|

Tiếng thời gian
Trung Thu
Thời gian, tự thân đã là một khái niệm mang
tính ước lệ rất cao.
Khi chúng ta vừa nghĩ về một vấn đề nào đó,
thì ngay lập tức, nó đã trở thành 'quá khứ', là cái đã qua, nên cái được gọi là
thì hiện tại, vốn dĩ rất mong manh, có vẻ như nó không thực sự tồn tại, nhưng lại
luôn luôn tồn tại. Khi tôi đang suy tưởng về một hình bóng trong quá khứ, em
đang tan trường về (hay trường tan em về), thì chính cái cảm giác như đang dõi
mắt theo em ngày ấy, nó đang thật sự hiện hữu, nó mang thì hiện tại của quá khứ.
Cũng như, khi đã có kết quả cuộc thi, chỉ còn chờ đến thời điểm lên nhận huy
chương, khi tưởng tượng đến đoạn, đang đứng trên một khán đài nào đó, một nhân
vật nào đó đang trao cho tấm huy chương, với vẻ mặt rạng rỡ, với bao tiếng vỗ
tay chào mừng của mọi người tham dự, thì hình ảnh này cũng là thì hiện tại của
tương lai (dù thực sự sau đó, nó có thể không xảy ra đúng như thế).
Từ khá lâu rồi, chúng ta chỉ hình dung rằng
chiếc máy ảnh chỉ có thể ghi nhận được cái 'thì hiện tại của quá khứ' mà thôi,
nghĩa là cái 'đã xảy ra', chứ hoàn toàn không thể ghi nhận được cái chưa xảy
ra, còn cái đang xảy ra, có thể chúng ta vừa ghi nhận được, vừa không. Cái ghi
nhận được, là đã trở thành quá khứ, tuy nhiên thuật ngữ hiện tại này vốn chỉ là
thuật ngữ mang tính triết học, không hoàn toàn được chấp nhận trong thực tế. Và
người ta sẽ chấp nhận ở ngưỡng tương đối rằng thì hiện tại là một khoảng thời
gian có thể rất ngắn hay thật dài, nó có thể là của giờ này, của ngày hôm nay,
hay của thế hệ này, hay thiên niên kỷ này, và vì thế, nếu không đưa ra giới hạn,
thì thuật ngữ 'thì hiện tại', quả thật rất không rõ nghĩa. Nhiếp ảnh, là khoảnh
khắc, là chọn lấy 'thì hiện tại' mãi mãi cho một sự việc, cho một hành động,
hay cho một chân dung, một phong cảnh, nó biến cái đã hay chưa xuất hiện, hiện
hình ở thì hiện tại mãi mãi. Khi chụp một hình ảnh anh lính với chim bồ câu đậu
trên nòng súng, tác giả đã thể hiện lòng mong muốn của mình biến một ước vọng
trong tương lai thành 'thì hiện tại'.
Và cũng khá xa lạ với quan niệm của khá nhiều
nhiếp ảnh gia Việt Nam, khi nhìn thấy những hình ảnh siêu thực, trừu tượng, với
những âm hưởng kỳ quái, tương tác lạ lùng, giao thoa khó hiểu, của các nhiếp ảnh
gia nước ngoài. Vì cái 'thì hiện tại' của người ta, ngoài chuyện của quá khứ, của
tương lai, nó còn của tâm thức, của suy tưởng, của ảo giác, của mộng mơ, ... và
khi đó, cái thì hiện tại vốn đã mông lung, lại càng thêm khó hiểu.
Khi thể hiện những bong bóng xà phòng, lung
linh màu sắc, có thể một hình ảnh lập lòe của những ánh đèn sân khấu đã hiện về
bên những điệu nhảy cuồng loạn, với người tình năm xưa ?? Hoặc một ước vọng
thành công với bao lời chúc tụng chào mừng.....
Thời gian vốn là một đại lượng khó đo, khó đếm,
nó không phải chỉ có đi tới, mà nó còn đi lui, nó không phải vô hình mà rất hữu
hình. Nó không phải là thời gian trong Vật lý, mà nó là thời gian trong nghệ
thuật.
Muốn bảo nó quay thì nó quay, muốn bảo nó dừng
thì nó dừng, nếu không dừng thì sao có thể cho nó vào không gian hai chiều của
bức ảnh được ? Đúng là thời gian không ngừng, đó là thời gian của Vật lý, còn
thời gian của NGHỆ THUẬT, thì có thể chạy tới, de lui, xoay qua, giật lại, đưa
lên, kéo xuống, muốn sao thì ra thế, ẩn ẩn, hiện hiện dưới bàn tay nhào nặn kỳ
tài của NGHỆ SĨ.
Thời gian không phải chỉ là những năm cùng
tháng, mà nó còn là cảm giác của con người trước thời gian. Nó có thể là ngắn,
là dài, là đến sớm, là đi muộn, là thanh xuân tươi trẻ (dù ở tuổi 80), là già
nua lụ khụ (dù là ở tuổi đôi mươi).
Tưởng rằng nó đến không ai hay, nó đi không
ai biết, nhưng nó luôn hiện hữu trong từng con người, và mỗi người tự cảm nhận
thời gian theo một cách khác nhau.
Đối với con người này, thời gian có thể luôn
là thì quá khứ (ăn năn, trách móc, không tự hài lòng với chính mình), với ai
kia, thì lại luôn là thì tương lai (kế hoạch, đự dịnh, ảo tưởng, mộng mơ,), và
đương nhiên số người coi thời gian mang thì hiện tại là đa số.
Còn nghệ sĩ thì sao? Trong nghệ thuật, thời
gian luôn ngừng lại, nghệ sỹ nắm bắt thời gian phải dừng lại ở khoảnh khắc này,
ở giai đoạn kia. Đưa cảm giác lê thê hay chóng vánh xuất hiện ở nơi này hay nơi
nọ, khiến mùa đông trôi qua, còn mùa thu đọng lại (Thu ăn măng trúc, đông ăn
giá, Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao - Nguyễn Bỉnh Khiêm). Khiến người ra đi như còn
ở lại (Vầng trăng ai xẻ làm đôi, nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường - Chinh
Phụ Ngâm).
Và khi chặt lấy một mẩu này của cuộc sống,
hay một mẩu kia của tâm tư, nghệ sĩ luôn chuyển tải những thông điệp nào đó cho
người, cho đời, và khi nó tạo được một điểm nhấn, một chỗ dừng, nó trường tồn.
Khi nói ngừng lại, là muốn nói đến chuyện tác
giả đã chọn một thời điểm nào đó của cuộc sống, ghi nhận khoảnh khắc đó của cuộc
sống, và thế là nó đã bị dừng lại trên không gian hai chiều của bức ảnh. Còn
lúc bảo rằng thời gian không ngừng lại, là tính trường tồn của tác phẩm, biến một
vật, một cảnh (dù đã ngừng lại), vẫn như có vùng nối phía trước của thời gian,
và vùng nối phía sau của thời gian, liên kết với điểm dừng của tác phẩm thành một
chuỗi trường tồn.
Một vài trống canh ư ? Không ngắn, cũng không
dài, nhưng cũng đủ để ta có thể nhận thấy được cái thời gian như hiện hữu, như
vô thường, như có, như không, như một khoảnh khắc, hay như một đêm dài vô tận.
Rồi thời gian hòa trộn với không gian, đem mái nhà lẩn khuất trong con phố xa,
đem tấm lòng hòa quyện với cái mênh mông, lời ru theo dòng tóc ngược về ngàn
năm trước, rồi trải dài ra ngàn năm sau, ...
Ôi ! Thời gian là gì ??? Trung Thu
|
|