|
Cá bụng là tên gọi dân gian của
cá basa (cá basa bột). Loài cá này thuộc họ cá da trơn, cùng họ với cá tra. Nó
có thân tròn, mình ngắn, thịt trắng, bụng phệ có nhiều mỡ. Ngày trước, khi
trình độ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, việc nhân giống cá bột để nuôi ở các bè
cá chưa thực hiện được. Các chủ bè phải mua cá giống ngoài tự nhiên về nuôi. Chính
vì thế mà đã hình thành nên một lớp nghề câu cá bụng ở vùng Hồng Ngự, Tân Châu...
Mùa câu
cá bụng là khoảng từ tháng 7 đến giữa tháng 9 và từ tháng 10 đến tháng 11 âm
lịch. Ở thượng nguồn, nhất là từ biển Hồ (Cam - pu - chia), theo dòng nước về
hạ lưu sông Tiền, sông Hậu, nơi có dòng nước chảy mạnh, cá bụng tập trung nhiều
ở đó. Lúc này, xuất hiện rất nhiều xuồng câu, trải dài trên mặt sông. Mỗi xuồng
cách nhau một khoảng mà người câu cho là ở đó sẽ có cá.
Mồi câu
loài cá này là trùn huyết (nếu là trùn đen, câu cũng không dính). Để có mồi,
thường thì người câu (tên dân gian gọi là dân
câu) sẽ tự đi đào lấy ở những sàn nước dơ, hay những nơi ẩm bẩn như chuồng
heo, hoặc mua từ những người bán. Thường thì dân câu chỉ mua khoảng 100g là dư
mồi. Ngoài ra, còn thêm loại mồi câu thứ hai là trứng kiến vàng. Để có trứng
kiến thì dân câu phải đi chọc, bắt ở ngoài đồng, theo những thân cây to như cây
gáo… Dụng cụ bắt là một cái vợt tự làm bằng thanh tre, trúc, dài dài khoảng 5
mét, trên đầu làm cái gàu (giống như gàu múc nước) bằng lưới ny - lon ở phần
đáy để giữ trứng kiến không lọt ra ngoài. Hoặc mua trứng kiến từ thợ chọc kiến,
hay mướn họ đi chọc rồi trả công.
Loại cần
câu để câu cá này có hình dáng cong như cánh cung. Thân cung bằng sắt cỡ ngón
tay út dài 2 mét. Dưới chân hai đầu cung được căng ngang bằng một sợi dây gân.
Trên sợi dây gân, buộc khoảng từ 10 đến 20 sợi dây câu làm bằng ny - lon rất
chắc. Dưới mỗi đầu dây là lưỡi câu. Khoảng cách giữa các lưỡi câu đều nhau. Cánh
cung đó được dân câu gọi là luồn,
trên đầu luồn có buộc từ 1 đến 2 sợi dây chắc chắn nối với xuồng để kéo lên và
thả xuống. Mỗi người làm cho mình từ 4 đến 6 luồn.
Canh con
nước vừa chớm lớn, dân câu cho xuồng ra sông, nơi có dòng nước đang chảy. Họ sẽ
thả neo xuống để giữ xuồng không bị trôi. Sau đó, cặp theo hai bên lườn xuồng,
dân câu sẽ thả từ 4 đến 6 luồn đã được móc mồi. Thời gian còn lại là đợi. Nếu
luồn nào thẳng dây mạnh thì luồn đó đã dính nhiều cá. Luồn được kéo lên, gỡ lấy
miệng cá cho khéo, để cá vẫn còn sống, mà miệng không bị xây xát, rồi móc mồi
khác vào, lại thả luồn xuống, câu tiếp tục. Thời gian cá dính nhiều nhất là vào
buổi sáng cho đến trưa. Cũng có người câu đến chiều hoặc tối, có khi câu qua
đêm. Nhưng thường đến trưa, khi đã câu được một lượng cá vừa đủ thì dân câu sẽ
quay về.
Cá bụng
không có nhiều. Dân câu chuyên nghiệp thì một ngày cũng chỉ được 15 - 20 con,
khá thì vài chục con. Còn không chuyên, chỉ được 5 - 10 con. Cá câu được sẽ bán
cho các thương lái thường chạy chiếc tắc ráng, đi theo có vài người ở ngoài
sông, hoặc chở vô bán cho các chủ bè nuôi giống. (2) Cá mua bằng con, không bán
ký. Giá cá bán ra có sự dao động, biến đổi theo thời gian. Ngày trước, giá cá
khoảng vài chục đồng, năm trăm đồng, 1 ngàn đồng cho đến 5 - 6 ngàn đồng/con...
Nếu làm siêng, bơi lại bè bán cho chủ nuôi sẽ được từ 8 - 10 ngàn đồng/con
(khoảng năm 1996). Nếu trừ chi phí xăng để chạy máy ra sông (chưa tính công) thì
họ vẫn có dư.
Ngoài
việc câu cá bụng, có khi dân câu còn dính được cá hú, nhưng thường phải cho
xuồng ra xa hơn. Cá này bán được giá hơn cá bụng, cũng bán con, không bán ký.
Cá hú thì thích ăn mồi gián. Khoảng trung tuần tháng 9 âm lịch là mùa câu cá
bụng dần chấm dứt một đợt. Đến con nước tháng 10, họ lại câu tiếp cho đến tháng
11. Khi hết mùa cá, dân câu chuyển sang săn
lùng các loại cá khác.
Trên mỗi
xuồng câu thường chỉ có một người. Nếu trời nắng thì dân câu chui vào cà rèm để
tránh nắng. Khi gặp thời tiết xấu, nguy hiểm như mưa lớn, giông, gió, sóng lớn…
thì họ nhổ neo, cho xuồng chạy vào bờ.
Nghề này
thường không cúng tổ. Gia đình nào chuyên hành nghề thì họ chỉ cúng vào dịp
mùng ba tết Nguyên đán. Làm một mâm cơm để cúng trên đầu xuồng hoặc ghe là
xong. Theo quan niệm dân gian trong nghề, người được coi là sát cá sẽ câu rất dính. Người câu không
dính thì đổi xuồng hoặc bỏ nghề. Một quan niệm khác, nghề này chỉ có đàn ông đi
câu. Tuyệt đối không có đàn bà. Bé gái cũng không cho đi theo. Phụ nữ lỡ đặt
chân, ngồi hay chạm lên xuồng cũng không được. Vì làm như vậy thì cá câu không
dính. Nếu xuồng câu không dính thì chủ xuồng phải đốt phong lông để xả xui.
Nghề câu
cá bụng là một trong những nghề đặc trưng đánh bắt vào mùa nước nổi. Tuy không
giàu, nhưng cũng đủ ăn hoặc dư chút đỉnh, nuôi sống nhiều gia đình, làm giàu
cho các thương lái và chủ bè.
Ngày nay,
cá bụng không còn được câu trên sông vào mùa nước như trước nữa. Chúng đã được
các nhà khoa học nhân giống bằng cách thụ tinh nhân tạo, nuôi bằng bè với số
lượng rất lớn. Nghề câu cá bụng cũng theo đó mà mất dần. Mùa cá bụng của những
năm về trước ở Hồng Ngự, có rất nhiều xuồng, ghe câu neo đầy trên mặt sông
Tiền, nối dài có khi xa tới thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang). Đến những năm gần
đây thì trên mặt sông đã gần như vắng bóng.
TRẦN THỊ NGỌC LY
_____________
(1) Tác phẩm tham dự xét đầu tư năm 2019 do
Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp tổ chức;
(2) Cá bụng nuôi
trong bè, sau 6 tháng, tăng trọng lượng gần 2 ký. Khi cá lớn, chủ sẽ bán ra các
chợ hoặc bán cho các doanh nghiệp mua về sản xuất rồi xuất khẩu ra nước ngoài.
|
|