em đã trao thân cho
người quá vội…; Em đánh anh đau là anh méc má em đó…. Như vậy có
thể kết luận rằng, loại ca khúc thị
trường hay gây sốc này không
đáp ứng được nhu cầu thưởng thức âm nhạc của đa số bạn trẻ. Họ
thích ca khúc Việt Nam nhưng phải là ca khúc đúng nghĩa, giai điệu
đẹp giàu chất thơ, giàu tính nhân văn.
Bên
cạnh đó việc đào tạo âm nhạc hiện nay ở một số trường đang có
chiều hướng xuống cấp, cụ thể: số sinh viên đại học và trung cấp
của nhạc viện Thành Phố Hồ Chí Minh năm học 2006 - 2007 bằng 63% so
với năm học 2000 - 2001 và chỉ bằng
48,6% so với năm 2001 - 2002. Số sinh viên tốt nghiệp có gia tăng, nhưng
có thể vài năm tới giảm vì đầu vào giảm. Dự báo về đội ngũ kế
thừa cho dàn nhạc giao hưởng Thành phố Hồ Chí Minh trong vòng hai mươi
năm nữa sẽ bị thiếu hụt nếu tình hình tuyển sinh không được cải
thiện, đặc biệt là các bộ môn violon, kèn, sáo và các loại nhạc cụ
dân tộc. Từ năm 1985 đến nay, trong số giáo viên dạy nhạc ở trường
phổ thông trung học cơ sở do Khoa Âm nhạc Mỹ thuật (Trường Cao đẳng Sư
phạm Thành phố Hồ Chí Minh, nay là Đại học Sài Gòn) đào tạo, có
khoảng 42% giáo viên nghỉ dạy. Lý do: trong những năm đầu là đi vượt
biên hoặc làm nghề khác vì lương giáo viên thấp, có người chuyển sang
dạy toán, ngoại ngữ. Riêng khóa đầu tiên (1985 - 1988), bỏ dạy gần
hết vì được phân công đi dạy ở xa. Các lý do khác như: Về trường phổ
thông bị phân công làm giám thị, có trường buộc dạy cả môn Mỹ thuật,
môn Văn, không đúng chuyên ngành được đào tạo. Những năm gần đây, con
số nghỉ dạy có giảm, nhưng một số không nhận nhiệm sở, để đi học
tiếp đại học hoặc một ngành khác. Chương trình, sách giáo khoa hiện
nay xem nhẹ phần kiến thức cơ bản về nhạc lý, ký xướng âm, thường
thức âm nhạc, chú trọng dạy hát là chính, nhưng toàn là những bài
đã quá cũ xưa, nhiều bài học sinh đã nghe và thuộc từ lâu rồi, vì
thế không gây được hứng thú trong giờ học nhạc. Mặt khác, do chỉ dạy
ca khúc, tức là cũng chỉ rèn luyện tư duy âm nhạc theo kiểu nghe nhạc
một bè, nhạc có lời, học sinh không được nghe nhiều thể loại khác
nhau.
Qua con số
thống kê và các nhận định, chúng ta có thể nhìn nhận một thực tế
là, hiện nay mặt bằng văn hóa âm nhạc của ta đang xuống cấp, dù có
những cố gắng để đầu tư và đổi mới trong các hoạt động âm nhạc và giáo dục âm nhạc, nhưng so với
các nước trong khu vực còn thua kém xa. Chúng ta có đầu tư cho trang
thiết bị vật chất, nhưng đầu tư để đào tạo con người thì còn rất
ít. Thêm vào đó, tâm lý một số nhạc sĩ, ca sĩ cũng không muốn học
hành nhiều, tốn công tốn sức, họ chỉ muốn nhanh chóng nổi tiếng,
kiếm thật nhiều tiền. Một điều cần nhắc đến, có thể nói đài
truyền hình là một phương tiện, một công cụ đắc lực trong việc phổ
biến kiến thức về mọi mặt, trong đó có âm nhạc. Tuy nhiên các buổi
phát sóng dành cho các chương trình ca nhạc hoặc thi tuyển lựa giọng
ca hay từ Bắc chí Nam rất nhiều và thường được trực tiếp vào những
giờ vàng, còn các chương trình nhạc giao hưởng, thính phòng, ca nhạc
dân tộc và tìm hiểu âm nhạc thì lại phát vào những giờ trái, ít
người xem và nghe nhất. Thiết nghĩ, những người có trách nhiệm cần
xem xét lại. Giới trẻ thích nghe nhạc trẻ, đó là điều đương nhiên.
Nhưng vấn đề ở đây đáng nói là những nhạc sĩ sáng tác bài hát nội
dung, ca từ như thế nào là điều quan trọng. Chứ không phải viết những
bài hát có nội dung, ca từ nhảm nhí rồi tự cho mình: là đi tìm con
đường mới, tìm sự bứt phá; bây giờ có xu hướng mới viết bài hát
theo văn nói chứ không theo kiểu thơ nữa. Thậm chí có những bài hát chỉ
mượn nhạc nước ngoài rồi đặt lại lời mới. Đó là những việc làm
phá hoại giá trị đích thực và chân chính của nhạc trẻ Việt Nam,
chứ không thể gọi là bứt phá hay đi tìm con đường mới, xu hướng mới
được.
Điều bất
thường trong âm nhạc Việt Nam hiện nay chính là ở chỗ mất cân đối
giữa các dòng nhạc bác học, nhạc dân tộc truyền thống và nhạc thị
trường. Cái có giá trị thì bị xem thường, trong khi cái tầm thường
lại dư thừa và đôi khi được tôn vinh một cách quá mức. Người ta
thường đỗ lỗi một cách chung chung rằng thị hiếu của giới trẻ hiện
nay là thấp. Đối với mọi người, đặc biệt là giới trẻ, họ cần được
thưởng thức nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, không chỉ có ca khúc.
Nhạc có lời thường đơn giản dễ hiểu, nhưng nhạc không lời giúp tư duy
phong phú hơn, vì khi chỉ có âm sắc, giai điệu và hòa thanh vang lên
thì con người mới tự do cảm nhận, tự do tưởng tượng và đánh giá
theo cách riêng của mình, không bị áp đặt bởi ca từ. Nghe nhạc không
lời là một cách nâng cao khả năng tư duy âm nhạc, giúp phát triển
nhận thức thẩm mỹ cho con người, góp phần rất lớn vào việc nâng cao
mặt bằng dân trí của quốc gia, dân tộc. Đối với người nghệ sĩ, không
những họ cần có tài mà còn phải có tâm, có trách nhiệm đối với
đứa con tinh thần của mình để có hướng đi đúng trên con đường sự
nghiệp, góp phần trả lại nghĩa đích thực của nền nghệ thuật chân
chính.
_________________ *(Trích trong bài: Giáo dục thẩm mỹ cho nhạc sĩ, nghệ sĩ và công chúng, một vấn đề bức thiết trong giai đoạn hiện nay của nước ta)
(1)
Số liệu thống kê qua cuộc khảo sát của các nhà điều tra xã hội học về thị hiếu
của các đối tượng công chúng riêng ở địa bàn Thành Phố Hồ Chí Minh.
|
|