|

CA DAO LÒNG MẸ (*)
BẠCH PHẦN
Trong mỗi con người chúng ta và
tất cả vạn vật sinh ra, ai cũng đều có mẹ! Mẹ là dòng suối dịu hiền, mẹ
là nải chuối, buồng cau, là ánh dương soi, là hiện thân cuộc sống!... Không có mẹ, con người sẽ mất đi chỗ dựa tinh thần
thiêng liêng cao quý, không có gì bù đắp được: Mất cha ăn cơm với cá/ Mất mẹ lót lá mà nằm.
Tình cảm và tính cách của mẹ ảnh
hưởng rất lớn đến cuộc đời của mỗi đứa con, như không khí và sự sống: mẹ cần cù con hiếu thảo; mẹ đức hạnh con
khoan dung; mẹ dịu hiền con chuẩn mực; mẹ gan dạ con anh hùng…
Trong kho tàng văn nghệ dân gian Việt
Nam có biết bao áng ca dao ngợi ca lòng mẹ bao la như biển trời lai láng: Lên non mới biết non cao/ Nuôi con mới biết
công lao mẫu từ.
Thật sung sướng thay cho những ai
còn có mẹ, và được làm mẹ của những đứa con, để được cảm nhận và thừa hưởng đầy
đủ tấm lòng yêu thương nhân hậu của mẹ và thiên chức được làm mẹ yêu con: Ngồi buồn nhớ mẹ xa xưa/ Miệng nhai cơm
búng, lưỡi lừa cá xương hoặc là: Nghĩa
mẹ đậm đà chín tháng cưu mang/ Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn...
Mẹ là người đầu tiên cho ta sự
sống: Mẹ ta vui vẻ lúc ta cười/ Mẹ ta
sung sướng khi ta mạnh...
Mẹ trăn trở, lo âu mỗi khi ta
trái gió trở trời. Mẹ dắt ta đi, mẹ dìu ta bước, từ lúc chào đời đến tuổi lớn khôn. Cuộc đời
mẹ dù vất vả đắng cay, mẹ vẫn âm thầm chịu thương chịu khó, chắt chiu hy vọng
vào tương lai, hạnh phúc cháu con: Ví dầu cầu ván
đóng đinh/ Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi/ Khó đi mẹ dắt con đi/ Con đi
trường học, mẹ đi trường đời.
Cái trường đời mẹ đi không bằng
phẳng, giản đơn như trường học của các con. Nó luôn chông chênh, khúc khuỷu
như chiếc cầu treo cuộc đời, và những người mẹ của chúng ta đã phải vượt qua
bằng cả mồ hôi, nước mắt, có khi phải đổi bằng máu và sự sống. Đó là cả quãng
đời làm dâu, làm vợ trong cái ngục tù nô lệ đầy ắp bất công. Đó là những quan
niệm nặng nề trọng nam khinh nữ: xuất giá tùng phu; phu tử, tùng tử...
Là cả những hủ tục tảo hôn, đa
thê dị kỷ: Cưới nhau từ thưở mười ba/ Đến
năm mười tám thiếp đà năm con/ Ra đường thiếp hãy còn son/ Về nhà thiếp đã năm
con cùng chàng hay là: Gió đưa bụi chuối sau hè/ Anh mê vợ bé bỏ
bè con thơ/ Con thơ tay ẵm, tay bồng/ Tay bưng, tay bợ, tay cà muối tiêu.
Chẳng những ngoài xã hội mà cả
trong gia đình, người phụ nữ thời phong kiến không có quyền gì cả, ngoài quyền
được làm mẹ của những đứa con. Nhưng
điều đó cũng rất mong manh, nếu như các bà chẳng may không sinh được con hoặc chỉ sinh con gái (!?).
Cuộc đời mẹ trăm nỗi ngổn ngang,
gian truân, khổ nhục. Nhưng mẹ vẫn gượng sống, gượng cười để được yên lành dỗ
giấc con thơ: Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/
Năm canh chầy thức đủ vừa năm. Và khi:
Ru con, con ngủ xong rồi/ Mẹ ra chỗ vắng, mẹ ngồi than thân.
Tình yêu thương và công
lao trời biển của mẹ đã để lại trong kho tàng văn nghệ dân gian Việt Nam vô vàn
vốn quí. Tấm gương trung hậu, cần cù của mẹ Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Chủ
tịch Hồ Chí Minh phải chăng là sự chắt lọc từ bọc trứng Âu Cơ - tinh hoa của
dân tộc. Và hàng vạn những người mẹ, người vợ âm thầm, nhẫn nại nuôi con, chờ
chồng, quần quật cả đời, giữ hồn gia đạo, lo cho đàn con ăn no, mặc ấm: Những năm lũ lụt mất mùa/ Mẹ đi bắt ốc mò
cua trên đồng… Và mẹ như cánh cò lặn
lội bờ sông/ Gánh gạo nuôi chồng tiếng hát nỉ non…
Càng tìm hiểu về ca dao Việt Nam,
càng lớn lên trong vòng tay của mẹ, chúng ta càng thấy rõ lòng mẹ bao la, vĩ
đại đến nhường nào. Dù cho mẹ có mất đi tất cả, dù có phải hy sinh cả cuộc đời
và sự sống, mẹ vẫn không bao giờ rời bỏ những đứa con: Ví dầu mẹ chẳng còn chi/ Chỉ con với mẹ chẳng khi nào rời hay là: Một mai thiếp có xa chàng/ Đôi bông thiếp
trả, con chàng thiếp xin.
Phụ nữ Việt Nam ta vốn có truyền
thống cần cù, chịu thương, chịu khó, được Bác Hồ kính yêu tặng tám chữ vàng: anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.
Trong đó, có
những người vợ kiên trung, những người mẹ anh hùng, mang nặng đẻ đau, nuôi con
lớn khôn cho đi làm cách mạng. Bởi mẹ hiểu: Còn
kẻ thù thì không thể có hạnh phúc, tình yêu! Mẹ nén đau thương, âm thầm
lặng lẽ khóc chồng, tiễn con. Và khi những đứa con của mẹ mãi mãi không về, mẹ
lại yêu thương nuôi giấu, che chở những đứa con của dân, của Đảng. Hình ảnh mẹ
Suốt một tay lái chiếc đò
ngang, bến sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày của nhà thơ Tố Hữu hay tấm bia sống của mẹ Nguyễn Thị
Thứ - Bà mẹ Việt Nam anh hùng - quê ở
Quảng Nam, có 9 người con, cháu, chắt đều hy sinh cho cách mạng... là những biểu tượng anh hùng, bất khuất của người mẹ Việt Nam mà lịch sử dân tộc và thế giới đều phải noi gương
kính phục.
Để xứng đáng với công lao giải phóng phụ nữ của Bác Hồ kính yêu,
nỗi khao khát được sống tự do, được bình đẳng cùng nam giới đã thôi thúc những
người mẹ, người vợ gác việc riêng lo cho đất nước: Con ơi, con ngủ cho ngoan/ Để mẹ đi gánh nước non cho đầy. Nhưng gánh nước non của mẹ thật không đơn giản
như phái mày râu. Vì mẹ còn có một gánh
giang san nhà chồng: Một đi quyết trả
thù chồng/ Thoáng nghe con khóc nỗi lòng đa đoan.
Ở Đồng Tháp, đến nay đã có 1612
bà mẹ được Đảng và Nhà nước chính thức phong tặng và truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Điển hình như
mẹ Tư Sang ở xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành có 6 con ruột và một con rể đều
là liệt sĩ; mẹ Trương Thị Y ở huyện Thanh Bình, bản thân là liệt sĩ và 6 con
ruột cũng là liệt sĩ… Và rất nhiều bà mẹ, có cả chồng, con hy sinh cho cách
mạng. Các mẹ cũng là những người vợ, người phụ nữ hiền lành, có khi chưa giết
một con gà, con vịt, nhưng khi giặc đến
nhà - nói như chị Út Tịch thì còn cái
lai quần cũng đánh! Vì có đánh đuổi hết xâm lược và tay sai, cuộc đời mẹ và
các con của mẹ mới thoát khỏi cảnh bất công, nô lệ.
Bốn mươi năm trôi qua, khi nước mắt không còn để khóc những đứa con,
mẹ lại hoá thân thành những cây cau, dây trầu, ngày ngày gắn bó với ruộng đồng,
thôn xóm, góp nhặt một thời gian khó, mẹ hiền hòa ru giấc cháu thơ. Mẹ khuyên
dạy các con sống phải có nghĩa nhân, đừng bao giờ lãng quên cội nguồn, dân tộc:
Con chim se sẻ nó đẻ cột đình/ Bà ngoại đẻ má, má đẻ mình em ơi! Và
cũng thật cao đẹp biết bao với truyền thống: Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha, kính mẹ hơn là đi tu.
Trong kho tàng văn chương Việt
Nam đã có biết bao lời ca, lời thơ, những câu chuyện dân gian ngợi ca về những
tấm gương hiếu thảo, hết lòng yêu kính, phụng dưỡng mẹ cha: chàng Lục Vân Tiên
khóc mẹ đến mù mắt, một Thoại Khanh lóc thịt mình cho mẹ chồng đỡ dạ lúc đói
lòng... Và còn có hàng triệu triệu cô gái, chàng trai: Đói lòng ăn bát cháo môn/ Để
cơm nuôi mẹ cho tròn hiếu trung hay là: Em
nguyền ở vậy không chồng/ Phụng thờ
cha mẹ hết lòng đạo con.
Vừa qua, tại Thành phố Hồ Chí
Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ đã tổ chức Hội nghị
tổng kết 20 năm thực hiện cuộc vận động bình chọn Người con hiếu thảo. Đã có 146.900 gương điển hình được các cấp cơ
sở tuyên dương, trong đó có nhiều người con được tuyên dương Người con hiếu thảo suốt 10 - 20 năm
liên tục.
Trong cuộc sống quanh ta, hằng
ngày vẫn còn rất nhiều những người con hiếu nghĩa; những người con của dân, của
Đảng sau bao năm bận việc quốc gia đại sự,
họ lại trở về trong vòng tay yêu thương của mẹ, vuông tròn hiếu đạo sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.
Dù có viết thật nhiều về mẹ, hết
lời ngợi ca về công lao trời biển của mẹ, chúng ta vẫn thấy không bao giờ đủ!
Bởi mẹ của chúng ta, trong đó có Mẹ Việt
Nam anh hùng, mãi mãi là những huyền thoại, là những câu chuyện cổ tích
trong kho tàng văn hoá của dân tộc. Và chúng ta, không chỉ có ngợi ca, thừa
hưởng mà phải biết trân trọng, thương yêu và gần gũi, chăm sóc cha mẹ lúc đau
ốm, tuổi già; bởi: Mẹ già như
chuối chín cây/ Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi/ Mồ côi tội lắm
ai ơi/ Đói cơm, lỡ bước biết người nào lo.
Hiện nay, dù mỗi ngày, mỗi giờ,
chúng ta phải luôn bận rộn với cuộc sống riêng, đối mặt với kinh tế thị trường, nhưng đừng bao giờ
để những bà mẹ phải tủi buồn, vì: Mẹ nuôi
con biển trời lai láng/ Con nuôi mẹ tính
tháng, tính ngày.
Hãy yêu thương mẹ hơn yêu thương
chính bản thân mình, vì lòng mẹ là chỗ dựa nhiệm màu thiêng liêng và ấm áp!
20.10.2015
B.P
________________
(*) Tác phẩm tham dự Cuộc Vận động
sáng tác tác phẩm LLPB lần thứ II năm 2015 do Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp
tổ chức.
|
|