|
LÀNG NGHỀ TRANH KIẾNG
ĐINH VĂN NHÂN
Trong
quá trình lao động sản xuất, người dân Nam Bộ sáng tạo ra những sản phẩm vật chất
và tinh thần đáp ứng nhu cầu đời sống sinh hoạt. Từ các sản phẩm ấy đã hình
thành nên những xóm nghề, làng nghề truyền thống. Một trong những làng nghề độc
đáo là làng nghề sản xuất tranh kiếng
(kính). Theo nhiều tài liệu ghi lại, trong những năm đầu thế kỷ XX, ở Nam Bộ, có một
số vùng sản xuất tranh kiếng nổi tiếng
như: Lái Thiêu (Thủ Dầu Một), Chợ Lớn (Sài Gòn), Chợ Mới (An Giang)…
Trong bài viết này, tác giả chỉ xin
nói riêng về tranh kiếng Chợ Mới (hay
còn gọi tranh kiếng Bà Vệ, vì đa phần
các hộ làm tranh kiếng nằm gần khu
vực ngã ba Bà Vệ) với những giá trị đặc sắc mang nhiều ý nghĩa giáo dục của
người xưa. Tuy ra đời muộn hơn so với tranh
kiếng vùng Lái Thiêu, Chợ Lớn… nhưng tranh
kiếng ở Chợ Mới đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần Nam Bộ nhờ tài hoa và sức
sáng tạo của các nghệ nhân nơi đây. Giai đoạn cực thịnh của làng nghề là vào
những thập niên 80 - 90 của thế kỷ XX. Lúc đó, hai bên bờ sông Ông Chưởng có
hàng trăm hộ vẽ tranh kiếng, hình
thành nên tên gọi xóm tranh, làng tranh, gồm các xã Long Giang, Long Kiến, Long Điền B…
Tranh kiếng là bức tranh
vẽ trên tấm kính với đủ thể loại và màu sắc, Tranh kiếng thường vẽ cảnh núi non, rồng phụng, tích xưa; cảnh làng
quê; tranh thờ tổ tiên, Đức Phật... Tranh
kiếng được treo trang trọng, thường là ở gian chính của ngôi nhà. Vẽ tranh kiếng rất khó, đòi hỏi nghệ nhân
phải thật sự khéo tay, cần mẫn, trầm tĩnh và có óc thẩm mỹ cao. Khác với các
loại tranh vẽ thông thường, tranh kiếng
là loại hình đặc biệt khi nó là tranh vẽ
ngược. Nguyên tắc vẽ tranh kiếng là
phải vẽ từ phía sau mặt kính. Khi vẽ xong mới lật tấm kính lại và bề đó mới
chính là bề mặt của tranh. Do nguyên tắc là vẽ phía sau mặt kính nên chi tiết
nào đáng lẽ phải vẽ sau cùng thì với tranh
kiếng lại phải vẽ trước tiên. Chính đặc điểm này đã tạo nên nét độc đáo của
nghệ thuật tranh kiếng.
*
Tranh kiếng Chợ Mới rất đa dạng và phong phú về hình thức, chủng loại và chủ
đề. Tựu trung, có ba nhóm chính:
Tranh kiếng
thờ: Một
bộ tranh kiếng để thờ thường có 4 - 5
bức/ khuôn ráp lại:
- Bức hoành ở
trên cùng thường viết 3 chữ: đức lưu phương
hoặc phúc lộc thọ. Tấm hoành khá
rộng được chia làm 3 ô, mỗi ô viết một chữ, xung quanh khuôn trang trí dây leo,
hồi văn, dơi ngậm cuộn chỉ hoặc tiền…
- Một khuôn
lớn nối tiếp dưới bức hoành, hình chữ nhật với bốn đại tự ở giữa bằng tiếng Hán:
cửu huyền thất
tổ, xung quanh
trang trí thêm các chủ đề thể hiện sự cao quý, trường tồn như: song long, long
phụng, tứ linh, hoa lá...
- Hai bên
khuôn lớn là hai khuôn liễn đứng với cặp câu đối thể hiện sự tôn kính của gia
chủ đối với tổ tiên như: Sùng đức cửu huyền
ân thượng trọng/ Tôn công thất tổ nghĩa cao thâm hoặc Kính thất tổ thiên niên bất tận/ Trọng cửu huyền nội ngoại tương đồng…
-
Một khuôn ngang phía dưới thường vẽ đĩa trái cây, cuốn thư nằm giữa hoa lá hay
đám sen có vài con vịt đang bơi…
Tùy vào
hoàn cảnh (không gian của căn nhà) và sở thích của gia chủ, có thể chế bớt 1 hoặc 2 khuôn. Đặc điểm chung
các chữ là thường được viết bằng chữ Hán cổ. Ngày nay, do nhu cầu nên người thợ
làm tranh cũng viết bằng tiếng Việt. Đối với dòng tranh thờ, nghệ nhân luôn sử
dụng màu đỏ làm chủ đạo, vì màu đỏ thể hiện sự cao quý, mạnh mẽ (một số người
dân Nam Bộ là tín đồ của hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương nên người thợ tạo tác và
người sử dụng tranh kiếng cũng rất ưa
chuộng màu đỏ, giống màu tấm Trần Điều của đạo - thể hiện sự tôn kính và tinh
thần vô vi). Bên cạnh đó, dòng tranh thờ còn vẽ cuộc đời Đức Phật từ Đản sinh
đến Niết bàn hay các vị Phật, Bồ Tát, thần độ mạng…
Tranh kiếng vẽ tuồng tích - truyện hay còn gọi tranh treo cửa buồng: Đây được xem là phát minh của làng tranh kiếng
Chợ Mới khi các dòng tranh khác như Lái Thiêu hay Chợ Lớn không thấy chủ đề
này. Bên cạnh tranh thờ thì hai bên vách hoặc hai cửa buồng trong gian chính
ngôi nhà ở Nam Bộ thường có treo tranh truyện - tức là các bức tranh dựa trên
các truyện dân gian, truyện thơ chữ Nôm… như: Tấm Cám, Lâm Sanh - Xuân Nương,
Thoại Khanh - Châu Tuấn, Nhị Thập Tứ Hiếu, Phạm Công - Cúc Hoa, Vân Tiên -
Nguyệt Nga, Lưu Bình - Dương Lễ, Nàng Út ống tre... Dòng tranh truyện với chủ
đề phong phú, được vẽ trên kính vô cùng kỳ ảo, sống động, mang giá trị nhân văn
sâu sắc, được nhiều người ưa chuộng.
Tranh kiếng vẽ phong cảnh:
Là dòng tranh muôn hình vạn trạng, thay đổi theo thời gian, nhu cầu. Do tập
quán sinh hoạt gần gũi với làng quê nên những bức tranh phong cảnh được nhiều
gia đình sử dụng thường vẽ về chủ đề nông thôn với bờ tre, hàng dừa, con trâu,
túp liều tranh, ông lão câu cá hay cảnh thần tiên núi non... Đặc biệt tranh vẽ
cảnh ao sen được nhiều người ưa thích, trong đó có người dân Đồng Tháp, vì hình
ảnh hoa sen gắn liền với vùng Đồng Tháp Mười.
Ngày
nay, do kiến trúc nhà ở thay đổi, thường là nhà tường nên chủ đề treo tranh
phong cảnh cũng thay đổi với các tranh mang hơi hướng hiện đại như: bát mã, cảnh
nhà của sung túc có cầu bắc ngang sông, cảnh chim đại bàng và cọp, và thường có
thêm thư pháp…
*
Sản
xuất tranh kiếng với rất nhiều công
đoạn tỷ mỷ, công phu, sáng tạo nhưng cơ bản có các khâu chính như sau:
Cắt kính theo quy cách bức tranh: Tùy
theo kích thước của người đặt hàng hay kích thước sản xuất đại trà của cơ sở sản
xuất mà tiến hành cắt kính. Kính sử dụng là kính trong. Ngày trước, do nguyên
liệu khan hiếm nên các hộ làm tranh mua lại các tranh cũ đã phai màu để tái sử
dụng. Người ta còn tận dụng kính vụn để khéo léo kết thành các tháp, chân đèn,
bệ để lư hương trên bàn thờ với nhiều màu sắc sinh động.
Vẽ hoa văn, đường nét, vành viền lên kính: Sau khi đã cắt kính theo kích thước đã chọn, người thợ tiến hành
vẽ các hoa văn, đường nét viền lên tấm kính trong bằng mực tàu. Công đoạn này
đòi hỏi tay nghề và óc sáng tạo thẩm mỹ cao. Người thợ phụ trách công việc này gọi
là thợ tách hay thợ chính. Ngày nay, các cơ sở sản xuất đầu tư công nghệ in lụa lên
kính, mỗi giờ làm ra hàng trăm mẫu, rút ngắn thời gian và chi phí làm ra sản phẩm.
Tô màu lên kính và phơi: Khi
đã có mẫu vẽ phác thảo, viền các bức tranh, người thợ sơn sẽ tô phối các màu
lên bức vẽ, gắn sao nháy, kim tuyến... sau đó đem phơi cho tranh khô màu vẽ.
Vào khung gỗ: Sau khi tranh kiếng được vẽ xong với các màu sắc
theo quy chuẩn thì tiến hành vào khung tranh. Khung tranh thường làm bằng gỗ
sao, thao lao… Gia đình có điều kiện thì đặt hàng các loại gỗ tốt, bền đẹp và
tránh mối mọt. Đây là công đoạn cuối cùng để tranh thành phẩm, giao cho khách
hoặc giao cho các thương lái phân phối ra thị trường.
Muốn
mua tranh kiếng, người mua đến các cơ
sở, các hộ làm tranh, xem tranh loại nào vừa ý thì mua chở về hoặc có người
giao hàng tận nhà. Có những người đến các cơ sở sản xuất, trình bày ý tưởng,
kích thước rồi đặt làm tranh theo yêu cầu của họ.
Ngoài hai cách tiêu thụ trên, điều làm cho làng tranh kiếng Chợ Mới ra đời sau nhưng có
thời gian phát triển cực thịnh, chiếm lĩnh thị phần các tỉnh miền Tây có khi ra
tận vùng Phan Rang, Bình Định… là nhờ các lái
tranh hoặc đội ngũ bán tranh dạo đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Thuở giao thông
bộ chưa phát triển thì nhà nào có vốn mà không làm tranh thì sắm xuồng, ghe chở
tranh kiếng đi bán. Sau này đường bộ
phát triển thì họ buộc các bộ tranh lên xe đạp hoặc xe gắn máy để chở đi khắp
các miền quê ở Nam Bộ. Họ còn mua lại tranh cũ hoặc nhận phục hồi tranh đã sử dụng
lâu năm phai màu.
*
Treo tranh
trong nhà đã trở thành nét văn hóa của người Nam Bộ hàng trăm năm qua. Bản thân
bức tranh cũng hội đủ giá trị chân - thiện - mỹ khi chứa trong đó là cái đẹp,
cái tâm và tài hoa của các nghệ nhân. Ngày trước, thông qua việc treo tranh,
người ta cũng đánh giá được sự khá giả, học thức và truyền thống của một gia
đình nào đó. Việc treo tranh kiếng
trong nhà có nhiều ý nghĩa như: thể hiện tính thẩm mỹ, sự tôn kính; cầu chúc và ước vọng giàu sang; giáo
dục sự hiếu - nghĩa, truyền thống gia đình; ca
ngợi quê hương đất nước thanh bình, cuộc sống sinh hoạt của người dân…
Ngày
nay, điều kiện sinh hoạt, kiến trúc nhà ở và nhu cầu của người dân Nam Bộ dần
thay đổi nên làng nghề tranh kiếng ở
Chợ Mới cũng rơi vào thăng trầm. Một số cơ sở sản xuất đã đầu tư kỹ thuật in lụa
trên kính, góp phần tăng năng suất, đáp ứng nhu cầu thị tường. Tranh kiếng kéo lụa, dán đề can đã phần
nào làm mất đi nét đẹp tài hoa của người thợ, làm mất đi cái hồn Việt trong
tranh. Cái hiện đại đã và đang lấn dần cái truyền thống, khi nhu cầu sản xuất
hàng loạt, nhanh nhạy, rẻ tiền đang là xu thế. Tuy
nhiên, một số hộ vẫn bám trụ với nghề theo hình thức thủ công truyền thống. Một
phần vì họ yêu nghề, một phần như muốn lưu giữ lại những hoài niệm về một thời
hưng thịnh của làng nghề và cũng gìn giữ những tài hoa, kết tinh thành giá trị
của các bậc tiền nhân, để cho thế hệ con cháu mai sau còn biết về làng nghề
tranh kiếng từng nổi danh khắp xứ Nam Kỳ lục tỉnh.
Đ.V.N
|
|