|
Năm 2014, chuyên mục Lí luận Phê bình trên Báo Văn
nghệ Đồng Tháp tiếp tục duy trì, đã đăng tải được 20 tác phẩm của 10 tác
giả (trong đó có những tác giả tham gia nhiều bài như: Thai Sắc (Tao Đàn, Lê
Dân): 6; Hồ Văn: 5; Nguyễn Giang San: 2). Các tác phẩm nghiên cứu, lí luận, phê
bình nói trên có khuynh hướng tiếp cận rải đều trên các lĩnh vực văn học - nghệ
thuật, song đậm đặc hơn cả vẫn là lĩnh vực văn học (văn học: 13; âm nhạc: 4;
sân khấu: 2; mĩ thuật: 1). Điều này, ít nhiều lí giải một vấn đề, đội ngũ tác
giả viết lí luận - phê bình về văn học vốn hùng hậu, năng động hơn các chuyên
ngành khác. Cùng với đó, ở lĩnh vực văn học, các sự kiện tiêu biểu, tạo ấn
tượng cũng xuất hiện thường xuyên hơn, như việc xuất bản các tập sách (chung và
riêng) chẳng hạn. Các bài viết về chuyên ngành nhiếp ảnh, văn nghệ dân gian...,
năm nay không có mặt trên chuyên mục này, chủ yếu do không có bài hoặc có thì
chất lượng chưa đạt chuẩn.
Điểm qua diện mạo chuyên mục Lí luận Phê bình trên Báo Văn
nghệ Đồng Tháp, năm 2014 ở phương diện hình thức và thống kê số liệu như
trên để có cái nhìn bao quát về chuyên mục này, qua đó có thể ít nhiều nhìn
nhận, đánh giá chất lượng cũng như khuynh hướng nội dung của tác phẩm một cách
thấu đáo nhất.
Trước hết, phải thừa nhận, nhờ có Cuộc vận động sáng tác tác phẩm lí luận - phê bình lần thứ nhất, năm
2013 do Ban Lí luận Phê bình thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (VHNT) Đồng
Tháp trực tiếp tổ chức, mà bước đầu, chất lượng chuyên mục có phần được cải
thiện không chỉ ở số lượng bài vở hòm hòm
trong hồ sơ biên tập mà hơn thế, ở sức nặng tác phẩm qua thẩm định. Những bài
viết về sân khấu, mĩ thuật... đậm chất nghiên cứu, lí luận của Trần Thanh Hà, Bạch
Phần, Nguyễn Đắc Nguyên... nếu không có cuộc vận động này, chắc chắn chưa biết
lúc nào sẽ ra đời và xuất hiện trên mặt báo.
Nhìn chung, chất lượng tác phẩm lí luận - phê bình
trên chuyên mục này, năm 2014 vẫn giữ vững phong độ như các năm trước. Có lẽ
tiêu biểu nhất vẫn là các bài viết giới thiệu, phê bình mang tính tổng kết của
Thai Sắc về truyện ngắn, thơ, ca khúc đăng trên số báo Xuân Giáp Ngọ, 2014; các
bài viết giới thiệu sách của Hồ Văn hay một số bài viết tham gia cuộc vận động
nêu trên.
Xét riêng ở góc độ từng lĩnh vực văn học - nghệ thuật,
có thể nói, năm nay là một năm bội thu về lí luận - phê bình đối với chuyên
ngành văn học, nhất là ở thao tác điểm sách, giới thiệu, phê bình sách (đã có 7
cuốn sách được chọn viết). Đó hầu hết là những cuốn sách mới được xuất bản
trong vòng vài năm trở lại, nhất là được in trong năm 2014, nên tính cập nhật
và quảng bá của các bài viết là rất kịp thời, thiết thực. Nếu Hồ Văn với loạt
bài giới thiệu khá đậm chất hàn lâm về các cuốn sách của Trọng Quý (Kẻ tử thù của tôi), Phạm Thị Toán (Sơn Tinh thời nay), Thai Sắc (Phiên bản) và tập truyện ngắn của các
tác giả nữ Đồng Tháp (Hoa đồng) thì
Phan Ngọc Quang hay Nguyễn Giang San cũng có những luận điểm tinh tế, xác đáng và
đượm chất thi ca khi giới thiệu các tập thơ của Hữu Phước (Nỗi nhớ thời gian) và Lê Minh Chánh (Mười năm vẫn mới màu hoa cũ). Có các bài viết mang tính tổng kết
một lộ trình sáng tác văn học như Truyện
ngắn trên Văn nghệ Đồng Tháp, 2013 và sứ mạng của nó trong nền văn xuôi tự sự
đương đại Đồng Tháp; Thơ Văn nghệ
Đồng Tháp, 2013 - nhìn từ Trang sáng tác trẻ của Thai Sắc hay Đề tài thiên nhiên trong thơ Đồng Tháp sau
1975 (trích luận văn Đề tài trong thơ
Đồng Tháp sau năm 1975) của Đặng Văn Thiệp. Nói một cách nào đó, khi đọc
tất cả bài viết lí luận - phê bình về văn học trên Báo Văn nghệ Đồng Tháp năm 2014, độc giả đã có thể hình dung được diện
mạo cũng như nắm bắt được một cách khái quát những nội dung và khuynh hướng
sáng tác cơ bản của văn học Đồng Tháp trong thời gian qua cũng như trong năm
2014. Và như vậy, xét riêng ở lĩnh vực văn học, chuyên mục Lí luận Phê bình của Báo Văn
nghệ Đồng Tháp đã đảm nhiệm một cách khá tốt sứ mạng của mình, song hành
cùng lĩnh vực sáng tác và đã có những tác động tích cực.
Năm 2014 là năm mà lĩnh vực lí luận - phê bình âm nhạc
của chuyên mục cũng đã có những khởi sắc nhất định với 4 bài viết đề cập đến
những khía cạnh khác nhau, tuy chất lượng chưa thật cao, song cũng đã động đến
một số vấn đề thuộc phương diện lí luận cũng như thực tiễn hoạt động âm nhạc
hiện nay. Nếu Trần Văn Thành cố gắng đưa ra một cách tiếp cận những vấn đề lí
luận âm nhạc dưới góc độ sư phạm qua bài viết Về cách xây dựng hợp âm trong âm nhạc thì Trần Tấn Lực lại tích cực
xông vào thực tiễn để ghi nhận những
khuynh hướng tiếp nhận âm nhạc đa chiều của quần chúng hiện nay, nhất là tầng
lớp thanh niên với bài viết Ý kiến của
thanh niên đối với âm nhạc hiện nay. Bài viết mang tính nhìn lại một năm
chuyên mục Ca khúc trên Báo Văn nghệ Đồng Tháp của Lê Dân (Nét riêng ca khúc Văn nghệ Đồng Tháp, 2013),
kết hợp giữa lí luận và phê bình, giúp độc giả có cái nhìn cận cảnh với sắc
thái riêng về lĩnh vực âm nhạc, cụ thể là sáng tác ca khúc của đội ngũ tác giả
tỉnh nhà trong một năm.
Như đã nêu ở trên, hai bài viết về sân khấu của Trần
Thanh Hà (Ba bài Nam trong tải tử, cải
lương) và Bạch Phần (Vọng cổ - bài ca
vua trong các bài bản cải lương, đờn ca tài tử) là sản phẩm của Cuộc vận động sáng tác tác phẩm lí luận -
phê bình lần thứ nhất, năm 2013 nên chất lượng khá tốt. Nếu ở bài viết của
Trần Thanh Hà, chất học thuật là cảm hứng chủ đạo thì ở bài viết của Bạch Phần,
tính thực tiễn là nguồn mạch chính. Nói chung, từ hai bài viết này, độc giả có
thể cảm nhận được một phần sự phong phú, đa dạng của vùng văn hóa dân gian hòa
lẫn bác học nơi vùng đất Nam bộ cũng như sự linh
thiêng trong hoạt động diễn xướng hệ thống bài bản cải lương, đờn ca tài tử
của xứ sở này, trong đó có Đồng Tháp.
Ở lĩnh vực mĩ thuật, dù chỉ có một bài viết, nhưng rất
độc đáo, ở chỗ chính tác giả là người phê bình các tác phẩm hội họa của mình.
Sau khi sắm vai họa sĩ, Nguyễn Đắc Nguyên lại sắm vai nhà phê bình nên các luận
điểm tác giả đưa ra trong bài viết rất cụ thể, sát thực và mang đậm phong cách
cá nhân. Bài viết Văn hóa tâm linh của
ngư dân vùng biển trong tác phẩm của tôi của Nguyễn Đắc Nguyên vì thế đã
mang đến một ngọn gió lạ cho chuyên
mục của báo.
Điều đáng mừng nhất là trong năm qua, ở phương diện lí
luận - phê bình văn học, xuất hiện một tác giả trẻ, nhưng với bút lực sung mãn
- Hồ Văn - đã đóng góp nhiều tác phẩm chững chạc, đầy đặn, táo bạo khi giới
thiệu các tập sách mới xuất bản của Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp hoặc của các
tác giả. Cái đáng ghi nhận nhất ở Hồ Văn trong phong cách viết, đó là luôn cố
gắng kết hợp lí luận với phê bình, từ lí luận để soi sáng phê bình và từ phê
bình mà kiểm chứng lí luận. Chỉ mới đọc tên các tác phẩm của Hồ Văn thôi, độc
giả cũng đã có thể thấy rõ nhận định này: Hình
tượng con người tự vấn trong truyện ngắn của Trọng Quý; Bút pháp hiện thực giàu chất trữ tình trong tác phẩm
kí của Phạm Thị Toán; Người phụ nữ trong tập truyện ngắn Hoa đồng qua góc nhìn
thế sự - đời tư; Có nỗi nhớ thoát thai từ thế giới siêu thực trong tập thơ
Phiên bản... Có những ý tưởng trong
các tập sách (ví dụ như tập thơ Phiên bản
của Thai Sắc), nếu không có sự am hiểu, đồng điệu và tiếp cận một cách đích
thực như Hồ Văn sẽ không viết nên được những dòng phê bình như vậy. Lối phê
bình ấy sẽ thiết thực giúp nhiều độc giả có tâm thế chủ động hơn khi đọc những
bài thơ khác lạ, mang tính thử nghiệm
trong dòng chảy thi ca đương đại. Nếu quen tay, chắc chắn Hồ Văn sẽ biết bố cục
tác phẩm chặt chẽ hơn, trình bày luận điểm rõ ràng hơn, viết với văn phong khúc
chiết hơn. Dù sao, có thể nói, Hồ Văn là một phát hiện mới đầy hi vọng của đội
ngũ các cây bút lí luận - phê bình trên Báo Văn
nghệ Đồng Tháp. Và đây chính là một trong những nét mới của chuyên mục này
trong năm 2014.
Để có một chuyên mục mang tính học thuật và xương
xẩu như chuyên mục Lí luận Phê bình
đứng được trong những năm qua, nhất là năm 2014, Báo Văn nghệ Đồng Tháp đã có nhiều cố gắng từ nhiều phía, đặc biệt là
từ phía những người viết bán chuyên nghiệp thuộc các chuyên ngành văn học -
nghệ thuật của Hội. Có thể nói, hầu hết các tác giả tham gia trên chuyên mục
này chưa được đào tạo một cách bài bản về kĩ năng viết lí luận - phê bình, dù
chỉ là những lớp tập huấn ngắn ngày. Vì vậy, để có được một năm chuyên mục Lí luận Phê bình như trên, quả là đã có
một sự bứt phá lớn của Ban Biên tập và các tác giả. Phẩm chất tự thân vận động
và nỗ lực nâng cao năng lực sáng tạo là điều đáng ghi nhận từ chuyên mục này.
Một câu hỏi đặt ra: Lí luận - phê bình đã song hành
với sáng tác, tác động tích cực, làm bà đỡ mát tay cho sáng tác một cách đích
thực chưa, ít nhất là trên tờ báo chuyên ngành của Hội? Câu trả lời là: Có
nhưng chưa đủ!
Để làm được điều này, chắc chắn những người làm lí
luận - phê bình của Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp và Ban Biên tập Báo Văn nghệ Đồng Tháp cần có những phương
sách và cách tiếp cận, giải quyết vấn đề mạnh mẽ, táo bạo và thiết thực hơn.
Năm 2015 với những sự kiện lịch sử trọng đại của đất
nước đang chờ sự thăng hoa của lí luận - phê bình trên Báo Văn nghệ Đồng Tháp.
|
|