|

MẤY ĐIỂM
NHẤN CỦA THƠ VĂN NGHỆ ĐỒNG THÁP
2015
TAO ĐÀN
Đọc 191 bài
thơ (1) trên Báo Văn nghệ Đồng Tháp năm 2015, tác giả bài viết này thấy nổi lên mấy
điểm nhấn sau, xin được nêu lên như là một thao tác ghi nhận sự mới mẻ và khác
biệt đến từ chủ đề, chủ điểm, sự kiện... cũng như từ tác phẩm, tác giả cụ thể
xuất hiện ở đây.
Trước hết là
phần thơ dự thi với chủ đề Tái cơ cấu
nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật
Đồng Tháp và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp phối hợp tổ chức.
Có thể khẳng định, đây là một điểm nhấn
của thơ Văn nghệ Đồng Tháp năm 2015,
vì tính cập nhật và thi vị hóa một chủ trương lớn hiện nay, đó là tái cơ cấu ngành nông nghiệp Đồng Tháp.
Đã có 45 bài thơ được chọn đăng trong số hàng trăm bài thơ dự thi, chiếm hơn
1/4 số lượng tác phẩm thơ trên tất cả các chuyên mục. Chưa bàn đến chất lượng
tác phẩm dự thi, chỉ nhìn con số trên cũng có thể nhận ra tính chất nổi bật của
sự kiện thơ này.
Thơ viết về
nông nghiệp và nông thôn, cổ kim không ít. Và cũng đã có nhiều bài thơ về đề
tài này trở thành nổi tiếng ở nhiều khía cạnh, ví như Thăm lúa của Trần Hữu Thung hay Anh
chủ nhiệm của Hoàng Trung Thông... Nhưng thơ về tái cơ cấu nông nghiệp và phát
triển nông thôn mới thì chưa nhiều, bởi thể hiện cho được bản chất của các
từ ngữ như tái cơ cấu hay mới là hoàn toàn không dễ chút nào. Đọc
45 bài thơ dự thi trên Văn nghệ Đồng Tháp
càng thấy rõ điều đó.
Tuy nhiên,
dưới con mắt của người làm thơ, tôi cho rằng những bài thơ dự thi đăng trên Văn nghệ Đồng Tháp năm 2015 vẫn có những
điểm sáng khiến ta phải lưu tâm, chú ý, ít nhất từ hai khía cạnh: về phương
diện nội dung là đã tiếp cận kịp thời các điểm
nóng, các địa chỉ tiêu biểu của phong trào; về phương diện nghệ thuật là đã
tìm ra được cách thể hiện tốt nhất có thể, nhất là ở thao tác chọn lựa thể thơ
phù hợp.
Thật vậy, chỉ
cần đọc qua tên một loạt bài thơ dự thi, độc giả cũng có thể nhận ra ngay những
địa danh, ngành nghề... nổi tiếng của Đồng Tháp: Hương nhãn Châu Thành; Làng bè Bình Thạnh; Lẳng hoa Sa Đéc; Nhớ cô thợ
gốm Tân Bình; Hương xoài Cao Lãnh; Mùa xoài; Vườn xoài của cha; Hương nấm mới;
Tình chiếu; Khúc ca mùa sen; Tôi còn với hạt gạo thơm... Điều quan trọng
hơn, như là một sự gia công có chủ ý, những bài thơ dự thi này đã không sa vào
liệt kê địa danh hay ngành nghề một cách cơ giới như thường gặp đâu đó mà đã
lồng ghép, gia giảm nhuần nhuyễn hơn, khiến người đọc không gặp phải cảm giác cổ động hóa thi ca - một nhược điểm mà
thơ về đề tài này rất dễ sa vào. Có thể trích dẫn ra đây vài ví dụ: Nhà vườn liên kết thành công/ Xuân Lai Vung
nở ước mong xanh vườn (Mùa quýt hồng
- F03), hay: Quàng tay ôm lấy Tam Nông/
Trái tim sẵn tím một bông lục bình/ Mai qua thêm mấy gập ghình/ Cũng xin tròn
một mối tình với quê (Tam Nông -
B.02), hoặc: Nay tôi về hoa thắm đường
xuân/ Sa Nhiên vẫn hồn nhiên sắc nắng (Huyền
thoại làng hoa - L.02)... Để chọn được những bài thơ thật hay ở đây là khó.
Nhưng tìm những bài thơ đọc được và ít nhiều lay động cảm xúc thi ca nơi độc
giả thì mảng thơ dự thi này không ít. Vả chăng, đó là một trong những thành
công của cuộc thi, nhìn từ góc độ phong trào và sự tác động tích cực tới chủ
trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp Đồng
Tháp?
Đã có 26/45
bài thơ dự thi đã chọn đăng báo làm theo thể lục bát. Một tỉ lệ khá cao, qua đó
cho thấy việc lựa chọn thể thơ này là khá phù hợp với mảng đề tài nông nghiệp
và nông thôn, vì rõ ràng nó rất gắn với ca dao - dân ca vốn chủ yếu xuất hiện
và lưu truyền ở chốn này. Đọc những bài thơ lục bát nói trên, chưa vội bàn đến
ý tứ, hồn cốt... chỉ khảo sát nhanh ở phương diện gieo vần, đã thấy nhiều tác
giả rất dụng công và có những cách tân khá táo bạo, kiểu: Bao luống đất buộc lá reo/ Từng
giọt mặn... rịn... nhỏ... theo lưng người/ Có mùa mất trắng nụ cười/ Hoa
khóc... gục giữa hoan tươi đất trời (Lẳng
hoa Sa Đéc - C.03), hay: Chiều cù lao
miên man sóng/ Dải đất xanh xanh in bóng con tàu/ Thân tàu xô sóng lao xao/ Đưa
xa nông sản tự hào sánh tên (Bài ca
Cù Lao Tây - F.01)...
Một cuộc thi
thơ gắn với một chủ trương lớn của địa phương, có thể sẽ chẳng mấy người quan
tâm nếu nó không được quảng bá một cách tích cực trên các phương tiện thông tin
đại chúng. Rất may, Văn nghệ Đồng Tháp
đã làm được điều này và giới thiệu không chỉ hàng chục bài thơ đáng đọc về nông
nghiệp và nông thôn mà còn góp phần làm phong phú, đa dạng và giàu hình tượng
hơn nội dung của vấn đề tái cơ cấu ngành
nông nghiệp Đồng Tháp.
Điểm nhấn thứ
hai của thơ Văn nghệ Đồng Tháp 2015
là trang thơ Trại sáng tác của Tạp chí
Văn nghệ Quân đội 2015 tại Đồng Tháp. Tuy chỉ chọn đăng 12 bài trên 3 số
báo (19, 20, 24) trong tổng số hơn 100 tác phẩm thu hoạch được, nhưng quả thật,
đây đích thực là những bài thơ ấn tượng của nhiều tác giả đến từ các tỉnh phía
Nam và từ các đơn vị quân đội. Điều đáng ghi nhận ở đây là đã có nhiều tác giả
đến và viết về Đồng Tháp bằng những bài thơ mới mẻ trong phát hiện, tâm đắc
trong cảm xúc và khơi gợi trong suy tưởng. Nếu nhà thơ Phùng Văn Khai, Trưởng
ban Thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội
đã hát về bông sen Đồng Tháp bằng những dòng lục bát trĩu giai điệu, giàu hình
ảnh: Trùng trùng thân đứng bên thân/ Cao
dày hơn sóng ân cần hơn mây/ Hỡi người đi đó về đây/ Cùng ta hát khúc ca này
dâng sen (Khúc sen) thì tác giả
Nguyễn Thánh Ngã đến từ Lâm Hà, Lâm Đồng đã có những cảm nhận chân thành, xúc
động cùng những liên tưởng sâu sắc trước đất và người Đồng Tháp: Màu điên điển em ơi màu điên điển/ Vàng như
chưa từng thấy vàng hơn/ Nước đã nổi thì chân trời cũng nổi/ Ai chưa buồn thì
chưa thể cô đơn (Về Đồng Tháp).
Nếu cây bút trẻ Trương Công Tưởng đến từ Bình Định đã đằm vào đêm Đồng Tháp để nhớ và gọi em bằng
những lời thơ ám ảnh: Mai em về khung
trời mây trắng/ Thấy môi sen hồng trong bóng mây bay (Đêm Đồng Tháp) thì Kai Hoàng, cũng là một cây bút trẻ từ Bà Rịa -
Vũng Tàu về Đồng Tháp bằng những dòng
thơ đậm triết lí: Những ngày Đồng Tháp cũ
và mới/ con đường viễn khứ không trôi (Về
Đồng Tháp). Nếu Trần Huy Minh Phương của tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đến Đồng Tháp đễ cõng nắng đồng bằng bằng những câu thơ
đầy khơi gợi: Lục bình chênh chao sóng/
bữa người đi/ bông súng mắm kho mẹ chờ/ chỉ lá vàng xào xạc rơi hiên... (Cõng nắng) thì Vũ Thiên Kiều của tỉnh
Kiên Giang, với lối diễn đạt tung tẩy sẵn có, đã bén duyên Hồng Ngự bằng nhưng dòng lục bát cách điệu: Ví dầu sen mớm mắt nhau/ Phùng phình nước
trổ buồng cau giữa đàng/ Ví dầu nắng thả đọt ngang/ ghiền bông điên điển/ anh
sang/ rước người (Duyên Hồng Ngự)...
Chỉ hơn mười
bài thơ của trại được chọn đăng trên Văn
nghệ Đồng Tháp, trong đó có thơ của các tác giả bản địa như Hữu Nhân, Thai Sắc... nhưng đó là những chùm thơ có
chất lượng khá cao, như một điểm nhấn,
vừa có sức nặng vừa mới mẻ, góp phần ít nhiều vào sự khởi sắc của mảng thơ năm
2015 trên tờ báo chuyên ngành này.
Điểm nhấn thứ
ba là trang thơ Sáng tác trẻ với sự
xuất hiện khá tập trung của một số cây bút mới, trong đó nổi bật là tác giả Lưu
Thúy (Trường Chính trị Đồng Tháp). Năm 2015, trên trang mục này, Lưu Thúy đã
được đăng 6 bài thơ: Mùa nữa đi qua; Một
nửa; Lời tình đầu năm; Tình ca cho anh; Hạ sang; Quê hương tuổi thơ con.
Cùng bài thơ Thầy tôi trên trang Văn nghệ học đường, Lưu Thúy là một
trong 5 tác giả được chọn đăng nhiều nhất năm nay (2).
Điều đáng ngạc
nhiên, dù xuất hiện trên trang Sáng tác
trẻ nhưng thơ Lưu Thúy lại khá chững chạc trong cấu tứ, lối diễn đạt và
cách chọn lựa thể thơ. Đọc Lưu Thúy, người ta không có cảm giác đang đọc một
tác giả trẻ mới bước vào địa hạt thơ. Nếu không lấn cấn bởi giọng thơ có vẻ ít
nhiều vương vấn phong cách thơ mới
trong các bài thơ bảy chữ, tám chữ, người đọc sẽ lấy làm hài lòng bởi Lưu Thúy
đã mang đến một cách nói khá tự tin, cuốn hút: Mỗi lúc chiều tàn mây trắng bay/ Cánh mỏng chim trời hót vui say/ Nhớ
xưa môi chạm bờ môi nhẹ/ Một khoảng trời riêng ta ngất ngây (Hạ sang), hay: Ngoài khơi kia con sóng vẫn cứ xô/ Dào dạt hoài ấp ôm bờ cát trắng/
Tình ca em dẫu viết trong thầm lặng/ Lắm nốt trầm cũng chỉ bởi yêu anh (Tình ca cho anh), hoặc: Rồi thời gian trả lời cho câu hỏi/ Khoảng
cách nào ở lại giữa trái tim/Có yêu thương nên vẫn mãi đi tìm/Một nửa mình...
em ơi... đời ngắn quá (Một nửa).
Trong những
bài thơ đăng trên trang Sáng tác trẻ
của Lưu Thúy, có lẽ Quê hương tuổi thơ
con là bài thơ khá nhất của anh/chị. Loại trừ tên gọi bài thơ giông giống
với tên ca khúc Quê hương tuổi thơ tôi
của Từ Huy như là một gặp gỡ không chủ ý, người đọc sẽ không lấn cấn bởi điều
này để cảm nhận, tìm hiểu tác phẩm một cách nguyên
lành nhất. Bài thơ, một mặt đầy ắp những chi tiết, hình ảnh tiêu biểu về
một vùng quê sông nước: cánh cò ngoài xa;
con diều cõng kí ức trên lưng; cánh đồng vàng; dòng sông quê cũ; hàng tre xanh
bóng mát; cây đa trước miễu; mái nhà tranh; lục bình nở; bìm bịp đợi chiều; con
đom đóm..., mặt khác, thấm đẫm ý tưởng khơi gợi, liên tưởng, khiến độc giả
day dứt, cảm thông, chia sẻ với những gì tác giả gửi gắm ở đây: Ướt đầm lưng mẹ/ Giọt nước nào rất nhẹ/ Rơi
vào trái tim con, hay: Nơi tuổi thơ
con lớn lên/ Mái nhà tranh mỗi chiều mưa dột nát/ Nơi con giấu nước mắt ướt đầm
vào trong gối/ Nơi con thấy mẹ... lặng lẽ nhìn... tím cả khúc sông.
Một bài thơ
theo lối tự do nhưng xen vào giữa bằng một bài ca dao tình yêu nổi tiếng của Nam
bộ: Cây đa trước miễu ai biểu cây đa tàn/
Bao nhiêu lá rụng thương nàng bấy nhiêu, khiến nó vừa lạ lẫm vừa chân thực,
rất đáng đọc. Và vì vậy, dù chưa chắc là chuẩn xác hoàn toàn nhưng tôi cho
rằng, Lưu Thúy rất có ưu thế trong cách viết lối thơ tự do này hơn là lối thơ
bảy chữ, tám chữ, rất dễ nhòa nhập vào giọng điệu của phong trào thơ lẫy lừng
thuở 1930 -1945 nói trên. Nếu không quá lời, có thể coi Lưu Thúy chính là một trong
hai phát hiện (cùng với Lê Tấn Vũ) của thơ trẻ Đồng Tháp năm 2015.
Một năm thơ
đăng tải trên Văn nghệ Đồng Tháp,
chắc chắn sẽ có nhiều điều đáng nói, đáng bàn khi nhìn lại. Dưới con mắt của
người trong cuộc, xin nêu lên mấy điểm
nhấn dễ nhận thấy nhất ở đây, xét trên bình diện phong trào sáng tác cũng
như chất lượng tác phẩm. Những điểm nhấn
này góp phần tạo nên một diện mạo mới, lạ và hấp dẫn hơn cho thơ Văn nghệ Đồng Tháp vốn có vẻ đang chững
lại trong những năm gần đây.
Và như vậy, có
thể coi đây là một trong những đòn bẩy
(hay động lực) góp phần kích hoạt thơ
Đồng Tháp nói chung, thơ trên Văn nghệ
Đồng Tháp nói riêng phát triển khởi sắc hơn trong chặng đường mới phía
trước.
T.Đ
______
(1)
191 bài thơ được đăng trên các trang mục: Thơ (71); Thơ Đường luật (6); Văn
nghệ học đường (37); Sáng tác trẻ (20); Thơ dự thi “Tái cơ cấu nông nghiệp và
xây dựng nông thôn mới” (45); Trang thơ “Trại sáng tác văn học của tạp chí Văn
nghệ Quân đội 2015 tại Đồng Tháp” (12).
(2)
Nguyễn Hữu Trung (10); Lê Tấn Vũ (9); Hữu Phước (7); Lưu Thúy (7); Hữu Nhân
(6).
|
|