|
Nhiều bạn trẻ hỏi tôi: Sáng tác một bài vọng cổ có khó không, và làm sao để viết được bài vọng
cổ hay?. Thật ra, tôi cũng chỉ mới tập tành sáng tác vài chục năm nay, nên
kinh nghiệm không bằng các vị tiền bối, các soạn giả tài danh đàn anh, đàn chị
đi trước. Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy: Sáng tác một bài vọng cổ không khó. Vì nếu ai ca được bài vọng cổ, rành
rẻ về khuôn nhịp của bài vọng cổ sẽ viết được bài vọng cổ!. Nhưng để viết
được bài vọng cổ hay, có sức lan tỏa còn phải có sự đầu tư, chắt chiu, chọn lọc
từng ý, từng lời, làm sao cho bài hát vừa có tình, vừa có tứ và cảm xúc chân
thật. Được như thế, bài hát mới có thể hòa quyện vào tâm trạng, tình cảm, đời
sống của người thưởng thức.
Vọng cổ là một bài ca rất độc đáo, là một bài bản vua trong các bài bản cải lương Nam bộ.
Nó vua vì vừa có tính bác học, vừa
mang tính bình dân (bi, hùng, hỉ, nộ) dùng ở hoàn cảnh nào cũng được, nên cũng
vừa cổ điển vừa hiện đại.
Nói đến bài vọng cổ, dân Nam bộ hầu như ai cũng biết
ca, bởi nó rất gần gũi với đời sống của cư dân đồng bằng châu thổ. Nó mộc mạc
bởi ca từ gần gũi, dễ hiểu, dễ thuộc, thí dụ như bài Tình anh bán chiếu của soạn giả Viễn Châu. Bất cứ ai nghe qua bài
hát ấy một, hai lần đều thuộc ngay, vì câu văn trôi chảy dễ nhớ, dễ ca; vừa mộc
mạc, gần gũi với tình cảnh, tính cách người dân sông nước, mà cũng rất tự nhiên,
bình dị như tấm lòng chất phác của những anh trai Nam bộ hiền lành… nên bài ca
sống lâu và được mọi người yêu thích.
Sáng tác một
bài vọng cổ không khó, nhưng để bài hát sống được trong lòng mọi người quả
không đơn giản chút nào. Là một tác giả, không cần phải viết nhiều mà chỉ một,
hai bài được khán, thính giả yêu thích, mộ điệu đã quý lắm rồi, thành danh rồi!
Hồi tưởng lại từ thời cố nghệ sĩ Cao Văn Lầu khai sáng ra bài Dạ cổ hoài lang cho đến nay, trải qua
nhiều giai đoạn biến đổi - từ thời bài vọng cổ hát bằng nhịp 8, 16 đến nhịp 32,
ngẫm lại chẳng có bao nhiêu soạn giả thành danh. Soạn giả Viễn Châu được phong
là vua sáng tác bài ca vọng cổ với gần 2000 bài, nhưng tồn tại trong lòng công
chúng chỉ có vài bài được biết từ thế kỷ trước như: Tình anh bán chiếu; Gánh nước đêm trăng; Lòng dạ đàn bà; Võ Đông Sơ,
Bạch Thu Hà; Lá trầu xanh; Cô hàng chè tươi… Sau đó có soạn giả Loan Thảo nổi
lên từ thể loại tân cổ giao duyên
như: Đám cưới trên đường quê; Bánh bông
lan; Chuyện tình Lan và Điệp; Con gái của mẹ… Đối với cố nghệ sĩ Trần Nam
Dân chỉ có: Bông sen; Đài hoa dâng Bác;
Cô gái tưới đậu. Soạn giả Ngự Bình bài: Hoa
mua trắng; soạn giả Trọng Nguyễn, mặc dù viết rất nhiều cũng chỉ sống được bài Chợ Mới; soạn giả Thanh Bình: Áo
bà ba kỷ niệm ngày thu; soạn giả Thanh Hiền với Chuyến xe Tây Ninh; soạn giả Minh Thùy: Nhớ Nha Trang; soạn giả Châu Thanh: Một góc quê em; Ngô Hông Khanh có Bông súng trắng; Dệt chặng
đường xuân của Anh Động; Dòng sông
quê em của Trương Quang Lục; Hoa tím
bằng lăng của Linh Châu. Soạn giả Dương Thị Thu Vân cũng chỉ có Nhớ Cha trong mùa phượng đỏ… Thật ra, để
có một bài vọng cổ hay phải kết hợp nhiều yếu tố: hoàn cảnh ra đời, nghệ thuật
truyền đạt của tác giả và yếu tố quan trọng không thể thiếu, đó là người hát.
Ví dụ, cũng bài Tình anh bán chiếu,
nếu để cho nghệ sĩ khác hát mà không phải danh ca Út Trà Ôn thì liệu có độc đáo
và tồn tại đến ngày nay không? Hay như bài Võ
Đông Sơ, Bạch Thu Hà, nếu không phải Minh Cảnh, Lệ Thủy ca thì như thế nào;
hoặc như bài Nhớ Cha trong mùa phượng đỏ
sẽ ra sao, nếu tác giả Dương Thị Thu Vân sáng tác vào hoàn cảnh khác, không
phải là những năm đất nước mới giải phóng, thù trong giặc ngoài trăm mối ngổn
ngang, mà những chiến sĩ công an như chị đã đối mặt! Tác giả Dương Thị Thu Vân
đã mượn 4 câu vọng cổ để kể cho Bác nghe những nỗi nhọc nhằn, gian khó của đồng
đội mình; đồng thời cũng báo cáo với Bác là lực lượng công an cả nước luôn
hướng về Bác với niềm tin son sắt và dù khó khăn, nguy hiểm thế nào cũng một
lòng bảo vệ quê hương, Tổ quốc. Bài hát ra đời vào dịp 19/5/1978 và được nghệ
sĩ Mỹ Châu thể hiện rất đậm đà, đặc sắc nên đã nhanh chóng lan tỏa, và hầu như
mỗi cán bộ chiến sĩ công an lúc đó ai cũng thuộc bài ca này. Cũng từ đó lực
lượng công an có được một bài hát về ngành mình, được nhân dân yêu thích, các
ngành, các cấp tin tưởng, giúp đỡ công an hoàn thành nhiệm vụ; là tác phẩm được
tham gia nhiều cuộc hội diễn văn nghệ quần chúng, hội thi tiếng hát truyền
hình...
Ngôn ngữ thể hiện trong bài vọng cổ cũng rất đặc biệt,
tuy mộc mạc nhưng không được đơn điệu; đậm chất văn chương nhưng không quá cầu
kỳ. Để viết được một bài vọng cổ hay, người viết phải có vốn sống, vốn văn học,
kiến thức lịch sử, tính triết lý, tính giáo dục… để tùy theo hoàn cảnh, bối
cảnh mà sử dụng cho đắc địa, cho đúng. Ví dụ như câu: Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu; Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi (Đoàn
quân say giữa sa trường xin đừng cười; Xưa nay chinh chiến có mấy người trở về)
trong bài Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà của
soạn giả Viễn Châu; hay câu: Tào khang chi thê là đạo trọng (tào
khang chi thê bất khả hạ đường nghĩa là (khi mình sang giàu thì) không thể bỏ được người vợ từng chịu cảnh
nghèo hèn với mình - tao, tào: bã rượu; khang: trấu), nhưng cái nghĩa kim bằng thì bần tiện chi giao mạc khả vong (bạn
bè lúc nghèo hèn chớ quên nhau)… Hai đoạn trích dẫn đậm đặc tín hiệu Hán
ngữ cổ này (bài thơ Lương Châu Từ của
Vương Hàn thời Đường và lời nói của Tống Hoằng thời Hán) nếu sử dụng ở hoàn
cảnh khác sẽ rất khó ăn nhập, nhưng với hoàn cảnh và bối cảnh của nhân vật
trong bài Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà hay
trong Lưu Bình, Dương Lễ của soạn giả Loan Thảo lại rất phù
hợp! Nó làm tăng thêm kịch tính của bài hát; giáo dục tính trung kiên, lòng
chung thủy và cách ứng xử giữa con người với nhau. Tương tự, ở bài Chợ Mới của soạn giả Trọng Nguyễn, cái
hay nhất chính là hai câu lối mở đầu: Cái
chợ có hồi nào và bao nhiêu tuổi? Mà ai cũng bảo rằng Chợ Mới quê hương….
Câu giao đãi đầu tiên đã làm cho người nghe thích thú, tò mò, vì nó rất có
duyên; tạo nên sự bất ngờ để mọi người muốn lắng nghe, nuốn tìm hiểu… Đó là một
trong những phát hiện tinh tế của người nghệ sĩ mà không phải ai cũng có được.
Cũng như hình tượng bông sen đã được
người nghệ sĩ nhân cách hóa, thăng hoa thành triết lý sống rất thành công trong
bài Bông sen của cố soạn giả Trần Nam
Dân. Nghe xong bài này, khiến ta phải suy ngẫm, thấm thía sâu sắc mới hiểu hết
ý tưởng của tác giả. Bài hát không chỉ đơn thuần là ca ngợi bông sen mà ông
mượn hình ảnh bông sen để nói lên sự kiên trung, gan góc của miền Nam thành đồng Tổ quốc. Phản ánh
đậm nét thân phận của những người dân khát khao được sống trong tự do, độc lập,
nên mỗi bông sen đã hóa thành những pháo đài, nòng súng đánh đuổi xâm lăng: Bông sen trắng bẻ gục đầu đại bác giặc, nhụy
sen vàng làm rơi rụng cánh sắt máy bay, muôn cánh sen xòe như muôn vạn bàn tay
của những cô gái thêu dệt tình đời nhung lụa…; sống giữa đầm nhưng không dấy bùn đen, trong trắng, đàng hoàng không bị
buộc ràng giữa ngàn cám dỗ…
Tuy nhiên, cũng không nên quá lạm dụng những câu triết
lý, những từ tượng hình, tượng thanh, tả tình, tả cảnh trong một bài hát, vì
như thế sẽ làm bài vọng cổ xa lạ, khó hiểu.
Nhiều soạn giả
đàn anh cũng chia sẻ với tôi rằng: Một
bài vọng cổ hay cũng phải có kịch tính, cao trào, chỉ viết suôn hoặc kể lể lê
thê, dễ gây nhàm chán…
Vừa qua, Nghệ
thuật đờn ca tài tử đã được tổ chức UNESCO trao bằng vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại,
bài vọng cổ sẽ có điều kiện tồn tại và phát triển cao hơn nữa. Bởi lâu nay bài
vọng cổ đang đứng chủ lực trong số bài bản cải lương, đờn ca tài tử. Không có
một vở cải lương nào lại không có một, hai câu vọng cổ làm nền, và không có một
chương trình đờn ca tài tử nào lại không có bài vọng cổ làm chủ đạo. Bài vọng
cổ chính là linh hồn, là điểm tựa của các buổi diễn. Khán giả đến xem cốt yếu
chỉ để được nghe một anh kép, cô đào nào đó vô một câu vọng cổ ngon lành, rồi
nín thở chờ họ xuống hò một cách ngọt như mía lùi để vỗ tay một cái rào cho
thỏa chí. Có những khán giả giơ tay ra đợi sẵn để khi người hát xuống hò xong
là vỗ tay, huýt sáo, hoặc vỗ vào đùi một cái đét, cầm ly rượu ực một cái ót,
khà một tiếng cho sảng khoái… Bài vọng cổ tuy bình dân, nhưng cũng rất sang trọng là vậy!
Đã gần 100 năm từ ngày bài vọng cổ ra đời cho đến nay
(năm 1919 tại Bạc Liêu, nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác bài Dạ cổ hoài lang), từ bài Dạ
cổ hoài lang đến bài Vọng cổ hoài
lang, trải qua bao thăng trầm, biến đổi, với nhiều tên gọi khác nhau. Từ
bài vọng cổ 20 câu, 6 câu, sau này còn 4 câu (1,2,5,6). Lúc đầu chỉ có ngâm
thơ, nói lối để vào vọng cổ câu 1 và 2, giữa bài có một đoạn thơ hoặc đoạn lối
nữa gác vào vọng cổ câu 5, câu 6. Đến thập niên 1960, soạn giả Loan Thảo lại
dùng tân nhạc đưa vào vọng cổ, dùng một đoạn nhạc gác vào vọng cổ câu 1 hoặc
câu 5, hay đan xen giữa 1, 2; 5, 6 gọi là tân
cổ giao duyên. Cùng với xu hướng phát triển, bản vọng cổ còn hòa kết với
một số bài bản vắn như: Lưu thủy hành vân;
Sơn Đông hướng mã; Sương chiều; Tú anh; Ngựa ô Nam; Nam Xuân; Nam ai; Trăng thu dạ
khúc… Sự hòa kết ấy không chỉ làm phong phú thêm bài vọng cổ mà còn làm cho
nó trở nên kỳ diệu và hấp dẫn. Sau năm 1975, các soạn giả, nghệ nhân đàn anh
lại cải biên bài vọng cổ lên một hướng mới, là đưa các điệu lý dân ca vào bài
vọng cổ cho đến nay.
Điều kỳ diệu của bài vọng cổ là về hình thức cấu trúc
không quá phức tạp, dù trước đây là 20 câu, qua thời gian cô đọng lại còn 6
câu, hiện nay dùng phổ biến nhất là 4 câu (1,2,5,6). Chỉ 4 câu thôi, trên một
khuôn nền có sẵn, tác giả chỉ viết lời ca vào đó, nhưng không phải ai cũng viết
được bài vọng cổ hay - kỳ diệu là thế đấy! Và với 5 âm cơ bản: hò, xự, xàng,
xê, cống, nhạc sĩ có thể diễn tấu hàng trăm cách đờn khác nhau, nhưng muốn trở
thành một nghệ nhân điêu luyện phải học cả đời vẫn chưa đủ. Qua đó, cho ta rút
ra một nhận xét là: Bài vọng cổ có trường
phái, nhưng không có trường lớp, rất dễ sáng tác, nhưng khó viết hay!
Theo tôi, bài vọng cổ hay là bài dễ ca, dễ nhớ, có sức
lan tỏa và sống lâu trong lòng mọi người. Tôi khao khát có thời gian khám phá
và trải nghiệm, vì càng viết, tôi càng phát hiện ra nhiều điều thú vị của bài
vọng cổ. Hệ thống và tinh hoa của âm nhạc dân tộc mênh mông quá, sự hiểu biết
của tôi như hạt muối bỏ biển. Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp các bạn trẻ vốn
yêu thích bài vọng cổ, muốn khám phá và sáng tác bài vọng cổ hãy tự tin thử
nghiệm. Tôi tin các bạn sẽ thành công!
Rất mong có
thêm nhiều ý kiến, kinh nghiệm quý báu của những bậc tiền bối đi trước, những
bạn bè đồng nghiệp đóng góp, phản hồi, cốt sao để bài vọng cổ mãi được vinh
danh và phát triển.
Tháng 4/2014
|
|