|

Sáng ngày 26/11/2014, 25 nhạc
sĩ thuộc Chi hội Âm nhạc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp và các ca sĩ của tỉnh rời Cao
Lãnh tiến về thành phố đầy nắng và gió Bạc Liêu để tham dự Liên hoan Âm nhạc
các tỉnh khu vực ĐBSCL lần thứ 26. Khỏi phải nói sự háo hức, thích thú xen chút
tò mò của tất cả các thành viên trong đoàn khi lại một lần được ghé thăm bán đảo
Cà Mau - miền đất cực Nam của Tổ quốc. Rất tâm lý, “bác tài” cứ mở đi mở lại
bài hát Hành trình trên đất phù sa của nhạc sĩ Thanh Sơn, do ca sĩ Phi Nhung
hát, khoảng cách hơn 200 cây số, từ Đồng Tháp tới tỉnh Bạc Liêu cảm thấy gần,
thật gần: “…Từ Long An, Mộc Hóa, Mỹ Tho, xuôi về Gò Công, Tiền Giang/ Ngút ngàn
như một tấm thảm lúa vàng… /Qua Long Xuyên đến Vĩnh Long, Trà Vinh/ Sông quê
tôi thắm trong tim đậm tình…../ Về Bạc Liêu nghe hát cải lương, sau đờn vọng cổ/
Cà Mau cuối nẻo đôi lời gởi lại chữ tình”.
Với diện tích chỉ bằng 2/3
so với Đồng Tháp nhưng dân số thưa thớt hơn, chưa bằng phân nửa tỉnh ta. Cũng
như ở Đồng Tháp, Bạc Liêu quanh năm được thiên nhiên ưu đãi, mưa thuận gió hòa
với hệ thống kênh rạch chằng chịt, những vườn cây trái xum xuê, những cánh đồng
lúa bát ngát thẳng cánh cò bay, những vườn chim thiên nhiên rộng lớn và một tiềm
năng du lịch phong phú mang sắc thái của một vùng sông nước Nam bộ….
Khác với chúng ta, Bạc Liêu
có bờ biển dài hơn 50km với những cánh rừng ngập mặn trải dài và những cánh đồng
muối trắng, mênh mông. Điểm khác nữa là về con người, ở đây có 3 dân tộc cư ngụ
chính là Kinh, Hoa và Khmer, ngoài ra còn có các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Mường,
Chăm, đã tạo cho vùng đất này một diện mạo văn hóa riêng biệt ít nơi nào có được,
đặc biệt và giàu bản sắc, nơi hội tụ của nhiều dòng văn hóa, đặc biệt là 3 dòng
văn hóa chính của người Kinh, Hoa và Khmer.
Mọi người hy vọng với thời
gian 4 ngày ở đây, ngoài việc tham dự Liên hoan, chúng tôi sẽ được khám phá
thêm cảnh vật con người một vùng đất đồng bằng, “chung một dòng sông”, bởi tuy
không nói ra nhưng có lẽ cũng như tôi, ai nấy chợt nhớ đến chúng tôi đã được đặt
chân đến mảnh đất, nơi khai sinh ra bản “Dạ Cổ Hoài Lang” của cố nhạc sĩ Cao
Văn Lầu, tiền thân của những bài vọng cổ ngày nay vừa được Unesco công nhận là
Di sản văn hóa phi vật thể; Được đến nơi trước đây có đông đảo các bậc anh tài
- những người đã góp công khai xướng, giữ gìn và phát triển loại hình đờn ca
tài tử rất độc đáo Nam bộ. Đó là những Nguyệt Chiếu, Nhạc Khị, Cao Văn Lầu, Ba
Chột, Bảy Cao, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Lư Hòa Nghĩa, Yên Lang… Chính họ đã
làm nên cái riêng và cái duyên qua sự nối dài cho bộ môn sân khấu cải lương với
nhiều nhịp gõ (nhịp 2, nhịp 4…, nhịp 16 rồi nhịp 64) mà mỗi nhịp gõ song loan đều
gắn liền với tên tuổi lớn của những nghệ nhân, nghệ sĩ được sinh ra trên mảnh đất
hiền hòa này. Được nhớ tới giai thoại không biết thực hay hư về “Công tử Bạc
Liêu” nổi tiếng, lung linh, huyền ảo qua những câu hát: “…Nghe danh công tử Bạc
Liêu/ Lấy tiền nấu trứng, tỏ ra mình giàu….”.
Các đoàn tham dự Liên hoan
trong đó có Đồng Tháp được Ban Tổ chức bố trí ăn nghỉ tại Khách sạn Bạc Liêu -
một khách sạn khá sang trọng, tiện nghi cấp 3 sao giữa trung tâm thành phố Bạc
Liêu xinh đẹp. Và ngay đêm đầu tiên, các đoàn nhạc sĩ, ca sĩ đã được “chiêu
đãi” bởi “bữa tiệc” âm nhạc của các tỉnh thành trong khu vực đem tới Trung tâm
Văn hóa tỉnh Bạc Liêu nguy nga, tráng lệ ngay giữa lòng thành phố. Trước khi tới
đây, tôi nghe một số anh em trong đoàn nhạc sĩ Đồng Tháp xôn xao, không biết có
đúng không: Bạc Liêu đi lên từ văn hóa! Tôi cũng tự hỏi: Tại sao không đi lên từ
nông nghiệp, công nghiệp, du lịch…như ở Đồng Tháp, mà lại đi lên từ văn hóa.
Nhìn cơ ngơi văn hóa “hoành tráng”, có lẽ lớn cỡ nhất nhì khu vực ĐBSCL này,
tôi nghĩ câu nói của anh em cũng có cơ sở!. Sáng ngày thứ hai, ngày 27/11 chúng
tôi tiếp tục được xem biểu diễn của các đoàn tham dự. Và đúng 14 giờ cùng ngày,
chúng tôi được Ban Tổ chức hướng dẫn đi tham quan một số danh lam thắng cảnh của
Bạc Liêu ngay trong nội ô thành phố.
Sau khi dự Lễ dâng hương tại
Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Tượng đài Mậu Thân năm 1968 ở cạnh Quảng
trường Hùng Vương lộng gió, chúng tôi được đến Quán âm Phật đài, tọa lạc tại
phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, nơi có tượng Phật Bà Nam Hải cao 11 mét, đứng
uy nghi, đĩnh đạc giữa một không gian thoáng đãng hướng nhìn ra biển Đông. Người
dân ở vùng này còn gọi pho tượng Quán Thế Âm ở đây là “Mẹ Nam Hải”. Hỏi thăm bà
con được biết năm 1973, Hòa thượng Thích Trí Đức đã chủ trì xây tượng Quán Thế
Âm lộ thiên và hoàn thành vào đầu năm 1975. Lúc mới xây dựng, tượng đài được đặt
sát mé biển, khi thủy triều lên, nước biển tràn vào có lúc ngập cả chân đế. Qua
mấy chục năm, do sự bồi đắp của phù sa, bờ biển lùi ra nên vị trí tượng đài
ngày nay đã cách khá xa biển. Từ ngày 23 đến 25 tháng 3 âm lịch hàng năm, tại
đây diễn ra lễ hội “Quán âm Thanh Hải” thu hút rất đông Phật tử và du khách
hành hương từ khắp nơi đổ về.
Rời Quán âm Phật đài, các
đoàn được hướng dẫn tới Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ
Cao Văn Lầu. Trên con đường mang tên ông tại phường 2, thành phố Bạc Liêu, Khu
lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu được xây dựng với
kiến trúc đẹp, đặc sắc và trang nghiêm. Nơi đây đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch công nhận là Di tích văn hóa cấp quốc gia. Tôi chợt nghe văng vẳng đâu
đây âm hưởng ngọt ngào của bài hát “Bạc Liêu hoài cổ”: Nghe tiếng đàn ai rao
sáu câu, như sống lại hồn Cao Văn Lầu.
Điểm cuối cùng chúng tôi được
hướng dẫn đến tham quan là Khu điện gió Bạc Liêu. Là công trình điện dùng năng
lượng gió - nguồn năng lượng sạch, đặt tại xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc
Liêu. Được biết công trình lớn và nổi bật này là một trong những dự án điện gió
đầu tiên tại Việt Nam, tô điểm thêm cho vùng đất bộ mặt mới đầy khởi sắc và
đang chuyển mình từng ngày theo nhịp sống công nghiệp hiện đại. Do không còn thời
gian, chúng tôi rất tiếc chưa được đến thăm thêm một số di tích lịch sử văn hóa
khá nổi tiếng như: Đồng Nọc Nạng, Sân chim Bạc Liêu, Trung tâm triển lãm nghệ
thuật - Nhà hát Cao Văn Lầu, Khu nhà Công tử Bạc Liêu và rất nhiều đình, chùa,
miếu, lăng, nhà cổ khác. 20 giờ ngày thứ hai, ngày 27/11, Chi hội Nhạc sĩ Việt
Nam tỉnh Đồng Tháp vinh dự được biểu diễn mở màn với 3 ca khúc “trình làng” của
các nhạc sĩ Thanh Tùng, Phạm Khiêm và Tấn Lực cùng lực lượng ca sĩ diễn viên
hát múa khá hùng hậu của tỉnh Đồng Tháp. Tiếng vỗ tay rất dài, tiếng cười nói
râm ran của Hội đồng nghệ thuật, của các đoàn bạn khi tiết mục của tỉnh kết
thúc cũng phần nào vơi bớt lo lắng, hồi hộp của anh em. Sáng ngày 28/11, các
đoàn được mời tham dự Hội thảo chủ đề: “Giữ gìn và phát huy bản sắc Âm nhạc các
dân tộc ĐBSCL trong quá trình hội nhập”. Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham gia
nhiều ý kiến đóng góp về vấn đề sáng tác và biểu diễn âm nhạc trong giai đoạn
hiện nay, đặc biệt ý kiến của nhiều nhạc sĩ trong đó có nhạc sĩ Đồng Tháp xoay
quanh vấn đề: Làm sao sáng tác được những tác phẩm hiện đại nhưng vừa mang tính
dân tộc sâu sắc!?. Kết thúc Lễ Bế mạc Liên hoan vào 20 giờ ngày 28/11 với chủ đề:
“Âm vang tình đất, tình người” trong không khí vui tươi, phấn khởi. Chi hội Nhạc
sĩ Việt Nam tại Đồng Tháp đã khá “bội thu” khi cả 3 tác phẩm dự Liên hoan đều
được xếp loại cao, 1 loại A và 2 loại B. Ngày cuối cùng, tiến hành Đại hội cơ sở
Hội Nhạc sĩ Việt Nam khu vực ĐBSCL.
Được biết Liên hoan âm nhạc
là đợt sinh hoạt nghề nghiệp được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức 1- 2 năm 1 lần
theo từng khu vực. Anh em nhạc sĩ, ca sĩ khu vực ĐBSCL rất sung sướng, một lần
nữa lại được sống trong không khí ngày hội âm nhạc của khu vực. Liên hoan được
tổ chức nhằm góp phần khuyến khích sự sáng tạo, vươn lên trong các lĩnh vực
sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình…. Đây còn là dịp để các ca sĩ, nhạc sĩ gặp
gỡ, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, giao lưu tác phẩm âm nhạc mới sáng tác,
giới thiệu bản sắc văn hóa trong khu vực. Đây cũng là dịp Hội Nhạc sĩ Việt Nam
tổng kết, đánh giá những thành tựu đạt được trong lĩnh vực âm nhạc khu vực
ĐBSCL thời gian qua để đưa ra định hướng sáng tác trong thời gian tới, phục vụ
tốt hơn nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ văn hóa - nghệ thuật tại mỗi địa phương
trong khu vực, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tác và biểu diễn âm nhạc, đáp ứng
nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng trong thời kỳ đổi mới.
Liên hoan âm nhạc khu vực
ĐBSCL đã thành công tốt đẹp. Cám ơn Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhạc sĩ thành phố
Hồ Chí Minh, lãnh đạo tỉnh, Sở Văn hóa, Thông tin và Du lịch, Hội Liên hiệp
VHNT Bạc Liêu….. và tất cả các nhạc sĩ, ca sĩ khu vực, những người chúng tôi đã
gặp ở thành phố xinh đẹp - hiền lành và vô cùng hiếu khách, đã góp phần quyết định,
tạo nên thành công rực rỡ của Liên hoan Âm nhạc khu vực ĐBSCL lần thứ 26 này.
|
|