|

YẾU TỐ HIỆN THỰC
TRONG HÌNH TƯỢNG NỮ THẦN
(Trích trong “Hình tượng nữ thần trong điêu
khắc đá
từ thế kỉ X - XII
tại miền Nam Việt Nam” (*))
VÕ VĂN LẠC
Thế kỷ VII lá quá trình hình thành, phát triển
và diệt vong của nhà nước Phù Nam. Sau đó, Chân Lạp đã bành trướng
và quản lí tất cả các vùng đất miền Nam của Việt Nam ngày nay. Tâm
linh tôn giáo và nghệ thuật cùng mối quan hệ, giao lưu với nền văn hóa
Angkor trong thế kỷ X - XII đã tạo nên dấu ấn riêng biệt trong các tác phẩm
điêu khắc tôn giáo.
Có thể nói, trong quá trình phát triển và
tiếp thu các hệ thống tôn giáo bên ngoài, Ấn Độ giáo đã được hình thành
trong đời sống cư dân Nam Việt Nam và Campuchia. Đời sống, địa lí,
truyền thống của mỗi vùng miền tạo nên hệ thống văn hóa khác biệt:
kiến trúc, trang phục, phong phục, tập quán, điêu khắc... đã có những
yếu tố khác nhau. Ấn Độ là một trung tâm tôn giáo lớn và đã truyền bá
sang một số quốc gia lân cận. Sự tiếp nhận có sự thay đổi để phù
hợp với tâm lí, văn hóa bản địa của mỗi quốc gia. Đáng chú ý, hệ
thống tượng các vị thần Ấn Độ giáo được tìm thấy ở một số di tích
tại miền Nam Việt Nam và Campuchia vào thế kỷ thứ X - XII cho thấy sự
tương đồng cũng như khác biệt trong phong cách thể hiện.
Theo các công trình nghiên cứu, một số hiện
vật như tượng thần Ganesa, tượng Nam thần, tượng thần Visnu... đã được
tìm thấy. Đặc biệt, đã tìm thấy một hệ thống tượng nữ thần như:
tượng nữ thần ký hiệu 87LA93GP (khoảng thế kỷ X - XI), phát hiện năm
1987 tại Gò Phật, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, hiện
đang lưu giữ tại Bảo tàng Long An; tượng nữ thần ký hiệu 98LA01ĐH07
(khoảng thế kỷ X - XI), phát hiện 1998, tại sân bay - di tích lịch sử
ngã tư Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, hiện đang lưu giữ tại
Bảo tàng Long An; tượng nữ thần ký hiệu BTTG1484 (khoảng thế kỷ X - XI),
phát hiện 1992, tại chùa Bửu Tháp, xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, tỉnh
Tiền Giang, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Tiền Giang; tượng nữ thần
kí hiệu BTLS5566/MBB2825, kc.41,9 (thế kỷ X - XI), phát hiện tại giồng
Đồng Điền, làng Bình Phú, tổng Bình Khanh, tỉnh Trà Vinh, hiện đang
lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; tượng nữ
thần kí hiệu BTLS5591/MBB2263, kc. 41,3 (khoảng thế kỷ X - XI), phát
hiện tại tỉnh Trà Vinh, lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thành
phố Hồ Chí Minh; tượng nữ thần ký hiệu BTMT195 (thế kỷ VII - VIII),
phát hiện tại làng Trách Quang, huyện Quy Đức, tỉnh An Giang, hiện lưu
trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh; tượng nữ thần ký
hiệu BTLS5591 (khoảng thế kỷ X - XI), phát hiện tại Vắt An, tỉnh Trà
Vinh, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Thành phố Hồ Chí
Minh; tượng nữ thần ký hiệu BTL5561 (khoảng thế kỷ X - XI), phát hiện tại
Lương Sa, tỉnh Trà Vinh; tượng nữ thần ký hiệu BTLA5495 (thế kỷ XI ),
phát hiện tại Thanh Hòa, tỉnh Hậu Giang, hiện lưu trữ tại Bảo tàng
Lịch sử Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; tượng nữ thần ký hiệu BTLS5594 (thế
kỷ XII), phát hiện tại Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang…
Tất các các bức trượng được tìm thấy có niên
đại từ thế kỷ X - XII, thể hiện cấu trúc mang tính hiện thực, chứa
đựng tính chất biểu cảm. Tác phẩm phản ánh tính cầu kỳ trong cách thể
hiện các chi tiết, tỉ lệ cấu trúc phản ánh tính riêng biệt của từng
vị thần, thể hiện giá trị thẩm mỹ cao. Điều đó cho thấy rõ tính thay
đổi trong tiến trình chạm khắc tượng.
Yếu tố hiện thực: Phải khẳng định
rằng, tượng nữ thần thế kỷ X - XII là quá trình tiếp nối và chuyển biến của
điêu khắc thế kỷ I - VI. Thủ pháp tạo hình đã thay đổi đáng kể, đặc biệt trong
thủ pháp hiện thực. Các nhà điêu khắc đã khắc họa yếu tố gợi cảm, sinh động
trên cơ thể nữ tính, tạo nên vẻ đẹp thanh thoát trên từng chi tiết của mỗi bức
tượng. Vẻ
đẹp cân đối có tính hoàn mỹ trong thủ pháp tạo hình như bức tượng nữ thần kí
hiệu BTLS5561 (hình 1), chất liệu đá;
kích thước lớn. Đây là bức tượng thể hiện sự cân đối, tỉ lệ toàn thân theo cấu
trúc hiện thực. Phần đầu và hai tay đã bị mất, chỉ còn lại phần thân. Cấu trúc
cơ thể hài hòa, biểu hiện vẻ đẹp thực tế trong điêu khắc tôn giáo. Tỉ lệ phần
ngực cân đối với phần bụng, xương chậu và chân. Cấu trúc tương quan giữa phần
vai và phần xương chậu phản ánh cấu trúc đặc trưng của người phụ nữ (xương chậu
to hơn xương vai). Các nghệ nhân đã chú ý đến miêu tả sự căng tròn của cặp vú,
biểu hiện vẻ đẹp thánh thiện, chứa đựng tinh thần hiện thực. Hình khối phần
ngực của bức tượng khắc họa tinh thần sự sống, gợi cảm, nữ tính.
Bức tượng nữ thần ký hiệu BTLS5591 (hình 2), chất liệu đá. Đây là bức tượng
thứ hai thể hiện tính cân đối hài hòa mang tính thần hiện thực. Các bộ phận
ngực, thân, chân có tỉ lệ cân đối. Bức tượng đã phản ánh chuẩn mực vẻ đẹp nữ
tính, vượt ra ngoài tính quy ước, ước lệ của hình mẫu tôn giáo, thể hiện khát
khao vươn đến sự hoàn mỹ trong nghệ thuật chạm khắc. Hình khối cơ thể biểu hiện
vẻ đẹp: các khối lồi, lõm được thể hiện rõ ràng, thay đổi các không gian rõ
rệt; hình ảnh cặp vú biểu hiện vẻ đẹp của người thiếu nữ: sức sống, căng đầy,
gợi cảm; phần thân thon, nhỏ, tạo nhịp điệu thanh mảnh; toàn cơ thể được tạo nên
bởi một bề mặt láng bóng, gợi liên tưởng đến bộ phận da của cơ thể con người.
Ngày nay, bức tượng đã bị mất phần đầu và hai cánh tay nhưng vẫn là một tác phẩm
có giá trị nghệ thuật cao, thể hiện một trình độ điêu khắc phát triển trong
giai đoạn thế kỷ X - XI.
Bức tượng nữ thần ký hiệu BTLS5594 (hình 3), chất liệu đá, cho thấy một
phong cách tả thực khá trung thực. Hình ảnh cấu trúc tương quan của bức tượng
tương đối chính xác. Tỉ lệ hình hài hòa, quan hệ giữa phần ngực và phần hông có
tính hợp lí, chính xác. Bộ phận ngực được chú ý miêu tả hình khối vừa phải,
phản ảnh vẻ đẹp của người thiếu nữ trưởng thành. Sự chuyển tiếp các khối mang
tính trung thực, vì vậy, tạo nên tính hòa hòa, thể hiện vẻ đẹp hiện thực.
Thông qua ba
bức tượng nữ thần với thủ pháp hiện thực, cho thấy ý thức biểu hiện trong quá
trình sáng tác mang tính khác biệt, không có tính quy chuẩn và rập khuôn, áp
đặt của tôn giáo. Các bức tượng đã được miêu tả tư thế đứng trên bệ. Đặc điểm
của nữ thần với cơ thể đầy đặn, cân đối mang đặc trưng của cơ thể thiếu nữ;
diễn tả một vẻ đẹp gợi cảm, thanh thoát, thể hiện rõ nét văn hóa phồn thực.
V.V.L
______________________
(*) Tác phẩm tham dự Cuộc Vận động
sáng tác tác phẩm LLPB lần thứ III - năm 2016 do Hội Liên hiệp VHNT Đồng
Tháp tổ chức.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Đức Nhuệ, Vùng
đất Nam bộ từ sau diệt vong của vương quốc Phù Nam đến cuối thế kỷ XVII,
Văn hóa Óc Eo và cương quốc Phù Nam, Nxb
Thế giới, Hà Nội, 2004, tr. 352 -366;
2. Huỳnh Lứa, Về những nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu và diệt
vong của vương quốc Phù Nam, Văn hóa
Óc Eo và vương quốc Phù Nam, Nxb Thế giới,
Hà Nội, 2004, tr. 348-351;
3. Lâm Quang Thùy
Nhiên, Tượng cổ bằng đá ở đồng bằng Nam bộ, Luận án tiến sĩ, Viện khoa học xã hội vùng Nam bộ, TPHCM,
2005;
4. Jan M. Pluvier, Historical Atlas of Saouth - East Asia, P. E.J. Brill, Leiden-New
York-Holn, 1995;
5. Bernard Philippe Groslier, Indochine, Carrefour des arts, Paris,
1960, p.50;
6. John. G, Catalogue, Lost kingdoms, Hindu-Buddhist sculpture of
early southeast Asia, P.Distributed by Yale University Press, New Haven and
London, New York, 2014;
7. Во Ван Лак (Võ Văn Lạc), “Буддистская скульптура южного Вьетнама культуры
Фунань - Окэо I - VII вв.”, Молодой ученый, № 12 (116), 2016 г.);
8. Во Ван Лак (Võ Văn Lạc), “Золотые амулеты местности Готхап вьетнамской провинции Донгтхап I - VII вв.”, Молодой ученый, № 22 (102,
Ноябрь, 2015 г.).
|
|