|
KÝ ỨC VỀ CHỢ MA -
NÉT SINH HOẠT VĂN HÓA ĐẶC SẮC
CỦA LÀNG CHIẾU ĐỊNH YÊN
ĐINH VĂN NHÂN
Đồng Tháp là
một vùng sông nước trù phú, hữu tình với những cánh đồng lúa bạt ngàn và nhiều
cây lành trái ngọt. Ở nhiều vùng nông thôn còn có các làng nghề truyền thống phục
vụ cho đời sống, sinh hoạt và sản xuất. Bên cạnh chất liệu, kỹ thuật, kinh nghiệm
tạo tác thể hiện sự tài hoa của người dân Đồng Tháp thì phương thức trao đổi
các sản phẩm của làng nghề truyền thống cũng mang một sắc thái riêng của vùng
miền mà khó nơi nào có được như nét sinh hoạt họp chợ ma ở làng chiếu Định Yên, huyện Lấp Vò.
Làng chiếu Định
Yên là một trong bốn di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia ở Đồng Tháp. Ngày
trước, manh chiếu (tấm chiếu, đôi chiếu) là một phần không thể thiếu trong đời
sống con người. Nó hầu như có mặt khắp nơi, từ nhà giàu đến nhà nghèo và gắn liền
với cuộc đời mỗi con người từ lúc sinh ra đến khi mất đi. Chiếu Định Yên nổi
danh được nhiều người trong vùng biết đến không chỉ bền đẹp, nhiều mẫu mã mà còn vì hoạt động buôn bán sôi nổi
của cảnh họp chợ bán chiếu ở Định Yên mà trong dân gian thường gọi là chợ ma, chợ âm phủ. Sở dĩ dân gian gọi vậy là do chợ chiếu chỉ nhóm họp vào
ban đêm, kéo dài khoảng 2 - 3 giờ là tan chợ. Thời điểm bắt đầu nhóm chợ không
cố định, thường đêm sau sớm một giờ so với đêm trước, cứ thế chuyển dịch dần
theo con nước lớn ròng, nhưng sớm nhất cũng từ hai mươi ba giờ đêm cho đến trễ
nhất là bốn giờ sáng hôm sau. Nguyên nhân chợ chiếu chỉ bán vào ban đêm được một
số người dân địa phương giải thích là do ban ngày người dân phải đi làm đồng, bận
dệt chiếu và thương lái cũng bận đi bán các nơi khác, do đó việc họp chợ để mua
bán chỉ diễn ra vào ban đêm. Đây là
nét sinh hoạt văn hoá truyền thống đặc sắc của người dân Định Yên. Tuy là chợ
nhưng chợ chiếu không giống với bất kỳ loại chợ nào khác trên cả nước, làm cho
ai xa quê hay một lần đến đây đều lưu luyến: Ai về làng chiếu Định Yên/ Chợ ma là nét rất riêng Lấp Vò.
Ngày xưa, khi
chợ ma nhóm họp, dưới ánh đuốc và đèn
dầu leo lét, cảnh mua bán nhộn nhịp, tấp nập mấy trăm người, nhưng không có quầy,
sạp kinh doanh cố định. Người bán (là người sản xuất, bán lượng chiếu đã dệt được
trong ngày) vác chiếu, đi lại dọc chợ chào hàng, khi mỏi mệt thì đứng lại và dựng
chiếu trước mặt. Người mua (là những thương lái nhỏ, chỉ mua khoảng 5 - 7 đôi,
đủ chở đi bán trong ngày) sẽ chọn một nơi trong khu chợ, ngồi chờ để chọn và
ngã giá mua hàng. Chiếu đã được mua, bán xong thì đặt nằm xuống đất. Còn những
thương lái lớn mua số lượng hàng trăm đôi thì tìm chọn mua xong, chuyển hàng xuống
ghe đậu dưới bến sông. Nếu chưa đủ số lượng cần thiết, thì chờ phiên chợ sau
mua tiếp (đôi khi phải mua hai hay ba phiên họp chợ). Cũng trong không gian huyền
ảo, trữ tình ấy mà chợ chiếu cũng là nơi nảy nở và bén duyên trăm năm của nhiều
mối tình trai gái. Nhiều cô gái tỏ ra hạnh phúc hay mơ ước có chồng ở làng chiếu
Định Yên, qua câu ca dao được truyền tụng từ bao
đời nay: Định Yên có vựa chiếu to/
Lấy chồng xứ Định khỏi lo chiếu nằm.
Nghề làm chiếu
tuy có phần vất vả nhưng người dân Định Yên rất hãnh diện và trân trọng gìn giữ
những giá trị từ làng nghề truyền thống, trong đó có hình ảnh sinh hoạt chợ chiếu.
Chợ chiếu là một phần không thể thiếu trong ký ức và tâm hồn của người dân làng
chiếu Định Yên. Qua quá trình điền dã, chúng tôi được gặp hai người phụ nữ
ngoài 60 tuổi (ấp An Khương, xã Định Yên) đang ngồi dệt chiếu theo phương thức
thủ công truyền thống (hiện nay đa số các hộ dân làng nghề đã đầu tư máy dệt chiếu
giúp tăng năng suất). Khi được hỏi về những ký ức đối với chợ chiếu đêm quê
mình, họ vừa làm vừa tâm sự: Ừ, hồi đó
còn chợ đêm vui lắm con ơi! Tuy gọi là chợ hé, mà không có kệ, sạp gì hết ớ. Rồi
người bán ớ, thì phải ôm, vác từng bó chiếu to, đi qua đi lại chào rao bán hàng
vậy đó. Còn người mua đó hé, thì ngồi chờ người bán ôm hoặc vác chiếu trên vai
đến chào hàng. Rồi những người lái thì chỉ cần ghé lại, lấy đèn soi, để kiểm
tra sơ sơ chiếu của mình rồi cứ thế định giá và vác xuống ghe để chở đi à.
Hai bác còn cho biết thêm: Hồi đó ớ, ai
mà mang chiếu đến chợ bán chậm thì có thể bị ghe chiếu lui bến bỏ lại vì đã mua
đủ chuyến. Bởi vậy, mà không kể giờ giấc gì hết, miễn là dệt xong vài đôi chiếu
là mọi người tranh thủ vác ra chợ bán ngay. Có những lúc về đêm, họ cũng mang
chiếu đến bán. Hồi đó chưa có điện nữa, nên đi thì cầm theo chiếc đèn dầu. Nên
toàn khu chợ nếu đứng nhìn từ xa chỉ thấy những đốm đèn mù u đỏ, mờ mờ. Người
dân thì tới lui, đi đứng nhẹ nhàng chậm rãi, như những bóng ma vậy đó, bởi vậy
mà người ta gọi chợ ma là vậy đó con!
Gần mười năm
trở lại đây, do tác động của nhiều yếu tố khác nhau, chợ chiếu đã không còn
nhóm họp hàng đêm như trước. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống giao
thông nông thôn đã được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh, các phương tiện chuyên
chở (xe tải, xe máy,...) có thể đi sâu vào thôn xóm, đến thu mua trực tiếp ở hộ
sản xuất một cách tiện lợi, nhanh chóng ở mọi thời điểm, không phải chờ đến
phiên họp chợ. Nhiều thương lái có vốn lớn, còn ứng tiền đặt cọc trước cho các
hộ sản xuất theo từng xóm, để bảo đảm ổn định được nguồn hàng. Có những cơ sở
còn nâng lên thành hợp tác xã dệt chiếu để sản xuất, thu gom và phân phối. Cách
thức, mối quan hệ mua - bán đã thay đổi và được nâng lên một phương thức mới.
Sau những
năm thăng trầm tồn tại và phát triển với nhiều giai thoại lý thú, nhiều kỷ niệm
buồn vui, chợ chiếu Định Yên - chợ ma
nổi danh ngày nào cũng theo quy luật phát triển của xã hội mà đi vào dĩ vãng,
trở thành di sản của ký ức. Đến nay chợ
ma xem như đã hoàn thành sứ mệnh
lịch sử - văn hóa của mình, để lại nhiều luyến tiếc trong lòng người dân xứ chiếu.
Ngày nay, chính quyền địa phương phối hợp với người dân phục dựng lại hình ảnh chợ ma vào những dịp cúng đình Định Yên
để phục vụ người dân và du khách. Đồng thời còn đầu tư xây dựng ngôi chợ khang
trang (gần nơi họp chợ chiếu đêm ngày trước) và vẫn giữ tên là Chợ chiếu Định Yên như một cách lưu giữ
phần nào di sản ký ức của làng chiếu cho các thế hệ mai sau.
Đ.V.N
|
|