|
 Nhạc sĩ Tấn Lực Bất cứ người
nghệ sĩ nào cũng đều có vốn sẵn tiềm tàng , “mỗi cảnh trí quê hương, mỗi con người một nơi chốn, mỗi tâm cảm một
cung bậc âm nhạc”, đối với nhạc sĩ Tấn Lực cũng có khoảng không gian riêng
trong sáng tác ca khúc của mình. Từ cái hồn của cảnh vật, của
đất trời miền quê đã thấm đẫm trong anh từ tấm bé, chính vì vậy những
bài hát của Tấn Lực thường chứa chan tình cảm quê hương, một tình yêu hoa sen
ngát hương giữa Đồng Tháp Mười. Nhạc sĩ Tấn Lực được sinh ra và
lớn lên ở vùng nông thôn thuộc xã Phong Mỹ Huyện Cao Lãnh. Nơi đây được oai
danh anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Đừng. Từ làng quê có truyền thống
cách mạng, gia đình anh mặc dù sống trong cảnh nghèo khó nhưng người mẹ già
vượt khó đã nuôi các con học hành đến nơi đến chốn. Năm 1989, sau khi học hết phổ thông Tấn Lực thi vào
trường Văn Hóa TP HCM học chuyên ngành âm nhạc, khi ra trường anh công tác ở
trung tâm VH tỉnh cũng là khởi nghiệp sáng tác với anh lúc bấy giờ. Có lẽ người
mẹ và quê hương là đề tài anh yêu thích nhất. Hình ảnh người mẹ luôn gợi cho
anh một tình cảm mãnh liệt, để anh viết lên những ca khúc đầu tay về hình ảnh
người mẹ dấu yêu. Anh tâm sự “Về sáng tác
tôi rất đam mê và yêu thích từ nhỏ, tác phẩm đầu tay là bài nghĩ về mẹ. Với Tháp
Mười quê ngoại, nỗi nhớ và tình cảm thắm thiết sâu lắng, hễ khi nói đến Tháp
Mười là cảm xúc dâng tràn trong lòng, cho nên sáng tác tôi thường chọn đề tài về
Tháp Mười để thể hiện tình cảm trong ca khúc”.
Có thể nói, những ca khúc có dấu ấn đáng nhớ đối với nhạc sĩ Tấn lực là những
bài hát ca ngợi về quê hương Tháp Mười, với vẻ đẹp của cảnh vật,
và tâm trạng của con người, của nhân vật, có sự hòa quyện nhau tạo nên chất trữ
tình, bay bổng trong các ca khúc như: Hát về em; Hát về Tháp Mười;
Thanh Mỹ quê em hay Hát giữa Tháp Mười. Đây cũng là những ca khúc đạt giải
thưởng cao ở cấp quốc gia và khu vực ĐBSCL năm 1996,1997, đánh dấu bước đầu
thành công trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Tấn Lực. “Hát giữa Tháp Mười” có những câu hát ngọt ngào
đầy cảm xúc:
“Đứng giữa Tháp Mười ngỡ trong mơ
Quê hương ơi có bao gờ đẹp hơn thế
Nhà máy lò cao lung linh dòng điện
sáng
Đất khô cằn thành hóa biển lúa mênh
mông”
Hơn hai mươi năm công tác ở trung tâm VH tỉnh, ngoài những
hoạt động sáng tác, nhạc Sĩ Tấn Lực còn xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ ở
cơ sở. Anh tham gia ban giám khảo nhiều chương trình văn nghệ do tỉnh tổ chức,
phục vụ tích cực công tác tuyên truyền thông tin cổ động vào những dịp lễ tết
hàng năm. Năm 2011, Tấn Lực còn tham gia hoạt động nghiên cứu, sưu tầm hò Đồng
Tháp, bởi thời gian qua loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này đã bị mai
một theo thời gian. Nhạc sĩ Tấn lực cũng cho rằng việc khôi phục, bảo tồn điệu
hò Đồng Tháp là việc làm không
dễ, nhưng anh dành nhiều tâm huyết cho việc phục hồi điệu hò này. Chính từ những
đam mê điệu hò Đồng Tháp, trong ca khúc sáng tác của Nhạc sĩ Tấn Lực thường
mang âm hưởng dân ca, nhiều ca khúc của anh gợi nhớ những câu ca mẹ hát.
Nghe bài hát của nhạc sĩ Tấn Lực ta cảm nhận được cái hồn của sự vật, bóng dáng
của hồn quê sông nước, vừa gần gũi lại vừa sâu lắng. Như những câu trong bài Thanh
Mỹ quê em như tô thêm vẻ đẹp của vùng đất anh hùng.
“Dòng nước Sông Tiền đưa anh về lại
quê em
Sóng vỗ mạn thuyền như nhủ cùng anh
Về quê em bốn mùa sen thoáng hương xuân
Mênh mang câu hát dạt dào tình quê”.
Có thể nói ca
khúc của Tấn Lực giàu tính trữ tình, ca từ thấm đẫm chất thơ và giai điệu du
dương dễ vào lòng người. Trong ca khúc của
anh mang vẻ đẹp lãng mạn, chất phác của tính cách con người và vùng quê
Đồng Tháp Mười. Ngoài ra anh còn sáng
tác bài hát về vẻ đẹp của tình yêu nam nữ, tình cảm gắn bó sâu nặng giữa hồn
người với vùng đất quê hương như bài hát: Nơi ấy dòng sông; Niềm vui riêng em;
Bên chiều nghĩa trang; Hát về mẹ... Nhạc sĩ Tấn Lực ngoài công tác thông tin văn
hóa, anh còn có ý chí nghị lực trao dồi cho nghiệp vụ chuyên môn của mình, hiện
nay anh sắp hoàn thành chương trình thạc sĩ chuyên ngành sáng tác âm nhạc.
GS.Ts Nguyễn Văn Nam, GV Đại Học Nhạc Viện TPHCM có nhận xét về nhạc sĩ Tấn Lực:
“Hồi Lực học ĐH nhạc
viện TPHCM, Lực học sáng tác nhạc với tôi. Khi Lực vào học cao học nhạc viện có
thể nói Lực là học trò rất tốt siêng năng, chăm chỉ. Lực vào năm đầu về sáng
tác có hụt hẫng, nhưng với lòng ham học ý chí kiên trì của Lực, tới nay Lực có
tác phẩm rất tốt, tôi hết sức mừng và thương có học trò như Lực, hy vọng sắp
tới em sẽ tốt nghiệp đạt loại xuất sắc”.
Hồn quê, tình đất, và tình người tạo cảm xúc, nghị
lực vượt khó trong học tập, trong sáng
tác của nhạc sĩ Tấn Lực thời gian qua. Rồi đây những ca khúc sẽ chắp cánh cho
anh bay xa trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhưng có lẽ cảm xúc hồn quê Tháp
Mười sẽ mãi ở lại trong anh cùng trỗi
lên khúc nhạc ca ngợi về quê hương Sen Hồng Đồng Tháp./.
|
|