|
THỜ TIỀN HIỀN - HẬU HIỀN
(Trích Nhân thần trong tín ngưỡng dân gian Đồng Tháp (*))
NGUYỄN THANH THUẬN
Trong dân gian thường có câu: Tiền hiền khai khẩn - Hậu hiền khai cơ,
qua đó, có thể phần nào hiểu được khái niệm Tiền
hiền và Hậu hiền. Đó là những vị
có công hướng dẫn dân chúng khai khẩn đất đai, lập ấp, lập làng và tạo dựng nên
cơ ngơi của làng.
Cách
lý giải cụ thể về hai danh xưng Tiền hiền
và Hậu hiền, hiện cũng có khác nhau.
Có cách hiểu: Tiền
hiền là những người có công quy dân lập ấp, Hậu hiền có công xây dựng các công trình phúc lợi cho thôn, ấp như
đình, đền, miếu… Cách hiểu khác thì cho rằng: Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai canh, tức: Tiền hiền có công quy dân lập làng, Hậu hiền có công giúp dân khai hoang mở ruộng. Lại có cách lý giải
khác nữa là: Tiền hiền khai khẩn, Hậu
hiền khai khẩn, tức: Tiền hiền có
công quy dân, lập làng nhưng làng bị xiêu tán, Hậu hiền đến sau phải quy dân, lập làng mới trên cơ sở làng cũ.
Tiền hiền - Hậu hiền thường được thờ tại
đình làng. Bàn thờ Tiền hiền - Hậu hiền được
thiết lập phía sau chính điện thờ Thành hoàng. Có đình lại bố trí hai bàn thờ
đối diện hai bên chái tả và chái hữu của đình. Có chỗ lại đặt chung vào một bàn
thờ bên chái tả, đối diện với bàn thờ Tiền tấn - Hậu tấn. Đặc biệt, có nơi, vị Tiền hiền vì có công lao rất lớn với
thôn dân nên được dân chúng nhớ ơn cất hẳn một ngôi miếu Tiền hiền.
Trên
cơ sở sự tương đồng cơ bản, cách thiết trí bàn thờ Tiền hiền - Hậu hiền cũng có khác nhau. Tại các ngôi đình trên địa
bàn tỉnh Đồng Tháp, tùy truyền thống và điều kiện từng nơi mà có cách thiết trí
bàn thờ mỗi nơi một vẻ. Thông thường, bàn thờ Tiền hiền - Hậu hiền có bức trướng ghi nội dung thờ bằng chữ Hán,
được làm bằng gỗ hoặc đắp nổi bằng xi măng. Bức trướng có thể đặt dính sát vào
tường hoặc đặt trong một khánh thờ bằng gỗ, được chạm trổ, sơn vẽ các đề tài
như: tứ linh, tứ quý, tứ thời, phong cảnh, hoa lá… Một dạng khác là bức trướng
và khánh thờ được gộp làm một và phần khánh thờ chỉ làm tượng trưng với tên gọi
là khánh vị. Có nơi, Tiền hiền - Hậu hiền được lập hẳn bài vị để thờ. Chữ thờ
nơi bàn thờ thường là chữ Hán, được viết màu đen trên nền đỏ hoặc chữ thếp vàng
trên nền sơn son, nội dung thường là: Tiền
hiền - Hậu hiền hoặc: Tiền hiền khai
khẩn - Hậu hiền khai cơ. Hai bên thường có câu đối ca ngợi công đức của các
vị. Chẳng hạn:
Tiền lập đình môn thiên thu tại
Hậu sáng cơ đồ vạn tải xuân.
(Đình Tân Thuận Tây, xã
Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh)
Hoặc:
Tiền lập khai cơ thành thôn lý
Hậu hiền kế nghiệp tạo lưu lai.
(Đình Tân Tịch, Phường 6,
thành phố Cao Lãnh)
Trên bàn thờ cũng bày các đồ tự
khí như bát nhang, bộ lư, chân đèn, bình bông, đĩa trái cây…
Trong những lễ cúng quan trọng của đình làng như Kỳ yên
hàng năm và đại lễ Kỳ yên (đáo lệ ba năm tổ chức), lễ tế Tiền hiền - Hậu hiền được thực hiện trang trọng với những nghi tiết
thể hiện lòng thành của dân làng với các các bậc tiền nhân. Trong lễ cúng, có
phần đọc văn tế Tiền hiền với nội
dung nhắc nhở thời khai hoang lập ấp với công lao to lớn của các vị đóng góp
cho làng xã, cũng như gửi đến các vị lời nguyện cầu cho nhân dân luôn được khoẻ
mạnh, công việc làm ăn thuận lợi, tấn bộ…
Tế vật dùng trong lễ cúng Tiền hiền - Hậu hiền vào dịp rằm thường là bông, trái cây. Trong
các dịp cúng thông thường, có đình cúng mâm cơm canh. Còn trong lễ cúng Tiền hiền chính thì có tế heo sống. Heo được đưa vào cáo thần rồi sau đó
giết thịt, lấy một ít huyết và lông đem chôn trước cổng đình làng, gọi là mao huyết. Lễ vật cúng Tiền hiền có thủ vĩ (đầu đuôi heo, lòng heo, huyết heo), 1 cặp vịt và cơm canh…
Ngày nay, một số đình, vì điều kiện khó khăn nên lễ vật cũng giảm bớt hơn xưa.
Nhiều vị Tiền
hiền - Hậu hiền có công lao to lớn, danh tính được lưu giữ và bài vị được
thờ tại đình nên đến ngày nay có thể biết được lai lịch. Tuy nhiên, cũng có
nhiều vị do trải qua thời gian quá lâu, con cháu không còn hoặc do chiến tranh
ly loạn làm mất hết dấu tích, nên đến nay không còn biết được tên họ. Dưới đây,
xin giới thiệu một số vị Tiền hiền
tiêu biểu mà đến ngày nay còn biết được ở Đồng Tháp.
Đình Mỹ Trà, tức Đình Trung (nằm trên địa bàn
thành phố Cao Lãnh, đã bị đốt cháy trong tiêu thổ kháng chiến, nay không còn)
xưa kia thờ vị Tiền hiền có công sáng
lập làng là ông bà Nguyễn Tú. Ông Nguyễn Tú,
người thôn Bả Canh, xã Đập Đá, phủ Hoài Nhơn, trấn Bình Định, nguyên là tùy tướng của nghĩa quân Tây Sơn trước
đây. Khi nhà Tây Sơn sụp đổ, để tránh sự trả thù của nhà Nguyễn, ông cùng vợ
trốn vào Nam lập nghiệp. Ông Nguyễn
Tú vốn giỏi võ nghệ, được mọi người cử làm người đứng đầu khố trường Bả Canh,
thay mặt nhân dân giao tiếp với quan trên. Với địa vị này, ông đứng về phía dân
chúng chống lại sự áp lực của bọn cường hào ác bá, giúp người nghèo thoát cảnh
sưu thuế nặng. Đến khi vợ chồng ông già yếu chết đi, mặc dù không có con thừa
tự, nhưng hai người vẫn được dân làng mai táng chu đáo trong niềm thương tiếc
và biết ơn. Người đời sau dựng bia ghi công đức của ông, gọi là bia Tiền hiền làng Mỹ Trà. Ngoài đình Mỹ
Trà, tại đình thôn An Bình cũng có thờ bài vị ông bà. Hàng năm, nhân dân thành
phố Cao Lãnh lấy ngày 15 tháng 10 âm lịch để làm lễ kỷ niệm ông bà Nguyễn Tú.
Còn ở làng Hoà An xưa (nay thuộc thành
phố Cao Lãnh), nhân dân tôn thờ vị Hậu
hiền vừa có công phát triển làng Hoà An (xưa thuộc tổng An Tịnh, phủ Tân
Thành). Ông tên thật là Trần Trọng Khiêm (sau đổi tên là Lê Kim), người làng
Xuân Lũng, huyện Sơn Vi, tỉnh Phú Thọ. Gia đình ông bị cường hào làm tan nát, sau
khi trả thù nhà, giết chết tên cai tổng, ông bỏ trốn, theo làm thủy thủ tàu
buôn đi các nước Hoà Lan, Anh, Hoa Kỳ… khoảng giữa thế kỷ XIX, ông trở về nước,
sống tại Nam Kỳ. Ông cùng vài người bạn đứng ra kiến lập thôn Hoà An. Sau đó
Pháp chiếm Nam Kỳ, ông bỏ theo Thiên hộ Võ Duy Dương vào kháng chiến ở Đồng
Tháp Mười. Với kiến thức quân sự học hỏi được ở nước ngoài, ông đã giúp Thiên
Hộ Dương xây dựng đồn luỹ, được giao nhiệm vụ chỉ huy một đội nghĩa quân. Quân
của ông đã đánh thắng Pháp nhiều trận ở Mỹ Trà, Cao Lãnh, Cai Lậy… Tháng 4 năm
1866, Pháp dẫn đại quân tấn công đại đồn Tháp Mười, ông chiến đấu quyết liệt và
hy sinh ở tuổi 45.
Nhân dân làng Hòa An
nhớ ơn đã tôn ông làm Hậu hiền, thờ
ông tại đình.
Làng Tân Thành xưa
thuộc tổng An Phước, quận Hồng Ngự, tỉnh Châu
Đốc (nay thuộc huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) ra đời khoảng năm 1870. Việc lập
làng gắn liền với vị Tiền hiền có
công lao rất lớn thời bấy giờ, đó là cụ Huỳnh Công Huy (có chỗ gọi là Bùi Quang
Huy). Cụ Huy từng theo Thiên Hộ Dương kháng Pháp với nhiệm vụ quản đốc quân
lương. Khi cuộc kháng chiến của Thiên Hộ Dương bị Pháp dập tắt, cụ Huy không về
xứ, ở lại Sa Rày (Tân Hồng), ra lệnh giải tán đội quân lương, khuyên nghĩa quân
nên về quê quán làm ăn, không cộng tác với giặc, giữ vững lòng trung với nước,
chờ đợi thời cơ. Có một số nghĩa quân không về làng cũ, tình nguyện ở lại với
cụ. Cụ hô hào nghĩa quân cùng nhân dân khai khẩn lập nên làng Tân Thành. Nhân
dân tôn kính cử cụ làm Hương cả. Sau khi cụ qua đời, dân làng nhớ ơn thờ làm Tiền hiền tại trong chính điện của đình
làng. Sau đó, nhân dân còn lập miếu thờ riêng cho cụ gọi là miếu Tiền hiền. Trải bao năm tháng chiến
tranh, đạn bom tàn phá, đình và miếu thờ cụ vẫn được trùng tu, ngày đêm khói
hương không dứt.
Ngoài ra còn rất nhiều ngôi đình trên địa bàn
tỉnh Đồng Tháp thờ các vị Tiền hiền - Hậu
hiền có danh tính cụ thể như: đình Tân Khánh Tây (xã Tân Khánh Trung, huyện
Lấp Vò) thờ Tiền hiền Mai Văn Đường;
đình Tân Quới (xã Tân Quới, huyện Thanh Bình) thờ hai vị Tiền hiền là Nguyễn Văn Diện và Đỗ Văn Thạnh; đình Định Yên (xã
Định Yên, huyện Lấp Vò) thờ Tiền hiền
Phan Văn An… Đây vừa là một dạng tôn thờ nhân
thần, vừa thể hiện sự tri ân các bậc tiền nhân với tinh thần uống nước nhớ nguồn. Một mỹ tục rất đáng
trân trọng.
N.T.T
_____________
(*) Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2018.
|
|