|

RỒI AI GIỮ
LỬA CHO THƠ? (*)
NGUYỄN GIANG SAN
Tôi xin bắt đầu câu chuyện của mình bằng việc
hoài niệm về những ngày tháng đầu tiên tôi bắt đầu tập tành viết văn, làm thơ.
Đó là vào những năm đầu của thập niên 2000. Khi ấy dù ấn bản Văn nghệ Đồng Tháp chỉ ra mỗi tháng một
số, nhưng bếp lửa thơ ca nói riêng và
văn nghệ nói chung của vùng đất Sen hồng vẫn rừng rực cháy, rừng rực ấm. Từ
không khí thơ ca học đường của các em học sinh đến những người cầm bút chuyên
nghiệp đều mang những gam màu tươi sáng.
Đó là cuộc thi sáng tác thơ văn với chủ đề Viết về thầy cô và mái trường thân yêu do Sở Giáo dục và Đào tạo phối
hợp với Hội VHNT tổ chức nhiều năm liền, năm nào cũng thu được kết quả đáng
khích lệ với số lượng hàng nghìn bài ở vòng sơ khảo. Những cô cậu học trò tập
tành làm thơ bằng những cảm xúc trong trẻo, tinh khôi nhất.
Đó là những đêm sinh hoạt Câu lạc bộ Văn học
do trường Đại học Sư phạm Đồng Tháp kết hợp với Hội VHNT Đồng Tháp tổ chức, mà
sự chuẩn bị là những cuộc thi văn học đã được sinh viên nhiệt tình hưởng ứng từ
hàng tháng trước, những tiểu phẩm nhỏ đã được tập dượt kĩ càng trong hàng mấy
tuần lễ. Giảng đường với sức chứa trên hai trăm sinh viên chật kín không một
chỗ trống. Chúng tôi háo hức chờ đợi được nghe những tác giả như Thai Sắc, Hữu
Nhân, Hữu Phước… đọc thơ và chia sẻ những kinh nghiệm sáng tác. Chúng tôi cũng
háo hức lắm được lần đầu tiên bước lên để trình bày những tác phẩm hãy còn rất
vụng về của mình.
Đó còn là những đêm thơ của Ngày thơ Việt Nam
trong những lần đầu tiên được tổ chức, từ những sân khấu thơ ở sân trường Đại
học Đồng Tháp, Quảng trường Văn Miếu đến trung tâm văn hóa các huyện thị, sân
trường các trường trung học phổ thông trong tỉnh… Tất cả đầy ắp khán giả.
Đó là khoảng thời gian mà ngoài Văn nghệ Đồng Tháp thì những ấn bản
chuyên về thơ văn dành cho bạn trẻ như Áo
trắng, Mực tím luôn cháy hàng ở các sạp báo. Ngay trong Hội ta ngày hôm nay
cũng có những cây bút bắt đầu nghiệp viết từ bút nhóm Vòm me xanh của báo Mực tím.
Nhưng… Đến hôm nay, khi Văn nghệ Đồng Tháp đã được tăng trang, tăng kì nhiều năm rồi thì
một thực tế là bầu không khí sinh hoạt thơ ca của tỉnh nhà dường như có phầm
trầm lắng hơn. Cuộc thi sáng tác với chủ đề Viết
về thầy cô và mái trường thân yêu đã vài năm rồi không còn được tổ chức. Những
buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Văn học của trường Đại học Đồng Tháp đã không còn
được quy mô, hoành tráng như xưa mà chỉ là vài mươi bạn ngồi lại đọc thơ, đàn
hát cho nhau nghe. Vài năm gần đây, Đồng Tháp cũng ít tổ chức đêm thơ cho Ngày
Thơ Việt Nam hơn. Vì quả thật những đêm thơ càng về sau này dù chúng ta đã đầu
tư một cách công phu nhất, nghiêm túc nhất, thậm chí mời những nhà thơ, nghệ sĩ
ngâm thơ tên tuổi thì số lượng khán giả đến tham dự cũng không được như mong
muốn. Tôi vẫn nhớ một đêm thơ được tổ chức ngoài trời tại Nhà Văn hóa Lao động,
giọng ngâm trong trẻo của người nghệ sĩ cất lên giữa ánh trăng vằng vặc đêm
rằm. Đẹp là thế, hay là vậy, nhưng chúng ta cũng chỉ có được khán giả qua vài
tiết mục đầu tiên, rồi sau đó, chỉ còn người của Hội mình đọc thơ cho nhau
nghe.
Thơ in có vẻ đã không còn được chú ý như trước
đây, các ấn bản chuyên về văn học trẻ cũng không còn được ưa chuộng và phát
hành với số lượng rất ít, thậm chí phải đặt ở bưu điện tỉnh mới có. Riêng Văn nghệ Đồng Tháp do giữ được bản sắc
riêng và một phần được sự ủng hộ của nhiều đơn vị nên vẫn tăng được số lượng
phát hành.
Thực tế,
chúng ta đã làm được rất nhiều việc trong thời gian qua. Đó là việc xây dựng quy
chế và xét hỗ trợ đầu tư phổ biến tác phẩm văn học - nghệ thuật hàng năm. Đó là
việc tổ chức nhiều chuyến đi thực tế cho văn nghệ sĩ nói chung và những người
làm thơ nói riêng. Đó là việc tổ chức được nhiều cuộc thi thơ để khuấy động lại
bầu không khí đang trầm lắng. Đó là việc xuất bản rất nhiều đầu sách trong đó
có không ít tuyển tập thơ… Nhưng bếp lửa
thơ ca, theo tôi, dường như đang cứ nguội dần. Nguyên nhân vì đâu và rồi ai
sẽ là người giữ lửa cho thơ của vùng
đất Sen hồng?
Về nguyên nhân, đầu tiên và dễ thấy nhất đó
chính là tác động quá lớn của văn hóa nghe nhìn. Đã qua rồi thời người ta say
mê ngồi với sách vở. Việc đọc sách nói chung và đọc thơ nói riêng với nhiều bạn
trẻ bây giờ đã không còn thú vị bằng việc nghe nhạc, xem phim, chơi game, lướt
facebook… Chỉ cần một chiếc điện thoại là người ta có cả thế giới trong lòng
tay mình. Và, thay vì làm thơ để ghi lại cảm xúc, người ta thích chụp ảnh mình
để ghi lại khoảnh khắc nhiều hơn, nhanh hơn.
Một nguyên nhân khác từ chính người viết. Sự
đổi mới, cách tân thơ ca một cách dễ dãi, hời hợt đôi khi phá vỡ những chuẩn
mực cần có ở thơ. Người đọc không hiểu được thơ mình và dần dần xa rời thơ cũng
là vì vậy. Thơ là tiếng nói của tâm hồn, của tình cảm. Đã là lời thơ nghĩa là
phải đi được từ trái tim đến trái tim. Đã nhiều năm trôi qua rồi, nhưng tôi vẫn
nhớ như in hình ảnh tác giả Khắc Chu, ngồi cùng tôi trong một quán cà phê nhỏ
trước cửa Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng. Anh đọc cho tôi nghe
những câu thơ mình vừa viết trong ngày đầu tiên chị bệnh: Tận cùng đáy vực rồi em/ Trăm ngàn nỗi khổ lại kèm nỗi đau/ Bên bờ sinh
tử ôm nhau/ Cắn răng còn hạt máu nào đỏ không. Thơ là phải thế, phải đánh
thức được những rung động của lòng trắc ẩn, phải chứa đựng giá trị thẩm mĩ và
tính nhân văn cao cả.
Người làm thơ, còn vì một lẽ, những nhọc nhằn
của cuộc sống mưu sinh, gánh nặng cơm áo gạo tiền, công việc, gia đình dần cuốn
ta đi rồi quên dần thơ. Chính người viết còn để bếp lửa thơ của nhà mình nguội lạnh thì đòi hỏi làm sao được một
bầu không khí văn chương ấm cúng. Nuôi dưỡng cảm xúc cho thơ là một điều không
hề dễ dàng. Đã không ít lần Văn nghệ Đồng
Tháp phát hiện được những cây bút rất đáng chú ý, nhưng sau một khoảng thời
gian, chỉ còn viết cầm chừng, thậm chí rơi vào im lặng. Ta còn viết tiếp được
hay không chính là ở tình yêu của ta dành cho thơ vậy. Có những sự trở lại với
văn chương của bạn viết làm tôi thật sự ấn tượng. Đó là một Minh Hoàng tưởng
nhiều năm gác bút thì bỗng chợt quay về không chỉ với thơ, mà còn với văn, vọng
cổ…, đạt khá nhiều giải thưởng, thành lập bút nhóm dìu dắt các bạn viết trẻ. Đó
là một Phan Thị Cẩm Nhung quay trở về với một giọng thơ đầy nữ tính, sâu lắng,
mượt mà. Nhưng quả thật với Văn nghệ Đồng
Tháp những hiện tượng ấy không nhiều.
Cũng không phải là quá nhiều các địa phương ở
Đồng bằng sông Cửu Long mà văn chương nói chung và thơ ca nói riêng được lãnh
đạo quan tâm và tạo điều kiện như ở tỉnh ta. Những sự hỗ trợ cần thiết và tốt
nhất, chúng ta đã có. Nhưng bếp lửa thơ
ca vẫn đang nguội dần. Còn ai giữ lửa
cho thơ tốt hơn chính người viết chúng ta bằng việc giữ gìn, nuôi dưỡng cảm
xúc thơ ca và cuộc đời, cũng như đánh thức được những rung động cần thiết nơi
trái tim người đọc.
Cuộc sống đang từng ngày thay đổi, trục nhu
cầu thưởng thức nghệ thuật, thẩm mỹ cũng không ngừng xoay. Bầu không khí thơ ca
chung này, chúng ta có làm ấm lại kịp không bằng việc giữ gìn những bếp lửa của lòng mình? Niềm trăn trở này
xin được chia sẻ cùng bạn nhân Ngày thơ Việt Nam.
N.G.S
______________________________
(*) Tham luận tại Tọa đàm Thơ do Hội Liên hiệp VHNT Đồng
Tháp tổ chức nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI (02/3/2018).
|
|