|
VÀI MẪU CHUYỆN VỀ CỤ PHÓ BẢNG
TRONG NHỮNG NĂM THÁNG Ở CAO
LÃNH
(Trích trong Tài liệu lưu trữ và tư liệu dân gian về Cụ Phó bảng
Nguyễn Sinh Sắc -
thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (*))
NGUYỄN THANH THUẬN
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy về Cao Lãnh sống
lần đầu
Cuối năm 1916, Cụ Nguyễn Sanh Huy trở lại Sài Gòn. Cụ đi lại nhiều nơi
ở Sài Gòn và một số tỉnh Nam Kỳ. Một hôm, cụ đến nhà Diệp Văn Cương ở Gò Vấp,
tình cờ gặp ông thông gia của ông Cương là Hội đồng Lê Quang Hiển. Con rể ông Hai Hiển
là nhà báo Diệp Văn Kỳ. Ông Kỳ là con trai Diệp Văn Cương - thầy dạy tiếng Pháp
cho vua Đồng Khánh, chủ báo Phan yên (1), sau làm giáo sư Sử học và Việt văn
trường Chasseloup Laubat. Diệp Văn Kỳ được ông Hai Hiển gả cho con gái thứ ba là
Lê Thị Hạnh. Sau đó, ông cho cả hai vợ chồng xuất dương sang Pháp du học. Tốt
nghiệp cử nhân luật khoa về nước, ông Kỳ hành nghề luật sư tại Cao Lãnh, sau đó
chuyển qua làm báo tại Sài Gòn (2), Chính do ông Kỳ lúc xưa ở Huế, từng là học trò của Cụ Phó bảng Nguyễn
Sinh Huy, nên khi gặp lại cụ Huy tại Sài Gòn, Diệp Văn Kỳ đã giới thiệu thầy
với cha vợ. Qua đàm
đạo, cụ có cảm tình với Hội đồng Hiển và con người đất Cao Lãnh nên cụ theo Hội
đồng Hiển về thăm Cao Lãnh vào năm 1917.
Đến Cao Lãnh, cụ tìm thăm ngay ông Trần Văn Long, người quen cũ, nhưng
ông Long đã qua đời. Con ông Trần Văn Long là Trần Bá Lê (Cả nhì Ngưu), một
điền chủ yêu nước giàu có, tự bỏ tiền làm kinh tài cho phong trào Đông du, bị
Pháp bắt, tịch thu gia sản, phải bán phần còn lại lo lót cho Pháp để tránh tù
tội.
Ông Cả nhì giữ cụ ở lại, từ đây cụ đi lại, giao tiếp với các thân hào
nhân sĩ, trị bệnh cho nhiều người ở Cao Lãnh. Hàng ngày, nhiều người dân đến
trị bệnh, xin tư vấn thuốc men. Để cụ có nơi sinh hoạt thuận tiện, ông Cả nhì
cất cho cụ một ngôi nhà nhỏ trong đất vườn, bên bờ rạch Cái Tôm.
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy, người thầy thuốc
đức độ
Cuối năm 1927, Cụ Phó bảng về Cao Lãnh sinh sống ở nhà ông Năm Giáo tại
làng Hòa An. Thường ngày, cụ hay ra chợ Cao Lãnh xem mạch, kê toa ở tiệm thuốc
Hằng An Đường. Có đôi lúc, cụ được thân chủ tới rước về nhà chữa bệnh.
Mùa nước năm 1929, thân mẫu của ông Hội đồng Nguyễn Chánh Vị ở Cao Lãnh
là bà Hương sư Tú lâm bệnh nặng. Ông Hương sư Tú đã mất trước đó. Hội đồng Vị
là người nổi tiếng có hiếu với mẹ, trước đây đã rước nhiều danh y trong vùng
như thầy Giảng, thầy Năm Cừ, ông Bộ Chiếu… nhưng tất cả đều bó tay. Sau một
thời gian điều trị, bệnh của bà hương sư thuyên giảm rồi đột nhiên trở nặng.
Hội đồng Vị lại đích thân đến rước cụ, nhưng lần này cụ không đi và bảo rằng bệnh
già mà trở thì không thể trị được. Hội đồng Vị hết sức thuyết phục để cứu mẹ.
Thấy người con quá đỗi chí hiếu, cụ đành chiều theo. Lần này, cụ không đến nhà
xem bệnh mà chỉ đến tiệm, hốt một thang cho Hội đồng Vị đem về. Uống chưa hết
thang thuốc, bà Hương sư Tú mất. Hội đồng Vị cho người báo tin, cụ nhờ người gửi
về tang chủ một đôi vãn chia buồn:
Thỉnh chẩn bất dung
từ, vị hiếu tử tâm trung hữu mẫu
Đầu thang phi thị
ngộ, duy trinh tiết phụ thệ tòng phu.
Tạm hiểu:
Rước chẩn chẳng nỡ
từ, vì con hiếu trong lòng chỉ mẹ.
Đầu thang chi phải
lộn, bởi người tiết phụ nguyện theo chồng.
Hội đồng Vị nhờ ông Bộ Trọng - người viết chữ đẹp - viết treo lên. Dự
đám tang có nhiều thầy thuốc. Trước đây, họ cho rằng, bà Hương sư Tú mạch đã
trầm mà cụ dám nhận trị thì ắt không phải thầy giỏi. Nay, đọc đôi vãn, mới thấy
con người cụ quả thật là tinh tế, tài ba: đã kéo dài tuổi thọ bà Hương sư được
vài tuần - điều mà các thầy thuốc khác không làm được - để tạo điều kiện cho
ông hội đồng báo hiếu.Riêng thầy Ba Hùng (tức cụ Nguyễn Doãn Phong - nhà Nho có
tiếng ở Cao Lãnh thời bấy giờ) cho rằng từ đây về sau chắc không có đôi vãn nào
thâm thúy, súc tích và đầy đủ hơn. Chỉ có hai câu với 24 chữ, không một điển
tích mà vừa chia buồn, vừa ca ngợi tang chủ, vừa xưng tụng người quá cố và vừa
nói tới chính tác giả.
Sau đám tang mẹ, ông Hội đồng Vị kêu ông Ba Tranh là người làm
công trong nhà, bơi xuồng đưa ông đem lễ
vật gồm: 4 chai rượu Tây và 4 gói trà đến tạ ơn cụ Phó bảng. Cụ một mực từ chối,
không nhận món nào. Ông Hội đồng Vị cứ nài nỉ riết, cụ mới nhận một gói trà cho
ông Vị vui.
Những ngày cuối đời trong lòng bà con Hòa An
- Cao Lãnh
Đầu tháng 2 năm 1928, Cụ Huy về nhà ông Năm. Mỗi sáng, Cụ Phó bảng đi
bộ ra tiệm thuốc Hằng An Đường ở chợ Cao Lãnh xem mạch, kê toa trị bệnh cho bà
con, chiều ở nhà làm thuốc. Ngoài người bệnh, thỉnh thoảng có khách thăm viếng.
Mỗi khi Cụ Phó bảng có khách, ông Năm Giáo thường ra trước sân làm công việc
lặt vặt để canh gác.
Cô Ba Ênh (Nguyễn Thị Bê) 17 tuổi, được sắp xếp hàng ngày đến quét dọn
nhà cửa, đi chợ nấu ăn cho hai ông già. Thỉnh thoảng, cô bơi xuồng đưa Cụ Phó
bảng đi thăm bệnh hay thăm viếng bạn hữu.
Đến giữa tháng 10 năm 1929, cụ lâm bệnh. Được cụ Lê Chánh Đáng, cụ Cử
Hoành, ông Năm Giáo… hết lòng chạy chữa, bà con hàng xóm lo lắng, nhưng do bệnh
nặng, cụ Phó bảng trút hơi thở cuối cùng vào đêm 26 rạng sáng ngày 27/10/1929.
Dù không
phải là quê hương bản quán, dù không phải là bà con thân thuộc nhưng đám tang
của cụ có đông đảo bà con Hòa An, Cao Lãnh phúng viếng, tiễn đưa đến nơi an
nghỉ cuối cùng theo nghi thức cổ truyền. Các cụ Lê Văn Đáng, Nguyễn Văn Sành,
Lê Văn Giáo là nơi nhân dân tổ chức lễ tang, lập bàn thờ và cúng tuần thất cho
cụ tại nhà ông Năm như người thân thuộc trong gia đình.
N.T.T
__________________
(*) Tác phẩm đạt
giải B cuộc thi Cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học - nghệ thuật chủ
đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh đợt 2 (2016 - 2020);
(1) Phan yên: Tờ báo Việt ngữ thứ hai sau Gia Định báo, ra đời cuối thế kỷ XIX, do Diệp Văn Cương sáng lập và
làm chủ nhiệm, xuất bản được 7 - 8 số thì bị nhà cầm quyền Pháp đình bản vì
đăng nhiều bài phê phán chủ nghĩa thực dân, đặc biệt là loạt bài Đòn cân Archimede, ký tên Cuồng Sĩ;
(2) Ông Diệp Văn
Kỳ làm chủ
nhiệm các tờ Đông Pháp Thời báo
(1927), Thần Chung (1929), thâu nạp
được nhiều cây bút nổi tiếng như: Tản Đà, Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Đào Trinh
Nhất, Bùi Thế Mỹ...
|
|