|
QUAN LỚN SEN (SA ĐÉC)
(Trích Đôi nét văn hóa - lịch sử
một vùng đất (*))
NGUYỄN NHẤT THỐNG
Sa Đéc,
nơi hơn 250 năm trước đã từng in dấu chân của chúa Nguyễn. Cũng chính nơi đây
đã có những danh tướng dốc lòng phò tá để Nguyễn Ánh khôi phục vương quyền. Đặc
biệt có ông Nguyễn Văn Nhơn (1753 - 1822), sau khi Gia Long lên ngôi, ông được
phong Kinh môn quận công, hai lần giữ chức Tổng trấn Gia Định thành.
Ông Nhơn là người sinh quán tại thôn Tân Đông, huyện
Vĩnh An, tỉnh An Giang (nay thuộc xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh
Đồng Tháp). Nội tổ là Nguyễn Văn Trâu, người ở Cửa Hàn, làng con Nhạn, xã Ô Phi
thuộc Đà Nẵng, hưởng ứng cuộc Nam tiến của các chúa Nguyễn nên đưa gia đình vào
Nam lập nghiệp. Ông Trâu đã dừng ghe bầu ở thôn Tân Đông, cạnh bờ sông Tiền
(nay là xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) khai phá, mở mang
nên cơ nghiệp. Chẳng bao lâu sau, ông kết nghĩa thông gia với ông Hương hào
Chiêm ở thôn Tân Khánh bên cạnh. Đó là cuộc xe duyên cho Nguyễn Văn Quang và cô
thôn nữ Thị Áo để rồi sinh ra Nguyễn Văn Nhơn vào năm 1753. Tuổi ấu thơ của ông
Nhơn đã trôi qua trên quê hương nghèo khó, gia cảnh túng thiếu. Nhưng bù lại,
ông khỏe mạnh, lao động cực nhọc, giúp ích cho cha mẹ. Đến tuổi trưởng thành,
Nguyễn Văn Nhơn đầu quân theo Tống Phước Hòa và Nguyễn Khoa Thuyên, rồi được
làm chức đội trưởng (1775). Năm 1788, trong đoàn quân thu phục đất Gia Định của
Nguyễn Ánh, có Nguyễn Văn Nhơn. Công trạng như vậy nên ông được lĩnh chức Lưu
thủ Trấn Biên (Biên Hòa) vào năm 1795. Bấy giờ, ngoài 40 tuổi, ông mới có điều
kiện học hỏi, đọc sách thánh hiền và thành tâm cầu thị. Năm 1797, ông về Gia
Định lĩnh việc vận lương và kiêm việc Bộ Hộ. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi (1802) lấy
niên hiệu Gia Long, Nguyễn Văn Nhơn được phong chức Chưởng Chấn Võ quân tước
Quận công, hai lần giữ chức Tổng trấn Gia Định thành (1808 và 1811).
Theo một số sách sử, tài liệu cũ và những giai
thoại truyền miệng thì ông Nguyễn Văn Nhơn tính tình khẳng khái, cương trực, có
lòng trung hậu. Vì vậy mà trong những ngày bôn tẩu, chúa Nguyễn Ánh rất mực tin
yêu ông. Những khi xuất chinh, lúc sa cơ thất trận, chúa vẫn giao trọng trách
phò tá mẹ ruột của mình cho ông Nguyễn Văn Nhơn. Mãi cho đến khi về kinh đô
Huế, trong điều kiện cung đình vàng son của triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ,
ông Nguyễn Văn Nhơn vẫn sớm hôm chăm sóc quốc mẫu như mẹ ruột của mình. Tuổi
già, bệnh hoạn, sức khỏe suy yếu, việc ăn uống của quốc mẫu đã được ông Nguyễn
Văn Nhơn quan tâm từng ngày. Sáng ra, đích thân ông chọn những bông sen đã được
để trà vào ướp từ chiều tối hôm qua, chắt chiu từng giọt nước trong những lá
sen của buổi sương sớm để nấu nước pha trà cho quốc mẫu. Trong bữa ăn của bà,
ông Nhơn cho chế biến thức ăn từ sen, nào là củ sen, ngó sen, tim sen, hạt sen
cho đến cả lá sen non. Đến món tráng miệng, ông cũng kỳ công cho nấu chè sen
dâng lên quốc mẫu. Mỗi khi có việc, cả vua, hoàng hậu và quốc mẫu đều trìu mến
gọi ông Nguyễn Văn Nhơn là Sen. Cũng
từ đó, cả hoàng thân quốc thích, triều thần chốn cung đình cho đến thứ dân khắp
kinh đô Huế đều biết tấm lòng thành của bậc công thần trung hậu mà xưng tụng là
quan lớn Sen. Chẳng những thế, khi cụ
là bậc đại quan trấn lãnh nhiều nhiệm vụ khác nhau của triều đình và về Gia
Định giữ chức Tổng trấn, mọi người từ quan đến dân vì kỵ húy và cũng vì tôn
kính mà gọi là quan lớn Sen.
Công danh sự nghiệp của ông Nguyễn Văn Nhơn mà
người đời sau còn nhắc nhở, đó là việc ông dâng lên vua Gia Long (vào cuối năm
1802) bảng điều trần 14 khoản:
1. Định lại các thứ thuế;
2. Cầu người hiền;
3. Lập hương học;
4. Cử người hiếu liêm;
5. Cải cách phong tục;
6. Định phép khoa cử;
7. Sửa đổi hình phạt;
8. Định sắc phục kẻ trên
người dưới;
9. Đặt phép cho nghiêm việc
quan lại;
10. Phát chẩn cho dân nghèo;
11. Tiêu biểu người trinh tiết;
12. Thẩm định các phép tắc;
13. Lập đồn trại ở các nơi;
14. Bỏ những thuế tạp.
Năm 1822, ông Nguyễn Văn Nhơn qua đời, để lại cho
triều đình lúc bấy giờ sự thương tiếc. Vua cho bãi triều 3 ngày, đích thân ban
rượu tế và cho phương tiện di quan từ Huế về quê Sa Đéc an táng. Mộ của ông
hiện tọa lạc tại ấp Đông Quới, xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng
Tháp. Xung quanh khu vực lăng mộ hiện có nhiều ruộng sen, ao sen như nhắc nhở
thế hệ hậu sinh về sự thuần khiết như hồn
sen.
N.N.T
_____________
(*) Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2019.
|
|