|
GIẪY MỘ CUỐI NĂM - MỸ TỤC Ở NAM BỘ
TRƯỚC THỀM XUÂN MỚI
ĐINH VĂN NHÂN
Khi
cơn gió bấc không còn thổi mạnh, những ánh ban mai ấm áp xóa tan làn sương sớm trên
những cánh đồng xanh rì màu mạ mới vụ đông xuân và thoảng đâu trong gió có mùi
đốt đống un cỏ khô, thì đó là những báo hiệu đất trời chuyển sang xuân. Tết
Nguyên đán là sự kiện lớn nhất trong năm đối với các nước Á Đông trong đó có Việt
Nam. Tuy cùng cơ tầng văn hóa nông nghiệp và ăn tết theo âm lịch như một số nước
khác, nhưng người Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng có những phong tục tập
quán riêng, góp phần tạo nên bản sắc.
Đến hẹn
lại lên, hàng năm bước vào tháng Chạp âm lịch, mọi người tất bật hoàn thành
công việc và chuẩn bị những gì cần thiết cho gia đình vào thời gian cuối năm để
mừng tết đến. Một trong những công việc quan trọng cuối năm người dân Nam Bộ
thường làm là đi giẫy mộ tổ tiên, ông
bà, cha mẹ, người thân đã khuất. Người xưa thường nói sống có nhà, chết có mồ, cho nên mồ (mả) được xem là ngôi nhà trú
ngụ của linh hồn ở cõi vĩnh hằng, vì vậy cũng cần phải được quan tâm chăm sóc.
Gia đình nào không quan tâm đến phần mộ tổ tiên, đặc biệt là dịp cuối năm, sẽ bị
xã hội phê phán và cho rằng chuyện làm ăn sẽ chẳng bao giờ thuận lợi vì làm phải ông bà mới đãi cho ăn, thậm chí
có khi còn vướng tai ương, bệnh tật bởi làm trái đạo trời, bất hiếu với tổ
tiên. Do quan niệm dân gian sinh ký tử
quy nên người Nam Bộ rất quan tâm đến âm phần và lạc quan trước cái chết
(nhiều người còn xây kim tĩnh sẵn cho
ngày trăm tuổi của mình). Họ thường
chuẩn bị khu đất sau vườn nhà hoặc nơi gò cao nào đó có vị trí đẹp, gần đường
giao thông, thuận tiện cho con cháu tới lui làm nơi yên nghỉ cho gia tộc. Đất
này được gọi là thổ mộ. Người xưa xem
việc sau khi chết được nằm trên đất gia tộc, gần các phần mộ tổ tiên là điều lấy
làm hãnh diện và hạnh phúc của đời người.
Giẫy
mộ - tảo mộ hay còn những cách gọi khác như: quét mộ, giẫy mả, chạp mả... là công việc
định kỳ chăm sóc, dọn dẹp, trang hoàng lại phần mộ người thân vào dịp cuối năm.
Tùy theo từng gia đình mà thống nhất thời gian cố định hàng năm vào tháng Chạp
âm lịch để con cháu tụ hội về cùng đi giẫy
mộ, nhưng thời gian không được trễ quá, vì những ngôi mộ sau ngày 25 tháng
Chạp mà chưa được chăm sóc, dọn dẹp thì dân gian gọi là mả thí, tức là những ngôi mộ vô phúc, con cháu không săn sóc nên bị
bỏ hoang. Vào thời gian cao điểm giữa tháng Chạp, từ sáng sớm, con cháu trong họ
hàng, dòng tộc tập trung về gia đình đang phụ trách trong nom khu mộ gia tiên
sau vườn nhà hoặc khu đất an táng của dòng tộc. Họ mang theo các dụng cụ đi giẫy mộ là: len, cuốc, chét, chổi, ky,
thúng, bàn chải sắt và sô xách nước. Ăn sáng, cà phê xong thì mọi người bắt tay
vào việc. Trước khi tiến hành công việc giẫy
mộ, một người lớn tuổi đại diện bày trà, bánh, thắp hương để xin phép đất đai viên trạch và ông bà quá vãng
cho phép con cháu được làm bổn phận để ông bà cùng về ăn tết với mình. Nhang
cháy được 1/3 cây, mọi người bắt đầu dọn cây, quét sạch cỏ, rác trên mộ và xung
quanh, chà rửa sạch rong rêu bám trên mộ, quét vôi trắng, viết vẽ lại chữ trên
bia nếu bị mờ đối với những mộ đá ong, đá xanh hay mộ xây gạch - bê tông. Còn đối
với loại mộ đất thì họ đắp lại nấm cho cao tránh để lạc mồ xiêu mả do lâu ngày.
Có người còn đặt trên mộ vài giấy hồng đơn, giấy vàng bạc rồi kỹ lưỡng dùng cục
đá dằn lên cho khỏi bay. Sau đó, gom tất cả cỏ, rác lại thành đống, châm lửa đốt
cho sạch. Hình ảnh ngọn lửa leo lét, khói bốc lên và tiếng tách tách phát ra từ
đống lửa hoà cùng tiếng nói cười rộn rã đã mang thêm âm sắc và hương vị của đất
trời sang xuân, xóa đi sự vắng lặng tĩnh mịch vốn có ở những khu thổ mộ (thông
thường thì dịp cuối năm con cháu chỉ giẫy
mộ cho gọn gàng, sạch sẽ, còn muốn sửa sang, xây lại hay cải táng thì phải
chờ tới thanh minh vào tháng 3 âm lịch). Xong việc giẫy mộ, tất cả mọi người về nhà của người thân gần đó hay nhà con
cháu phụ trách thờ phụng, nấu mâm cơm cúng gia tiên và cùng ăn uống, hàn quyên,
bàn chuyện tết đến xuân về.
Tục giẫy mộ được xem là lễ thức đầu tiên
trong chuỗi các nghi lễ tết cổ truyền của người dân Nam Bộ. Qua tục giẫy mộ cuối năm, chúng ta thấy được nhiều
giá trị nhân văn và bài học giáo dục ý nghĩa:
Thứ
nhất, giẫy mộ thể hiện truyền thống
hiếu đạo trong gia đình, dòng tộc: người Nam Bộ thường quan niệm: cây có gốc mới nở cành xanh nhánh; nước có
nguồn mới bể rộng sông sâu. Vì thế, mỗi người có được hình hài khoẻ mạnh
như hôm nay, được giàu sang sung túc bằng những mảnh vườn, thửa ruộng đều nhờ
ơn đức tổ tiên khai phá và để lại. Việc con cháu hàng năm cùng nhau đi giẫy mộ là dịp để tưởng nhớ và bày tỏ
lòng biết ơn sâu sắc với ông bà, tổ tiên. Trong quá trình giẫy mộ, họ kể cho nhau nghe những kỷ niệm về người đã khuất. Điều
đó đã ôn lại lai lịch, công ơn và truyền thống gia đình, giúp các thành viên thắt
chặt thêm tình cảm, tạo cầu nối giữa các thế hệ và quan trọng hơn là giáo dục thế
hệ trẻ trong gia đình biết bà con dòng họ, gốc tích ông bà mình là ai, ở đâu, từng
làm gì… để sống và làm việc sao cho xứng đáng với truyền thống đạo đức gia
đình.
Thứ
hai, giẫy mộ thấm đẫm chất nhân văn
và tình cảm của người Nam Bộ. Ngoài thể hiện tình cảm và lòng hiếu đạo của mình
đối với người thân đã khuất thì người Nam Bộ còn thể hiện tình cảm của mình đối
với những người xa lạ không cùng huyết thống. Ngày trước, nhiều người trên đường
mưu sinh hay do chiến tranh loạn lạc phải bỏ mình nơi xứ lạ mà không có người
thân, không đất an táng. Những người xấu số này được bà con chung tay lo mai
táng và chôn nhờ đất đình làng hoặc đất nhà của dòng họ nào đó. Vào thời gian
năm cũ chuyển sang năm mới, những người bạc phước dưới mộ kia cũng đỡ tủi thân
khi người dân Nam Bộ có thói quen ngoài việc giẫy mộ họ hàng thì họ cũng không quên dọn dẹp sạch sẽ, nhang khói
đầy đủ cho những ngôi mộ không có người thân chăm sóc. Hành động ấy như một triết
lý nhân sinh và ước vọng của người đang sống. Vì họ nghĩ rằng, biết đâu trong số
ông bà, tổ tiên của mình cũng có những người lang bạt gửi thân đất khách quê
người mà mình không hay biết và họ cũng đang được bà con nơi đó chăm sóc như thế.
Hiện
nay, nhiều phong tục tập quán dần biến đổi có khi bị lãng quên, nhưng việc giẫy mộ cuối năm là một trong những mỹ tục
được người dân Nam Bộ gìn giữ, trao truyền qua từng thế hệ và xem đó là sợi dây
vô hình kết nối các thành viên trong gia đình, dòng tộc. Trong không khí hối hả
của những ngày giáp tết, dù tất bật đến đâu, họ cũng dành thời gian đi giẫy mộ tổ tiên, ông bà, người thân thì
mới an tâm ăn tết. Ai mà năm đó không tham gia đi giẫy mộ thì cảm thấy áy náy trong lòng. Nhiều người đi làm ăn xa không
về được, cũng gửi về ít tiền, xem như là lòng thành để sửa sang lại mộ phần và
góp thêm vài món trong mâm cơm cúng gia tiên ngày tết đến. Mỹ tục giẫy mộ cuối năm là hình thức giáo dục,
nhắc nhở các thành viên trong gia đình, dòng tộc, đặc biệt là người trẻ về tinh
thần trọng ân, báo ân, sống tương thân tương ái và có trách nhiệm với gia đình,
quê hương trong mỗi độ xuân về.
Đ.V.N
|
|