Hoạt động và
hưởng thụ văn hóa là một trong những nhu cầu của mọi tầng lớp người trong xã
hội. Ngoài các loại hình như phim ảnh, sân khấu, văn học, mỹ thuật… thì âm nhạc
đóng vai trò không nhỏ trong thế giới giải trí của mọi người mà nhất là giới
trẻ, một lực lượng đông đảo đầy năng động và sáng tạo.
Nếu
ta trở về với hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thì âm nhạc nói chung và ca
khúc nói riêng đã gắn bó máu thịt với tình cảm của nhân dân cũng như lực lượng
vũ trang, nó trở thành món ăn tinh thần mang tính đại chúng, góp phần cho sự
nghiệp giải phóng dân tộc thành công.
Trong
ca khúc, giai điệu, tiết tấu đóng vai trò then chốt, tạo nên âm thanh đẹp thông
qua tiến trình giai điệu, tạo không khí hồ hởi, phấn khởi hoặc nhịp điệu giàn
trải thông qua tiết tấu. Giai điệu và tiết tấu gắn liền nhau, phối hợp với nhau
tạo ra hiệu quả thú vị. Sau đó là lời hát (ca từ), thể hiện nội dung về một
hiện tượng, sự việc nào đó cùng tư tưởng, tình cảm mà tác giả muốn truyền đạt với
người nghe.
Nội
dung của ca khúc chủ yếu được thể hiện bằng ca từ. Ca từ trong ca khúc phải
được tác giả tìm tòi, lựa chọn, cân nhắc kỹ càng để góp phần nâng cao giá trị
nghệ thuật của tác phẩm, qua đó, thu hút và cảm hóa người nghe, đồng thời tạo
điều kiện tốt cho ca sĩ biểu diễn.
Theo
thạc sĩ Nguyễn Bách: Ca từ được xem là một trong hai phần chính của ca khúc.
Có thể xem ca từ là anh chị em với
thơ ca. Vì vậy nó vừa phải tuân theo đặc trưng của nghệ thuật thi ca vừa phải
đáp ứng được những yêu cầu chuyên môn của lĩnh vực âm nhạc.
Điều
khó khăn mà không ít người sáng tác ca khúc gặp phải đó là việc đặt lời ca. Có thể nói, đây là sự tổng hòa giữa cái ảo của thơ và cái thực của đời sống. Muốn vậy, ca từ cần phải tránh những hạn chế
sau :
- Ca từ làm rối nghĩa, ngữ pháp không
chuẩn :
Ví
dụ : Anh bơ vơ giữa dòng người qua / Một
ai đón nhau trên bờ vai… (Ca khúc Mưa
phi trường - Việt Anh).
Ca
từ một ai là số ít thì làm sao đón nhau (ít nhất hai người trở lên) và sao
lại đón nhau trên bờ vai ? Thật khó
hiểu.
Hoặc
bài hát được giải thưởng Bài hát Việt năm 2008 (giải thưởng Bài hát của năm do hội đồng nghệ thuật
bình chọn) có tên là Chênh vênh của
tác giả Lê Cát Trọng Lý với cụm từ được lặp lại nhiều lần: Hôn em, ôm em cho nát chênh vênh / Ừ tình là
điên khát say / Hôn em, ôm em sao cho nát chênh vênh… Không hiểu nổi !
-
Ngắt câu, chọn tiết tấu không đúng, làm sai lệch ngữ nghĩa :
Ví dụ : Ngày anh đi / mang theo trái tim / ai bao buồn đau bỏ đi rất xa quê nhà nơi có những người / hờn ghen đôi
ta… Tác giả Đức Trí chọn cách ngắt câu như trên thì buồn đau là tính từ bổ nghĩa cho cụm danh từ trái tim ai hay buồn đau
là chủ ngữ trong cụm chủ vị bao buồn đau
bỏ đi rất xa ?
-
Ca từ còn đậm chất văn nói, khẩu ngữ :
Ví dụ : Trong tập ca khúc, ca cổ Cung đàn sông Hậu mới xuất bản nhằm chào
mừng khánh thành cầu Cần Thơ ngày 24/4/2010 có tác phẩm Chiếc cầu mang mùa xuân đến của tác giả Nguyễn Văn Thuấn mà phần ca
từ có chỗ quá thiên về tả thật : Xuân về,
mẹ ngày ngóng đêm trông đàn con xa xứ, có cầu con về nhà mau chóng! Chiếc cầu như xuân thì đợi mong…Chiếc cầu là
nguồn sáng đang xây…Xóm làng nhà nhà mới khang trang, phố phường những con
đường rộng mở… Thiết nghĩ, phần ca từ trên còn đậm chất văn nói pha chút
khẩu ngữ, cần nâng thêm tính văn học để có khả năng khơi gợi và ngữ nghĩa huyền
ảo hơn.
Riêng ở Đồng Tháp, các chuyên ngành âm
nhạc, sân khấu đã nhận được những tác phẩm mới của anh em hội viên, có những
bài với ca từ mang tính nghệ thuật cao nhưng cũng có không ít bài còn yếu về ca
từ.
Theo đạo diễn Đặng Tiền Duyên, Phân
hội trưởng Sân khấu phát biểu tại Hội nghị sơ kết quí I/ 2010 của Hội VHNT Đồng
Tháp thì vẫn còn những tác giả chưa quan tâm nhiều đến ca từ cũng như lối diễn đạt kiểu: hạnh phúc đang chực chờ ập tới hay đói nghèo nay vượt khỏi tầm tay.
Những năm qua, phong trào sáng tác ca
khúc tại Đồng Tháp đã có nhiều tiến bộ đáng kể. Tác phẩm của các anh em hội
viên đã đạt nhiều giải thưởng ở tỉnh, khu vực, toàn quốc. Đây là nỗ lực lớn và
là biểu hiện sinh động của tài năng rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, cũng còn
những tác giả do gấp rút viết bài để nộp ban tổ chức các cuộc thi, cuộc vận
động sáng tác cho kịp thời hạn nên ca từ vẫn còn hạn chế, yếu kém, cần phải sửa
chữa nhiều lần mới hoàn chỉnh, có khả năng sử dụng được.
Nhược điểm trên không chỉ diễn ra với
anh em mới sáng tác mà ở những cây bút lâu năm, có người cũng mắc phải bởi
nhiều lý do khác nhau.Thiết
nghĩ, là những người hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật,
chúng ta cần đầu tư, chăm chút cho ca từ trong ca khúc của mình thật đúng, thật
hay, thật đẹp, nhằm tạo ra những tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh, trọn vẹn, đóng góp
cho chuyên ngành âm nhạc tỉnh nhà những thành tựu và thành công mới hấp dẫn,
độc đáo hơn.
|