|
"Thiếu nữ " tranh sơn mài của danh hoạ Nguyễn Gia Trí
Hình tưỢng ngưỜi phỤ nỮ
trong
thơ ca ĐỒng Tháp (*)
NGUYỄN
NGỌC PHƯƠNG NAM
Có dịp cầm trên tay Huyền khúc Đồng Tháp Mười - tuyển tập
thơ ra đời nhân Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Đồng Tháp nhiệm kì 2012 -
2017 cùng một một số tập thơ, một số bài thơ lẻ của các nhà thơ trong tỉnh như
Thai Sắc, Hữu Nhân, Hữu Phước, Ngọc Điệp, Nguyễn Thị Kim Tuyến, Lê Minh Hùng,
Trần Tấn Thảo, Lê Minh Chánh… được ấn hành trong khoảng mười năm gần đây, người
đọc dễ dàng nhận ra hình ảnh con đường làng mỗi chiều vi vu gió, mấy nhánh sông
chở nặng phù sa bồi đắp bờ bãi quê nhà, cánh đồng ươm vàng những giấc mơ tuổi
nhỏ, thành phố trở mình nghe tiếng thở của những vì sao, anh thanh niên trầm
ngâm bên ly cà phê buổi sáng, bác nông dân với nụ cười hiền lành thở khói ngắm
mây bay… Hình ảnh thiên nhiên cùng cuộc sống và tình cảm con người được ghi lại
một cách sinh động, rõ ràng nhất.
Và tôi nhận ra có một hình tượng
đẹp, xuyên suốt trong dòng chảy thơ ca Đồng Tháp những năm qua không gì khác
hơn là hình tượng người phụ nữ. Điều đó cũng thật dễ dàng để lý giải, bởi có
nhà thơ nào lại không có những người bà, người mẹ, người chị, người vợ, người
em, những con người vẫn tần tảo sớm hôm, vẫn hy sinh bằng trọn vẹn tình yêu
thương và lòng vị tha vô hạn. Như nhà thơ Xuân Quỳnh trong bài Thơ vui về phái yếu cũng đã từng viết: Buổi
sớm mai ướm bước chân mình lên vết chân trên cát/ Bà mẹ đã cho ra đời những Phù
Đổng Thiên Vương/ Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng/ Là bác học...
hay là ai đi nữa/ Vẫn là con của một người phụ nữ/ Một người đàn bà bình
thường, không ai biết tuổi tên.
Thứ nhất, đó là hình ảnh những
người phụ nữ đưa tiễn chồng ra trận, vò võ thủy chung chờ đợi chồng về qua biết
mấy cuộc trường chinh, tiếng võng ru con khuyết mòn nỗi nhớ. Tình yêu lứa đôi
hòa chung trong tình yêu dành cho quê hương những ngày chớp lửa, họ trở thành
hậu phương vững chắc: Thế kỉ qua chờ đợi
chồng về/ Không dám đứng mà lao mình ra trước/ Bới tóc thề lên nuôi quân tải
đạn/ Vắt bờ ngực xuân đầy chăm chút những đàn con (Hòn vọng phu - Trần Thị
Hoàng Anh). Nhưng nếu có thể, những
người mẹ, người chị anh hùng ấy vẫn muốn có một cuộc sống bình dị, không đi qua
những mất mát, xa cách bởi chiến tranh: Hòn
vọng phu đứng đó ngàn năm/ Gió bào hết những gai trần của đá/ Đớn đau thay vẫn
lặng thầm vết cắt/ Vào lòng những người đàn bà của thế kỉ hai mươi/ Tôi không
dám thanh minh cho số phận con người/ Duyên tơ tóc đem treo nơi đầu sóng/ Thế
kỷ của đất nước tôi bom nghìn đạn tấn/ Dội xuống những môi hồng và những vòng
tay/ Đá chờ chồng - lời nhắc nhở quắt quay/ Trong ruột đá có cả niềm kiêu hãnh/
Nhưng những người đàn bà nước tôi không muốn mình hóa đá/ Tượng đài vọng phu
xương thịt vẫn ngời ngời (Hòn vọng phu - Trần Thị Hoàng Anh).
Cũng có những người đàn bà tiễn
chồng ra trận, rồi lại tiễn con. Mà ngày chiến thắng, hội ngộ chỉ là xạc xào
gió ở phía cánh rừng xa. Mâm cơm chiều một mình chiếc bóng, với ba bát cơm đầy,
ba đôi đũa thẳng ngay: Làn hương mẹ thắp
đậm đà/ Bữa cơm mẹ dọn chiều tà đợi con/ Lòng mẹ lòng của nước non/ Kết thành
sợi khói sắt son nghĩa tình/ Con về trong cõi anh linh/ Ngồi bên cho mẹ ngắm
hình dáng xưa/ Mùa mưa mùa nắng nối mùa/ Các con của mẹ vẫn mùa thanh xuân
(Linh thiêng làn hương mẹ thắp - Lê
Phước Hùng). Cũng người vợ, người mẹ ấy ngày lại ngày vượt suối băng rừng tìm
mộ chồng và con: Sắt se lòng mẹ hao gầy/
Đón con buổi ấy rợp đầy cờ hoa/ Cạn khô nước mắt tuổi già/ Con thiêng dẫn mẹ
tìm cha con về!/ Rồi khăn gói chị rời quê/ Mỗi năm thêm mấy lượt về với con/
Sáng nay bên dốc Trường Sơn/ Lao xao gió kể chuyện buồn chị tôi (Chị tôi - Nguyễn Giang San).
Chiến tranh rồi cũng lùi xa,
nhường chỗ cho một cuộc sống thanh bình, hình ảnh người mẹ với niềm vui nhen
nhóm lại, dẫu bên trong tâm hồn, vết thương vẫn có lúc cựa mình âm ỉ, buốt đau:
Con về thăm mẹ chiều nay/ Dòng sông thổi
mát vai gầy liêu xiêu/ Quê mình nay đã khác nhiều/ Rộn vui chân bước, niềm yêu dạt
dào/…/ Con về thăm mẹ mẹ ơi/ Xóm thôn nay rộn tiếng cười yêu thương/ Qua rồi
những khúc đoạn trường/ Đời mẹ vui với ruộng vườn đơm hoa (Con về thăm mẹ - Hoàng Tiễn).
Thứ hai, có thể kể đến chính là
hình ảnh những người phụ nữ trong cuộc sống bình dị hằng ngày. Những hình ảnh
dân dã, quê mùa mà ngời sáng lung linh. Như tà áo bà ba, như màu áo nâu của đất,
của bùn mà mẹ và em vẫn mặc: Áo rồng
trang phục cho vua/ Áo choàng sư mặc trong chùa cầu kinh/ Bà ba em mặc đẹp xinh/
Áo nâu bình dị mẹ mình thường quen!/ Hương đồng thấm đẫm sợi len/ Đi qua lối
cấy áo hoen mùi bùn/ Áo nâu gắn bó thủy chung/ Nắng! Mưa! Đời mẹ áo chùng vá
vai (Chiếc áo nâu của mẹ - Nguyễn
Chơn Thuần). Tà áo ấy của mẹ không đẹp đẽ và sang trọng như áo choàng của vua,
không cao khiết siêu huyền như áo choàng của sư nhưng chính là tà áo đã thấm
đẫm nhọc nhằn của một nắng hai sương, của tảo tần gian khó. Hình ảnh từng sợi
len thấm đẫm hương đồng, áo hoen mùi bùn là một hình ảnh rất thật. Và cũng chỉ
những người con thật sự biết yêu mẹ mình mới kịp nhận ra, và đôi khi bật thành
lời nói tri ân: Làm trai trăm suối ngàn
non/ Chưa bằng đời mẹ vai mòn nắng mưa/ Đôi quang gánh nhịp đùng đưa/ Thương
con mẹ gánh bốn mùa oằn vai/ Qua bao biển rộng sông dài/ Nước là nghĩa mẹ theo
hoài bên con/ Mẹ ơi núi đá dẫu mòn/ Mẹ là dòng máu mãi còn trong tim (Chiều viếng mẹ - Bùi Kim Thành).
Đó là hình ảnh của những cô gái
đồng bằng vừa đương tuổi lớn trong nét đẹp thanh thao, dịu dàng, duyên dáng: Cô em mới lớn/ ngồi chải tóc chưa dà / bầu
ngực mới nhú/ phập phồng sương mai (Ban
mai - Lê Minh Chánh). Hay cô gái hay lam hay làm chẳng nề lội đồng, lội
ruộng mùa nước nổi, lại có dư cái lúm đồng tiền chẳng mất tiền mua: Mùa nước lên chống xuồng bẻ súng/ Ngắt điên
điển vàng câu cá rô non/ Em lội ruộng lộ tròn bắp trắng/ Phù sa sông Tiền thoa
mấy ngấn son/ Mùa nước lên bơi xuồng tuốt ngọn/ Ngồi nửa nằm chân khỏa tay thăm/
Em cười rớt lúm đồng tiền cá lặn/ Mưa nắng mặc trời anh thả lưới giăng câu (Mùa
nước, mùa em - Lê Minh Hùng). Cũng cái lúm đồng tiền y vậy, nhưng
khi ở cù lao Mẻ: Em ở cù lao Mẻ/ Mà nụ
cười tròn thế Chúa ơi/ Anh thả lưới giăng câu chẳng thể/ Vớt lúm đồng tiền Đức
Mẹ đánh rơi/ Em ở cù lao Mẻ/ Mà nguyên lành một trái mồng tơi/ Anh xuôi ngược
sông Tiền chẳng thể/ Hóa hàng rào vấn vít nước mây (Em gái cù lao Mẻ - Lê Minh Hùng). Với riêng bài thơ này nhà thơ đã
sắp xếp một sự đối lập khéo léo tài tình giữa hình ảnh cù lao Mẻ và nụ cười em tròn
để thấy hết vẻ đẹp rất bình dị, chân quê.
Nói đến người phụ nữ giữa đời
thường sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nói đến tình cảm của họ dành cho những
bậc sinh thành. Và có lẽ chẳng có giây phút nào xúc động hơn để nói về tình cảm
ấy là giây phút chuẩn bị rời xa vòng tay mẹ cha để về với bến đỗ hạnh phúc hôn
nhân. Con gái lấy chồng của Nguyễn Thị Kim Tuyến chính là lời tâm sự đầy yêu
thương với người cha đã gà trống nuôi con
từ khi người mẹ bỏ đi: Con gái lấy chồng
cha uống một bữa say/ Một bữa thôi ngày mai đừng uống nữa/ Trống hoác trống huơ
nhà ngay ngọn gió/ Ai nhớ kéo mền đắp ngực cho cha/ Con gái lấy chồng đâu phải
xứ xa/ Nhưng cũng chẳng gần như ngày hôm qua được/ Khăn áo, vườn sân, vịt gà,
cơm nước/ Cầu thang cao cha bước phải coi chừng/ Con gái lấy chồng cha ở với
người dưng/ Hàng xóm láng giềng tắt đèn tối lửa/ Con muốn nói tới người dưng
khác nữa/ Áo rách cần người vá áo cha ơi/…/ Con gái lấy chồng ít bữa về thăm/
Nhưng cũng chẳng gần như ngày hôm qua được/ Đi cả đời bên con khó gì đâu cha
thêm bước nữa/ Con lấy chồng rồi cha yên dạ nghen cha!... Giá trị nhân văn
và tình thương được nhìn thấy rõ nhất ở đây chính là lời khuyên cha đi thêm
bước nữa của người con gái, khi hiểu rõ cha cũng cần được yêu thương, chăm sóc
và sẻ chia.
Thứ ba là hình ảnh người phụ nữ
trong tình yêu, thứ tình cảm có sức hấp dẫn nhất với mỗi con người. Nhiều khi
tình yêu được bắt đầu bằng những xao động nhẹ nhàng, đôi khi chỉ là một ánh mắt
dịu dàng, một bàn tay khẽ chạm của tuổi ô mai, vậy rồi cũng đủ run run cảm xúc,
đủ cho nỗi nhớ theo về: Xin một lần được
nắm bàn tay/ Để biết tình yêu là có thật/ Xin một lần được nhìn sâu vào mắt/ Để
hiểu lời con tim!/…/ Xin một lần được sống lại những ngày/ Con đường đê đội
nắng mưa đến lớp/ Kỉ niệm tuổi thơ mối tình đầu vừa chớm/ Một cái nhìn cũng hồi
hộp bâng khuâng (Xin một lần -
Chiêu Linh). Đó còn là cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc dẫn đôi khi chẳng dễ
dàng gì, bởi: Em/ cơn gió ngẩn ngơ/ lang
thang tìm bóng hình xa lắc/ Anh/ đám mây phiêu du quê lãng tháng ngày/ Chiều
vàng/ gió thổi/ mây vô tình bay/ cuối trời vô định/ Giữa dòng đời hối hả/ ta
vẫn là/ kẻ lạ người dưng (Không đề
gửi người dưng - Trần Mai Quỳnh). Đó là hai tâm hồn không đồng điệu, chưa
tìm thấy điểm chung nơi nhau, lại nhớ nhà thơ Bùi Minh Quốc trong bài Có khi nào rất nổi tiếng cũng đã từng
viết: Có
khi nào trên đường đời tấp nập/ Ta vô tình đi lướt qua nhau/ Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất/ Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu... như một lẽ bình thường của cuộc sống. Ừ thì hãy khẽ
bước chầm chậm thôi để em kịp nghe nhịp đập của trái tim mình, để nhận ra đôi
mắt nào đủ nồng ấm, tin yêu. Nếu bước chầm chậm như thế, lẽ nào ta không
thể nhận ra: Đôi mắt/ Ta dễ dàng nhận
biết/ Phía sau lưng/ Kìa!/ Khuôn mặt người tình/ Nước da ngâm rậm sâu sâu mắt/
Da trắng ngời mắt ướt mi cong (Đôi
mắt - Phạm Thị Ngọc Bích).
Sẽ là chân thành hơn cả khi chính
người phụ nữ phác họa lại chân dung mình trong tình yêu. Tôi đã đọc khá nhiều
bài thơ cũ của Phạm Thị Ngọc Bích để nhận ra trong thơ chị là hình ảnh người
con gái với tình yêu chân thành, đằm thắm, vẫn lặng lẽ góp nhặt từng chút kỉ
niệm của yêu thương: Em lại ngồi bên góc
phố lãng quên/ Ghế đá công viên chiều soi Văn Miếu/ Hàng phượng vĩ chưa đến kì
nở đỏ/ Mặt hồ buồn con sóng ngược lang thang/ Vẫn đó đây nhiều lắm những tình
nhân/ Nắm tay nhau bên hồ xanh hò hẹn/ Em trang giấy và nỗi niềm yên lặng/ Sóng
không còn vỗ mạnh một bờ xa/ Những con đường phố xá em qua/ Không nhớ nổi mình
đi về đâu nữa/ Trang sách gấp, đĩa nhạc thêm lần lữa/ Bức tranh nhiệm mầu theo
lớp bụi thời gian/ Rồi một ngày trang thơ dẫu có anh/ Nhưng cũng sẽ biệt tăm
dòng cảm xúc/ Em chầm chậm qua tháng ngày tất bật/ Chỉ xin được dừng bên góc
phố lãng quên (Góc phố lãng quên
- Phạm Thị Ngọc Bích). Đó không chỉ là con phố cho người đi về, không chỉ là
phố của những hàng cây lơ đãng. Mà con phố ấy đã treo xanh biết bao lần hò hẹn,
những bài thơ đã viết, những lời ca đã hát nhiều khi với người là phôi pha
nhưng với em lại chính là miền nhớ. Có lẽ vì nhớ, vì thương mà người con gái
trong thơ chị đã không ít lần tự dắt mình đi qua xao xác những cung đường hoài
niệm để nhận ra sự chân thành của tình yêu: Mình
em về biển mà thôi/ Không anh có lẽ đất trời thật hơn/ Phố dài xanh bóng thùy
dương/ Thương em mỏi gối con đường bớt xa (Mình em về biển - Phạm Thị Ngọc Bích). Ừ thì con đường gần lại thôi
cho em còn bước hết qua những nhọc nhằn để gõ cửa hạnh phúc yêu thương.
Với người phụ nữ, biết yêu thương
cũng đi liền với lòng vị tha, bao dung và độ lượng, bởi nếu xét cho cùng tình
yêu là cho đi nhiều hơn mong muốn được nhận về: Người nợ ta ánh mắt/ U hoài nửa đời rồi/ Những trở trăn thao thức/ Đâu nói được
bằng lời/ Sẽ xóa hết cho người/ Bước về nơi xa lắm/ Gánh bao nhiêu gánh
nặng/ Đổ sông biển đầy vơi/ Người nợ ta giấc mơ/ Dài cả thời thiếu nữ/
Giờ sắp xong kiếp người/ Thấy đời khoảnh khắc thôi/ Làm sao mà trả nổi/ Nếu
không xóa đầy trời/ Bước chân sẽ thanh thản/ Thì bỏ chín làm mười... (Nợ tình -
Hữu
Phước). Người đàn bà cất tiếng
gọi cho tình yêu đã xa, tự biết bằng lòng với hạnh phúc mình đang có rồi gửi
hết dự cảm về tình yêu và dòng trôi
mong manh của thời gian vào trang thơ: Chuyện
xa xôi chuyện ngày xưa/ Dường như ta chỉ
mới vừa hôm qua/ Gọi người về lại cùng ta/ Vầng trăng đã khuyết nẻo xa đang chờ/ Dành lòng cho hết cõi thơ/ Trút vào tất cả
mộng mơ đời mình/ Nhuộm thời gian, nhuộm cõi tình/ Mai sau còn lại chút hình
bóng xưa (Nhuộm tình - Hữu
Phước).
Mà cuộc đời vốn dĩ
nào ai rõ được ngày mai, nói như nhà thơ Thai Sắc trong Lục bát người đi về với biển: Kể
từ mình đến được nhau/ Thời gian như sóng bạc đầu trùng khơi/ Buồm chao một
cánh lưng trời/ Mà bơ vơ lạc giữa đời mênh mông/ Bến bờ thấp thoáng hư không/
Tiếng hải âu gọi trĩu lòng biển đau/ Kể từ mình đến được nhau/ Biển đời là chốn
bể dâu khó lường/ Biển thơ là cõi vô thường/ Biển tình là xứ nhớ thương vô cùng.
Có lẽ vì thế mà người phụ nữ luôn biết trân trọng từng khoảnh khắc của hôm
nay, nâng niu và giữ gìn nó như lẽ sống của đời mình, để làm nên chân dung
người vợ biết yêu thương và gìn giữ ngọn lửa hạnh phúc: Em ngồi khâu áo cho con/ Tóc buông mượt ánh trăng non đầu mùa/ Vai gầy
tần tảo sớm trưa/ Cơm sôi nhỏ lửa còn thừa ấm êm/ Công dung ngôn hạnh là em/ Giữ
nhà ta ấm những đêm gió lùa (Bài thơ
tặng vợ - Nguyễn Giang San) .
Nếu xét về phương
diện nghệ thuật, có thể thấy phần lớn những bài thơ phác họa chân dung người
phụ nữ của thơ ca Đồng Tháp không dụng công nhiều về mặt ngôn từ mà vẫn toát
lên nét đẹp tự nhiên của hình tượng. Người phụ nữ như từ chính cuộc sống bước
vào thơ bằng nét duyên và sự dịu dàng, bằng lòng thủy chung, tình cảm chân
thành và vị tha vốn có. Phần nhiều các bài thơ vẫn được viết theo thể thơ năm
chữ, bảy chữ, lục bát quen thuộc. Bên cạnh đó là một số bài tự do trải dài
nhưng vẫn khá chỉn chu trong cách gieo vần, ngắt nhịp.
Đọc thơ về hình tượng
người phụ nữ của thơ ca Đồng Tháp để càng thêm yêu quý và trân trọng những
người bà, người mẹ, người chị, người em của quê hương.
N.N.P.N
_______________
(*) Tác phẩm tham dự Cuộc
Vận động sáng tác tác phẩm LLPB lần thứ II năm 2015 do Hội Liên hiệp VHNT
Đồng Tháp tổ chức.
|
|